Pages

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Thiếu tướng Lê Văn Cương - "Không ai chịu trách nhiệm trước nhân dân Việt Nam"

Có 2 nút thắt đó là hệ thống luật pháp không hoàn chỉnh và trách nhiệm cá nhân không rõ ràng khiến cho khoáng sản bị thất thoát, tham nhũng.

Tại hội thảo: “Quản trị tài nguyên khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?”, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an bức xúc: “Rất buồn là đến Cục trưởng Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản, Tổng cục Địa chất, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại nói là nhà nước không nắm được nguồn thu từ khoáng sản. Đã 38 năm trời trôi qua mà lại không làm được việc này”.

Chia sẻ với báo Đất Việt, Thiếu tướng Cương nhấn mạnh việc quy trách nhiệm quản lý của Chính phủ, bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như vai trò giám sát của Quốc hội khi để nói mãi câu chuyện không kiểm soát được tài nguyên khoáng sản kể cả quản lý khai thác, nguồn thu lẫn việc bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm ở đâu?

PV: -Thưa Thiếu tướng, như ý kiến của các đại biểu, chuyên gia cho rằng thực tế quản lý, giám sát việc khai thác, cấp phép tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang có rất nhiều “vấn đề”. Theo ông vì đâu có câu chuyện như thế này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: - Đúng là có nhiều vấn đề. Tôi không hiểu được việc báo cáo của ông Cục trưởng Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản mà chỉ nêu toàn những bất cập, song lại không rõ nguyên nhân từ đâu.

Theo tôi phải chỉ được nguyên nhân nút thắt từ đâu. Tôi rất rất sợ các câu trong các văn bản của Chính phủ là trách nhiệm “các cấp các ngành”, cần loại câu này trong các văn bản của cơ quan công quyền. Cách gọi đó rất chung chung.

Thực tế đã thấy rõ, Luật khoáng sản đã có hiệu lực hơn 2 năm 3 tháng mà các văn bản kèm theo không đầy đủ. Chính ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản báo cáo cũng báo cáo điều này.

Thế nhưng không quy được trách nhiệm. Ở đây việc thất thoát khoáng sản gắn với cái gốc đó là trách nhiệm cá nhân từ hệ thống không rõ.

Ngay cả đến chuyện giám sát thực thi, rất buồn là chỉ có 30% doanh nghiệp báo cáo, vậy 70% ở đâu? Đất nước này bó tay với lượng doanh nghiệp này hay sao? Chúng ta có UB kinh tế của Quốc hội, có Ban kinh tế trung ương vậy vai trò ở đâu?. Trách nhiệm giám sát của chúng ta đang rất kém.


Thiếu tướng Lê vă Cương phát biểu tại hội thảo

Không có cá nhân chịu trách nhiệm

PV: - Thưa ông nhưng việc phân cấp quản lý như hiện nay thì sẽ quy trách nhiệm như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: - Cái gốc của chúng ta là không ai chịu trách nhiệm trước người dân Việt Nam. Không có cá nhân nào cả. Bất cập là như vậy.

Trong bối cảnh hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng không thể nào làm khác được. Do vậy phải xoay lại. Phải sửa Hiến pháp. Chứ nếu để như Hiến pháp hiện nay quy định trách nhiệm của Thủ tướng cũng chỉ vài dòng.

Như vậy đặt địa vị tôi cũng sẽ làm như thế. Không có trách nhiệm gì cả. Cái gốc vấn đề là luật pháp không làm rõ trách nhiệm trước dân là của ai cả.

Tôi rất sợ các câu trong các văn bản của Chính phủ là trách nhiệm “các cấp các ngành”. Người ta cứ núp vào cái ô “các cấp, các ngành” này rồi vô trách nhiệm. Muốn làm gì thì làm.

Tôi nghĩ cần loại câu này trong các văn bản của cơ quan công quyền. Cái gọi là chính phủ rất chung chung khi nói tới trách nhiệm quản lý.

PV: Theo ông có nên thống nhất quản lý không? Nên giao cho bộ nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: - Chắc chắn là nên thống nhất. Việc gì cũng cần một đầu mối, một cơ quan và người đứng đầu phải có trách nhiệm. Có đến 10 ông thứ trưởng thì cũng phải “treo cổ” ông bộ trưởng khi sai phạm.

Nguyên tắc hành chính hiện đại là phải như vậy. Việc quản lý này chắc chắn phải giao cho bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khi đã gắn trách nhiệm phải giao đủ quyền cho họ và dứt khoát phải tạo điều kiện. Khi đủ quyền và điều kiện làm việc rồi, họ làm không thành công thì mới xử lý.

Quản lý như hiện nay là đang nửa vời. Giao quyền mới được 1/3, một người làm quy hoạch, sau đó người lo xuất khẩu khoáng sản lại là người khác. Như vậy miếng ăn ngon nhất thì anh xuất khẩu ăn hết.

Giống như nông dân làm ra lúa chẳng được bao nhiêu. Thế nhưng ông công ty lương thực thì lương hàng trăm triệu.

Với khoáng sản cũng vậy, người đầu tiên lầm lũi đứng ra làm quy hoạch thì chẳng có gì mà ăn. Người cuối cùng đứng ra xuất khẩu thì ‘ăn hết”.

Tôi muốn trở lại vấn đề gốc là luật pháp chung chung. Nếu tôi là giám đốc doanh nghiệp tôi cũng xử lý để có lợi.

Chúng ta phải có luật pháp, sau đó thì bố trí đội ngũ để thực hiện nó. Thế nhưng ở ta cả 2 cái này đều hỏng cả.

Phải làm một cuộc đại mổ xẻ

PV: - Vậy theo ông sự thể đã thế rồi, giờ phải làm gì để giải quyết?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: - Trách nhiệm thì phải làm riêng. Phải làm một cuộc đại mổ xẻ, tổng kiểm kê xem tại sao lại có tình trạng như hiện nay. Không cần đi cả 63 tỉnh mà chỉ cần nghiên cứu một tỉnh thì ra toàn bộ vì sao như thế, làm rõ nguyên nhân vì sao. Sau đó xử lý nguyên nhân đó.

Thế nhưng ta hiện nay không chỉ ra nguyên nhân cụ thể. Cứ nói chung chung đổi cho các cấp, các ngành. Một câu mà ai cũng có thể lăng xê vào văn bản là: “do hệ thống luật pháp bất cập; do cơ chế không hoàn chỉnh”.

Tôi là thảo dân tôi sẽ sống thế nào với cơ chế không hoàn chỉnh. Không thể dừng lại ở ngưỡng này được.

Bây giờ trước mắt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm. Chính phủ là bậc trung gian. Bởi vì quan hệ giữa các bộ này phải là Thủ tướng đứng ra. Bởi vì các bộ này tư cách pháp nhân như nhau. Khi đã không có mỗi quan hệ chặt chẽ giữa ba bộ này và không ràng buộc pháp lý. Vì vậy Chính phủ phải xuất hiện, ngồi lại điều hành quyết định từng việc.


Tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra sôi động tại nhiều địa phương nhưng nguồn thu cho ngân sách lại chẳng đáng là bao

PV: Vậy vai trò giám sát của Quốc hội thì sao, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: - Tôi nói thật là vai trò giám sát chưa thể hiện được gì. Sau hội thảo này đề nghị Quốc hội phải chủ trì bàn chuyện này.

Bàn đến cùng để chỉ ra tại sao quản lý khoáng sản kém thế. Trách nhiệm của Quốc hội giám sát đến đâu. Dân bầu ra để giám sát tại sao lại chỉ làm được đến thế. Đã phân công Phó thủ tướng phụ trách vậy trách nhiệm ở đâu.

Cần phải bàn cụ thể. Tôi không chỉ trích ai nhưng phải đẩy đến cùng chứ nước Việt Nam này không thể không quản trị được tài nguyên như vậy.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Tại hội thảo: “Quản trị tài nguyên khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 10/8, các diễn giả đã chỉ rõ việc quản trị tài nguyên khoáng sản Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế, hiệu quả quản lý chưa cao. Xuất hiện tiêu cực, ô nhiễm môi trường và còn tồn tại khoảng cách lớn trong việc thực thi pháp luật vào thực tiễn.
Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản: Nhà nước chưa kiểm soát được lượng khai thác của doanh nghiệp
Báo cáo “Tổng quan về tiềm năng và thực trạng quản lý khoáng sản của Việt Nam”, ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản, Tổng cục Địa chất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú.
Kết quả điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản của Việt Nam thời gian qua phát hiện được trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau. Một số loại khoáng sản có tiềm năng đủ để khai thác, chế biến quy mô công nghiệp với thời gian lâu dàì như: bauxite, titan – zincon, đất hiếm, than, apatit, đá hoa trắng…
Tuy nhiên còn nhiều vấn đề tồn tại trong việc quản lý. Cả về thể chế cũng như công tác tổ chức thực hiện.
“Với các doanh nghiệp, trách nhiệm thực hiện quản lý tài sản của nhà nước còn nhiều bất cập. Nhà nước chưa kiểm soát được lượng khai thác của doanh nghiệp. Công tác thống kê kiểm kê chưa được thực hiện nên không kiểm soát được nguồn thu từ thuế tài nguyên. Việc báo cáo định kỳ, thống kê kiểm kê còn chưa tốt, phụ thuộc hoàn toàn vào báo cáo của doanh nghiệp”, ông Thanh nói.
TS Lê Đăng Doanh: Lợi ích nhóm đã rõ ràng
Trong việc khai thác, quản lý tài nguyên khoáng sản lợi ích nhóm đã quá rõ ràng. Cấp Trung ương cấp phép hạn chế nhưng địa phương lại cấp quá nhiều. Người ta sẵn sàng chia nhỏ mỏ để cấp phép. Trong khi đó năng lực giám sát của chúng ta quá kém. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, cấp nào chịu trách nhiệm. Tính công khai minh bạch không rõ ràng.
Tôi cho rằng Sáng kiến quản trị minh bạch tài nguyên khoáng sản (EITI) là kinh nghiệm rất quý báu Việt Nam cần học hỏi và sau này cần tiến tới lộ trình để thực hiện. Cần công khai minh bạch và chia sẻ lợi ích hợp lý. Trong lĩnh vực này người dân không thể có điều kiện tiếp cận thông tin nên cần các tổ chức xã hội vào cuộc hỗ trợ.
Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Doanh nghiệp nộp được 5 tỉ thì phá hỏng đường 30 tỷ
Chúng tôi đi khảo sát ở Tuyên Quang thấy thực trạng một DN khai thác chế biến khoáng sản nộp ngân sách cho địa phương được 5 tỉ đồng 1 năm.
Thế nhưng nguyên đoạn đường DN này sử dụng vận chuyển khoáng sản và làm hỏng tỉnh phải đầu tư 30 tỉ đồng. Như vậy là việc quản lý chưa tốt, không hiệu quả.
Thông qua đây muốn đóng góp ý kiến cho Chính phủ ban hành hệ thống luật pháp và mong muốn cả hệ thống chính trị vào cuộc để có thể quản lý tốt hơn khoáng sản của Việt Nam.
Bích Ngọc (thực hiện)

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào: