Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Trung - Mỹ đã 'mật đàm' về Biển Đông?

Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, bang California, Mỹ hôm 7 và 8/6 thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận trên thế giới. Bởi diễn ra sau khi kết thúc Hội nghị An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12 ở Singapore và giới truyền thông 2 nước Mỹ - Trung đều đưa tin về cuộc gặp này với những gam lượng khác nhau.
Từ răn đe, thách thức

Dư luận cho rằng, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Barack Obama với Chủ tịch nước Tập Cận Bình hôm thứ Sáu tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands cho thấy, Bắc Kinh muốn “bằng vai phải lứa” với Washington bởi người đứng đầu quốc gia đông dân nhất thế giới là nhà lãnh đạo đầy quyền lực và tự tin, sẵn sàng đối thoại trực tiếp với bất cứ lãnh đạo nào trên thế giới. Theo đó, ông Tập Cận Bình muốn phá vỡ “thế cờ cũ” - Mỹ luôn tố cáo còn Trung Quốc nhượng bộ.

Giới truyền thông cho rằng, chủ đề chính được thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo bao gồm tình hình bán đảo Triều Tiên, an ninh mạng và tranh chấp biển đảo ở Châu Á - Thái Bình Dương. Nhân cuộc gặp này, ông Tập Cận Bình sẽ khẳng định dấu ấn về chính sách đối ngoại của mình - xây dựng mối quan hệ “siêu cường kiểu mới” với Mỹ để thực hiện “giấc mơ Trung Quốc”.

Bởi điều này đã được “đánh tiếng” trong các chuyến đi tiền trạm trước đó của Ngoại trưởng John Kerry và Cố vấn An ninh quốc gia Thomas Donilon - có rất nhiều vấn đề quan trọng cần được thương đàm càng sớm càng tốt. Đây là hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng, việc Hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động tới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mỹ là nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Washington và các cường quốc khác. Bởi lâu nay Trung Quốc luôn hậm hực về sự hiện diện của tàu do thám, máy bay Mỹ ngoài khơi bờ biển nước này, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và việc tiết lộ tại Đối thoại Shangri-La “Trung Quốc đã cử tàu do thám và máy bay tới EEZ của Mỹ” trước chuyến thăm của Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho thấy, Bắc Kinh sẽ “chơi rắn” trong một số vấn đề nhạy cảm với Washington.

Trước đó (27/5), tàu chiến Trung Quốc đã vượt qua eo biển Miyako, tiến ra vùng biển Tây Thái Bình Dương để tiến hành một đợt huấn luyện mới. Đây là đợt huấn luyện thứ năm của quân đội Trung Quốc trong năm nay. Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản từng đăng bài viết nhan đề “Lặn ở khu vực tiếp giáp là tàu ngầm Trung Quốc”. Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc đã 2 lần điều tàu ngầm lớp Nguyên đến vùng tiếp giáp Nhật Bản và hành động này có thể nhằm nghi binh để che đậy cho tàu ngầm lớp Kilo. Động thái này của Trung Quốc khiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Mỹ phải điều tàu giám sát trên biển.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Giới bình luận cho rằng, sẽ có thỏa thuận ngầm diễn ra. Phó giám đốc Viện Viễn Đông Sergei Louzyanin cho rằng, ông Barack Obama sẵn sàng có những nhượng bộ mang tính chiến thuật bởi cho tới nay Trung Quốc vẫn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, là thị trường quan trọng đối với các tập đoàn Hoa Kỳ. Giới chuyên môn cho rằng, quan hệ Trung - Mỹ đã đạt đến độ chín mùi nhất định và cuộc gặp này cũng sẽ chú trọng đến các nội dung thực chất cùng những vấn đề cấp thiết nhất trong quan hệ song phương.

Tuy nhiên, 2 nước vẫn dè chừng nhau bởi nhiều nguyên nhân, trong đó đáng quan tâm nhất là gián điệp mạng, khả năng chạy đua vũ trang không gian của Trung Quốc, chiến lược xoay trục châu Á cùng việc xây dựng lực lượng ở Thái Bình Dương của Mỹ...

Theo ông Thẩm Định Lập, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, cách xử lý của Tổng thống Barack Obama đối với Bắc Kinh mang tính đối đầu nhiều hơn so với người tiền nhiệm George W Bush - hai lần quyết định bán vũ khí cho Đài Loan và gặp gỡ lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Còn theo Giáo sư Tạ Đào của Học viện Ngoại giao Bắc Kinh, tuy sự nghi ngại đang ở mức cao nhưng cuộc họp sắp tới có thể là cơ hội để xây dựng lại sự tin tưởng lẫn nhau.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, ông Tập Cận Bình đang mạo hiểm với “Giấc mơ Trung Hoa” bởi việc này thực chất là một mồi lửa châm vào đống củi “chủ nghĩa dân tộc” đang ngày một chất cao ở Trung Quốc. Nó có thể là động cơ thúc đẩy Trung Quốc tiến lên mạnh mẽ hơn, nhưng cũng có thể đẩy Trung Quốc vào một cuộc “tự thiêu” vĩ đại.

Nhiều vấn đề đặt ra

Giới phân tích cho rằng, chuyến xuất ngoại thứ 2 của ông Tập Cận Bình sau khi trở thành người đứng đầu Trung Quốc được coi là một phần của chiến lược đối ngoại “toàn phương vị” do ban lãnh đạo mới sau Đại hội 18 xác lập. Ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cho rằng, việc ông Tập Cận Bình gặp ông Barack Obama chỉ 2 tháng sau khi nhậm chức là một động thái hiếm gặp. Tại cuộc gặp lần này, 2 nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào các vấn đề trọng tâm, có thể sẽ không công bố kết quả đạt được, nhưng nội dung thảo luận sẽ là kim chỉ nam cho những hợp tác sâu rộng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới.

Giới chuyên môn cho rằng, lập trường của ASEAN về Biển Đông đang có những dấu hiệu mới và điều này được thể hiện rõ nhất tại Đối thoại Shangri-La. Bởi vấn đề Biển Đông từng bị gạt khỏi nghị trình của ASEAN năm 2012, nhưng trong năm nay, ASEAN đã tiến được một bước dài - Chủ tịch luân phiên đã đưa ra lời kêu gọi các thành viên sớm có lập trường thống nhất để đối phó với mưu đồ của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ có một cuộc họp đặc biệt vào tháng 8 tới tại Thái Lan nhằm củng cố lập trường về tranh chấp Biển Đông trước khi họp với Trung Quốc vào tháng 9 ở Bắc Kinh.

Dư luận cho rằng, tuyên bố “Tranh chấp Biển Đông để đời sau giải quyết” của Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Thích Kiến Quốc là kế hoãn binh xảo quyệt, nham hiểm - Bắc Kinh muốn đánh lạc hướng dư luận về Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La và điều này cũng cho thấy, Trung Quốc không thực tâm muốn thảo luận để thông qua COC. Bởi đây từng là chủ trương được ông Đặng Tiểu Bình đưa ra: “Gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đề xuất giải quyết chủ quyền tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thông qua trọng tài quốc tế, thì ông Thích Kiến Quốc lại bác bỏ thẳng thừng - Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán tay đôi để dễ “múa tay trong bị”.

Khi trả lời câu hỏi của những đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La, ông Thích Kiến Quốc cho biết: Gần 30 năm qua do không đánh nhau nên quân đội Trung Quốc không có điều kiện “rèn luyện”, không có cơ hội để thử nghiệm các loại vũ khí mới. Ông Thích Kiến Quốc còn nhấn mạnh, Châu Á - Thái Bình Dương hiện đã trở thành trọng điểm chuyển hướng của nền kinh tế toàn cầu, nhưng Trung Quốc không hy vọng khu vực này sẽ không trở thành trọng điểm của chiến tranh và vũ lực.

Ngày 30/5, tờ Los Angeles Times đăng bài bình luận của chuyên gia về châu Á Gordon G. Chang và James A. Lyons Jr, cựu đô đốc, chỉ huy hạm đội Thái Bình dương của Mỹ về cái gọi là “sai lầm của Mỹ đối với Trung Quốc”. Bởi Bắc Kinh đang củng cố lực lượng, đặc biệt là hải quân, nhằm đối phó với lực lượng Mỹ, đẩy Washington ra khỏi Đông Á vì từ năm 2005, nhà phân tích Robert Sutter từng tuyên bố: Trung Quốc là cường quốc lớn duy nhất trên thế giới đang chuẩn bị bắn người Mỹ.

Theo sách trắng quốc phòng được công bố hồi tháng 4, Trung Quốc đang xây dựng hải quân có khả năng hoạt động tại vùng biển sâu với 235.000 sĩ quan và thủy thủ. Trước đó (29/5), tờ The Boston Herald (Mỹ) có bài viết cho rằng, Quốc hội Mỹ luôn tìm cách cắt giảm chi tiêu quân sự, nhưng nếu để xảy ra biến cố do vấn đề này, Washington sẽ phải trả giá đắt.

Tới những câu hỏi bỏ ngỏ

Ngày 3/6, sau khi dự Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay đã tới Bắc Kinh và hội kiến với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Bộ trưởng Quốc phòng Canada nhận định, nguy cơ tính toán sai lầm và hiểu lầm có thể trở nên nghiêm trọng và ông Peter MacKay đang quan tâm tới những cuộc tấn công mạng của Trung Quốc cũng như những hành vi gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông trong một nỗ lực xây dựng mối quan hệ quân sự với Trung Quốc nhằm ngăn chặn “một cuộc chiến tranh” có thể xảy ra tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Dư luận và giới chuyên môn quan tâm tới bài viết trên tờ Thanh niên Trung Quốc của tướng diều hâu La Viện về ý đồ của Philippines, Mỹ và Nhật Bản trong tranh chấp biển đảo với nước này ở Biển Đông. Cuộc gặp của Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa qua cho thấy, Bắc Kinh muốn "bằng vai phải lứa" với Washington

Theo ông La Viện, những động thái vừa qua của Philippines cho thấy, chính quyền Tổng thống Benigno Aquino có 3 ý đồ thông qua việc này. Thứ nhất, dịch chuyển sự quan tâm trong nước đối với chính phủ hiện thời. Thứ hai, lấy lòng các nhóm quân sự trong nước, củng cố nền tảng cầm quyền cho mình. Thứ ba, gắn với chiến lược xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Mặc dù biết rõ Manila chỉ muốn làm rùm beng, nhưng Mỹ vẫn bắt tay với Philippines để tổ chức các cuộc tập trận và điều hàng không mẫu hạm hạt nhân đến Biển Đông trong thời điểm nhạy cảm, còn Nhật Bản muốn nhanh chóng cung cấp cho Hải quân Philippines 10 tàu tuần tra.

Tờ Japan Times vừa đăng bài viết của Giáo sư Brahma Chellaney, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề chính trị tại New Delhi cho biết, trong quan hệ với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc quen dùng thương mại làm chiêu bài chính trị để gây sức ép - bên trong “găng tay” thương mại luôn là một nắm đấm “chơi” các nước láng giềng. Trên thực tế, Trung Quốc đã sử dụng thương mại như một vũ khí chính trị chống lại các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ, điển hình như Nhật Bản và Philippines.

Giới truyền thông Nga cho rằng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã vượt xa nhu cầu tự vệ. Theo giới chuyên môn, hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông nguy hiểm có hệ thống. Thứ nhất, Biển Đông đang trở thành “đột phá khẩu” trong chiến lược Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự xuống phía nam. Thứ hai, quy mô, cường độ, binh lực Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận trái phép ở Biển Đông nửa đầu năm 2013 lớn chưa từng có, thời gian dài, hoạt động trên địa bàn rộng lớn. Thứ ba, Trung Quốc công khai đưa tin rầm rộ, truyền thông cập nhật từng ngày về các hoạt động tập trận phi pháp của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (trước đây chưa từng thấy).

Dư luận quan tâm tới bài viết “Trung Quốc và cuộc chiến chiếm lãnh thổ lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2” trên tờ Forbes (Mỹ) - việc đưa ra bản đồ với “đường lưỡi bò” coi 80% Biển Đông là của mình, liên tiếp tạo ra những căng thẳng với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam cho thấy, Trung Quốc đang có một âm mưu lớn.

“Tạp chí Á - Âu” cũng nhận định, an ninh và ổn định tại Châu Á - Thái Bình Dương sẽ gặp nguy hiểm khi Bắc Kinh đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân đội mặc dù không có bất cứ mối đe lớn nào đối với an ninh của Trung Quốc. Tham vọng phát triển ngang hàng chiến lược với Mỹ về vai trò sức mạnh toàn cầu và chiếm ưu thế chiến lược ở Châu Á - Thái Bình Dương đang gây ra những hệ lụy khó lường.

Tranh chấp Biển Đông đã và đang tạo nên những tác động cùng sự phân cực và tạo sự cân bằng cơ cấu quyền lực ở Châu Á - Thái Bình Dương. Bài viết “Trung Quốc đã sở hữu máy bay không người lái, tiếp theo sẽ như thế nào?” của tác giả Andrew Ericson và Austin Strange trên tạp chí Ngoại giao Mỹ khiến dư luận quan tâm vì cho rằng, Trung Quốc có thể dùng máy bay không người lái (UAV) trong tranh chấp với Ấn Độ, Philippines, Việt Nam - sử dụng UAV tấn công các mục tiêu bên ngoài biên giới.


Ngày 31/5, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lên đường tới Trinidad and Tobago, Costa Rica và Mexico, sau đó tới Mỹ và có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama. Nhiều người coi đây là cuộc gặp để "Mỹ và Trung Quốc bắt tay thống trị thế giới".
Tại cuộc tiếp Cố vấn An ninh quốc gia Thomas Donilon (27/5), ông Tập Cập Bình cho biết, hai bên sẽ tập trung thảo luận các vấn đề chiến lược quan trọng và mối quan hệ Bắc Kinh - Washington đang ở giao điểm "vô cùng quan trọng". Do đó, 2 nước cần nỗ lực tạo dựng mối quan hệ đối tác và quan hệ nước lớn kiểu mới.
Trong khi đó, ông Thomas Donilon cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được bước tiến bộ chưa từng có trong quan hệ đối thoại và hợp tác. Tổng thống Barack Obama sẽ đặt vấn đề an ninh mạng với Chủ tịch nước Tập Cận Bình bởi theo người phát ngôn Nhà Trắng Jay Cartney, đây là "mối quan tâm chính" của Washington cho dù Bắc Kinh luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới vấn đề này.

Quỳnh Hồng

(Petrotimes)

Không có nhận xét nào: