Pages

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Bản đồ có đáng tin?

Những hòn đảo nhân tạo này có được đưa vào bản đồ?
Ngày nay có thể nói rằng không còn vùng đất nào là chưa được biết đến trên thế giới. Tuy nhiên, không phải mọi ngóc ngách của thế giới đều được vẽ lại. Chúng ta dường như có bản đồ của mọi địa điểm nhưng điều đó không có nghĩa là những bản đồ này đầy đủ, chính xác hay đáng tin cậy.

Chủ quan và thiên kiến

Tất cả các bản đồ đều thể hiện sự thiên lệch trong cái nhìn chủ quan của người vẽ bản đồ. Chẳng hạn như con người có xu hướng đặt chính mình vào vị trí trung tâm thế giới. “Chúng ta luôn muốn thể hiện mình trên bản đồ,” ông Jerry Brotton, một giáo sư nghiên cứu về Phục hưng tại Đại học Queen Mary ở London và là tác giả cuốn ‘Lịch sử thế giới qua 12 tấm bản đồ’, nói.
“Chúng ta muốn thấy mình trên bản đồ. Đồng thời, chúng ta cũng muốn mình vượt lên trên thế giới và nhìn xuống như thể mình là Chúa Trời,” ông nói.
Đó là lý do tại sao điều đầu tiên mà đa số những người lần đầu vào Google Earth làm tìm địa chỉ nhà mình. Công nghệ hiện đại giúp chúng ta dễ dàng làm việc này nhưng xu hướng này đã có từ rất lâu. Trong tấm bản đồ cổ xưa nhất mà thế giới từng biết đến, một tấm bản 2.500 tuổi được tìm thấy gần Baghdad, Babylon được vẽ ở trung tâm thế giới.
Châu Phi được thể hiện trên bản đồ một cách thiên kiến?
Các nhà vẽ bản đồ cũng có thái độ thiên lệch tương tự đối với quê hương của họ và theo thời gian cũng không có gì thay đổi. Ngày nay, các bản đồ của Mỹ vẫn tập trung vào nước Mỹ, bản đồ của người Nhật lấy nước Nhật làm trung tâm. Đây chính là điều mà Liên Hiệp Quốc muốn tránh khi họ thiết kế biểu tượng của họ: một bản đồ thế giới với vùng Cực bắc làm trung tâm để thể hiện sự trung lập.
Tương tự, các bản đồ có thể cho thấy thiên kiến về một số vùng đất nào đó. Kích thước thật sự của châu Phi chẳng hạn – nó đã bị xem thường trong suốt lịch sử vẽ bản đồ. Thậm chí ngày nay, các bản đồ không được xuất bản ở châu Phi có xu hướng xem thường kích thước của châu lục rộng lớn này vốn có kích thước bằng cả Trung Quốc, Hoa Kỳ và phần lớn diện tích châu Âu gộp lại.
Các ý đồ tôn giáo, chính trị và kinh tế cũng có thể làm cho bản đồ thiên lệch và mất đi tính khách quan. Chẳng hạn như bản đồ Đệ nhị Thế chiến có mục đích tuyên truyền rất rõ ràng khi phác họa ‘những nguy cơ đỏ’, Giáo sư Brotton nói và cho biết ‘những bản đồ kiểu này bị bóp méo để truyền đi thông điệp chính trị.”
“Tấm bản đồ luôn luôn thể hiện một nghị trình, một quan điểm hay suy nghĩ về thế giới như thế nào nhìn từ một góc độ cụ thể,” ông nói thêm.

‘Không có khu ổ chuột’

Google Earth là công cụ rất hữu ích trong việc tìm kiếm vị trí
Ngay cả các bản đồ kỹ thuật số ngày nay vẫn còn bị ảnh hưởng bởi nguyên lý này. Google và các nhà làm bản đồ kỹ thuật số khác đã biến thế giới thành ‘một dụng cụ lướt web khổng lồ’ do các lợi ích kinh tế chi phối.
Tuy nhiên Manik Gupta, giám đốc sản phẩm của Google Maps, phản bác điều này và nói rằng lợi ích kinh tế ‘chỉ là một phần của vấn đề’.
“Cuối cùng, công nghệ chỉ là một công cụ,” Gupta nói, “Công việc của chúng tôi là đảm bảo rằng bản đồ là tuyệt đối chính xác và hiệu quả. Người dùng sẽ quyết định họ sử dụng nó như thế nào.”
Dù sao đi nữa, ngay cả các bản đồ kỹ thuật số cũng lệch về hướng mà người sử dụng cho là quan trọng nhất. Những khu vực mà đa số cho là không đáng để ý nhưng những khu vực nghèo nàn như khu ổ chuột Orangi ở Karachi, Pakistan hay những nơi mà người làm bản đồ ít khi đi tới như Bắc Hàn thường được vẽ một cách sơ sài.
Điều này có nghĩa là những vùng đất xa xôi được thể hiện trên bản đồ có thể có sai sót mà không ai để ý trong nhiều năm. Các nhà khoa học đến đảo Sandy gần New Caledonia mới đây phát hiện ra rằng đảo này không tồn tại. ‘Hòn đảo Ma’ này được vẽ trên bản đồ nước Úc và bản đồ Google Earth ít nhất một thập niên trước đây do sai sót của con người.
Nhiều bản đồ không thể hiện các thông tin quan trọng đối với người xem
Google có hai cách để giải quyết vấn đề này: đưa những nhà vẽ bản đồ của họ đến những vùng hoang dã với cùng máy quay Street View gắn vào ba lô, xe đạp, thuyền hay xe lướt tuyết của họ. Cách thứ hai là đưa ra công cụ có tên là Map Maker cho phép mọi người ở bất cứ nơi đâu đóng góp cho các bản đồ của Google.
Tuy nhiên, trong khi nhiều cộng đồng đã đưa nơi của mình lên bản đồ Google, có nhiều nơi không làm. Chẳng hạn như vẽ bản đồ các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro hay khu ổ chuột Makoko ở Lagos không phải là việc những người dân ở đây bận tâm. Các bản đồ giấy cũng thường ‘bỏ quên’ những khu vực này.
“Chúng là những nơi mà các nhà nước phủ nhận hoặc không muốn thể hiện như là một phần của đất nước mình,” ông Alexander Kent, một giảng viên địa lý tại Đại học Canterbury Christ Church ở Anh, cho biết, “Còn lâu những tấm bản đồ này mới khách quan trong việc mô tả những gì có trên mặt đất. Những người làm bản đồ sẽ quyết định cái gì vẽ cái gì không.”

Bỏ quên đáy biển?

Các khu ổ chuột thường bị các nhà vẽ bản đồ né tránh
Nhận thức được vấn đề này, các tổ chức Chữ Thập đỏ, Bác sỹ Không Biên giới phối hợp với nhóm Bản đồ Đường phố Mở Nhân đạo đang tuyển các tình nguyện viên để điền vào những chỗ còn để trống trên bản đồ thuộc về các nước đang phát triển.
Tương tự, đại dương là một trong những khu vực ít được miêu tả nhất trên các bản đồ mặc dù chúng chiếm diện tích lớn nhất trên Trái Đất. “Vùng đất lớn nhất chưa được biết đến là đáy biển,” Brotton nói. Với việc các nước ngày càng quan tâm đến việc khai khoáng dưới đáy biển, một số quốc gia, đặc biệt là Nga, đang tìm cách tuyên bố sở hữu phần lớn đáy đại dương.
“Cùng với những biến đổi của tự nhiên, con người có thể khai thác nhiều tài nguyên hơn (dưới đáy biển). Do đó, việc vẽ bản đồ trở nên rất quan trọng và hữu ích,” Brotton nói thêm.
Ông Dave Imus, một nhà vẽ bản đồ có tiếng ở Oregon, cho rằng đa phần các bản đồ trên thế giới ‘chất lượng không đủ’.
Các bờ biển luôn bị xói mòn
Thất vọng với các bản đồ nước Mỹ hiện có, ông đã tự vẽ tấm bản đồ của mình bằng cách học theo cách làm của các nhà vẽ bản đồ Thuỵ Sỹ.
“Tôi nghĩ rằng lý do mà người dân châu Âu họ có kiến thức địa lý tốt hơn người Mỹ là vì họ có những tấm bản đồ giúp họ hiểu được thế giới xung quanh trong khi chúng ta thì không,” ông giải thích.
Thành quả của công việc của ông là một tấm bản đồ chứa đựng nhiều thông tin. Nó không tô màu các tiểu bang của nước Mỹ mà thay vào đó vẽ đường biên giới màu xanh giữa các bang và thể hiện những đặc điểm của từng bang chẳng hạn như núi, rừng, sông hồ, đô thị, đường cao tốc. Các đầu mối giao thông như sân bay được đánh dấu, các khu bảo tồn của người da đỏ cũng được thể hiện. Ngoài ra, độ cao của các đô thị cũng được nêu trên bản đồ.

Luôn lỗi thời

Các bản đồ không theo kịp sự thay đổi không ngừng của tự nhiên
“Bản đồ nước Mỹ của National Geographic có hiển thị độ cao các ngọn núi nhưng không có độ cao của Denver ở Colorado,” Imus nói, “Điều này chẳng đem đến thông tin nào có ý nghĩa về những nơi mà bạn chưa từng đặt chận tới.”
Làm những bản đồ chi tiết kiểu này rất mất thời gian và rất đắt đỏ. Imus đã mất 6.000 giờ để làm ra nói. Do đó, như Imus nói, đến giờ chỉ có bản đồ của châu Âu, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ được làm kiểu này.
Tuy nhiên, ngay cả bản đồ chi tiết nhất cũng không thể xử lý một vấn đề cơ bản nhất trong việc vẽ một bản đồ gần như chính xác tuyệt đối: tốc độ thay đổi không ngừng, gồm cả thay đổi tự nhiên và nhân tạo.
Một số thành phố ở châu Á và châu Phi, Gupta nói, đang được xây dựng nhiều đến mức Google không theo kịp. Đồng thời, cảnh quan thiên nhiên cũng đang thay đổi nhiều hơn bao giờ hết. Các hòn đảo bị đại dương nuốt chửng, các tảng băng đang biến mất, các bờ biển đang xói mòn và các khu rừng bị tàn phá.
“Ngay cái lúc mà bạn vẽ một tấm bản đồ thế giới thì nó đã lỗi thời rồi,” Gupta nói, “Thế giới thật sự lúc nào cũng đi trước những tấm bản đồ mà chúng ta thể hiện nó.”
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Future.

Không có nhận xét nào: