Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền tên tuổi mình với chiến thắng Điên Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ra khỏi Đông Dương, trở thành bài học quân sự của thế giới.
Những năm 50-75 của thế kỷ trước là một thời rực rỡ của một danh tướng không thông qua trường lớp quân sự nào, từ một trí thức bình dân trở thành đại tướng. Ông là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc, bất khuất chống ngoại xâm, với kẻ thù mạnh hơn nhiều lần vẫn quyết tâm "chiến thắng bằng mọi giá".
Học giả, chính khách nước ngoài đã có những đánh giá tích cực về ông, nhưng bên cạnh cũng có những phân tích khác.
Hãng thông tấn AP:
"Võ Nguyên Giáp, vị tướng tự đào tạo tài ba, người đã đánh đuổi quân Pháp ra khỏi Việt Nam, giải phóng nước này khỏi chế độ thực dân và sau đó khiến người Mỹ phải từ bỏ nỗ lực cứu vãn Việt Nam khỏi chủ nghĩa cộng sản, đã qua đời. Ở tuổi 102, ông là người vệ binh cách mạng cuối cùng thuộc thế hệ cũ của Việt Nam".
Chia buồn trước sự ra đi của tướng Giáp, ngày 5/10, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ca ngợi ông là "một người yêu nước vĩ đại", "một người lính vĩ đại" và "một con người phi thường" trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Tờ New York Times mô tả ông là "một người rất lôi cuốn và hoạt bát, một nhà quân sự uyên bác và một người theo chủ nghĩa dân tộc quyết liệt. Ông có thể dùng sức hút của bản thân để lên tinh thần cho quân sĩ, làm bùng cháy trong họ sự sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Những người hâm mộ ông đặt ông ngang hàng với MacArthur, Rommel và những chỉ huy quân sự vĩ đại khác của thế kỷ 20".
Edward Miller, Phó Giáo sư, khoa Lịch sử, Damourth Collage, Hoa Kỳ:
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu được ca ngợi ở Việt Nam và cả trên thế giới như thiên tài quân sự. Không thể phủ nhận các thành tích chiến trường của ông thật phi thường. Ông đóng vai trò chủ chốt khi Việt Minh giành quyền lực hồi Cách mạng tháng Tám 1945. Đó là cuộc cách mạng cộng sản thành công thứ hai trong lịch sử, sau Cách mạng Nga 1917".
"Bên cạnh đó, thắng lợi của ông Giáp ở trận Điện Biên Phủ năm 1954 là sự kiện bước ngoặt không chỉ trong lịch sử Việt Nam hiện đại mà cả trong lịch sử phi thực dân hóa của các nước miền nam (chỉ châu Phi, châu Á và Mỹ Latin)".
Trong khi đó, Jay Elwes trong bài "Võ Nguyên Giáp" trên Prospect Magazine, Anh quốc:
"Giáp là một chiến lược gia quân sự tự học tài năng bao la và nhà một lãnh đạo, người đã giành chiến thắng và giải pháp chính trị vào năm 1954, tạo các tình huống dẫn đến cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ 1965-1975. Như vậy, ông là trung tâm của cuộc xung đột mạnh nhất, gây nên tổn hại và tranh cãi của Chiến tranh Lạnh.
Ông cũng là một nhà tư tưởng tàn bạo, người đã nướng một số lượng lính rất lớn trong việc áp dụng chiến thuuật biển người hoang phí. Cuộc sống của tướng Giáp được làm nên bởi cuộc cách mạng, chiến tranh và sự mất mát và đau khổ gần như không thể tưởng tượng. Nhưng ông cũng là người chiến thắng".
Tờ Wall Street Journal:
"Võ Nguyên Giáp là một bậc thầy về hậu cần, nhưng danh tiếng của ông thì còn bắt nguồn từ nhiều thứ khác. Những chiến công mà ông giành được là nhờ vào một chiến lược kiên trì mà ông và Hồ Chí Minh tin chắc là sẽ thành công – một quyết tâm sắt đá là chấp nhận tổn thất khổng lồ và sự tàn phá gần như toàn bộ đất nước để đánh bại mọi kẻ thù, bất kể chúng hùng mạnh đến đâu. “Các bạn giết 10 người của chúng tôi thì chúng tôi cũng giết một người của phía bạn”, ông nói, “nhưng cuối cùng, các bạn sẽ mệt mỏi với điều đó trước chúng tôi”.
Cũng Phó Giáo sư, Khoa lịch sử, Hoa Kỳ, Edward Miller:
"Chúng ta nên nhớ rằng Tướng Giáp, giống như nhiều viên tướng vĩ đại trước ông, đã mua các chiến thắng với giá khổng lồ, và cũng suýt thất bại. Nghiên cứu gần đây cho thấy lực lượng Việt Minh chịu thương vong to lớn ở Điện Biên Phủ và suýt nữa bị đánh bại tại đó, giống như trong trận tấn công thất bại mà ông Giáp tiến hành ở đồng bằng Sông Hồng năm 1951".
Tiến sĩ François Guillemot, sử gia Pháp:
"Võ Nguyên Giáp với nhiều người Việt Nam khác, những người chống cộng và lưu vong, xuất hiện như kẻ chủ mưu của một cuộc chiến nhắm vào các đảng phái quốc gia dân tộc cạnh tranh với Việt Minh trong giai đoạn 1945-1946".
"Chiến lược quân sự của ông vốn tiêu tốn nhiều sinh mạng phụ nữ (cần nhấn mạnh điều này) và nam giới, ngày nay vẫn được thế hệ trẻ đặt dấu hỏi. Bởi vì Điện Biên Phủ, bất chấp chiến tích, là một cuộc xay thịt với cả hai bên và người Việt Nam đã trả một giá đắt cho trận chiến này...".
"Chiến lược của ông không phải là "chiến lược hòa bình" như ông đã nói với Dominique Bari, một nhà báo của tờ Nhân Đạo (l’Humanité, tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp) vào năm 2004, mà chiến lược của ông là để giành chiến thắng trong dài hạn cùng với một cái giá về hy sinh nhân mạng cao không gì có thể so sánh được".
Tướng William C.Westmoreland cho rằng, ông Giáp thành công vì "ông ta sẵn sàng chịu tổn thất lớn để theo đuổi chiến thắng". "Bất kỳ một tổng tư lệnh nào của Hoa Kỳ mà chịu tổn thất lớn như Tướng Giáp đều sẽ bị cách chức ngay tức khắc", Westmoreland nói.
Dù thế nào đi nữa, bất luận có nhờ trợ giúp của các cố vấn Trung Quốc, Nga, hay quyết định tập thể của lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) hay không, là Tổng tư lệnh tối cao, Võ Nguyên Giáp đã đạt kết quả cuối cùng trong cuộc chiến. Danh vọng của ông cao hơn cả núi xương máu của dân tộc. Cuộc chiến chống Mỹ 1954-1975 mà thực chất là cuộc đỏ hoá miền Nam, kết thúc vào ngày 30/04/1975 với cái chết của khoảng 3,5 triệu lính và dân thường, cùng với nửa triệu người khác đã bỏ mình trên biển từ hàng triệu người chạy trốn khỏi chế độ mà ông đã góp phần tạo dựng.
Một thời nhẫn nhục
Năm 1967, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ muốn dùng “hiểm họa xét lại” để hạ bệ tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong tiểu luận “Lê Duẩn, the American War, and the Creation of an Independent Vietnamese State” Judith Stowe nói rằng "do quá nguy hiểm nếu công kích cá nhân ông Giáp, nên ông Lê Duẩn nhắm đến đội ngũ ủng hộ tướng Giáp, đặc biệt những người thân cận và trung thành nhất trong hàng ngũ cấp cao của đảng và chính phủ".
Năm 1982 ra ông Giáp bị ra khỏi Bộ Chính Trị, năm 1983 được phân công làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch và về hưu năm 1991.
Từ 1983, suốt 30 năm cuối cuộc đời, tướng Giáp sống cam phận, bị gạt ra ngoài mọi quyết định quan trọng nhất của ĐCSVN.
Thực ra ông hoàn toàn có thể khước từ chức vụ "coi đẻ" để giữ nhân cách và khí phách. Nhưng không, ông vẫn muốn tồn tại, được yên thân trong những mưu mô và thủ đoạn tranh giành ảnh hưởng quyền lực của đồng chí mình. Ông im lặng trước sự bất công đối với các chiến hữu, xa lánh họ, dù họ rất cần đến tiếng nói bảo vệ của ông khi hoạn nạn.
Bởi vì ông biết rằng, bất kỳ sự kháng cự nào cũng sẽ bị phản công kịch liệt bởi các đối thủ chính trị, và vòng nguyệt quế của ông sẽ bị tước bỏ. Thân phận ông sẽ thảm hại chằng kém gì các chiến hữu bị đày đoạ trong lao tù mà không biết nguyên do, không án, thời gian vô định. Chí ít ông cũng sẽ như trung tướng Trần Độ, một người bị khai trừ ra khỏi đảng và trong lễ tang bị gỡ đi chữ "vô cùng thương tiếc" trên các vòng hoa viếng. Ông đã lựa chọn cách sống nhẫn nhục đến mức hèn nhát.
Tiến sĩ François Guillemot đã viết:
"Ông cúi mình trước tất cả các thử thách của đảng để không bao giờ phản bội Hồ Chí Minh. Đó là đường lối hành xử của ông cho đến hết đời, gần như một nỗi ám ảnh. Sống đúng với giá trị và cam kết của mình".
Vào lúc cuối đời, tướng Giáp có trăn trở với những sự kiện xảy ra trên đất nước, ông ủng hộ kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội.
Ông tỏ ra mềm mỏng hơn sau khi chấm dứt cuộc chiến và Việt Nam thống nhất, ủng hộ cải cách kinh tế và bắt tay với Hoa Kỳ, đồng thời công khai cảnh báo về ảnh hưởng lan rộng của Trung Quốc và cái giá phải trả về môi trường cho công nghiệp hoá ở Việt Nam. Vì thế ông đã ba lần viết thư gửi quốc hội đề nghị không khai thác bauxite Tây Nguyên. Ông cũng không tán thành việc mở rộng thành phố Hà Nội ra Hà Tây và phá bỏ Hội trường Ba Đình lịch sử. Tuy nhiên những đề nghị của ông đã bị bỏ ngoài tai. Chẳng ai nghe ông. Người ta vẫn làm khác ý ông để trục lợi.
Bi kịch đất nước
Phóng viên Hoa Kỳ Tim Karr nói:
"Thật đáng tiếc là ông đã không sử dụng uy tín vững như bàn thạch trong lịch sử dân tộc để đôi khi chỉ trích hay đi chệch khỏi đường lối của đảng. Có vẻ như một phần đáng kể của lịch sử hiện đại Việt Nam đã mất đi cùng với sự ra đi trong yên lặng của ông".
Ban lễ tang với những lãnh đạo đảng và nhà nước cao nhất cũng không thể nào bù được sự hành xử bạc bẽo và thái độ coi thuờng của họ với tướng Giáp.
Nhưng họ cũng đã khôn ngoan tận dụng cơ thể khô héo của ông những ngày nằm viện và làm quốc tang ầm ĩ, tốn kém chẳng phải tử tế gì với ông, mà muốn được chú ý tới thành tích chống Pháp-Mỹ trong quá khứ và gỡ gạc tính chính đáng của mình trong bối cảnh uy tín của ĐCSVN đang rệu rã.
Trong dòng người xếp hàng viếng tướng Giáp tại Hà Nội, tôi tin rằng rất nhiều người bị u mê bởi chính sách tuyên truyền về huyền thoại tướng Giáp, nhưng chắc chắn cũng có nhiều người khác quý trọng ông thực sự, tiễn ông đi và nhớ lại ký ức của một khoảng thời gian lý tưởng chẳng bao giờ còn nữa.
Sau chiến tranh gần 40 năm, đất nước bị cai trị bởi một tập đoàn sâu mọt tham nhũng, làm hao mòn sinh lực nền kinh tế, còn chủ quyền bị Trung Quốc đe doạ nghiêm trọng.
ĐCSVN hiện tại đã phản bội lại mọi giá trị mà tướng Giáp đã chọn. Ông là vị tướng thất bại cay đắng trong thời bình. 30 năm cuối cuộc đời ông là bi kịch, như bi kịch của dân tộc. Ông sống khắc khoải đến chết và để lại bi kịch này.
Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt "Napoleon đỏ", một nhân vật bi hùng của lịch sử Việt Nam đau thương!
*Bài viết trích từ trang blog Lê Diễn Đức. Nội dung không phản ảnh quan điểm của RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét