VRNs (01.11.2013) – Sài Gòn - Chuyện hôm nay mới kể
18h ngày 28.10.2013, mọi việc rồi cũng được thu xếp ổn thỏa, sắp đến giờ “G” rồi.
20h, với Balo hành trang tôi lên đường (phải tận dụng đến yếu tố bất ngờ vì sự theo sát của quân địch…, hơn nữa, đây lại là “Mệnh lệnh tối cao” của Cha (Linh mục) với nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong chiến dịch … là phải bảo vệ “an toàn tuyệt đối cho khẩu pháo truyền thông” (máy quay phim) của nhà Dòng.
Con đường đêm Saigon đã thật sự chen chúc với dòng người hối hả, phải đến 30p sau, tôi mới đến được khu vực Chợ Ông Tạ (Quận Tân Bình, Saigon) để liên hệ với một “yếu nhân” không hề được biết trước về căn cứ (địa chỉ) cụ thể – theo mật mã đã giao ước: “Cứ đến Chợ ông tạ, gọi vào số điện thoại nói mật mã ‘Tuổi trẻ yêu nước’ khi nhận câu trả lời là ‘Long An 29’ là sẽ có người của phe ta ra tới…” và cứ nghiêm túc nghe theo yêu cầu của “yếu nhân” này…
Chúng tôi rời Saigon thẳng tiến Long An. Con đường đêm với trách nhiệm vinh dự được giao phó…, ôi ! Bỗng Tôi nhớ lại những ngày đi chiến dịch ở Biên giới Cambodia – Thailand quá !!!
Ngày đó, là thằng Lính trinh sát, thường thì chúng tôi – mỗi tốp ba đứa – phải bí mật đi trong đêm tối (với mật mã quy định) để tránh sự nguy hiểm vì quân Ponpot rất nhạy bén và lại quen thuộc rành rẽ từng địa bàn trên vùng lãnh thổ của họ.
Nghĩ lại buồn, vì ngày đó còn tuổi trẻ, mà lại với đủ phương tiện (súng đạn) đầy đủ trong tay, còn bây giờ phải chiến đấu với kẻ kẻ thù cũng vô cùng nguy hiểm và biến chứng, mà vũ khí chỉ được quy định là “Trái tim với Lòng yêu nước!”
Con đường về Miền Tây ban đêm rất mát mẻ, với ánh đèn điện dọc 2 bên đường (cũng may đêm đó thời tiết tốt) với tâm trạng của một thằng lính ra trận, tôi vặn ga ở cự ly 60 – 80km/h. Có tiếng phàn nàn của “yếu nhân” ngồi sau: “Chậm chậm thôi, em không thích tốc độ đó…!” Chúng tôi đã chia sẻ đủ mọi thứ chuyện trên đời, và tôi cũng học hỏi thêm phần nào những cách phải bí mật: “trên mặt trận Dân chủ”.
Thấm thoát, Long An đã hiện ra trước mắt, thành phố mới Tân An thật hiền hòa, êm ả hơn khi về khuya, dọc 2 bên đườngn hững nhà máy và khu dân cư đã đông đúc hơn trước (hơn 5 năm trôi qua Tôi chưa được đi lại).
Tới Tân An, qua những ngã tư và những bùng binh có nhiều người đứng, với nhận xét của mình, tôi biết họ là những công an và an ninh mật vụ. Lại tiếng nói từ “yếu nhân”: “Đừng nhìn nó, cứ từ từ chạy đi…”. Cứ mỗi lần có vài chiếc xe chạy lên sát bên tôi, tiếng cằn nhằn của “yếu nhân” lại rỉ rích bên tai. Tôi nghĩ: “Mạ kiếp, cùng lắm thì đánh chứ chẳng lẽ dừng lại?! Tôi đã quen nghiệp Lính rồi mà! Đọc thầm những câu Kinh và thầm phó dâng cùng Đức Mẹ. Tôi biết phải chuẩn bị cho tình huống bất ngờ xẩy ra. Không ngờ, các lực lượng an ninh đã phải vất vả đến thế, họ lo sợ cho ngày mai chăng hay vẫn chỉ là nhiệm vụ thường ngày? (có lẽ, yếu tố đầu thì đúng hơn ?!). Vuợt qua tất cả, chúng tôi tiến vào trong Tân An khoảng 22h, theo yêu cầu từ “yếu nhân” là phải chạy quanh nhiều vòng chung quanh Tân An, để quan sát tình hình cụ thể, chính xác nhất. Ngang qua Chợ, tôi mừng rỡ khi bắt gặp người của mình. Kìa Bé mập Lai, Bùi công Thủ và một vài người nữa mà tôi không nhận ra! Lại vẫn mệnh lệnh từ “yếu nhân”: “không được gọi tên họ, không được lên tiếng, sẽ bị lộ, vì họ là những người đang có an ninh theo dõi phía sau!” Tôi nhủ thầm trong bụng: “Mạ kiếp, làm gì phải bí mật như vậy nhỉ ?!”
Suốt một giờ đồng hồ lượn nhiều vòng khắp Tân An, nên chưa liên lạc được với đồng đội cũ của tôi, do đó anh em chúng tôi quyết định ra tìm một nhà trọ để nghỉ ngơi qua đêm vậy. Vẫn tiếng nói của “yếu nhân”: “Anh cứ chạy xa Trung tâm thành phố, càng xa càng tốt, phải tuyệt đối an toàn”. Chúa Mẹ ơi, lúc này tôi muốn la lên lắm trời đất, đi với trinh sát mà còn lo sợ dữ như vậy…?!
Long An về đêm, không hề có một tụ điểm internet nào, thiệt là chán chết. Bước chân vào nhà nghỉ, chúng tôi tiếp tục những câu chuyện huyên thuyên. Khi nhìn thấy tôi lấy trong balo ra những chai nước uống và bánh ngọt. Tiếng “yếu nhân” trầm trồ: “Trồi, anh chuẩn bị như một người Lính ra trận thật sao…?” Tôi trả lời: “Tất cả là chiến trường mà!” Rồi tiếng ngáy khò khò của “yếu nhân” bắt đầu theo nhịp.
Ngồi một mình, buồn không tả nổi. Tôi móc cây súng colt 45 (không phải, cái điện thoại) gọi đến Bùi Công Thủ để hỏi thăm tình hình và kể lại chuyện ngày xưa. Anh em Lính chúng tôi rất hay thường nổ súng tấn công vào những giờ này. Tôi chợt nghĩ, phải chi, phải chi có tiếng Bùi Công Thủ đáp lời: “Tình hình anh em vẫn rất khỏe và an toàn, anh cứ xin Lịnh đi, em đã sẵn sàng rồi mà …”
Những cảm xúc lẫn lộn …!!!
Vốn quen với chứng khó ngủ, giờ lại thấp thỏm, hồi hộp trước trận địa sẽ diễn ra trong sáng ngày mai, tôi không thể nào chợp mắt được. Ảnh hưởng tâm lý chăng? Cứ nhắm mắt lại là ký ức những trận đánh ngày xưa ở chiến trường lại hiện về. Nào là phương án, nào là vũ khí, rất nhiều thứ sẽ phải chuẩn bị. Còn trong trận chiến này – cùng mọi người – sẽ chỉ có vũ khí duy nhất là trái tim với lòng yêu nước. Tôi chợt thấy nó thiếu thốn đủ thứ.
Chập chờn và ngổn ngang với mọi sự suy nghĩ, gần 5h sáng, tôi thức dậy, người anh em “yếu nhân” của Tôi vẫn say sưa với tiếng thở nhịp nhàng. Cậu bé còn trẻ quá, lại còn trẻ hơn với tuổi nếu so với ngoại hình. Tôi đi ra ngoài, dọc theo đường lộ, cơn gió mát và cái se lạnh của sáng sớm ở tỉnh cũng khác Sài Gòn. Nó man mát nhiều những cảm xúc và nhẹ nhàng hơn cái ngột ngạt ở đô thành. Đất nước mình nhiều nơi đẹp và thơ mộng lắm chứ. Con người lại hiền hòa và thân mật với lòng bác ái bao dung luôn rộng mở từ ngày xưa. Một chút uất nghẹn trỗi dậy trong tâm hồn, tôi nhủ thầm: “Mả cha bọn cộng sản vô nhân tính, nó đã phá nát hết tất cả …!!!”
Đi được một đoạn thấy cũng chẳng tới đâu, tôi quay trở vào phòng thay bộ đồ cựu chiến binh (CCB) vào. Bộ đồ này vốn mượn của một đồng đội, người anh em nhỏ con, nên khi mặc vào người thấy chật chội khó chịu quá! Thôi thì phải cố gắng vậy!
Dắt xe ra, tôi quay lại báo với chủ nhà trọ là có việc đi ra ngoài một chút, rồi tà tà, tôi chạy vào những khu vực chung quanh tòa án. Trời ạ, nào là công an, dân phòng, các loại lực lượng bảo vệ đã có mặt với hàng rào giăng kín những ngã ba, ngã tư, và những khu vực chung quanh. Lại một phiên tòa công khai kiểu cộng sản. Tôi dằn lòng không được nữa, mẹ kiếp!
Có nhiều ánh mắt công an và các lực lượng bảo vệ chăm chú nhìn vào tôi (chắc họ cũng không khó để nhận định giữa một người thành phố và một người ở tỉnh, và đi xe biển số thành phố nữa. Có điều sự ngạc nhiên của họ có lẽ do bộ đồ tôi đang khoác trên mình, với phù hiệu và mang giầy nghiêm chỉnh. Thật ra, tôi có thói quen hay đi giầy mỗi khi ra khỏi nhà từ xưa nay, nhất là mỗi lần đi xa. Trong suy nghĩ của họ, có lẽ nhiều ngạc nhiên về sự xuất hiện của tôi.
Gần 6 giờ sáng, thời tiết vẫn đẹp và dịu êm, cảnh trước tòa án, ngoài sự có mặt đông đủ của các lực lượng công an và bảo vệ, mọi việc vẫn rất êm ả, dù đối diện xéo bên tòa án là một cái chợ. Người Dân miền tây của tôi hình như bao giờ cũng vậy. Họ luôn có cách sống nhẹ nhàng, cũng có thể nói là vô tư trước mọi việc.
6h sáng, ngoài chợ vẫn chưa hề nhộn nhịp.
Trở về nhà nghỉ, cha mạ ơi, “yếu nhân” của tôi vẫn đang say sưa trong giấc ngủ. Có lẽ do tiếng động của tôi gây ra, “yếu nhân” lên tiếng hỏi: “Mấy giờ rồi anh?” Tôi trả lời: “Hơn 6h rồi, dậy chuẩn bị chiến đấu là vừa rồi đó!”
Vệ sinh xong, trao đổi với nhau vài câu, anh em chúng tôi lại lên xe chạy ra khu vực tòa án. Lúc này đã gần 7h, công an, dân phòng và các lực lượng bảo vệ đã đông hơn rất nhiều. Trước mắt tôi thật vô cùng ngạc nhiên. Tôi thật sự chẳng tin vào mắt mình. Có lẽ do đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh dàn dựng rất chu đáo của một “phiên tòa công khai kiểu cộng sản” trước mặt. Không dằn được, tôi nhủ thầm “mẹ kiếp”.
Yến Tàpao
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét