Một người Pháp tên là Tim Doling, tác giả của cuốn sách “Khám Phá Sài Gòn” vừa lên tiếng yêu cầu chính quyền CSVN giữ lại 4 toà nhà cổ còn lại tại thành phố này. Theo ông Tim Doling, đây là 4 toà nhà cuối cùng mang dấu ấn của người Pháp còn để lại ở Sài Gòn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến nay.
Thứ nhất là toà nhà Cercle Des Officiers được dùng làm câu lạc bộ sĩ quan của Quân đội Pháp đã được khánh thành hồi năm 1876, hiện nay là trụ sở chính quyền quận 1. Thứ hai là ngôi biệt thự Phương Nam, ở số 110 đường Trần Quý Cáp, nay là đường Võ Văn Tần, quận 3. Ngôi biệt thự này được một thương gia người Việt xây dựng vào năm 1910. Thứ ba là toà nhà Catinat, toạ lạc giữa các con đường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Đồng Khởi (Tự Do) và Lý Tự Trọng (đường Gia Long). Thứ tư là ngôi biệt thự được dùng làm trụ sở của chính quyền thuộc địa Nam kỳ, hiện nay là trụ sở của Sở Thông Tin và Truyền Thông Cộng sản Việt Nam tại Sài Gòn, được xây dựng vào năm 1888.
Ông Tim Doling nói rằng, người Sài Gòn cần đưa 4 toà nhà nói trên vào danh mục “cần được bảo vệ” như là những di sản văn hoá cổ của thành phố. Không có gì khó hiểu khi có quá nhiều nhà đầu tư muốn phá huỷ các ngôi nhà cổ toạ lạc tại những vị trí đắc địa, để xây các toà nhà nhiều tầng hơn, nhằm mục đích “tối ưu hoá hoạt động thương mại.” Tuy nhiên, ông Doling nói điều quan trọng là chính quyền cần áp dụng chính sách cân bằng giữa giá trị kinh tế và giá trị di sản.
Ông Tim Doling cho biết, một tổ chức của Pháp đang phối hợp với chính quyền tại Sài Gòn lên một danh sách liệt kê các toà nhà cổ tại đây, để giúp mọi người hiểu biết đầy đủ giá trị của các di sản văn hoá cổ, và tránh việc phá huỷ các di sản đó. Đây là việc nên làm gấp trước khi quá muộn.
Ông Tim Doling là tác giả một cuốn sách vừa được xuất bản mang tên “Khám Phá Sài Gòn” chứa đầy thông tin về các di sản văn hoá của thành phố Sài Gòn. Tuy nhiên, tác giả đã phải rút bỏ khoảng 5 – 6 toà nhà được giới thiệu, vì đã bị phá huỷ hoặc bị thay đổi hiện trạng.
Ông nêu một ví dụ là một toà nhà ở đường Yên Đỗ cũ đã được xây dựng từ năm 1920 vừa bị phá huỷ, và toà nhà số 39 đường Trần Quốc Thảo, quận 3 vẫn còn được giữ lại, nhưng khung cảnh tổng thể bị phá vỡ vì sự xuất hiện của một khối kiến trúc khổng lồ ở phía sau. Ông tỏ vẻ thất vọng, e rằng sắp tới sẽ phải loại thêm nhiều ngôi nhà nữa ra khỏi cuốn sách khảo cứu của mình, nói về sự đặc sắc của Sài Gòn. (Song Châu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét