Pages

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Giáo sư Carl Thayer đánh giá một số động thái của quân đội VN

Việt Nam liên tục phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với nhiều nước ở gần và ở xa trong năm 2014 chính là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết 22.

Báo Học giả ngoại giao có trụ sở tại Nhật Bản ngày 2/12/2014 đã đăng tải bài phân tích của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quốc phòng, Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia đề cập nhận định của ông về một số động thái gần đây của quân đội Việt Nam trên khu vực Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer (ảnh internet)
Bài viết là nguồn tư liệu tham khảo có giá trị phản ánh góc nhìn, sự đánh già của một trong những học giả, chuyên gia danh tiếng về một trong những chủ đề quan trọng nhất của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ thiêng liêng trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược hợp tác phòng thủ đa dạng đặc biệt chú trọng đến các vấn đề liên quan đến hàng hải với các nước bạn bè cả gần lẫn xa.
Giáo sư Carl Thayer cũng điểm lại sự kiện giữa tháng 11/2014 vừa qua khi Hải quân Việt Nam điều động hai tàu chiến hiện đại nhất của mình tham gia các chuyến viếng thăm hữu nghị chưa từng có tiền lệ đến các nước Indonesia, Brunei và Philippines.

Trước đó, ngày 5/11/2014, cũng là hai chiến hạm hiện đại nhất của quân đội Việt Nam mang tên Đinh Tiên Hoàng (HQ 011); Lý Thái Tổ (HQ 012) đã thực hiện chuyến thăm khởi hành từ quân cảng Cam Ranh đến cảnh Tanjung Priok của Indonesia nơi cắt ngang qua đường xích đạo Trái Đất.

Các chiến hạm của quân đội Việt Nam chở theo tổng cộng 228 sỹ quan và thủy thủ đoàn dưới sự dẫn đầu của Phó đô đốc Nguyễn Văn Kiệm, Phó tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam.

Hai chiến hạm của Việt Nam khi đi cũng mang theo 1 chiếc trực thăng săn ngầm Ka-28. Đây cũng là lần đầu tiên Hải quân Việt Nam tiến hành thăm viếng hữu nghị nước ngoài có mang theo các trang bị hiện đại.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng các hoạt động này của chiến hạm Việt Nam có thể xem như là tín hiệu cho thấy Việt Nam thực sự đã quyết định đẩy mạnh chiến lược phòng thủ của mình.

Đây là lần đầu tiên chiến hạm của Hải quân Việt Nam cập cảng của Philippines kể từ khi Việt Nam thống nhất hai miền năm 1975.
Theo phân tích của Giáo sư Carl Thayer, việc Việt Nam tiến hành các chuyến thăm bằng chiếm hạm đến các nước thuộc khu vực Đông Nam Á cũng là hoạt động đáp lại sự nhiệt tình từ các chuyến viếng thăm với cấp độ tương tự của các chiến hạm của hải quân Brunei, Indonesia cũng như Philippines đến các cảng biển của Việt Nam.

Điểm lại một bản tin đăng trên báo Quân đội nhân dân của Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer cho biết mục đích của chuyến thăm đến các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á của tàu chiến Việt Nam thời gian vừa qua là “xây dựng lòng tin và củng cố tình hữu nghị, hợp tác, hiểu biết chung cũng như sự tin cậy của Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân các nước Indonesia, Brunei, Philippines”.

Trước đó, trong tháng 3/2014, Hải quân Việt Nam cũng đã điều 1 tàu quân y mang số hiệu HQ 561 tham gia vào một cuộc diễn tập đa phương mang tên Tập trận Komodo do các bộ trưởng quốc phòng các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 8 đối tác khác (ADMM Plus) tổ chức tại Indonesia.

Ngày 12/11/2014, hạm đội tàu chiến của Hải quân Việt Nam đã đến cảng Tanjung Priok của Indonesia và lưu lại đây 3 ngày trong đó tham gia nhiều sự kiện như chào đón, chiêu đãi, giao lưu bóng chuyền, đá bóng, gặp gỡ các quan chức của Hải quân nước chủ nhà.

Trong chuyến viếng thăm Indonesia này các tàu hải quân của Việt Nam cũng đã tham gia vào một cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ với các tàu hải quân của đối tác Indonesia.

Tiếp sau đó, các tàu hộ vệ mang tên lửa của Hải quân Việt Nam đã khởi hành đến cảng Muara/Darussalam của Brunei vào ngày 19/11/2014. Chuyến đi này đã đánh dấu đây là lần đầu tiên tàu hải quân Việt Nam đặt neo tại Brunei.

Đây cũng được xem là chuyến thăm đáp lễ chuyến viếng thăm của tàu tuần tra KDN Daruleshan, con tàu tuần tra khơi xa của Hải quân Brunei đã đến thăm cảng Hải Phòng của Việt Nam vào tháng 4 cùng năm nay.

Tháng 12/2013, Việt Nam và Brunei đã cùng nhau ký kết một Văn kiện ghi nhớ (MOU) trong đó nhấn mạnh vấn đề hợp tác hải quân song phương và sau đó đã cùng nhau thiết lập một đường dây nóng hải quân.

Báo Quân đội nhân dân của Việt Nam đã chỉ ra rằng “các lực lượng vũ trang của Việt Nam và Brunei đã nâng cao hoạt động hợp tác thông qua trao đổi các chuyến thăm viếng của các phái đoàn thuộc nhiều cấp khác nhau, chia sẻ thông tin, tình báo, huyến luyện học viên, chống hải tặc, diễn tập tìm kiếm, cứu hộ”.

Trong 3 ngày lưu lại Brunei, thủy thủ đoàn trên các chiến hạm của Việt Nam đã tham gia nhiều sự kiện giao lưu đáng chú ý. Ngày 20/11/2014, Phó đô đốc Nguyễn Văn Kiệm đã có cuộc gặp gỡ ngoại giao với Tư lệnh Hải quân và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Brunei trước khi hạm đội rời Brunei đến thăm một nước tiếp theo vào ngày 21/11.

Ngày 24/11/2014, các tàu hộ vệ mang tên lửa và trực thăng săn ngầm của Việt Nam đã cập cảng South Harbor của Philippines đánh dấu điểm dừng chân thứ 3 và cũng là cuối cùng của chuyến hành trình dài xuyên Đông Nam Á.

Đây là lần đầu tiên chiến hạm của Hải quân Việt Nam cập cảng của Philippines kể từ khi Việt Nam thống nhất hai miền năm 1975. Vị tư lệnh của Hải quân Việt Nam – Phó đô đốc Nguyễn Văn Kiệm đã đích thân mời các đối tác ngoại giao của nước chủ nhà lên thăm các khinh hạm của Việt Nam.

Trong chuyến thăm Philippines, Phó đô đốc Kiệm cũng đã hội đàm với Phó tư lệnh Hải quân Philippines - Admiral Caesar Taccad; Tư lệnh cảnh sát Malina cũng như tổ chức một cuộc diễn tập chung với nước chủ nhà trong đó có nội dung tìm kiếm và giải cứu.

Các tàu chiến của Việt Nam rời Philippines lên đường về nước vào ngày 26/11/2014.

Trước đó, theo tư liệu của Giáo sư Carl Thayer viện dẫn, tháng 10/2010, quân đội Việt Nam và quân đội Philippines đã ký kết văn kiện ghi nhớ hợp tác quốc phòng. 1 năm sau đó (2011), Hải quân Việt – Phi tiếp tục ký văn kiện ghi nhớ về tăng cường quan hệ song phương, chia sẻ thông tin.

Năm 2012, quan hệ Việt – Phi tiếp tục có bước phát triển mới. Tháng 3/2012 cả Việt Nam và Philippines đã thống nhất được một số nội dung, trong đó nhấn mạnh đến quy tắc giao thiệp tại một khu vực cụ thể ở quần đảo Trường Sa…

Tháng 3/2014, Việt Nam và Philippines đã thiết lập một nhóm làm việc chung, đồng thời phác thảo một chương trình hợp tác quốc phòng giai đoạn 2014-2015.

3 tháng sau đó, tức vào tháng 6/2014, các thủy thủ của Việt Nam đóng quân trên đảo Song Tử Tây (tên quốc tế Southwest Cay) ở quần đảo Trường Sa đã tham gia giao hữu bóng chuyền với các binh sỹ Hải quân Philippines. Hiện tại Việt – Phi đang xúc tiến đối thoại quốc phòng song phương ở cấp thứ trưởng.

Hoạt động hợp tác song phương giữa hải quân Việt Nam và Philippines đã được bắt đầu từ năm 1999 khi cả hai quốc gia này ký kết văn kiện hợp tác quốc phòng. Việt – Phi cũng đã nhiều lần tổ chức tuần tra, trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng và cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến đánh bắt hải sản trái phép.

Theo Giáo sư Carl Thayer, trong năm 2014, Việt Nam cũng đã xúc tiến các chương trình hợp tác quân sự với nhiều quốc gia trong khu vực khác. Trong tháng 8 cùng năm Singapore cũng đã chào đón một phái đoàn hải quân của Việt Nam tham gia một cuộc tập trận chống khủng bố tại khu vực Vịnh Aden.

Ngày 24/11/2014, Thứ trưởng quốc phòng, Tư lệnh Hải quân Việt Nam – Đô đốc Nguyễn Văn hiến đã tiếp đón một phái đoàn cao cấp của Hải quân Thái Lan do Đô đốc Chansuvanich dẫn đầu.

Tại sự kiện này, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến đã đề nghị Việt Nam và Thái Lan cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hải quân, cụ thể là các vấn đề liên quan đến đào tạo nhân sự, hậu cần và công nghệ.

Bên cạnh việc thăm viếng các nước trong khu vực Đông Nam Á bằng các tài chiến hiện đại nhất của mình, Việt Nam còn tổ chức đón tiếp tàu chiến Vendémiaire của Hải quân Pháp thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng từ 15 đến ngày 19/11/2014.

Đây là chuyến thăm nằm trong khuôn khổ quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Pháp – Việt trong 2014. Tàu chiến của Pháp cũng đã cùng tham gia diễn tập kìm kiếm và cứu hộ với hải quân nước chủ nhà.

Ngày 18/11/2014, Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo đánh giá kết quả của chương trình nội địa hóa các tàu tên lửa Molniya thuộc lớn Rarantul Project 1241 tại nhà máy đóng tàu Ba Son theo hợp đồng hợp tác với Cục thiết kế Trung ương Almaz của Nga.

Trong chương trình này, hai tàu tên lửa Molniya thuộc lớn Rarantul Project 1241 đã được bàn giao cho Hải quân Việt Nam trong tháng 6 trước đó sau khi kết thúc thành công thử nghiệm bắn đạn thật trên biển.

Cuộc hội thảo do tư lệnh hải quân chỉ đạo đã kết luận tiếp tục hoàn thành xây dựng thêm 4 chiếc tàu hộ hệ tên lửa Molniya thuộc lớn Rarantul Project 1241.

Đầu tháng 12/2014, Việt Nam đã nhận thêm chiếc tàu ngầm Kilo thứ 3 mang tên HQ 194.

Ngày 27/11/2014 Thông tấn xã nga Itar-Tass loan báo rằng Việt Nam và Nga đã ký kết một văn kiện liên chính phủ trong đó nới lỏng các hạn chế, cho phép tàu chiến Nga có thể đến cảng Cam Ranh của Việt Nam dễ dàng và thuận tiện hơn.

Theo Giáo sư Carl Thayer, thỏa thuận này của Nga – việt tương tự như thỏa thuận đã đạt được giữa Nga và Syria đối với cảng biển Tartus. Văn kiện hợp tác Nga – Việt được hai bên ký kết nhân chuyến thăm Moscow của Tổng bí thứ ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng.

Theo Bộ quốc phòng Nga, trong tương lai, tàu chiến Nga muốn vào Cam Ranh chỉ cần thông báo trực tiếp cho chính quyền quản lý cảng trước khi cập bến.

Theo các nhà quan sát, thỏa thuận Nga – Việt thực sự là tín hiệu cho thất Việt Nam đang tạo điều kiện cho cả Hải quân Nga lẫn hải quân của nhiều nước khác có thể dễ dàng tiến hành các chuyến thăm đến Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đã tuyên bố cho phép tất cả các lực lượng hải quân nước ngoài sử dụng các cơ sở ở Cam Ranh miễn là đáp ứng các yêu cầu thương mại nhưng Việt Nam luôn dành cho Nga những ưu tiên đặc biệt bởi Nga là một trong nhưng đối tác chiến lược và tin cậy nhất của Việt Nam và Nga cũng là nước giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất trong công cuộc xây dựng hạm đội tàu ngầm.

Việt Nam và Nga hiện đang được cho là cùng nhau thảo luận một thỏa thuận xây dựng một trung tâm hậu cần ở Vịnh Cam Ranh để phục vụ các chiến hạm của Hải quân Nga, tương tự như những gì Nga và Syria đã đạt được cùng nhau ở cảng Tartus.

Theo Giáo sư Carl Thayer, việc Việt Nam liên tục phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với nhiều nước ở gần và ở xa trong  năm 2014 chính là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc phòng về hội nhập quốc tế hay còn được biết đến với cái tên Nghị quyết 22 (ban hành ngày 10/4/2013)

Vietnam’s step up in defense cooperation in 2014 is a result of guidelines issued by the Ministry of National Defense and Politburo resolution no. 22 (April 10, 2013) on international integration (Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế).

Phần III của Nghị quyết 22 nêu rõ phải: “Tăng cường các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng với các quốc gia láng giềng, các nước ASEAN, các cường quốc, bạn bè truyền thống; dần dần làm sâu sắc và nâng cao hiệu quả hợp tác”.

Ông Carl Thayer cho rằng sự tích cực của Hải quân Việt Nam trong hoạt động hợp tác, giao lưu quốc phòng diễn ra đúng vào thời điểm thích hợp.

Tháng 12 này Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10 Uỷ ban Trung Ương. Tại phiên họp này ban hành các tài liệu hướng dẫn đối với các chính sách lớn sẽ được đệ trình lên Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ diễn ra vào đầu năm 2016.

Theo GS Carl Thayer, nhiều khả năng sau khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ diễn ra vào đầu năm 2016 ngân sách dành cho quốc phòng sẽ được duy trì nhịp độ tăng để tiếp tục thực hiện các chương trình hiện đại hóa các lực lượng hải, không quân cũng như hợp tác quốc phòng quốc tế.

Bình Nguyên

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào: