Pages

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Quốc Hội CSVN muốn làm lịch sử hay tự sát?

Icon_ĐCS_Quốc Hội1
Trong 67 năm, kể từ Khóa 1 năm 1946, chưa bao giờ Quốc hội Cộng sản Việt Nam phải đặt mình lên bàn cân cho lịch sử phán xét như trường hợp của 500 đại biểu của Khóa XIII sẽ làm tại phiên họp lịch sử ngày 11 tháng 6, 2013) trong cuộc “lấy phiếu tín nhiệm” 49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Việc làm này, theo chương trình của Quốc hội sẽ tuần tự diễn ra từ sáng ngày Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013 khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

(Bài viết này chỉ tập trung vào cuộc bỏ phiếu của Quốc hội đối với 49 chức danh thuộc thầm quyền của Quốc hội nên sẽ không bàn đến tiến trình bỏ phiếu của Hội đồng Nhân dân).
49 chức danh thuộc thẩm quyền bỏ phiếu của Quốc hội gồm:
a) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;
b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
c) Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;
d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Theo Nghị quyết 35 thì “Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: ‘tín nhiệm cao,’ ‘tín nhiệm,’ ‘tín nhiệm thấp.’”
Quốc hội cũng quy định rằng: “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội (trên 250 phiếu) đánh giá ‘tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.’”
Tuy nhiên việc này cũng còn tùy vào “thiện chí” hay mức độ có biết “xấu hổ” hay không của người bị đánh giá thấp!
Theo lịch của Kỳ họp 5 Quốc hội Khóa XIII (từ 20 tháng 5 đến 19 tháng 6, 2013) thì ngày lịch sử 11 tháng 6 bắt đầu từ 7:30 sáng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (nếu có).
Sau đó từ 9 giờ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trưởng ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn (nếu có) và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm.
Tuần tự, những việc sau đây sẽ diễn ra:
- Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu.
- Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Chiều:
- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.
Thứ Tư, ngày 12 tháng 6, 2013
Sáng:
- Thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Theo các phát ngôn viên Quốc hội thì mọi chuyện sẽ diễn ra “công khai” và kết quả sẽ thông báo cho toàn dân biết.
Vạch đường cho hươu chạy?
Ðấy là bước đầu của tiến trình “lấy phiếu tín nhiệm.”
Ðến giai đoạn “bỏ phiếu tín nhiệm” (hay bất tín nhiệm) còn có nhiều khúc quanh co rất dễ nhận ra việc bỏ đi một cấp lãnh đạo bất lực hay mất phẩm chất trong hệ thống cầm quyền của đảng CSVN rất khó khăn, chông gai hơn những tiêu chuẩn đảng và nhà nước đặt ra khi tuyển chọn người này.
Ðầu tiên, Nghị quyết 35 viết: “Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội (334 phiếu) đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.” theo quy định tại Ðiều 12 của nghị quyết này.
Nhưng trước khi mò mẫm đến điều 12 thì hãy đọc Ðiều 11 nói về “Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm” để thấy rằng thủ tục để “bứng” đi một người kém hay xấu cũng không dễ dàng gì!
Trước tiên phải có một trong số “yếu tố phải có ” để Quốc hội có thể cứu xét bỏ phiếu “bất tín nhiệm” gồm:
a) Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị;
b) Có kiến nghị (yêu cầu) bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội (hay 100 phiếu);
c) Có kiến nghị (yêu cầu) của Hội đồng Dân tộc hoặc ủy ban của Quốc hội;
d) Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”;
đ) Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” trong 02 năm liên tiếp.
Sau khi vượt qua khỏi “các đoạn đường chiến binh” này thì “Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” còn phải đi qua nhiều thủ tục rườm rà ghi Ðiều 12 của Nghị quyết 35 như sau:
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội;
2. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội;
3. Quốc hội thảo luận tại đoàn Ðại biểu Quốc hội;
4. Trong trường hợp cần thiết, chủ tịch Quốc hội họp với các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan;
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn Ðại biểu Quốc hội;
6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu. Việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm phiếu theo quy định tại Ðiều 31 của Nội quy kỳ họp Quốc hội;
7. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm,” “không tín nhiệm”;
8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm;
9. Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với cách thức “lấy phiếu tín nhiệm” rồi “bỏ phiếu tín nhiệm” qua nhiều nấc thang “tìm đường cho Hươu chạy” như trên cộng với tập quán “nể nang nhau,” đặt “tình đồng chí” trên “tình đồng bào” hay “nay người mai ta” nên hãy “xí xóa” cho nhau để “còn nhìn mặt nhau” thì dễ gì Quốc hội XIII có thể làm nên việc, nói chi đến chuyện họ có “quyết tâm trong sáng” và “công tâm” khi người bị “xử” và “kẻ ngồi xử” đều là đảng viên của một đảng, hay ở cạnh nhà nhau?
Vì vậy nếu Quốc hội Khóa XIII không có quyết tâm và bản lĩnh làm cách mạng trong cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 6 (2013) như kỳ vọng của người dân thì họ sẽ không chỉ tự cầm dao chặt tay mình mà không chừng chặt đứt luôn cả chế độ nữa.
Ðiều này nếu có xẩy ra cũng không có gì là ngạc nhiên vì Ðiều 3 của Nghị quyết 35 của Quốc hội đã nói rõ: “Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem sét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.”
Lập luận nước đôi “vừa đánh vừa run” này có khác chi điều ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nói trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (31/12/2011) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay,” theo đó ông nhấn mạnh mục đích của Nghị quyết 4 là biết “nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau, ‘trị bệnh cứu người.’”
Nhưng sau một năm thi hành Nghị quyết 4, ông Nguyễn Phú Trọng đã không cứu được bệnh nhân nào như ông và Ban Chấp hành Trung ương đã chứng minh thất bại tại Hội nghị 6.
Hiến pháp của đảng hay của dân?
Ngay đến chuyện thảo luận Hiến pháp sửa đổi 1992 lần đầu tại Quốc hội tuy được ấn định trong 3 giai đoạn: Thảo luận ở tổ ngày 24 tháng 5, 2013 và tại hội trường trong hai ngày 3 và 4 tháng 6, 2013 nhưng ai cũng đoán được kết quả sẽ như đảng muốn!
Lý do vì ông Phan Trung Lý, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nói nhiều điều “phủ đầu” ngay sau khi Quốc hội khai mạc (20 tháng 5, 2013).
Về ý kiến thay đổi tên nước, ông Lý nói: “Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến nêu trên, Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, tên nước là hoặc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là Cộng Hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.”
Nhưng ai cũng biết tên “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,” áp dụng từ năm 1976, là tiêu biểu của một tư duy lạc hậu, giáo điều và bảo thủ đã nhấn dân sâu hơn xuống hố chậm tiến và đẩy đất nước tiếp tục lùi lại xa hơn các nước láng giềng.
Với nội dung này, Chủ nghĩa Cộng sản thoái trào và phá sản bị tan rã ở Nga Xô và bị nhân dân các nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa Ðông Âu vứt vào sọt rác đã được giới lãnh đạo Việt Nam lạc hậu cả về trình độ chính trị và cằn cỗi về văn hóa áp đặt lên những người dân thấp cổ bé miệng Việt Nam qua Ðiều 4 Hiến pháp chỉ với mục đích duy nhất để phục vụ cho tham vọng chính trị và quyền lợi phe nhóm.
Vì vậy ông Phan Trung Lý đã phản ảnh rất rõ tham vọng của phe “bảo thủ ý thức hệ trong đảng” khi nói rằng: “Theo Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, việc giữ Ðiều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của đảng là cần thiết.”
Nhưng tại sao lại “cần thiết” thì không thấy ông Lý giải trình với Quốc hội. Nhưng đây cũng chính là quan điểm của hai ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hai người tiêu biểu cho khuynh hướng giáo điều lạc hậu trong đảng.
Ông Trọng từng lên án những ai đề nghị bõ Ðiều 4 Hiến pháp là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.” Ông Hùng thì bảo như thế là “ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn”
Nhưng cũng chính vì duy trì Ðiều 4 mà đất nước sẽ tiếp tục lạc hậu và người dân sẽ không có cơ hội để tiến bộ, cán bộ, đảng viên sẽ suy thoái nghiêm trọng hơn vì Ðiều 4 là nguồn gốc của “đặc quyền” và “đặc lợi” của tầng lớp cầm quyền.
Ðấy là lý do tại sao ông Lý đã căn cứ vào báo cáo kết qủa, đa số làm theo chỉ thị, sau 3 tháng lấy ý kiến toàn dân cho Hiến pháp sửa đổi từ 2 tháng 1 đến 31 tháng 3, 2013, để báo cáo với Quốc hội rằng: “Ý kiến nhân dân tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng đối với Nhà nước và xã hội; tán thành bổ sung quy định đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”
Nhưng bên cạnh số “nhân dân” muốn đảng lãnh đạo, vì nhiều lý do phải ký tên đồng ý để không bị phiền toái, còn có nhiều triệu người dân thuộc 3 tôn giáo lớn gồm Phật giáo (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất), Công Giáo và Phật giáo Hòa hảo Thuần túy (cụ Lê Quang Liêm) và hàng chục ngàn người dân khác đã công khai ký tên vào các bản góp ý nói họ không muốn duy trì Ðiều 4 Hiến pháp phản dân chủ.
Ðây là lần đầu tiên đã có một số lớn người dân công khai đối lập với đảng CSVN để chứng minh đảng không còn được “nhân dân đồng tình ủng hộ” như nhà nước vẫn tuyên truyền.
Tuy vậy, ông Phan Trung Lý đã thay mặt đảng bác bỏ những ý kiến xây dựng nghiêm chỉnh của nhiều tầng lớp nhân dân đã khuyên đảng hãy can đảm lột bỏ chiếc áo giáo điều lạc hậu để mau chóng rút chân nhân dân ra khỏi vũng bùn chậm tiến.
Ông vẫn khăng khăng nói với các Ðại biểu Quốc hội: “Quy định này (vai trò lãnh đạo của Ðảng) kế thừa quy định tại Ðiều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Ðảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Ðảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh, đó là: “Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng.” Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Ðảng như vậy, nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Ðảng và ghi nhận vào Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước. Do vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ Ðiều 4 như Dự thảo đã công bố.” (Báo Ðiện tử đảng CSVN, 20 tháng 5, 2013)
Lập luận của ông Phan Trung Lý (hay Ban soạn thảo) đã phản ảnh ý đồ muốn “Hiến pháp hóa” Cương lĩnh 1991 của đảng đã sửa đổi và bổ sung năm 2011. Ðiều này rõ ràng Hiến pháp không còn là của dân, do dân mà là của riêng đảng vì nó không khác gì một Bản Ðiều lệ khác của đảng.
Có xung khắc với chính phủ?
Vậy phải chăng ông Phan Trung Lý đã để lộ ra sự xung khắc nghiêm trọng giữa Ban soạn thảo Hiến pháp sửa đổi với “Ðề xuất hoàn thiện 7 nhóm vấn đề của Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp” do Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cống bố ngày 17 tháng 5, 2013?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, phát ngôn của Ban chỉ đạo Chính phủ về tổng kết, thi hành Hiến pháp 1992 nói rằng: “Chính phủ tán thành với việc ghi nhận tại Ðiều 4 về vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của đảng. Ðồng thời kiến nghị tập trung vào quy định về nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong dự thảo.”
Ðiều này có nghĩa nào khác hơn là chính phủ muốn “quyền lực nhà nước” không hoàn toàn thuộc độc quyền của đảng?
Ngoài ra chính phủ cũng đề nghị: “Không quy định yếu tố nền tảng của quyền lực nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức mà kế thừa các quy định của Hiến pháp 1946. Cần ghi nhận và đảm bảo thực thi quyền lập hiến của nhân dân, hoàn thiện các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp.”
Phải chăng chính phủ muốn “xóa đi” chủ trương muốn duy trì “phân chia giai cấp” còn bang bạc trong Hiến pháp sửa đổi, đồng thời cũng muốn phải ghi vào Hiến pháp “quyền lập hiến của nhân dân”?
Ðáng chú ý là ý kiến của bên chính phủ rất gần với đòi hỏi của phong trào quần chúng chống Hiến pháp sửa đổi đang nổi lên ở trong nước.
Nên biết Ðiều 1 của Hiến pháp năm 1946 không có phân chia giai cấp mà viết rõ ràng rằng: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”
Hiến pháp năm 1946 cũng viết trong Ðiều thứ 70: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Hiến pháp 1992 sửa đổi không đương nhiên thừa nhận quyền “phúc quyết” (bỏ phiếu quyết định) sau cùng của dân, sau khi Quốc hội chấp thuận mà lại dành quyền cho Quốc hội quyết định việc “trung cầu dân ý” như viết ở khoản 4 Ðiều sau cùng 124 như thế này:
“Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.”
Như vậy rõ ràng là đã có sự khác biệt, ít nhất trong 3 lĩnh vực quan trọng giữa Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp vì đề nghị của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tập trung vào:
1) Quyền lực nhà nước không độc quyền nằm trong tay đảng;
2) Không phân chia giai cấp trong một nước;
3) Tôn trọng quyền làm Hiến pháp của dân.
Cuộc thảo luận tại Quốc hội sẽ nghiêng về bên nào thì còn phải đợi đến cuộc thảo luận cuối cùng của Quốc hội dự trù vào cuối năm 2013, nhưng trách nhiệm lịch sử đã nằm trên vai 500 đại biểu của Quốc hội Khóa XIII này.
Vấn đề là liệu những đại biểu của dân có can đảm làm nên lịch sử hay họ sẽ tự sát trong kỳ họp này?
Phạm Trần
(Tháng 5, 2013)

Không có nhận xét nào: