Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Việt Nam: chiếc boomerang cho những xác chết biết đi?

Một số trong hơn 40 nghìn nhân công tại Vinaconex, một công ti xây dựng nhà nước ở Việt Nam, đang nằm trong hoàn cảnh khó xử. Họ chán nản vì đang bị nợ lương nhưng lại không dám nghỉ việc vì e rằng không tìm được công việc khác. Một số đang phải nhờ vả tài chánh vào gia đình, cô Trang, một thư ký 28 tuổi của Vinaconex cho biết, cô đã không được lĩnh lương từ tháng Tư. Nhưng nhiều người khác, cô nói thêm, đang chìm sâu trong vũng lầy nợ nần.

Hình ảnh “xác chết biết đi” của những nhân viên tại các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam chỉ là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của nước này vẫn đang yếu kém. Năm ngoái, nó tăng 5,03%, đạt tỉ lệ thấp nhất trong 13 năm qua và quá thấp so với 7% trong giai đoạn bùng nổ của những năm giữa thập niên 2000. Vào tháng Tám Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự đoán rằng tỉ lệ tăng trưởng trong năm sẽ ở mức 5,3%. Công ty xếp hạng tín dụng Fitch cho biết vào ngày 30 tháng Chín rằng trong khi các tín hiệu đối với kinh tế vĩ mô đang ổn định một phần nhờ ngành xuất khẩu nhưng sự trì trệ của các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng đang làm chậm chân tăng trưởng. Nhiều nhà đầu tư tiếp tục xem Việt Nam là một cơ hội tốt về lâu dài, nhưng những người khác lại cảm thấy thêm bất an.

Các doanh nghiệp nhà nước chiếm 40% sản lượng kinh tế cả nước, và nhiều doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng xấu vì họ đã lợi dụng tình trạng cho vay dễ dãi để thực hiện những đầu tư liều lĩnh (và dại dột) trong những lĩnh vực “không cốt lõi”. Ví dụ nổi bật nhất là Vinashin, một công ty đóng tàu nhà nước từng thâm nhập vào lĩnh vực địa ốc và giao dịch chứng khoán. Năm 2010 công ty này bị trễ hạn thanh toán đợt chi trả đầu tiên trị giá 600 triệu Mỹ kim cho Credit Suisse và nhưng chủ nợ quốc tế khác, dẫn đến việc hạ điểm xếp hạng nợ do chính phủ đứng tên của Việt Nam. Hàng chục doanh nghiệp nhà nước khác còn thiếu minh bạch hơn nữa; và chắc chắn là đang thầm lặng liếm láp vết thương của mình.

Trong những năm qua, những nhóm lợi ích đầy quyền lực bên trong đảng Cộng sản đang cầm quyền mạnh mẽ chống cự lại những kêu gọi đổi mới trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước. Một số cho rằng vì các quan chức cao cấp trong đảng xem chúng như là túi tiền riêng của mình. Nhưng ngày 27 tháng Chín vừa qua tại New York thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói với một bình luận gia của tờ Bloomberg rằng ông dự định sẽ đối xử với các doanh nghiệp nhà nước tương tự như những đối thủ tư nhân của chúng. Điều này thật sự đặc biệt đối với một người đang lãnh đạo một quốc gia cộng sản, dù chỉ là bề ngoài.

Ông Dũng cũng cam kết cho phép các công ty nước ngoài sở hữu đến 49% các ngân hàng trong nước trong một “tương lai gần”, tăng hơn so với giới hạn 30% hiện tại. Điều này dường như được dựa trên việc chính phủ thiết lập một công ty quản lý tài sản trong tháng Bảy vừa qua nhằm giải quyết các món nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng. Công ty Fitch nói rằng việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua thêm những tài sản xấu của Việt Nam có thể gây được hiệu quả trong việc bơm thêm nguồn vốn mới vào nền kinh tế và giúp quá trình hồi phục của các ngân hàng nhanh chóng hơn.

Nền chính trị của Việt Nam thì mờ ám, nhưng một số nhà quan sát đang kết luận rằng những lời của ông Dũng đã nhấn mạnh quyết tâm ngày càng cao của chính quyền trong những tháng qua nhằm dự tính cho những cải cách sâu đậm hơn, so với trước đây chúng chỉ được hời hợt cân nhắc. Những tín hiệu rõ rệt hơn bao gồm một nghị quyết của Bộ Chính trị gồm 16 thành viên cao cấp đưa ra ngày 10 tháng Tư trong đó xem việc hội nhập kinh tế là ưu tiên hàng đầu và kêu gọi việc hợp tác với các cơ quan đa phương khác, cùng với những thảo luận gần đây giữa các đại biểu quốc hội Việt Nam về việc “thanh lý” các công ty nhà nước (tức là tư hữu một phần) và chịu đựng được một mức thuế mà không làm suy kiệt nền kinh tế.

Kể từ cuối tháng Sáu giới lãnh đạo Việt Nam cũng đã biểu lộ sự sẵn sàng hơn trong việc thương lượng các chi tiết trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước tự do thưong mại liên quan đến khoảng chục quốc gia, ông Vũ Tú Thành thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết. Tham gia TPP sẽ tạo ra những lợi nhuận kinh tế lớn cho Việt Nam nói chung, nhưng nó cũng bắt buộc chính quyền phải gia tăng kiểm soát khối doanh nghiệp nhà nước. Ông Thanh cho rằng một số các chính trị gia Việt Nam có đầu óc cách tân đang dùng việc thương lượng TPP như một vỏ bọc để theo đuổi lịch trình nội bộ của họ. Giới khoa học chính trị gọi đó là “ảnh hưởng boomerang”. Người Việt dường như đang quẳng cho giới ngoại quốc một mẩu xương - hoặc theo biểu tượng trên, là một cây gậy cong - nhưng mục đích thật sự của họ là để nó quay lại và quất vào các đối thủ của họ trong nước.

Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam để tạo điều kiện thêm cho tính cạnh tranh thì về sau sẽ là điều tốt cho quốc gia cũng như cho hàng trăm nghìn thanh niên Việt Nam đang bước vào đội ngũ lao động hàng năm. Nhưng cải cách đúng nghĩa vẫn chưa thực sự được bảo đảm - bằng chứng sẽ nằm trong quá trình triển khai. Và nó sẽ không tránh khỏi những đau đớn ngắn hạn. Tháng trước Vinashin, công ty đóng tàu què quặt, cho biết là nó vẫn đang nợ lương của 7 đến 8 nghìn nhân viên vừa bị cho nghỉ việc như là một phần của kế hoạch tái cấu trúc lực lượng lao động đang tiến hành. Hàng nghìn người khác đang đợi bị cho thi việc, công ty cho biết, và họ sẽ công ty nợ lại khoảng 57 triệu Mỹ kim. Người ta nghi rằng họ sẽ tay trắng ra đi. Cô Trang, thư ký của Vinaconex, nói rằng cô hy vọng sẽ được nhận lương bị thiếu vào trước Tết, tức là vào ngày 31 tháng Giêng Dương lịch. Các quan chức quản lý đã liên tục xin lỗi và thỉnh thoảng lại đưa cho cô một món tiền nhỏ để giúp cô giải quyết những chi phí cơ bản. Một số đồng nghiệp của cô đang tính đến việc đình công, nhưng họ biết là cũng chẳng đến đâu. Vì thế họ vẫn tiếp tục làm việc.

M.I. | HANOI 
 03.10.2013

Diên Vỹ chuyển ngữ - The Economist 
 
(Dân luận) 

Không có nhận xét nào: