Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013
Biển Đông: Ấn Độ công khai phản bác Trung Quốc
(VnMedia) - Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh dường như đã đứng hẳn về phía Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và công khai bác bỏ lập trường Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra ở thủ đô của Brunei hồi tuần trước.
Ảnh minh họa
Thủ tướng Ấn Độ.
Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý rất lớn trong cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cũng như hội nghị ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra liên tiếp trong thời gian vừa qua.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hồi tuần trước, trong bài phát biểu dù mang đầy những lời lẽ dịu nhẹ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vẫn kiên quyết đòi giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với một loạt nước láng giềng xung quanh thông qua những cuộc đối thoại, đàm phán trực tiếp trong khuôn khổ song phương.
“Tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ giữa các nước trong khu vực này nên được giải quyết bởi những quốc gia có liên quan trực tiếp thông qua các cuộc tham vấn thân thiện”, ông Lý Khắc Cường đã nói như vậy.
Tuy nhiên, ngay sau khi Thủ tướng Trung Quốc đưa ra phát biểu trên, cũng tại diễn đàn Đông Á, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh dường như đã không ngại công khai bác bỏ lập trường của phía Trung Quốc dù với những lời nói hết sức tinh tế và khéo léo về mặt ngoại giao.
Ông Singh đã khẳng định: “Một môi trường hàng hải ổn định là vô cùng cần thiết để thực hiện những khát vọng tập thể của khu vực”.
“Chúng tôi hoan nghênh cam kết tập thể của các nước liên quan về việc tuân thủ và thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Cách Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và tiến tới tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở có sự đồng thuận của các bên. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc thành lập Diễn đàn Hàng hải ASEAN Mở rộng nhằm phát triển các quy định hàng hải có thể củng cố luật pháp quốc tế hiện hành liên quan đến an ninh hàng hải”, báo chí địa phương dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ phát biểu.
Khi được một tờ báo Indonesia đặt câu hỏi về việc mâu thuẫn giữa các nước Châu Á nên giải quyết tốt nhất theo cách nào, Thủ tướng Singh đã không ngần ngại thể hiện quan điểm tiếp tục ủng hộ cho việc sử dụng các thể chế, cơ chế đa phương để giải quyết tranh chấp.
“Các diễn đàn khu vực có thể đóng vai trò hữu ích trong tiến trình này. Vì thế, chúng tôi nhìn thấy giá trị to lớn trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, ADMM mở rộng và các cơ chế hợp tác khác trong khu vực”, Thủ tướng Ấn Độ đã trả lời như vậy.
Những phát biểu trên của ông Singh rõ ràng đi ngược lại hoàn toàn với lập trường của Trung Quốc trong việc khăng khăng đòi giải quyết mọi cuộc tranh chấp trên cơ sở song phương. Bắc Kinh luôn muốn giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với từng nước một bởi theo giới phân tích, với tư cách là một cường quốc khu vực, với sức mạnh hơn hẳn, Trung Quốc muốn đàm phán trực tiếp với từng nước nhỏ hơn để dễ bề gây sức ép nhằm giành lợi thế cho họ.
Trong quá khứ, Ấn Độ thường can thiệp vào vấn đề tranh chấp Biển Đông theo hướng đứng về bên các nước ASEAN. Đây là điều khiến Bắc Kinh thực sự khó chịu. Đáng chú ý nhất là sau khi xảy sự kiện diễn ra hồi năm ngoái khi các tàu đánh cá của Trung Quốc tìm cách ngăn chặn không cho Ấn Độ thực hiện một dự án khai thác dầu khí chung với phía Việt Nam ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ - Đô đốc D.K Joshi đã lên tiếng cảnh báo rằng, New Delhi sẵn sàng phái tàu hải quân đến Biển Đông để bảo vệ các lợi ích của nước họ.
Phát biểu về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hồi tháng 12 năm ngoái, Đô đốc Joshi tuyên bố đầy mạnh mẽ rằng: “Không phải chúng tôi mong đợi được có mặt trong khu vực này thường xuyên nhưng khi tình hình đòi hỏi cần có sự hiện diện của chúng tôi, ví dụ như trong trường hợp của tập đoàn onGC Videsh, nếu nhận được yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng đến đó”.
New Delhi cũng thẳng thừng bác bỏ những chỉ trích của phía Trung Quốc về việc họ tham gia tích cực vào dự án khai thác dầu khí với phía Việt Nam. Ấn Độ đang phải làm sao duy trì một lập trường thật khôn ngoan, khéo léo ở Biển Đông để không khiến cho Bắc Kinh bị khiêu khích và tăng cường gây áp lực lên Lực lượng Hải quân Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Maylaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) hết sức vô lý. Theo đó, cường quốc số 1 Châu Á đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông.
Có hai lý do chính để Ấn Độ can thiệp vào tình hình Biển Đông, ngăn không cho Trung Quốc thực hiện tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược này. Thứ nhất, Ấn Độ muốn xây dựng vị thế là một cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực. Vì thế, New Delhi thấy mình cần phải có trách nhiệm góp tiếng nói vào những tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông – một trong những vấn đề lớn nhất trong khu vực Châu Á hiện nay.
Lý do thứ hai quan trọng hơn là liên quan đến vấn đề lợi ích. Ấn Độ lo ngại rằng, một khi Trung Quốc chiếm được Biển Đông thì vị thế, lợi ích, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ cũng bị đe dọa. Trước mắt, New Delhi tin rằng, Bắc Kinh đang nhòm ngó cả sang khu vực Ấn Độ Dương.
Kiệt Linh - (theo the Diplomat)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét