Tòa sơ thẩm TP Nha Trang, Khánh Hòa, vừa xử công an viên Nguyễn Trọng Hiếu 9 tháng tù vì tội Gây thương tích khi thi hành công vụ.
Phiên tòa bắt đầu hôm 11/9 và tuyên án sáng thứ Hai 16/9 sau khi đã phải hoãn, trả hồ sơ một lần vào cuối năm ngoái để làm rõ trách nhiệm của bị đơn dân sự.
Theo cáo trạng được báo trong nước trích tải, ông Nguyễn Trọng Hiếu, 27 tuổi, nguyên công an viên xã Diên Khánh, Khánh Hòa, trong khi phối hợp tuần tra giao thông hồi tháng 4/2010 đã đuổi theo một nam thanh niên vì người này không đội mũ bảo hiểm.Vụ này cũng là một trong những vụ xét xử được cho là phức tạp, khởi tố sau 10 tháng kể từ khi vụ việc xảy ra với bốn lần dựng lại hiện trường để phục vụ điều tra.
Trong quá trình truy đuổi, ông Hiếu đã dùng gậy giao thông đánh vào vai gáy thanh niên tên là Huỳnh Tấn Nam làm anh này mất thăng bằng ngã xuống lề đường quốc lộ.
Anh Nam bị thương tích 77%, xếp loại thương tật vĩnh viễn.
Tòa cũng buộc Công an xã Diên Phú, đơn vị quản lý ông Nguyễn Trọng Hiếu, phải bồi thường cho người bị hại gần 113 triệu đồng.
Theo báo Khánh Hòa, trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc không đội mũ bảo hiểm và không chấp hành hiệu lệnh dừng xe "chỉ là các vi phạm hành chính, không quá nguy hiểm cho xã hội, nên việc truy đuổi với tốc độ cao của cảnh sát giao thông là không cần thiết và có thể khiến người vi phạm hoảng hốt, gây ra hậu quả lớn hơn".
Mức án 9 tháng tù tòa xử là mức cao nhất mà bên công tố đề nghị tuyên phạt đối với ông Hiếu.
Thời gian gần đây, truyền thông Việt Nam thường xuất hiện nhiều tin, bài về nạn bạo hành do công an thực hiện đối với người dân.
Trong hàng trăm vụ, cảnh sát bị cáo buộc "hành hung, tra tấn, đánh chết dân" với mức độ báo động, trong đó có nhiều vụ gia đình các nạn nhân cáo buộc người nhà của họ đã "thiệt mạng ngay tại đồn công an" do bạo hành của nhà chức trách.
Đầu năm ngoái, nguyên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đã bị xử ở Hà Nội vì tội Làm chết người trong khi thi hành công vụ, mức án 4 năm tù.
Ông Ninh bị buộc tội đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng hồi đầu năm 2011, khởi nguồn từ việc nạn nhân không đội mũ bảo hiểm trong lúc ngồi sau xe ôm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét