Kỳ Duyên: Ts Tô Văn Trường vừa gửi mình bài viết phản biện lại bài của ông Nguyễn Đình Hương, xung quanh chủ đề “Đảng không thể làm thay chính quyền”. Xin đăng lên Blog để bạn đọc chia sẻ.
Cảm ơn Ts Tô Văn Trường
————-
Thời báo kinh tế Sài gòn (TBKTSG) mới đây, đăng bài phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức trung ương, Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ trung ương là người có nhiều năm kinh nghiệm làm tổ chức Đảng, xung quanh chủ đề “Đảng không thể làm thay chính quyền”.
Thiếu cơ sở
Ý kiến của ông Hương có một số nhận xét đúng về tình trạng phình biên chế, song trùng trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý vv… nhưng các luận điểm tổng quát không rõ ràng, có chỗ tự mâu thuẫn, nhìn chung không thể làm cơ sở cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.
Ts Tô Văn Trường |
Phàm giả, khi nói (trả lời) hay viết (cho người khác đọc) thì ai cũng muốn “gãi đúng chỗ ngứa” nhưng giả hoặc người ta bị ngứa toàn thân vì không chỉ là triệu chứng ngoài da mà là do lục phủ ngũ tạng thì gãi đâu? Càng gãi càng ngứa, gãi chỗ này trầy da rớm máu thì chỗ khác vẫn hoặc càng râm ran, có bõ không ? Chẳng bõ nào, chẳng thà đừng gãi! “Thuốc” trị lục phủ ngũ tạng thì chê đắng không uống và thậm chí còn vu là độc dược và thét lính lác vác hèo ra phết vào đít mấy lão thày lang !?
Cách đây gần chục năm trong bài “Suy nghĩ về cách tiếp cận và lộ trình cải cách hệ thống chính trị ở Việt Nam”, tôi đã mở đầu bằng đoạn văn : ”Shakespeare nhà viết kịch nổi tiếng trên thế giới người Anh ở thế kỷ 16 (thời kỳ phục hưng) đã để cho nhân vật Hamlet có câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay :”To be or not to be” có nghĩa là “tồn tại hay không tồn tại”.
Nhiều người dân Việt Nam vẫn còn nhớ thời kỳ cuối thập niên 80, nhất là khi khối Đông Âu suy yếu và tan rã, trước các yêu cầu bức xúc của cuộc sống, để tồn tại, Đảng và Nhà nước ta đã tự cứu mình bằng cách tiến hành đường lối Đổi mới, tạo ra các bước đột phá đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, trì trệ.”.
Tuy nhiên, vấn đề không phải là ở từ “Đổi mới” hay “Perestroika” mà là ở chỗ công cuộc đổi mới từ năm 1986 chỉ sửa đổi đường lối kinh tế (từ xóa bỏ tư hữu chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường) nhưng không triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế chính trị do Đảng cộng sản độc quyền toàn trị.
Nguyên lý điều hành quản lý nhà nước là trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi. Nếu quyền hạn lớn hơn trách nhiệm dễ sinh ra tham nhũng, quan liêu. Nếu quyền lợi không gắn với trách nhiệm sẽ mất động lực. Thời gian trôi qua, thực trạng hiện nay, thể chế của chúng ta vẫn tồn tại mấy hệ thống song song: Đảng, chính quyền (Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp), Quốc hội (Hội đồng nhân dân các cấp), mặt trận và các đoàn thể. Hệ thống này vừa đông, vừa chồng chéo chức năng, vừa thiếu trách nhiệm.
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4, khoá X đã đánh dấu một giai đoạn chuyển biến tích cực về nhận thức bằng hành động sắp xếp lại theo hướng thu gọn tổ chức các ban của Đảng còn 5 ban và 1 văn phòng. Hy vọng chẳng tày gang, gần đây lại phình ra hai ban của đảng là Ban kinh tế trung ương và Ban nội chính!? Xin đừng quên rằng trừ mấy nước do ĐCS cầm quyền còn ở mọi nước khác trên thế giới, các chức sắc trong các đảng cộng sản đều chẳng bao giờ được đụng tay vào những đồng lương từ công quỹ (tiền thuế của dân).
Bộ máy của Việt Nam quá lớn, và kém hiệu quả nhất thế giới. Ở Việt Nam trong điều kiện năng suất lao động ở trình độ thấp mà cứ 30 người dân phải nuôi 1 ông sáng cắp ô đi, tối cắp ô về! Còn ở Mỹ năng suất lao động cao hơn nhiều thì 160 người mới phải nuôi 1 công chức.
Biên chế phình ra do nhiều nguyên nhân khác là chủ yếu, chứ không đơn thuần vì bộ máy chưa “nhất thể hóa” (cụ thể là bộ máy của từng bộ phận trong hệ thống trên đều phình ra chứ không phải chỉ tổng của chúng phình ra). Việc “nhất thể hóa” một số chức danh đảng và nhà nước (Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước hay Thủ tướng, Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch ủy ban nhân dân, Kiểm tra kiêm thanh tra vv…) là việc đã được thực hiện ở một số nước Xã hội chủ nghĩa trước đây , nay Lào vẫn thực hiện.
Nếu thực hiện mà không thay đổi các thể chế về cán bộ và tổ chức (tức là giữ như hiện nay) là tiếp tục đi vào con đường lẫn lộn chức năng đảng và nhà nước, trên thực tế là gạt nhân dân và các cơ quan do nhân dân bầu ra khỏi đời sống chính trị, kéo dài tình trạng nhà nước của đảng (chứ không phải của dân, do dân) đến vô hạn. Đây chính là điểm yếu nhất của các đề nghị nhất thể hóa của ông Nguyễn Đình Hương.
Kinh tế thị trường phải gắn với dân chủ xã hội
Ngẫm suy, bản thân việc tập trung quyền lực không hẳn đã luôn luôn xấu. Nhưng quyền lực tập trung không bị giám sát, kiểm soát thì luôn xấu và ngày càng xấu.
Khi giải đáp về vụ ông Trần Văn Truyền, ông Nguyễn Đình Hương không nói thẳng “dân thì xử theo luật, quan xử theo lệ” . Điều này mới cắt nghĩa được cái từ “phó thường dân” – Từ đó không lỡm đâu, rất chính xác đó vì khi quan phạm lỗi tày trời chỉ chịu kỷ luật trong đảng là xong, tức là truất xuống làm dân, vậy nên thằng dân đen đành lủi thủi nhận mình là “phó” cho phải đạo! Nhưng, được cái lũ “phó” này cực đông – cả mấy chục triệu nên … cũng đỡ chạnh lòng, tủi thân!
Tâm sự với người bạn đồng tâm về ý kiến nhất thể hóa mà ông Hương nói, như ở Trung quốc có giải quyết được nạn tham nhũng, lạm quyền, không? Chúng tôi nhận thấy, tất nhiên là không vì ta thấy rõ dưới chế độ đã được nhất thể hóa từ lâu này, qua vụ việc chống tham nhũng hiện nay, Trung Quốc đã cho thấy có các cá nhân lãnh đạo chóp bu, hình thành các nhóm lợi ích, thu vén cả hàng chục tỷ đô la. Và giả thử Tập Cẩn Bình có làm được thật, thì sau Tập sẽ như thế nào? Đây chỉ là chuyện tập quyền của Tập Cẩn Bình, chứ không liên quan gì đến thể chế. Chẳng có gì thay đổi ở thể chế của Trung Quốc.
Nó vẫn là chuyên chế. Nó không phải là hệ thống có phân quyền, nhằm kiểm soát lẫn nhau. Nó cũng không cho phép cạnh trạnh nắm quyền dựa vào cạnh tranh chính sách. Cũng nên nói thêm là gia đình Tập, mà theo điều tra đáng tin cậy của báo New York Times, đã thu vén cả hàng tỷ đô la.
Theo quan điểm duy vật lịch sử, hệ thống chính trị là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc có mối quan hệ hữu cơ gắn bó với cơ sở kinh tế. Thực tế đã chứng minh chân lý kinh tế thị trường phải gắn với dân chủ chính trị-xã hội; đó là xu thế tất yếu và đang là trào lưu phát triển của thế giới. Cải cách hệ thống chính trị quốc gia là việc làm cấp bách đòi hỏi có phương pháp tiếp cận khoa học, chiến lược tổng thể, bước đi cụ thể, với sách lược khôn ngoan, mềm dẻo bởi vì thực tế cái mới bao giờ cũng phải đương đầu với cái cũ, lạc hậu, cản trở.
Viết đến đây, tôi lại nhớ lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Cộng sản nhân dịp đầu xuân Đinh Hợi 2007 :” Kinh tế thị trường không thể phát huy tác dụng nếu không đi đôi với Nhà nước pháp quyền. Kinh tế chỉ có thể phát triển một cách bền vững trong môi trường cạnh tranh. Người tài chỉ có thể xuất hiện thông qua sự lựa chọn dân chủ. Trước hết, người tài phải được lựa chọn một cách thực sự dân chủ, ngay cả người tài trong Đảng.
Nếu một Đảng cầm quyền mà không tập hợp được những người ưu tú, để “đảng trí” không cao bằng “dân trí”, thì rất dễ xảy ra tình trạng, Đảng sẽ dùng quyền hành để lãnh đạo thay vì dùng khả năng thuyết phục và vai trò tiên phong của mình. Không có cơ chế để lựa chọn người tài, không có công cụ để giám sát và chế ước quyền lực một cách hữu hiệu thì không thể nào có được một hệ thống chính trị trong sạch và phục vụ tốt cho dân, cho nước được…”
Thay cho lời kết
Con đường ra của Việt Nam bắt buộc phải chuyển đổi thể chế từ toàn trị sang dân chủ thực chất, không thể không cho phép nhiều phe cạnh tranh nhau nắm quyền và được nhân dân lựa chọn trên cơ sở chính sách đưa ra. Phải chấp nhận tam quyền phân lập, bảo đảm được tính độc lập của tư pháp và hệ thống tòa án.
Hướng đổi mới cơ bản vẫn nên theo là hướng tới cách cầm quyền của các chính đảng hiện nay trên thế giới. Đảng và cán bộ của đảng phải bị nhân dân kiểm soát (thông qua cơ chế bầu cử là quan trọng nhất), chứ không phải đảng cử, bộ máy nhà nước làm thủ tục, dân đứng ngoài như hiện nay.
Trong bài viết ” Cần một phiên bản nâng cấp cho hệ điều hành” đăng trên Tia sáng online TS Phạm Gia Minh có đề cập tới vấn đề về sự song trùng giữa các cơ quan của Đảng và Chính quyền cùng các tổ chức Chính trị- xã hội đóng vai trò cánh tay nối dài của Đảng. Ngôi nhà của chúng ta có kết cấu kềnh càng, lại trụ trên nền móng bị mọt ruỗng do tham nhũng , lãng phí thì rất nguy hiểm khi gặp gió to hay sóng dữ ập đến.
Gần đây, người ta nói nhiều về ” tái cơ cấu” để chuyển biến tình hình nhưng nội hàm của nó còn nhiều điểm chưa rõ. Nếu tái cơ cấu mà không động chạm tới những thay đổi về chất các mối tương tác, trong đó có nâng cấp hệ điều hành thì e rằng chỉ là hoán đổi vị trí ghế ngồi trên chiếc tàu Titanic !
Tô Văn Trường
(Blog Kỳ Duyên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét