Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Nhận định kết quả Hội nghị Trung ương 8 (HN8)

Hội nghị Trung ương 8 kéo dài trong 10 ngày
Một nhà quan sát chính trị ở trong nước nhận xét Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản vừa kết thúc không nhìn thẳng vào “khủng hoảng toàn diện” ở Việt Nam hiện nay.
Từ Hà Nội, Đại tá Lê Hồng Hà, Cựu chánh văn phòng Bộ Công an, phê phán Hội nghị Trung ương 8, bế mạc hôm 9/10, không ra chỉ dấu thay đổi gì về đường lối chung.

Ông nói với BBC hôm 10/10, một ngày sau khi Đảng Cộng sản đưa ra quan ngại thường xuyên về “diễn biến hòa bình” trong diễn văn bế mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Việt Nam hai ba năm vừa qua, đang rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, về chính trị, về xã hội, về tư tưởng, về lý luận.”
“Con đường cứ nhất định phải đưa đất nước Việt Nam xây dựng Chủ nghĩa xã hội là không đúng.”
Ông Hồng Hà nhận xét Đảng Cộng sản đã “nói qua qua, sơ sơ, luồn lách để nói là tình hình vẫn tiến triển tốt.”
Cựu chánh văn phòng của ngành công an cũng nói còn có hai vấn đề khác mà ông cho là “không được hay lắm” từ hội nghị vừa qua.
Đó là chuyện Đảng “chỉ đạo Quốc hội” thông qua Hiến pháp ở dạng như hiện nay cho dù nhiều nhân sỹ, trí thức đã phản đối chuyện giữ nguyên Điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng cũng như vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước bên cạnh sở hữu toàn dân về đất đai.
Thông cáo của Đảng Cộng sản nói Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp lần này “cơ bản đã được hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra”.
Quốc hội được yêu cầu “khẩn trương tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn thiện toàn văn Dự thảo, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6”.

Chuẩn bị Đại hội XII

Thông cáo chính thức nói Hội nghị Trung ương 8 đã “thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Quy chế bầu cử trong Đảng”.
Ngoài ra, cũng có loan báo để chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII, 5 tiểu ban được thành lập, trong đó có Tiểu ban Nhân sự.
Theo giới quan sát, người nào sẽ nắm tiểu ban này sẽ có ảnh hưởng lớn tác động đến việc chọn các ứng viên cấp cao tại Đại hội năm 2016.
Ông Hồng Hà cho rằng uy tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang càng “giảm sút” khi không thực hiện được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với lãnh đạo Đảng tại Hội nghị Trung ương 8, mặc dù mấy tháng trước, ông Trọng nói việc này sẽ được tiến hành.
Cũng theo ông Hồng Hà, dường như Tổng Bí thư đã đề nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị là người sẽ thay thế ông tại Đại hội kỳ sau. Nhưng đề nghị này chỉ mang tính “gợi ý”, chứ chưa có ý kiến chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương hồi tháng Năm, hai trưởng ban nội chính và kinh tế trung ương, mặc dù được dự đoán có tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị, đã bị Ban Chấp hành Trung ương bác bỏ.
Trong khi đó, các nguồn tin khác cho BBC biết trước khi Hội nghị Trung ương 8 diễn ra, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã quyết định sẽ chưa thông qua danh sách ứng cử viên bốn vị trí quan trọng nhất (Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng) và danh sách dự kiến nhân sự ở Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Ngay cả danh sách những người đã được cử đi học lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp còn bị nhiều người trong Ban Chấp hành Trung ương “chê là chất lượng kém”, theo một nguồn giấu tên.
Người này nói một số lượng các ứng viên khác từ các địa phương sẽ còn được giới thiệu thêm.
Trong năm nay đã có hai khóa bồi dưỡng những người đang đảm nhiệm hoặc được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian gần đây có nhiều thông tin đồn đoán về các chức vụ lãnh đạo cao cấp vào năm 2016.
Nhưng những diễn biến mới nhất cho thấy Đảng vẫn còn đang tìm các ứng viên, đặc biệt liên quan bốn chức vụ cao nhất.

Không có nhận xét nào: