BienDong.Net: Nhân chuyến thăm Trung Quốc của chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 liên quan tới thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, tiếp nối các thỏa thuận thăm dò dầu khí từ năm 2006 tới nay.
Theo Quy định tại Điều 7 của Hiệp định Việt Nam - Trung Quốc về Phân định Lãnh hải, Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (ký ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 20/6/2004), nếu có các mỏ dầu khí vắt ngang qua Đường Phân định, hai nước sẽ cùng nhau hợp tác khai thác chung.
Ký Thỏa thuận sửa đổi lần 4 liên quan tới Thỏa thuận thăm dò dầu khí chung Việt - Trung trong khu vực thỏa thuận trong Vịnh Bắc Bộ. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Từ năm 2005, Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký kết và thực hiện Thỏa thuận Khung về hợp tác dầu khí trong Khu vực Thỏa thuận Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ. Trên cơ sở kết quả thực hiện Thỏa thuận Khung, Thỏa thuận Thăm dò chung Việt Nam - Trung Quốc trong Khu vực xác định Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Petrovietnam và CNOOC ngày 6/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 2/1/2007, sau khi được Chính phủ hai nước phê chuẩn.
Trong thời gian qua, hai bên đã cùng nhau tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí trong Khu vực xác định của Thỏa thuận, gồm: Khảo sát địa chấn 3D; Khoan 1 giếng tìm kiếm thăm dò dầu khí; và Nghiên cứu, minh giải tài liệu, đánh giá tiềm năng dầu khí. Thỏa thuận Thăm dò chung này đã được các cấp có thẩm quyền của hai nước cho phép sửa đổi 3 lần về thời hạn để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra.
Trong hơn 6 năm qua, tuy chưa có phát hiện dầu khí thương mại nhưng hai bên đã thu thập được những thông tin quan trọng về tiềm năng dầu khí tại khu vực làm cơ sở cho việc mở rộng khu vực xác định của Thỏa thuận thăm dò chung, đồng thời đã tạo dựng được mối quan hệ hợp tác tốt giữa hai bên.
Với mục đích gia tăng cơ hội phát hiện các đối tượng có tiềm năng dầu khí nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 19.6.2013, Petrovietnam và CNOOC đã ký kết Thỏa thuận sửa đổi lần 4 Thỏa thuận Thăm dò chung Việt Nam - Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ với nội dung: mở rộng Khu vực Xác định từ 1.541km2 lên thành 4.076km2, bao gồm 2 phần tương đương nhau từ mỗi bên (xem sơ đồ); và tiếp tục gia hạn hiệu lực của Thỏa thuận Thăm dò chung đến hết năm 2016.
Thỏa thuận Thăm dò chung Việt Nam - Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ do hai bên cùng điều hành, với chi phí hoạt động được chia đều cho mỗi bên. Trong trường hợp có phát hiện dầu khí thương mai tại Khu vực xác định, hai bên sẽ cùng nhau xem xét, thảo luận để chuyển sang giai đoạn hợp tác khai thác chung phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế và luật pháp của mỗi nước với phương châm tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của mỗi nước trong khu vực Vịnh Bắc Bộ và đảm bảo lợi ích của hai bên.
Phát biểu với báo chí về thỏa thuận này, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết: Ngoài việc gia hạn, thỏa thuận lần thứ 4 này đã thống nhất mở rộng khu vực thăm dò chung nằm trên đường phân định hai quốc gia trên Vịnh Bắc Bộ lên gần 3 lần so với lần đầu năm 2006. Khu vực này được chia đều qua đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ, một nửa nằm phía Việt Nam và một nửa nằm bên phía Trung Quốc. Trên khu vực này, hai Tổng công ty của hai Nhà nước sẽ cùng nhau tiến hành thăm dò, nhằm phát hiện các cấu tạo địa chất có chứa dầu khí. Khi phát hiện có dầu khí thì 2 bên sẽ tiếp tục bàn thảo, để cùng nhau hợp tác khai thác. Đây là thỏa thuận hợp tác về một khu vực nằm trong Vịnh Bắc Bộ, là nơi mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định đường biên giới trên biển. Vì vậy, thỏa thuận hợp tác này không có gì ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Đây chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế, cùng nhau thăm dò, khai thác nếu phát hiện ra dầu khí.
Giải thích sự khác biệt giữa thỏa thuận này và thỏa thuận mà Việt Nam đã kí kết với các nước khác, ông Đỗ Văn Hậu cho biết: Trước đây VN ký kết những hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với những quốc gia khác là hợp đồng thực hiện trên vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn đây là hợp tác giữa hai tổng công ty dầu khí quốc gia của hai nước, về việc thăm dò và khai thác ở một vùng biển chung, có diện tích chồng lấn hai bên, nhưng đã được phân định đường biên giới trên biển. Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba.
BDN (nguồn: VietNam Plus)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét