Pages

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Giá dầu giảm: 'Chuyển rủi thành may'



Giá dầu giảm đang tác động đến thu ngân sách của Việt Nam, giữa bối cảnh nợ công sắp chạm trần

Việt Nam có thể có các biện pháp để kiềm chế tác động của việc giá dầu giảm và mang lợi về cho nền kinh tế, theo ý kiến một chuyên gia trong nước.
Nhận định trên được Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 3/12.
Trước đó, phát biểu trong buổi họp báo chính phủ thường kỳ hôm 2/12, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nên cảnh báo tình trạng giá dầu giảm đang gây ra những tác động tiêu cực đối với thu ngân sách.
"Chính phủ đã báo cáo kế hoạch cân đối ngân sách với Quốc hội, đã dự tính giá dầu ở mức 100 đôla/thùng", ông được báo trong nước dẫn lời nói.
"Hiện tại, giá dầu đã giảm khoảng 30 đôla/thùng và con số này còn có thể thay đổi".
"Chúng ta tính rằng, mỗi thùng dầu giảm 1 đôla thì ngân sách mất 1.000 tỷ đồng và như thế chúng ta dự tính nếu năm 2015, con số trên dưới 80 đôla/thùng thì chúng ta mất 20.000 tỷ đồng”.
BBC: Tình trạng giá dầu lao dốc đang ảnh hưởng tới kinh tế và ngân sách của Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Giá dầu giảm làm nguồn thu ngân sách của Việt Nam bị ảnh hưởng khá rõ rệt.
Trước đây xuất khẩu dầu lửa đem lại cho Việt Nam nguồn thu ngân sách đến 20%. Có năm cũng có giảm xuống 11% hay 15% tùy theo sản lượng khai thác hoặc giá dầu trên thế giới.
Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Tài chính tìm những nguồn thu thay thế và có các khoản tiết kiệm chi tiêu hoặc tăng cường phát hành trái phiếu.
Nhưng việc giá dầu giảm cũng có thể có lợi.
Việt Nam nhập rất nhiều sản phẩm dầu lửa như xăng dầu. Số xăng dầu nhập hàng năm cao hơn số dầu thô xuất khẩu.
Việt Nam cũng nhập khá nhiều sản phẩm dầu lửa khác như phân bón, chất dẻo, sợi tổng hợp.
Tất cả những sản phẩm này nếu giá giảm xuống thì sẽ giúp Việt Nam có điều kiện giảm giá và kiềm chế lạm phát, làm nguồn thu thực tế của người dân được lợi.
Nhưng cho đến nay cuộc họp của chính phủ cuối tháng 11 vừa rồi, tôi thấy chưa đề cập đến các khoản có lợi cho kinh tế Việt Nam từ việc giảm giá dầu.
Nếu Việt Nam biết tận dụng thì có thể giảm đáng kể thiệt hại từ việc giảm giá dầu, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, ổn định kinh tế vĩ mô.
BBC: Một số ý kiến từ giới chuyên gia đã quan ngại rằng giá dầu có thể chạm ngưỡng 50 đôla/thùng vào đầu năm sau. Ông đánh giá thế nào về nguy cơ này và tác động của nó đối với Việt Nam?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Tôi cho rằng Ả Rập Saudi có thể đang sử dụng vũ khí dầu lửa để gây khó cho Mỹ.
Mỹ nhờ dùng công nghệ áp suất thủy lực cao có thể khai thác dầu từ đá phiến ở đáy đại dương.
Nhưng giá thành của công nghệ đó là khoảng 62-65 đôla một thùng.
Ả Rập Saudi với công nghệ và điều kiện khai thác thuận tiện hơn nhiều, nếu có thể giảm giá xuống 60 đôla một thùng thì việc khai thác của Hoa Kỳ có thể bị thua lỗ.
Tôi nghĩ rằng đây là một tính toán chiến lược và có lẽ Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi sẽ phải bàn luận với nhau để làm sao không dẫn tới một cuộc chiến dầu lửa giữa OPEC và Hoa Kỳ.
BBC: Ông nghĩ gì khi tình trạng dầu giảm giá lại xảy ra ngay giữa lúc nợ công của Việt Nam đang chạm ngưỡng an toàn?

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Dĩ nhiên đó là một điều rất không may mắn.
Nhưng nhiều khi điều không may mắn đó có thể thúc đẩy công cuộc cải cách.
Trong trường hợp này tôi hy vọng là sẽ giúp đẩy mạnh cải cách ngân sách và dùng tiền của dân quá hiệu quả hơn.

Không có nhận xét nào: