Pages

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Tàu ngầm Kilo trong chiến lược của Hải quân Việt Nam

Đó là một khu vực, một hướng, mà dưới đó “sạch”, không có tàu ngầm địch và ngư lôi địch uy hiếp tàu chiến mặt nước của Hải quân Việt Nam.

Trước hết phải khẳng định rằng tàu ngầm Kilo của Việt Nam không phải là “chiếc nỏ thần” như của An Dương Vương. Bởi vì không những nó ít ỏi mà đằng sau nó đang còn nhiều thách thức từ việc điều động tàu cho đến sử dụng trong tác chiến… mà đòi hỏi bản lĩnh và trí tuệ cao.

Mỗi quốc gia có cách sử dụng tàu ngầm khác nhau cho mục đích khác nhau. Như tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòn Phùng Quang Thanh là “tàu ngầm Kilo chỉ để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác”.

Thế trận liên hoàn hỗ trợ tấn công, bảo vệ lẫn nhau giữa Kilo, tàu tên lửa, hệ thống Bastion-P… cho hải chiến du kích kiểu Việt Nam phát huy tác dụng.
Tình hình hiện nay, với vũ khí trang bị phòng thủ biển hiện có thì Việt Nam đủ sức làm chủ mặt biển và không hải phận. Còn lòng biển và đáy biển?

Sự xuất hiện lữ đoàn tàu ngầm Kilo của Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh đó và dĩ nhiên được kỳ vọng là phải hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao phó, trong đó nhiệm vụ ngăn chặn, tiêu diệt tàu ngầm địch trong vùng biển của ta đồng nghĩa với việc bảo vệ cho tàu chiến mặt nước của chúng ta không bị tàu ngầm địch uy hiếp là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất mang tính sống còn.

Nếu chúng ta không ngăn chặn được tàu ngầm địch, để chúng lọt vào tuyến phòng thủ thì chiến lược chống tiếp cận bị phá sản, đặc biệt khi đó coi như phần “mềm” hải chiến du kích đã bị “virus” tấn công, thế trận phòng thủ mất liên hoàn, không hỗ trợ được cho nhau nên sẽ rất khó khăn để các lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Chẳng hạn, khi tàu ngầm địch được tung hoành chỉ cần ở vùng giáp lãnh hải thì nó hoàn toàn ngăn chặn hoạt động của tàu mặt nước chúng ta triển khai đến vị trí xuất phát tấn công.

Các tàu phóng lôi, tên lửa Việt Nam giống như cánh tay nối dài của Bastion-P và được hệ thống này bảo vệ không sợ tàu chiến mặt nước của địch tấn công trong phạm vi 300 km tính từ bờ. Nếu lực lượng này mà bị tàu ngầm địch uy hiếp, triệt hạ thì coi như hệ thống Bastion-P không còn tác dụng cho bảo vệ Trường Sa.

Khi Trường Sa bị tấn công thì sự hỗ trợ của tàu chiến mặt nước bị cắt đứt, kẻ địch được rảnh tay chỉ đối phó với Không quân Việt Nam và đương nhiên Không quân Việt Nam sẽ phải một mình thực hiện nhiệm vụ khó khăn, nặng nề hơn.

Đó là lý do vì sao Việt Nam còn sắm thêm 2 chiếc Gerpad chuyên về chống ngầm và nếu như không nhầm thì trong mỗi chiếc tàu ngầm Kilo Việt Nam tính năng chống ngầm được ưu tiên nhất, cấp thiết nhất.
Thủy lôi chống ngầm, 24 quả mà Kilo mang theo, rải xuống trên tuyến chống ngầm cũng it nhất là làm cho tàu ngầm địch “khựng” lại buộc chúng phải “đi theo lối khác”.
Chống ngầm hiệu quả nhất là dùng tàu ngầm để chống tàu ngầm, vì vậy, ít nhất có 2/6 Kilo chuyên về chống ngầm. Và, nếu như Việt Nam mua thêm máy bay chống ngầm thì không có gì thắc mắc.

Đương nhiên trên một khu vực bảo vệ rộng hơn 1 triệu km vuông biển đảo thì không nhất thiết phải “sạch” hết, tức là không có tàu ngầm địch, không có thủy lôi địch… vì chúng ta không có khả năng, nhưng trên một khu vực cần thiết thì nhất thiết phải tạo ra một khu vực biển “sạch”.

Khu vực biển “sạch” mà ở đó xuất hiện một thế trận như sau :

Thứ nhất, các lực lượng được bảo vệ nhau liên hoàn. Ví dụ : tàu ngầm hoạt động không sợ máy bay săn ngầm địch vì đã có tàu mặt nước và không quân phía trên, tàu chiến cơ động không sợ tàu ngầm và tàu chiến lớn của địch vì có tàu ngầm Kilo ở dưới, không quân ở trên và Bastion-P từ bờ…

Các lực lượng này như những dầm chịu lực, cái thì chịu lực nén, cái thì chịu lực xoắn… liên kết với nhau trong một khối - khu vực nên không ngại va chạm. Như vậy có thể nói, độ an toàn khi triển khai tấn công của các lực lượng của ta rất cao.

Thứ hai là cho phép phía phòng thủ hoàn toàn nắm quyền chủ động tác chiến. Nghĩa là Việt Nam có thể sẵn sàng đối đầu một trận khi xác định chắc thắng, chọn nơi mà đánh theo cách tập kích hay phục kích.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tàu ngầm Kilo của  Hải quân Việt Nam xuất hiện là nhu cầu tất yếu của thế trận phòng thủ biển đảo. Trong “sơ đồ chiến thuật” này, tàu ngầm Kilo không phải là tất cả nhưng là một yếu tố không thể thiếu. Thiếu nó trong khi hệ thống chống ngầm hạn chế thì  chiến lược chống tiếp cận bị phá sản. Thiếu nó hải chiến du kích sẽ gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là bảo vệ Trường Sa.

Nguồn: Lê Ngọc Thống (Đất Việt)

(15/06/2013) Báo Nga : Đã thử nghiệm thành công 2 tàu ngầm Kilo cho Việt Nam
Tập đoàn đóng tàu hải quân Nga cho biết, 2 trong số 6 chiếc tàu ngầm diesel - điện được đóng theo đặt hàng của hải quân Việt Nam vừa hoàn thành những “bài tập” thử nghiệm và đã sẵn sàng để bàn giao vào tháng 9/2013.

Đây là 2 chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel-điện, Project 636 lớp Varshavyanka (theo cách gọi của NATO là Kilo). Hồi tháng 12/2012, chiếc tàu đầu tiên đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ nhất với kết quả toàn bộ các hệ thống và động cơ của tàu đều đạt tiêu chuẩn xuất sắc.

Theo tiết lộ của nhà sản xuất, những chiếc tàu ngầm này vừa hoàn thành 12 bài tập lặn thực tế, trong đó có 1 lần lặn xuống vùng nước sâu. Dự kiến các bài tập thử nghiệm tiếp theo sẽ được tiến hành và hoàn thành trong mùa hè năm nay trước khi chính thức bàn giao chiếc đầu tiên cho Hải quân nhân dân Việt Nam vào tháng 9/2013.

Chiếc Kilo thứ 2 vừa được khởi đóng hồi cuối năm ngoái và phần vỏ đã được hoàn thiện hồi tháng 1/2013. Trong tháng 3-4, chiếc tàu thứ 2 này được thử nghiệm tại chỗ trong âu tàu và bước tiếp theo là các bài thử nghiệm thực tế trên biển.

Nhà sản xuất cho biết, hiện nay công suất làm việc đã được đẩy lên mức cao nhất và hồi tháng 2 vừa qua họ đã bắt đầu xây dựng phần thân cho chiếc tàu thứ 6 trong bản hợp đồng ký hồi năm 2009 với Việt Nam.

Trong bản hợp đồng này, ngoài việc đóng mới cho Việt Nam 6 tàu ngầm Kilo, phía cung cấp còn phải chịu trách nhiệm huấn luyện, đào tạo thủy thủ cũng như cung cấp các trang bị cần thiết và hỗ trợ kỹ thuật.

Theo các nguồn tin không chính thức của báo giới Nga, trị giá của bản hợp đồng này là khoảng 2 tỷ USD.

“Admiralty cam kết sẽ giao hai chiếc cho Hải quân Việt Nam trong năm nay (2013). Chiếc thứ 3 dự kiến sẽ được xuất xưởng vào tháng 8 và chiếc thứ 4 cũng sẽ được đóng trong năm nay”, nguồn tin từ nhà máy tiết lộ với hãng thông tấn Nga, ITAR-TASS hồi đầu tháng 6 năm nay.
Tàu ngầm Kilo trong biên chế của Hải quân Ấn Độ
ITAR-TASS cũng dẫn lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong chuyến viếng thăm Nga hồi tháng trước, cho biết sự hợp tác về công nghệ quân sự của Việt Nam và Nga “không chỉ giới hạn ở 6 tàu ngầm này, mà Việt Nam còn kỳ vọng vào những loại khí tài khác nữa”.

Varshavyanka là thế hệ tàu ngầm thứ 3 của Nga. Theo các chuyên gia quân sự, loại tàu này vẫn có khả năng nâng cấp rất lớn và có thể được trang bị các loại vũ khí mới, hiện đại trong đó có cả tên lửa chống hạm Club với tầm kiểm soát lớn và có thể tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau.

Tàu ngầm Kilo được thiết kế để bảo vệ các căn cứ quân sự biển, đường giao thông biển và bờ biển, thực hiện các hoạt động tuần tra và trinh thám. Tàu có chiều dài : 73,8 m, đường kính thân tàu : 9,9 m, trọng lượng rẽ nước : 2.350 tấn. Mức lặn sâu tối đa : 300 m, tốc độ khi nổi: 22 km/giờ, khi lặn : 40 km/giờ. Tầm hoạt động khi có ống thông hơi: 12.000 km, khi lặn : 640 km. Thủy thủ đoàn gồm 57 người. Thời gian hoạt động liên tục trên biển là 45 ngày.

Hệ thống vũ khí : sáu ống phóng ngư lôi 533 mm nằm ở phía mũi tàu, hoặc 24 trái thủy lôi. Độ chính xác cao. Trong hai phút có thể thực hiện loạt bắn đầu, năm phút kế tiếp là loạt bắn thứ hai. Tên lửa chống tàu chiến ZM-54e và Zm-54E đầu đạn chứa 450 kg thuốc nổ, sức công phá cực lớn, có tầm bắn 220 km, bốn tên lửa loại PZRK “Strela -3”, tầm bắn tối đa là 6 km để tiêu diệt máy bay đối phương.

Lê Trí

(Thông luận)

Không có nhận xét nào: