Pages

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Nguyên P. Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - Việt Nam đang tham gia “một cuộc chiến tranh kinh tế”

Nguyen-Thi-Binh-doi-moi-giao-duc-giaoduc.net.vn
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình


“Chúng ta đang tham gia vào một cuộc chiến tranh về kinh tế. Do đó, ta phải chiến đấu, phải đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực tự cường vượt nghèo đói để vươn lên phát triển ngang tầm các nước khác. Đây cũng là vấn đề nội lực của đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế!”

Đó là phát biểu của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khai mạc buổi toạ đàm “Vấn đề độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM sáng 15.10.

Bà nhận định: Kể từ sau khi có chủ trương đổi mới, trong một thời gian nền kinh tế đã phát triển rất nhanh. Bộ mặt đất nước nhìn chung có sự thay đổi như chương trình xoá đói giảm nghèo được đánh giá cao, ngành công nghiệp nhẹ mà điển hình là dệt may phát triển…

Tuy nhiên, các nghị quyết gần đây đã nhận định rằng kinh tế có phát triển nhưng không bền vững và có nguy cơ tụt hậu. Sự khủng hoảng kinh tế vừa qua đã tác động không ít vào sự non yếu của nền kinh tế nước ta. Hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng vạn công nhân thất nghiệp, sản xuất đình đốn.

Xuất khẩu tăng nhưng phần nhiều lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi nhiều doanh nghiệp của ta vẫn giậm chân tại chỗ, vẫn xuất khẩu nhiều sản phẩm thô chưa qua chế biến. Nguồn nhân lực thì dồi dào nhưng trình độ chưa được nhân lên, năng suất lao động vẫn thấp.

Doanh nghiệp tham gia mua bán – sáp nhập, liên doanh thì có nguy cơ bị chi phối, thâu tóm. Một số thương nhân còn tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài làm rối thêm thị trường trong nước…

Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần có một chiến lược mới cho FDI để doanh nghiệp nước ngoài có lợi mà chúng ta cũng phải có lợi thoả đáng. Kinh nghiệm từ 6 năm tham gia WTO cần được rút ra kỹ. Trong khi việc tham gia TPP cần phải thông tin kỹ và rộng rãi vì hiệp định này sẽ tác động lớn đến toàn thể nhân dân…

“Vậy nguyên nhân của những vấn đề trên nằm ở đâu? Cần phải làm gì để giải quyết? Tôi yêu cầu tại buổi toạ đàm này phải tập trung vào giải pháp bởi nói thì cũng đã nhiều người nói rồi. Và cuối cùng phải xác định được chúng ta làm gì để thực hiện các giải pháp đó” – bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.

Trước đó, vào ngày 24.9, một hội thảo tương tự đã diễn ra tại Hà Nội cũng do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TP.HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông phối hợp tổ chức

Hội thảo đó đã rút ra được 4 nguyên nhân: Quan điểm và tư tưởng chỉ đạo về kinh tế độc lập tự chủ đã được nêu ra nhưng không được phát triển và quán triệt đầy đủ; chưa nhận định được sự hội nhập sâu sắc; chưa đánh giá được tiềm năng kinh tế nội lực chính xác; tư duy người sản xuất nhỏ chủ quan, duy ý chí, thể hiện rõ trong hợp tác đầu tư nước ngoài, trong việc sử dụng vốn tuỳ ý và không quán triệt tư tưởng độc lập tự chủ trong hợp tác kinh doanh.

(Một thế giới)

Không có nhận xét nào: