Pages

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Quốc hội đa số 'tán thành Hiến pháp'


Ông Phan Trung Lý
Ông Phan Trung Lý đại diện cho Ủy ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi giải trình trước Quốc hội
Các đại biểu Quốc hội Việt Nam được cho là đã ‘tán thành’ hầu hết các nội dung chính của bản Hiến pháp 1992 sửa đổi khi vấn đề này được đưa ra báo cáo và tranh luận tại nghị trường trong hai ngày đầu tiên của kỳ họp Quốc hội hiện đang diễn ra.
Thông qua bản Hiến pháp là một trong những nội dung quan trọng nhất trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 13 lần này.


Qua ngày hôm sau 23/10, các đại biểu đã thảo luận nhóm về chủ đề này.
Các đại biểu Quốc hội đã nghe ông Phan Trung Lý, trưởng Ban biên tập Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, giải trình về việc tiếp thu ý kiến đóng góp cho Hiến pháp của Quốc hội và của nhân dân hôm 22/10.

‘Tôi tán thành’

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội đại diện cho Hà Nội, được trang mạng VnEconomy trong nước dẫn lời nói trong phiên thảo luận nhóm với các đồng nghiệp của ông rằng ‘nội dung dự thảo về cơ bản đã rất tốt’.
Ông Trọng được dẫn lời cho rằng Hiến pháp lần này chỉ nên sửa những cái gì ‘đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh và tạo được thống nhất cao’ còn cái còn ý kiến khác nhau thì ‘chưa nên sửa’.
“Tôi thấy tất cả nội dung này đã đáp ứng được tư tưởng đó. Tôi tán thành,” ông nói.
Tinh thần ở các buổi thảo luận nhóm về Hiến pháp này được báo chí trong nước mô tả là ‘đa số tán thành’ hoặc ‘không còn nhiều vấn đề lớn gây tranh cãi’.
"Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng Chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa."
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư cũng được cho là đã tập trung góp ý về câu chữ của Lời nói đầu trong Dự thảo để sao cho chuẩn xác.
Theo bản ghi do phóng viên báo Thanh niên ghi lại, thì ông Trọng đã đề nghị sửa lại câu ‘Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân...’ vì viết như vậy là ‘bỏ chủ thể nhân dân, chỉ nói Đảng Cộng sản lãnh đạo thôi là không ổn’.
Ông Trọng vốn có thời là chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, vốn nghiên cứu các vấn đề lý thuyết của Đảng.
Ông cũng chỉ ra ý ‘đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước’ có ‘sai sót’ ở chỗ từ năm 1960 chứ không phải đến đổi mới thì Chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng ở miền Bắc.
Ngoài ra, theo ông Trọng thì xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới không thể được xếp ngang hàng nhau.
“Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng Chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa,” bản ghi ghi lại lời ông Trọng.
Cho nên ông yêu cầu sửa câu này lại là: ‘đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội”.

Một số vấn đề chính

Bản dự thảo Hiến pháp này chỉ giữ lại 7 trong tổng số 147 điều của Hiến pháp năm 1992 hiện hành và sửa toàn bộ 140 điều còn lại.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Mặc dù là chuyên gia lý luận của Đảng nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt biệt danh là 'Lú'
Do đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng nên gọi bản thảo này là Hiến pháp 2013 thay vì như cách gọi hiện nay là Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Trước đó, đọc báo cáo giải trình trước Quốc hội, ông Phan Trung Lý, trưởng Ban biên tập Hiến pháp nói rằng dự thảo trình Quốc hội xem xét lần này đã ‘phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân’, ‘bám sát cương lĩnh của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng và Bộ chính trị’.
Theo tường thuật của truyền thông trong nước, ông Lý giải trình một số vấn đề cơ bản như sau:
Về tên nước thì ủy ban sửa Hiến pháp thấy rằng cần giữ lại quốc hiệu hiện nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì ‘nhất quán với con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn’ và ‘đã thân quen với nhân dân ta’.
Về quyền con người thì ủy ban này đồng ý sửa lại là ‘chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật’ thay vì như trước đó là ‘có thể bị hạn chế trong trường hợp khẩn cấp’.
Tuy nhiên, đề xuất lập Hội đồng Hiến pháp để bảo vệ đạo luật gốc này đã không được ủy ban sửa Hiến pháp chấp thuận vì ‘đây là vấn đề mới trong điều kiện nước ta hiện nay’.
Thay vào đó, ủy ban này đề nghị tăng cường trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.
Ủy ban này cũng cho rằng Hiến pháp cần phải quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước do vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của khu vực nhà nước là ‘rất quan trọng’.
Về việc thu hồi đất, ủy ban này thừa nhận cần quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Không có nhận xét nào: