Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Cộng sản Việt Nam: Thu hồi đường phố?


Phan Châu Thành (Danlambao) - Mấy năm gần đây, cả đất nước VN rối loạn lên khắp nơi bởi những vụ chính quyền “thu hồi’ đất của dân, mà thực chất là cướp đất sinh sống của nhân dân bởi tập đoàn cán bộ cộng sản và bè lũ “lợi ích nhóm” của chúng, nhân danh các “dự án phát triển kinh tế” do chúng vẽ ra và trên cơ sở hiếp pháp do chúng viết và “thông qua”, hiếp pháp với điều khoản “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”…

Mới đây, có một bài viết của Thanh Hương “Lưu manh: hai chữ “thu hồi”, tất nhiên trên lề dân, tôi đọc trên Dân Luận, la thất thanh về sự lưu manh vô độ của Cuốc hội khi vẫn sẽ đưa vào hiếp pháp và luật (cướp) đất đai điều khoản “thu hồi đất cho các dự án”. Đúng là lưu manh vô độ thật, thế giới chưa từng có, vì người ta thu hồi cái người ta không phát ra và không làm chủ nó. Đó đơn giản là ăn cướp. Trên năm trăm (có thể là hàng nghìn) ngôn ngữ của loài người các dân tộc trên thế giới này đã nghĩ ra, đều sẽ có một từ chung cho cách hành xử đó, đó là ăn cướp. Thế nhưng, trong ngôn ngữ mới rất “sáng tạo” của đảng cộng sản Việt Nam áp đặt cho người Việt hiện thời, thì đó là… “thu hồi”.

Thực ra, quá trình cướp bóc tài sản và nguồn sống của dân Việt đó của đảng cộng sản VN không chỉ gần đây mới diễn ra với đất đai của dân, mà “họ ăn không từ một cái gì”, và nó đã diễn ra ngay từ những ngày đầu họ cướp được chính quyền, từ 1954 ở miền Bắc và ngay sau 1975 ở miền Nam đất nước…

Với bài này, tôi muốn nói đến các vụ cướp đất đai của cộng sản VN mà không có dân oan, không có biểu tình khiếu kiện đám đông, không có súng hoa cải và bình gas nổ, không có tiếng súng colt tuyệt vọng nào của dân bắn lại vào đầu họ, nhưng tôi tin nhất định sẽ có tiếng phán xét đanh thép công minh và xét xử hồi tố của Lịch sử dân tộc Việt, đối với họ.

Ở đây, tôi muốn nói đến những vụ… thu hồi đường phố của cộng sản Việt Nam từ 1975 đến nay.

Vâng, theo đúng cách nói ngon lành, “vô tư và trong sáng” của cộng sản, và trên cơ sơ hiếp pháp của CS thì đó sẽ phải là… thu hồi đường phố!

Từ sau 30/4 năm 1975, trên khắp các đô thị và nông thôn miền Nam, việc đầu tiên chính quyền cộng sản làm khắp nơi nơi bằng họng súng còn nóng hổi của mình là… thu hồi đường, phố! Trên các xa lộ và trong các thành phố, thị trấn họ lập các baries, họ bịt đường… để “kiểm soát”, để chiếm tất cả!

Đường xá, phố phường là để đi, là của chung xã hội, dành cho toàn xã hội để lưu thông làm ăn sinh sống với nhau, nhưng khi cộng sản cướp được chính quyền, chức năng tự thân của các con đường, con phố trên đất nước bị… biến mất. Họ bịt đường, ngăn sông cấm chợ để chẹt đường sống kinh tế và văn hóa của dân (mà họ muốn kiểm soát), họ chẹt đường tự do đi lại lưu thông của dân với nhau (mà họ càng muốn kiểm soát hơn vì sợ dân đoàn kết với nhau?…).

Chỉ tính ở Sài Gòn, sau 1975, tính riêng ba quận Q1, Q3 và Q5, họ đã xóa sổ ngay lập tức, tức là “thu hồi” (bằng cách bịt hẳn hai đầu đường) vài chục con phố (chúng tôi đã đếm kiểm được trên 30 đường bị cắt cụt, thực tế có thể nhiều hơn nhiều…), để chiếm thành “của chung” (lúc đầu), để “quản lý” các thành thị, khu dân cư cho các mục đích “quân sự”, “hành chính”… Rồi hầu như họ không trả lại hiện trạng vốn có nữa.

Chúng tôi đã nghiên cứu so sánh bản đồ Sài Gòn trước 1975 với thực tại, rồi đi kiểm tra thực địa khắp ba quận (tức bốn quận trung tâm SG cũ, trong đó Q1 và Q2 được chính quyền hiện nay ghép thành Q1), thì thấy chỉ riêng Quận 1 hiện nay có tới 12 đoạn đường đã bị cộng sản “thu hồi” và chiếm hoàn toàn từ sau 1975 mà nay họ chỉ trả lại một con đường đã bị “thu hồi” là đường Trương Định đi qua Tao Đàn… Ở Quận 3, có gần một chục đường bị “thu hồi”, họ cũng chỉ mở lại một con đường sau khi bị bịt chiếm mấy chục năm là đường Trần Quốc Toản, đoạn từ NKKN đến Trần Quốc Thảo…, nhưng cũng còn nhiều con đường vẫn bị chiếm và xóa tên luôn (nhất là trong khu T72 dành riêng cho cán bộ TW)…

(Với bài này chúng tôi muốn nói về hiện tượng và bản chất “thu hồi đường phố” của nó, qua các ví dụ cụ thể, chưa nói đến số lượng hay mức độ của hiện tượng, như có tổng số chính xác bao nhiêu con đường tại Tp.Sài Gòn đã bị cắt hay xóa tên sau 1975. Ai quan tâm điều này có thể kiểm chứng dễ dàng mọi chi tiết của ví dụ hay hiện tượng chung, cũng như chúng tôi đã làm: so sánh bản đồ và tài liệu cũ và mới, kiểm tra thực địa, kiểm chứng với người Sài gòn sinh sống từ trước 1975…)

Người dân những tưởng đó là những “nhu cầu chung” thật, “thu hồi” tạm rồi thì họ sẽ mở lại ra những con đường đó cho dân đi, nhưng rồi đa số thành của riêng, và… họ thay đổi luôn bản đồ thành phố theo thực trạng đã “thu hồi” mới! Trong thực trạng sau “thu hồi đường phố” đó, có những con đường có từ mấy trăm năm cùng lịch sử thành phố và đã được ghi lại trên các bản đồ lịch sử… cũng biến mất.

Ở đây, tôi xin lấy hai đoạn đường phố ngay tại Trung tâm Q1 bị chính quyền “ thu hồi” sau 1975 là đường Ngô Đức Kế (đoạn từ Thi Sách đến Thái Văn Lung – 100m) và Thái Văn Lung (đoạn từ Nguyễn Siêu đến Tôn Đức Thắng hiện nay -250m) để phân tích làm ví dụ tiêu biểu đặc trưng cho hiện tượng “thu hồi đường phố” phổ biến trên của CSVN.

Hai đoạn phố này đều thuộc phường Bến Nghé, Q1, và đến nay sự “thu hồi” hay ăn cướp của công chúng, hay xóa sổ cả đường phố trung tâm đó của cộng đồng dân cư thành phố và cả nước, đã được họ “ chính thức hóa” trên các bản đồ thành phố HCM mới (nhưng trong hồ sơ chi phí của C.ty Công viên Cây xanh Tp. thì họ vẫn chưa xóa “dấu vết” cắt mất hai đoạn phố đó, vẫn để nguyên độ dài phố như nguyên thủy để… vẫn tính đủ công “ quét” vỉa hè, “trồng cây” và mắc điện đường, sửa sang đường phố… suốt hàng mấy chục năm nay!)

Nguyên thủy, từ trước thế kỷ 18, khi cha ông ta xây thành Bát Quái (Thành Qui, năm 1790) rồi mở rộng củng cố thành Thành Gia Long (Thành Phụng, năm 1836), đã có hai con đường này, nằm trong trung tâm hành chính thương mại của thủ phủ Prei Nokor (thủ phủ Chân Lạp, tiền thân của Sài Gòn hiện nay), rồi Sài gòn Gia định thuộc Nhà Nguyễn, rồi Sài Gòn thuộc địa Pháp, rồi Sài Gòn thủ phủ VNCH. Đến thời CSVN hiện nay thì sao?

Con đường thứ nhất là đường Thái Văn Lung hiện nay, (nguyên thủy là đường Đồn Đất, rồi Pháp đổi thành đường Pasteur, VNCH giữ nguyên tên (?), rồi CSVN đổi về Đồn Đất năm 1975, rồi lại đổi thành Thái Văn Lung khoảng năm 1980), là đường dài 560m chạy từ Cửa chính phía Nam của Thành Bát Quái/Thành Gia Long xây từ năm 1790, ra đến bờ sông Sài gòn, gọi là Cửa Li Minh (hay còn gọi cửa Gia Định). Cửa chính thứ hai phía Nam của Thành Gia Long là Cửa Càn Nguyên, chính là đường Đồng Khởi hiện nay, cũng đi từ cửa thành đến sông Sài Gòn. Đó là hai đường huyết mạnh phong thủy hệ trọng (hai con rồng Nhật-Nguyệt) của thành Gia Long nối Thành với sông Sài Gòn từ khi lập đô phía Nam của Nhà Nguyễn suốt hơn 300 năm nay… Khởi thủy và long mạch của Thành phố và cộng đồng dân cư Sài Gòn cũng bắt nguồn từ đó, liên quan đến và có sự góp vào không thể thiếu của hai con đường cửa Thành này.

Nối ngang hai hai con rồng Nhật-Nguyệt đó là đường Denis Freres (thời Pháp), thời VNCH và ngày nay gọi là Ngô Đức Kế, dài 400m chạy từ Đồng Khởi đến Đồn Đất. Ba đường tạo thành chữ Vương nối vững chắc sông Sài Gòn với hai cửa Nam Thành Gia Long, cũng từ trên 300 năm nay.

Bên bờ song Sài Gòn, chính giữa hai đường Đồng Khởi và Thái Văn Lung hiện nay, hai cửa Nam chính của Thành Gia Long, và đường Ngô Đức Kế, ngay từ sau 1790 được một người Pháp thiết kế cho nhà Nguyễn một Quảng trường hình ngôi sao bán nguyệt để chấn bên bờ sông giữa hai cửa rồng/lân Càn Nguyên và Li Minh (nay là quảng trường Mê Linh), sau VNCH đạt tượng Trần Hưng Đạo chỉ ra sông… thật là dẹp về phong thủy, cân đối và đẹp về kiến trúc. Quảng trường đó chính là tâm kiến trúc và tâm Tâm linh mấy trăm năm của thành phố…

Người Pháp, sau khi chiếm thành Gia Long, đã phá thành hoàn toàn, nhưng không xóa hai con đường cửa thành Gia Long, mà chỉ phá cửa Càn Nguyên, san bằng và cho xây nhà thờ chính lên đó, nay là Nhà Thờ Sài Gòn, để “yểm”. Còn Cửa Li Minh (hay Minh Nguyệt) thì họ để nguyên dùng làm cửa chính Bệnh viện Pasteur (nay là cổng sau Bệnh viện Nhi đồng II), và đổi tên đường từ cửa Nguyệt ra sông Sài gòn thành đường Pasteur, dùng hầu như toàn bộ diện tích trong thành Gia Long làm bệnh viện Pasteur và trường học (sau này thành đại học Xã hội Nhân văn hiện nay). Đó cách “yểm” và “trị” dân Việt của thực dân Pháp ngày xưa lên di tích quan trọng nhất của Nhà Nguyễn ở Sài gòn là thành Gia Long: xây nhà thờ, trường học và bệnh viện. Tóm lại, ngoài việc phá thành, họ không bịt đường cắt phố, không vẽ lại bản đồ đường phố khu trung tâm. Họp vẫn để lại kiến trúc cân đối của trung tâm thành phố. Chính quyền VNCH cũng thế, họ nhấn mạnh thêm kiến trúc trung tâm thành phó hình sao bán nguyệt đó bằng tường đức Thánh Trần uy nghi, không thấy có hiện tượng họ “thu hồi đường phố” nào khi lên cầm quyền như thế.

Còn CSVN thừa kế Thành phố và đường phố Sài Gòn thì thế nào? Họ bịt và chiếm nhiều đường phố, ta gọi tạm là “thu hồi đường phố”, họ dùng làm của riêng, sau đó họ vẽ lại bản đồ đường phố.

Từ 1975, trong ví dụ hai con đường cụ thể này, CSVN cho bịt và “cắt và chiếm” mất 2 đoạn cuối của hai con đường trên, đường Ngô Đức Kế là từ đoạn Thi Sách đến Đồn Đất (mất 100m), và đường Thái Văn Lung thì từ đoạn Ngô Đức Kế đến Tôn Đức Thắng (mất khoảng 200m), đường rộng khoảng 12-14m cả vỉa hè hai bên. Kết quả là hai con đường này không nối với nhau như hơn 300 năm nay chúng đã từng nữa, cả trên thức tế lẫn trên bản đồ mới. (Trên các bản đồ mới cáu CSVN, đoạn đường Đồn Đất/Thái Văn Lung bị họ xóa đi là từ Thi Sách đến sông Sài Gòn, khoảng 250m). Rất nhiều đường phố khác cũng bị “cắt cụt” hay “thu hồi” sau chiến thắng như vậy.

Ngoài việc gây thêm rối tắc giao thông giữa trung tâm thành phố thì ảnh hưởng phong thủy của cả thành phố bị tắc Long mạch Li Minh (Lân Sáng) là vô cùng quan trọng. Rồi cấu trúc kiến trúc bán nguyệt sao tỏa đẹp và cân đối vốn có của trung tâm thành phố bị bẻ gẫy, quảng trường Mê Linh với Trần Hưng Đạo không có vành đai vuông vức kín xung quanh mà bị “hở”, bị lệch… Tất cả, đó là những giá trị văn hóa, tinh thần, tâm linh, tình cảm… lớn lao bị phá, bị mất, bị mòn… chỉ vì họ “thu hồi đường phố” vô cớ vô duyên vô trách nhiệm như thế, chả lẽ không đáng cho chúng ta quan tâm? Chúng tôi thì hết sức quan tâm và quan ngại…

Câu hỏi đặt ra ở đây là họ làm việc “thu hồi đường phố” như thế để làm gì? Họ có nhu cầu an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa… gì chính đáng để làm thế?

Xin thưa: Không hề. Chỉ vì họ muốn thế, và có thể làm thế (họ dùng cả chính quyền để làm thế…).

Đoạn phố Ngô Đức Kế “thu hồi” được họ chia nhau (tất nhiên là cán bộ CS) xây nhà riêng trên mặt đường luôn, nối liền đường Thí Sách lại, nay là khách sạn tư nhân 3-4 tầng, như chưa hề có… 300 năm lịch sử trước đó. Đoạn mặt phố dài khoảng 70m còn lại phía sau nhà mới xây đó họ cho các nhóm lợi ích phường Bến Nghé cho thuê làm kho lạnh trữ hoa quả TQ, tạo “thu nhập phụ” cho UBND Phường Bến Nghé (hay cho vài cán bộ chính trong đó) suốt mấy chục năm qua, từ 1975 đến nay. Hiện nay, nghe đâu họ đã “ dán xong sổ đỏ” cho đoạn đường nhựa dài 70m đó, cho “ai đó”, và họ chuẩn bị làm dự án xây cao ốc trên mặt đường lịch sử đó (cùng với lô đất số 3 Thái Văn Lung bên cạnh), quay ra mặt đường Thái Văn Lung, lấy địa chỉ số 3 TVL.

Đoạn phố Đồn Đất (hay Thái Văn Lung) đẹp nhất – đoạn ra bờ sông Sài Gòn thì họ “thu hồi đường phố” bằng cách xây tường chặn lại (khoảng gần 200m) rồi ghép vào cho Nhà Bảo tàng Tôn Đức Thắng, vốn chỉ là ngôi biệt thự số 1 Đồn Đất hay TVL (tư gia cũ của Phó TT VNCH Nguyễn Thiện Khiêm), lấy địa chỉ số 4 đường Tôn Đức Thắng. Như vậy, Bảo tàng TĐT bịt Cửa Thành Gia Long/Cửa Li Minh và quay lưng lại cửa thành này.

Đây là một trong hai Bảo tàng cá nhân duy nhất của CSVN (cái kia to hơn là cho HCM), vắng hơn chùa bà đanh. Bảo tàng Tôn Đức Thắng rất vắng là vì ai cũng biết cụ Tôn chỉ là bù nhìn của cộng sản VN để mị dân thôi, không có tài năng và thực quyền gì. Sống đã là bù nhìn thì chết cũng vẫn chỉ là bù nhìn, ai đi thăm bù nhìn… ma, làm gì?

Vậy hãy xem họ làm gì với cái gọi là Bảo tàng Tôn Đức Thắng để phải ngăn đường Đồn Đất, bịt cửa Thành Gia Long, “thu hồi” cả diện tích 200m mặt phố Đồn Đất đã tồn tại mấy trăm năm trong trung tâm Thành phố? Việc người ta ngăn con phố lịch sử của Thành phố, của nhân dân lại, mang tiếng để “thờ cụ Tôn”, thực chất chỉ để mở rộng thêm sân vườn đế họ… cho thuê mặt bằng kiếm tiền. Vâng, công việc chính của Bảo tàng TĐT có lẽ là cho thuê mặt bằng, như hiện nay họ đang làm: cho thuê quán Café Nhà hàng Zest, cho thuê và làm dịch vụ đám cưới liền kề Zest, làm trạm dịch vụ kỹ thuật sửa xe cho hãng BMW (thật là hợp với tay nghề cơ khí của cụ Tôn!), và cho thuê bãi để xe hơi qua đêm… trên đường nhựa phố Thái Văn Lung dài gần 200m đó… Đó là các chức năng chính của cái gọi là Bảo tàng TĐT hiện nay, vì nếu bạn vào thăm Nhà Bảo tàng đó, xác suất để bạn là người thăm duy nhất trong ngày (phí 2000đ/người) có thể là… 100%. Tôi đã 3 lần vào thăm cụ Tôn và đều nhận vinh dự đó: người khách duy nhất trong ngày! Có khi “duy nhất” của cả tháng đó cũng nên, vì lần nào những nhân viên Bảo tàng cũng cuống cuồng chạy đi … bật điện lên cho tôi thăm cụ Tôn! Và chắc họ phải rủa thầm tôi lắm vì tội… tham quan Bảo tàng (!), nhìn mặt thấy họ rất khó chịu với tôi, ngay cả khi tôi cảm ơn để ra về.

Qua hai ví dụ “thu hồi đường phố” của CSVN ngay tại trung tâm Tp. HCM sau 1975 đến nay như trên, chỉ là ví dụ đặc trưng thôi, tôi muốn chỉ ra cái vô cùng lưu manh và thô bỉ của chế độ CSVN khi giữ và thực hành quyền “thu hồi đất đai” và thậm chí trong thực tế là cả đường phố trong hiếp pháp ngày nay.

Họ không chỉ thu hồi đất, họ đã và đang thu hồi cả đường phố, cả lịch sử, cả văn hóa dân tộc. Họ không chỉ cướp con đường sống ngày nay và ngày mai của người dân, họ đã và đang cướp cả văn hóa và lịch sử của cộng đồng. 

Về qui hoạch và phát triển đô thị, loài người thì chỉ cố gắng mở thêm đường khi có thể để làm đô thị thông thoáng thêm, đẹp đẽ hơn, còn họ thì có thể “thu hồi” để chiếm cả các đường phố có lịch sử dài bằng cả lịch sử thành phố hay đát nước làm của riêng (khách sạn tư nhân trên mặt đường Ngô Đức Kế) hay làm nguồn thu nhập riêng (các dịch vụ thêm của Bảo tàng Tôn Đức Thắng bịt cửa Minh Nguyệt của Thành Gia Long vốn có trên 300 năm)… Họ coi thường và đi ngược Lịch sử và văn minh dân tộc!

Không có từ nào hơn là từ lưu manh để mô tả họ như bài viết đã nói trên. Tôi muốn nói kiểu người Bắc: lưu manh có súng, có còi!

Họ không chỉ làm thế ở phường Bến Nghé, ở Quận 1, ở Tp. Sài Gòn này suốt từ 1975 đến nay, mà chắc chắn họ làm thế ở khắp các đô thị miền Nam và cả nước này. Chỉ là vì, “thu hồi đường phố” thì không có người dân nào đứng tên chính chủ đường phố cả, chỉ là chính họ: chính quyền, nên họ có thể làm mà không có dân oan…

Có thực không có dân oan không? Dân oan chính là Lịch sử Thành phố, Lịch sử Dân tộc.

560 mét đất đường Đồn Đất/Thái Văn Lung trong sử sách người Pháp ghi nhận và để lại vẫn là 560m, ghi trong sổ sách thành phố lưu trữ mấy trăm nay nay, bàn giao cho VNCH vẫn là 560m phố dài, nay vào tay cộng sản tự nhiên “ biến thành” chỉ còn 300m trên thực tế, tên phố vẫn còn nguyên, sổ sách vẫn thế để Cty Công viên cây xanh vẫn chi phí bảo dưỡng duy tu 560m đường hàng năm… Đó là chuyện ngụ ngôn cộng sản VN thu hồi đường phố hôm nay.

Ngay cả Cụ Tôn được họ “thờ… hờ” trong Nhà Bảo tàng chắc cũng muốn kêu oan: Đừng lấy tên tôi để tham nhũng nữa, để hành dân nữa, để bôi nhọ Lịch sử dân tộc nữa, để đưa dân tộc đi ngược Thời đại nữa! Tôi sống làm “lãnh tụ bù nhìn” cũng đã nhục lắm rồi, nay tôi chết rồi hãy đế tôi yên ở quê Long Xuyên, đừng “thờ hờ” tôi trong chùa bà đanh thế này, khổ tôi và đau lòng con cháu tôi lắm các đồng chí đảng viên cộng sản ơi!

Phan Châu Thành 

Không có nhận xét nào: