Pages

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Nguy hiểm của mô hình độc tài

Kính Hòa, phóng viên RFA



000_Hkg4466703.jpg

Cảnh sát có vũ trang đứng gác bên cạnh chân dung của cố chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo cộng sản Nga Vladimir Lenin tại Hà Nội vào ngày 17 tháng 1 năm 2011.
 AFP photo




Mô hình “hậu cộng sản,” Nga, Việt Nam

Giá dầu sụt giảm một cách nhanh chóng và sự lao đao của nền kinh tế Nga là những tin tức hàng đầu thế giới trong tuần này. Chính nhờ lúc này mà nhiều người mới được biết rằng nước Nga, quốc gia rộng lớn nhất thế giới, hậu thân của đế quốc Liên xô một thời vang bóng, lại sống nhờ vào dầu mỏ với 60% ngân sách quốc gia  dựa vào xuất khẩu vàng đen. Điều đó có nghĩa là quốc gia này không sản xuất được nhiều thứ có thể kiếm lợi, mà chỉ xuất khẩu tài nguyên để sống không khác nhiều quốc gia kém phát triển là mấy. Một người Nga nổi tiếng là ông Sergey Brin, người đồng sáng lập đại công ty Google nói rằng nước Nga chỉ là nước Nigeria nhiều dầu hỏa có tuyết phủ.
Điều gì làm cho một quốc gia khổng lồ nhiều tài nguyên lâm vào cảnh khó khăn như thế.
Facebooker Mai Tú Ân viết:
Có nhiều tiền nhưng không lo phát triển kinh tế lâu dài,chăm lo một quốc kế dân sinh mà chỉ lo củng cố bè đảng, để nạn tham nhũng tràn lan, bóp nghẹt đối lập, giữ quyền sinh sát tất cả, rồi xây dựng cái gì cũng to lớn để phùng xòe...
Mai Tú Ân có ý nói đến những công trình hoành tráng mà nước Nga hậu cộng sản xây dựng nên như Olympic Sochi vừa qua. Việc xây cất những công trình hoành tráng như vậy vốn cũng có lịch sử lâu đời từ thời mồ ma đế chế Soviet. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, nước Nga đã thất bại trên con đường tiến lên một xã hội dân chủ pháp trị thực sự mà lại biến thành một xã hội được cai trị bằng một thể chế mà nhiều người coi là độc tài như Mai Tú Ân vừa nhắc.
Blogger Hiệu Minh cũng nhận xét về thể chế nước Nga hiện tại là một nhà nước độc tài, và đó cũng chính là nguyên nhân của sự lao đao khốn đốn ngày nay của người dân Nga:
Chế độ độc tài là môi trường kìm nén phát triển, tính toán sai lầm khi phân bổ tài nguyên và tiền bạc dựa trên cảm tính của một vài lãnh đạo, mà không tính toán khoa học.
Nêu yêu cầu Đảng CS độc tài toàn trị tự chuyển biến thành Đảng CS dân chủ để dân tin thì có tội gì? Vì dân thì dân theo, chống dân thì dân chống là lẽ thường. Yêu cầu đa đảng thì có tội gì?
- Cựu Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh 
Đến đây hẳn quý thính giả nhớ lại câu chuyện về những tập đoàn quốc gia của chính nước Việt Nam, nơi nhiều vụ án tham nhũng xảy ra trong thời gian gần đây. Và nhiều người cũng nói là cuộc cải cách sâu rộng về kinh tế năm 1986 của Việt Nam tương tự chính biến 1990 của nước Nga, đã không đưa được đất nước trở thành một quốc gia pháp trị. Mô hình độc đảng vẫn duy trì, dẫn tới những tập đoàn kinh tế nhà nước kém hiệu quả, đồng thời tạo nên một môi trường cực kỳ màu mỡ cho nhũng lạm. Vụ tham nhũng lớn mà hiện nay công luận đang quan tâm lại liên quan đến người có công việc liên quan đến việc chống tham nhũng là ông cựu thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền.
Ông Bùi Tín, một cựu đảng viên cao cấp của đảng cộng sản hiện đang lưu vong tại Pháp viết rằng:
Bộ máy Kiểm tra, Giám sát, Thanh tra, Kiểm sát, Tòa án của đảng và nhà nước VN cần giật mình, tỉnh giấc ngủ quá lâu và quá sâu, lập lại trật tự và luật pháp đã bỏ lỏng hầu như tê liệt. Đây là đề tài bị bỏ qua trong cuộc họp quốc hội vừa qua, cần bàn kỹ trong cuộc họp TW đảng trong tháng cuối năm, mở đường cho việc chuẩn bị thiết thực cho Đại hội XII đang đến gần.
000_Hkg10130414-400.jpg
Công nhân với biểu tượng búa liềm trang trí thành phố Hà Nội vào năm mới. AFP photo
Lời kêu gọi lập lại luật pháp của ông Bùi Tín không phải là hiếm trong thời gian gần đây. Và thậm chí chính những nhà lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam cũng nói đến trong hơn mười năm qua. Nhưng kết quả vẫn là thứ hạng rất kém của quốc gia về sự minh bạch cũng như mức độ cảm nhận về tham nhũng được các tổ chức quốc tế công bố trong năm nay. Những kỳ đại hội của đảng mà ông Bùi Tín hy vọng liên tiếp trôi qua, người ta không thấy có gì thay đổi, mà lại thấy tự do ngôn luận vẫn bị kiểm soát, vẫn có những vụ bắt bớ blogger, những người bất đồng chí kiến xảy ra, và vụ mới nhất xảy ra là blogger Nguyễn Quang Lập chủ trang Quê Choa có rất nhiều độc giả bị bắt trong đầu tháng 12 mà nhiều người cứ ngỡ ngàng hỏi nhau rằng ông bị bắt vì chuyện gì! Vì ông Lập là một người vốn cẩn trọng?
Câu trả lời từ nhà văn Phạm Thị Hoài, người điều hành trang blog Pro&Contra rằng mọi bí quyết để an toàn trong một nhà nước chuyên chế đều vô nghĩa.
Con đường tự do dân chủ khó khăn
Trong lời kêu gọi trả tự do cho blogger Nguyễn Quang Lập, nhà báo Huy Đức viết:
Nguyễn Quang Lập chưa bao giờ có ý định làm một anh hùng. Dù những gì anh cống hiến ở Quê Choa là một sự hy sinh quả cảm. Bịt miệng một tiếng nói ôn hòa như blog Quê Choa chỉ có giá trị tự lên án. Nhà tù không phải là nơi dành cho một nhà văn muốn bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa. Hãy trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Trong một lần trao đổi với chúng tôi sao khi nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cũng phát biểu tương tự một cách khôi hài rằng khi nhà nước Việt Nam bắt giữ những người phản biện ôn hòa như ông Lập chính là tự tay đập vỡ cái gương soi của mình, từ đó không thấy được các khiếm khuyết của chính mình mà sửa đổi.
Cuộc đấu tranh vì một xã hội dân chủ tại Việt Nam bằng ngôn luận đã và đang phát triển, cũng như đã và đang bị đàn áp.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung quốc Nguyễn Trọng Vĩnh viết:
Nêu yêu cầu Đảng CS độc tài toàn trị tự chuyển biến thành Đảng CS dân chủ để dân tin thì có tội gì? Vì dân thì dân theo, chống dân thì dân chống là lẽ thường. Yêu cầu đa đảng thì có tội gì? Nước ta trước đây đã từng có đa đảng mà Đảng Lao động Việt Nam vẫn giữ được vị trí lãnh đạo. Yêu cầu tam quyền phân lập mà các nước văn minh tiến bộ trên thế giới đều thực hiện thì có tội gì? Yêu cầu được hưởng các quyền công dân ghi trong Hiến pháp và hợp với Công ước Nhân quyền quốc tế thì có tội gì?
Những tội trạng đó có lý do không gì khác hơn là sự kiểm duyệt tự do ngôn luận của đảng cộng sản. Nhà văn Phạm Thị Hoài dường như có câu trả lời cho ông Nguyễn Trọng Vĩnh khi bà viết về chuyện kiểm duyệt ở Việt Nam:
000_Hkg6879719-400.jpg
Một cửa hàng bán các sản phẩm tuyên truyền cho ĐCS tại Hà Nội. AFP photo
Sự tồn tại của kiểm duyệt ở đất nước này là một bí mật ngang với sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chỉ khác là nó chưa được đảm bảo bằng hiến pháp.
Trong bối cảnh đó, những trang blog như Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập, hay trang Ba Sàm của ông Nguyễn Hữu Vinh được bác sĩ Phạm Hồng Sơn đánh giá là có một tác động xã hội vô cùng lớn lao và tích cực. Và mọi người cũng nhớ lại là ông Nguyễn Hữu Vinh vẫn còn nằm trong nhà tù cùng với 33 blogger khác trên toàn cõi Việt Nam.
Bộ máy Kiểm tra, Giám sát, Thanh tra, Kiểm sát, Tòa án của đảng và nhà nước VN cần giật mình, tỉnh giấc ngủ quá lâu và quá sâu, lập lại trật tự và luật pháp đã bỏ lỏng hầu như tê liệt.
- Ông Bùi Tín
Tuy thế cuộc đấu tranh giằng co giữa những người phản biện và dấn thân cho tự do ngôn luận với nhà cầm quyền độc đảng có vẻ như không tiến triển vì như lời bác sĩ Phạm Hồng Sơn mô tả sau đây:
Bên này, nhà độc tài ngày càng phát ra những ngôn từ, những động tác, hình thái mới gần hơn với dân chủ nhưng quyết không để cái gì làm tổn hại tới các thiết chế độc tài, bên kia, người bị trị cũng ngày càng xướng ra những phát ngôn ủng hộ dân chủ, biểu tỏ phản đối trấn áp tự do nhưng cũng quyết không làm điều gì tổn hại tới danh vị, đặc quyền bản thân do độc tài ban phát.
Nhà văn Phạm Thị Hoài nhận xét một cách cay đắng về thái độ của nhiều người Việt trong công cuộc đòi dân chủ và tự do cho chính mình:
Chúng ta có thể chờ đợi tất cả ở người Việt - và ở đây đang nói đến những người còn quan tâm đến thế sự thời cuộc - chỉ trừ sự đóng góp cụ thể và bền bỉ về tài chính. Tất cả, dù chia rẽ trong mọi quan điểm, đều đồng thuận trong tinh thần hưởng thụ miễn phí. Tự do, dân chủ, nhà nước duy pháp quyền là những thứ rất tốn kém.
Điều duy nhất chúng ta không làm là những hành động cụ thể, ở quy mô đủ rộng để có một tác động thực. Hàng trăm nghìn độc giả của anh sẽ quen rất nhanh khoảng trống anh để lại trên không gian ảo, như hàng trăm nghìn độc giả của Anh Ba Sàm.
Với một cái nhìn nhẹ nhàng hơn blogger Hiệu Minh viết rằng thói quen hình thành trong một thời gian dài dưới chế độ độc tài gây khó khăn không ít cho công cuộc dân chủ hóa đất nước ngày nay. Trong một bài viết về những đổi thay ở Mông cổ, một quốc gia hậu cộng sản, Hiệu Minh viết về tính phản biện của giới trí thức:
Bởi một thời gian dài, trí thức không được nghĩ khác những gì cấp trên cho phép. Không gian cho sáng tạo không còn nữa, trí tuệ độc lập càng không có giá trị. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bởi không còn ai dám nói đến cái sai của hệ thống, còn lại là lớp nịnh hót cấp trên hoặc an phận thủ thường. Hệ lụy ấy kéo theo vài thập kỷ chưa có cơ hội sửa được, vì tư duy đã ăn thành lối mòn cũ kỹ.
Đó là những khó khăn rất lớn cho những quốc gia đang trong quá trình cải cách thoát khỏi chế độ độc tài mà nhiều người Việt Nam cũng đang hy vọng là đất nước mình đang ở trong giai đoạn đó. Họ hy vọng là vì mô hình độc tài rất khó để sửa chữa những lỗi lầm trong điều hành và quản lý đất nước.
Xin hãy nghe lời ông Mai Tú Ân so sánh sự sửa mình của chế độ độc tài và chế độ dân chủ,
Những sai lầm của một nền độc tài thì khác với sai lầm tương ứng của nền dân chủ. Nền dân chủ cũng sai lầm nhưng bởi bản chất, bởi sự phản biện, bởi sự tự ra đi...nên sai lầm của nền dân chủ còn có thể sửa được, luôn sửa chữa được và ít gây hại cho quốc gia. Ngược lại sai lầm của một nền độc tài, lãnh tụ độc tài là không thể sửa chữa được, hoặc với một cái giá quá đắt.
Cái giá đó phải chăng chính là việc đồng rúp của nước Nga sụt giá đến 60%  chỉ trong vài tháng, và là hàng ngàn tỉ đồng nợ xấu của các tập đoàn nhà nước Việt Nam trong mấy năm qua
?

Không có nhận xét nào: