Pages

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Tội 'trốn thuế' của luật sư Quân


LS Lê Quốc Quân từng tham gia đấu tranh dân chủ tích cực
Phiên xử luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân về tội “trốn thuế” dự kiến diễn ra ngày 2/10 tại Hà Nội, sau hai tháng đình hoãn.
Công an Việt Nam nói đã thu thập được chứng cứ cho thấy công ty do ông Lê Quốc Quân làm giám đốc đã trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.Trước khi bị bắt, ông

Khoản tiền trốn thuế được Thông Tấn xã Việt Nam loan đi là 649 triệu đồng - mặc dù một vài tờ báo trong nước khác chạy con số 437 triệu.
Ông Quân cùng bà Phạm Thị Phượng, kế toán của công ty, bị bắt ngày 27/12 năm ngoái về tội danh trốn thuế, được quy định tại Điều 161 – Bộ luật Hình sự.

Một luật sư bào chữa cho ông Quân, Hà Huy Sơn, nói với BBC rằng 649 triệu đồng là con số ghi trong cáo trạng.
Vụ bắt giữ được chính phủ và tổ chức nhân quyền nhiều nước, kể cả Liên Hiệp Quốc, đặc biệt quan tâm.
Một nhóm các tổ chức nhân quyền và luật sư, lấy tên chung Media Legal Defence Initiative, đã gửi thỉnh nguyện thư cho Nhóm công tác về việc giam giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD), nêu trường hợp ông Quân.
UNWGAD lại gửi thư cho chính phủ Việt Nam về trường hợp này, và nhận được trả lời chính thức của Việt Nam ngày 29/8, chỉ một ngày trước khi phiên họp lần thứ 67 của UNWGAD bế mạc.
Trong lá thư trả lời của Việt Nam, mà BBC có trong tay, chính phủ Việt Nam nói về cáo buộc "trốn thuế".
"Liên quan tới việc trốn thuế, các điều tra cho thấy từ năm 2009-2011, ông Quân đã chỉ đạo nhân viên liên hệ và thu thập thông tin cá nhân cũng như liên quan tới công việc của các quan chức và chuyên gia kinh tế để tạo các hợp đồng khống về tư vấn và môi giới thương mại mà mục tiêu là chính thức hóa chi phí đầu vào "gia tăng" của công ty và sau đó kê khai chi phí này với cơ quan thuế nhằm tránh đóng thuế thu nhập.
"Số tiền trốn thuế mới lên tới 649 triệu đồng, cho thấy bằng chứng về việc vi phạm Khoản 3, Điều 161 của Bộ Luật Hình sự về Tội Trốn thuế.
"Ông Quân là một luật sư, với kiến thức và nghĩa vụ bảo vệ công lý và luật pháp, làm việc trong lĩnh vực đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng việc ông dùng những xảo thuật lừa đảo tinh vi để lừa dối cơ quan thuế đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp và đạo đức kinh doanh."
Lá thư trả lời Liên Hiệp Quốc cũng nói về vấn đề tiếp cận ông Quân trong thời gian giam giữ.
"Liên quan tới việc gia đình thăm viếng và tiếp tế..., trong giai đoạn điều tra, gia đình không đề nghị vào thăm. Ngoài giai đoạn này, vợ và em ông Quân gặp ông hàng tháng với đồ tiếp tế với chế độ như những người bị giam giữ khác theo quy định của Trung tâm.
"Lúc mới bị tạm giam, ông Quân từ chối các bữa ăn của Trung tâm nhưng vẫn dùng đồ của gia đình. Bởi vậy thông tin nói rằng ông Quân tuyệt thực trong 15 ngày và rằng 'ông Quân sụt cân vì tuyệt thực', và 'tình trạng sức khỏe của ông hiện không rõ ràng nhưng gây lo ngại sâu sắc' là vô căn cứ."

Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự Việt Nam


Phạm tội trốn thuế với số tiền từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
"Chúng tôi tái khẳng định rằng việc bắt, giam giữ và điều tra ông Lê Quốc Quân được thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục mà luật pháp Vệt Nam quy định cũng như các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế.
Bình luận về trả lời của chính phủ Việt Nam, nhóm Media Legal Defence Initiative nói ông Quân “bị bắt và giam giữ vì thực hiện quyền tự do thể hiện ý kiến và ngôn luận, quyền tự do lập hội và quyền tham gia vào việc điều hành việc công”.
Về tội “trốn thuế”, nhóm này nói: “Nếu không có bất cứ chứng cứ rõ ràng giải thích cho những cáo buộc về việc trốn thuế của ông Quân, thì những tuyên bố của chính phủ không đáng tin, cũng chẳng thể làm mất uy tín của sự biện hộ của những tổ chức ký tên cho rằng những cáo buộc thế này thường được chính phủ Việt Nam sử dụng để bịt miệng những lời chỉ trích.”
Nhóm này cũng cho rằng quyền được xét xử công bằng của ông Quân đã “không được tôn trọng trong suốt thời gian ông bị giam giữ”.
“Trái ngược với những gì chính phủ Việt Nam cam đoan trong bình luận của họ, gia đình ông và luật sư của ông đã liên tục gửi yêu cầu được gặp mặt ông Quân tại nơi bị giam giữ.”
"Những yêu cầu này luôn bị từ chối…Tất cả mọi yêu cầu gặp mặt từ phía luật sư của ông Quân cũng bị từ chối cho đến khi cuối cùng ông được phép cho gặp mặt thân chủ trong một cuộc thẩm vấn vào tháng 3/2013.”
Vụ án Lê Quốc Quân đã được UNWGAD thảo luận tại phiên họp hôm 30/8, và dự kiến nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc sẽ công bố ý kiến của họ sau mấy tháng nữa.
Theo lịch trình, UNWGAD đầu tiên sẽ gửi ý kiến của họ cho chính phủ Việt Nam và sau đó gửi cho Media Legal Defence Initiative.
Sau khi các bên đã có phản hồi, UNWGAD sẽ công bố chính thức ý kiến của họ về vụ án.

Không có nhận xét nào: