Những nỗ lực ngày càng mãnh liệt của Trung Quốc để vẽ lại biên giới hàng hải khiến vừa cả láng giềng lẫn Hoa Kỳ lo ngại nguy cơ chiến tranh. Nhưng liệu sự gây hấn ấy là để phản ảnh một chính quyền đang lớn mạnh hay là một chính quyền đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính danh?
Tại những bến cảng thanh bình dọc bờ biển của Palawan, một hòn đảo hình thanh kiếm ở bờ tây Philippines, những chuyến phà đầy ắp hành khách di chuyển ngược xuôi giữa các thị xã tĩnh lặng, và chủ buôn mang đầy rau quả tươi. Vào những ngày Chúa Nhật, các thị trấn tràn ngập dân chúng ăn mặc sang trọng để đi dự lễ nhà thờ. Từ những cầu cảng kế cận, các ngư phủ ra khơi với những chuyến hải hành nhiều ngày trên những chiếc bancas của họ. Những con tàu hai thân thô sơ, buồm thấp mà họ đã quen dùng qua bao thế hệ.
Trong đất liền, những con phố hẹp và đông đúc râm ran với tiếng pút pút của những chiếc xe lam. Những bảng hiệu ở các cửa hiệu và nhà hàng dọc khu phố hầu hết là tiếng Triều Tiên, tiếng Việt, hoặc tiếng Hoa cũng như tiếng Tagalog của Philippines.
Những vùng biển bao bọc vùng đất này, từ mũi cực nam của bán đảo Triều Tiên cho đến quần đảo Indonesia, đã đóng vai trò như là một giao lộ rộng mở cho giao lưu văn hóa, thương mại, và di cư không ngừng. Trong quá khứ, các sử gia của khu vực đã từng gọi vùng biển bao gồm Hoa Đông và biển Đông là Địa Trung Hải của Đông Á. Thế nhưng gần đây nó đã bắt đầu được so sánh với phần khác của Châu Âu, một vùng phân mảnh mà nó nổi tiếng vì đã khai mào Đệ Nhất Thế Chiến: vùng Balkan.
Cách bờ Palawan vào quãng 25 dặm là tiền đồn của một cuộc tranh giành ngày càng nguy hiểm và khó lường. Nguồn gốc của nó là ở chỗ những nỗ lực gia tăng của Trung Quốc nhằm vẽ lại bản đồ hàng hải của vùng này chẳng khác gì Nga đang vẽ lại bản đồ chính trị ở những nơi như Crimea và Ukraine–chỉ có điều ở đây mức độ to lớn hơn nhiều, có nhiều quốc gia can dự, và phức tạp hơn nhiều.
Với động thái trơ trẽn hơn bao giờ hết, Bắc Kinh đã bắt đầu khẳng định những chủ quyền với hơn 80 phần trăm của biển Nam Trung Hoa, vùng biển mà họ gọi là “đường chín đoạn”, một kỷ tích thời kỳ dân tộc chủ nghĩa vào đầu thế kỷ 20, khi mà nó được khởi thủy vẽ ra để phản ảnh quan điểm của Trung Quốc về cái nhìn phiến diện truyền thống của họ. Bản đồ này không có sự nhìn nhận của quốc tế và chẳng ai để ý cho đến khi Trung Quốc vực nó dậy gần đây. Bây giờ nó có mặt trong tất cả bản đồ của Trung Quốc. Kể từ năm 2012, nó được in trong những hộ chiếu mới cấp cho công dân Trung Quốc.
Còn được gọi là đường lưỡi bò, theo cách nó khoanh vùng biển phía nam của Trung Quốc, đường vạch bao phủ một vùng gồm khoảng 40 phần trăm giao thương của thế giới và phần lớn lộ trình của nhập khẩu dầu của Trung Quốc, qua ngõ Eo biển Malacca, như thể thông qua lỗ kim. Một câu nói từ thế kỷ 16 rằng là “Ai làm chủ Malacca thì nắm lấy yết hầu của Venice” vẫn nói lên tầm quan trọng hàng hải của khu vực này.
Cư dân ở những tiền đồn như Palawan ở rìa phía đông của “chín đoạn” đã cảm thấy bị bao vây rồi. Ngư dân ra khơi đi vào vùng biển mà tổ tiên họ bao thế hệ trước tự do hải hành nay bị đặt vào thế nguy hiểm nơi tranh chấp hỏa đầu chiến tuyến. “Dân địa phương sợ phải ra khơi về phía tây vì có nhiều tàu Trung Quốc–tàu quân sự,” chủ thuyền Edwin Seracarpio ở tuổi 52 cho tôi hay vào một buổi sáng bên cầu tàu chờ đợi bạn đi biển trở về. “Người Trung Quốc nói nó luôn thuộc về sở hữu của họ.”
Nếu Trung Quốc có thể áp đặt ý thích của họ ở vùng biển Đông, ít ra là năm bên đang có tranh chấp–tất cả đều là những quốc gia Á Châu nhỏ và yếu hơn–sẽ bị giới hạn vào một vùng biển nhỏ hẹp duyên hải. Trung Quốc sẽ giành được nhiều an ninh hơn cho những tuyến đường biển của việc cung cấp dầu và các hàng hóa khác; độc quyền tiếp cận những ngư trường phong phú và những mỏ dầu tiềm năng dưới lòng đáy biển; một vùng đệm lớn hơn chống lại cái mà Trung Quốc gọi là những sự xâm nhập của Hải quân Hoa Kỳ. Và sau cùng là thanh thế và vị thế mà họ đã mưu cầu để trở thành bá chủ vùng Thái Bình Dương và tự xác lập cơ sở của họ để thúc đẩy đòi hỏi hàng thập niên là Đài Loan thống nhất với Trung Quốc. Có thể nói rằng là họ sẽ đạt được sự bành trướng lãnh thổ lớn nhất hơn bất kỳ cường quốc nào kể từ sự sát nhập phần lớn những dải đất của Châu Á vào nửa đầu thế kỷ 20 của đế quốc Nhật Bản.
Sự bành trướng của Trung Quốc đã được dự đoán từ lâu. Nhiều nhà quan sát đã cho rằng một cuộc chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc đang trỗi dậy tìm cách gạt bỏ ảnh hưởng quân sự của Hoa Kỳ khỏi tây Thái Bình Dương là không thể tránh khỏi. Dĩ nhiên bất cứ một cuộc xung đột nào như thế sẽ nguy hiểm khi nó diễn ra bởi vì Hoa Kỳ chắc chắn sẽ chống trả tận lực những nỗ lực này. Thế nhưng điều ngạc nhiên–và đáng lo–là thời biểu cho cuộc xung đột này, hay ít ra là giai đoạn đầu, đã dường như tăng tốc trong quãng hai năm vừa qua. Một cách bất thình lình và hùng hổ, Trung Quốc đã bắt đầu khuếch trương các lợi ích quân sự trong khắp khu vực làm các nước láng giềng và Hoa Kỳ bị bất ngờ.
Kể từ giữa năm 2013, Trung Quốc dường như, thoạt tiên, gây hấn hầu như bừa bãi với tất cả mọi bên ở phía đông của họ. Vào tháng Bảy, một nhóm chiến hạm Trung Quốc, khởi hành từ một cảng phía bắc, lần đầu tiên đã làm một vòng hải trình quanh chu vi Nhật Bản. Bắc Kinh có vẻ như đang gửi đi hai thông điệp: rằng là họ đã sẵn sàng đương đầu với đối thủ truyền kiếp và rằng là Trung Quốc sẽ không bị giới hạn bởi cái mà họ gọi là Chuỗi Đảo thứ Nhất. Chuỗi dài những quần đảo kéo dài dọc bờ biển của Trung Quốc cản trở hải quân tiếp cận Thái Bình Dương bao la.
Ngay trước lễ Tạ Ơn năm ngoái, Bắc Kinh đã bất ngờ ra thông báo về một “vùng nhận dạng phòng không,” tuyên bố kiểm soát không lưu vùng trời bao phủ hầu hết vùng biển nằm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, bao gồm cả những vùng được tuyên bố chủ quyền bởi không chỉ Nhật Bản mà còn bởi Nam Triều Tiên. Vùng mà họ thông thường có mối quan hệ êm thắm giữa các bên. Ngũ giác Đài, thường hay cử máy bay giám sát xuyên vùng này thường xuyên, ngay lập tức tuyên bố rằng họ sẽ không đếm xỉa đến đòi hỏi của Trung Quốc; tuy nhiên Hoa Kỳ đã khuyến cáo các hãng hàng không dân dụng tuân theo những quy định mới của Trung Quốc.
Chỉ ít ngày sau khi vùng nhận dạng phòng không được công bố, hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh, một tàu vừa được tân trang từ tàu dùng rồi mua từ Ukraine năm 1998, lần đầu tiên làm chuyến hải hành đi theo với một nhóm đủ bộ chiến hạm tác chiến. Đó gần như là một sự tái hiện ngoại giao pháo hạm kinh điển của các quốc gia phương Tây cách đây một thế kỷ. Với sự hộ tống của hai khu trục hạm và hai chiến hạm săn ngầm, Liêu Ninh rẽ sóng trực chỉ vào vùng biển Đông đang trong tranh chấp. Vào đầu tháng 12, ngay trước khi nó có thể đến khu vực tranh chấp gần Philippines và Việt Nam, một trong những tàu hộ tống chạm trán với một tàu của Hoa Kỳ trong một cuộc thử thách nguy hiểm, tuần dương hạm AegisCowpens.
Tàu của Hoa Kỳ đang theo dõi việc triển khai của Liêu Ninh ở vùng biển quốc tế. Khi tàu của Trung Quốc bất ngờ rẽ lái vào hải trình và ngừng ngay phía trước tàu Cowpens buộc nó phải chuyển hướng khẩn cấp để tránh một vụ va chạm. Theo báo chí nhà nước của Trung Quốc, lý do tàu Trung Quốc không nhường đường là vì Cowpens đã vi phạm “lớp phòng thủ nội tuyến”của đoàn tàu Trung Quốc, một vùng ngăn chặn chưa từng được nghe đến bao giờ che phủ hơn 2800 dặm vuông–tương đương một nửa diện tích bang Connecticut. Sau vụ rắc rối này, Hải quân Hoa Kỳ nhấn mạnh một cách khó nhọc rằng việc cơ động tránh va chạm của Hoa Kỳ không nên được xem là một tiền lệ. “Quân đội Hoa Kỳ, lực lượng của tôi ở trong vùng trách nhiệm Thái Bình Dương sẽ hoạt động tự do ở hải phận quốc tế, “ Đô đốc Samuel J. Lockler, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương tuyên bố. “Chốt lại là như vậy. Chúng tôi sẽ hoạt động ở đó…Và đó là thông điệp cho tất cả quân đội đang hoạt động trong vùng đó.”
Tháng Giêng năm 2014, một nhóm tàu hải quân Trung Quốc khác đã tuần tra Bãi cạn James, vùng mà cả Đài Loan lẫn Malaysia tuyên bố chủ quyền. Trong một buổi lễ được trình chiếu công khai trên boong tàu, các thủy thủ đã cùng xướng “tuyên thệ quyết tâm” để bảo vệ những lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Vào tháng Hai, ba tàu chiến Trung Quốc tuần tra Ấn Độ Dương, lần đầu tiên đi qua ngõ hẹp Eo biển Sunda giữa quần đảo Java và Sumatra và sau cùng cơ động không báo trước đến ngay sát lãnh thổ của Úc ở Đảo Giáng Sinh. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, không hài lòng với thỏa thuận của đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ này đã đồng ý vào năm 2011 cho phép Hoa Kỳ bắt đầu luân chuyển lên đến 2500 thủy quân lục chiến ở một căn cứ huấn luyện tại phía bắc nước Úc. Đó là một phần xoay trục trong tuyên bố của chính quyền Obama, một sự dịch chuyển các lực lượng quân đội Hoa Kỳ sang Thái Bình Dương, và là một sự phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực đối với nền kinh tế thế giới.
Thẩm Đinh Lực, một nhà phân tích an ninh nổi tiếng Trung Quốc giải thích việc tuần tra này cho một phóng viên của Sydney Morning Herald: “Hoa Kỳ đã can thiệp việc thống nhất Đài Loan với đại lục Trung Quốc, và những đồng minh khu vực đã phục vụ ý đồ can thiệp quân sự của họ. Úc nằm trên bàn cờ chiến lược cho ý đồ đó của Hoa Kỳ…Úc không nên mong đợi có quyền theo đuôi Hoa Kỳ để đe dọa Trung Quốc mà không tự làm hại mình.”
Những tháng sau đó đều có nhịp độ tương tự, những khiêu khích của Trung Quốc chỉ có gia tăng mạnh hơn. Vào đầu tháng Năm, gần 80 tàu của Trung Quốc, có tin là có cả bảy chiến hạm, hộ tống một giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ đô Mỹ được kéo ra chỉ cách 120 hải lý bờ biển Việt Nam và sẵn sàng hoạt động. Trung Quốc tuyên bố rằng là giàn khoan được triển khai trong vùng lãnh hải của họ cho dù là bờ biển của Việt Nam gần hơn–và cho dù là vị trí này nằm trong vòng 200 hải lý của Việt Nam, một phạm vi thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia có bờ biển. Cuộc giằng co kéo dài, bao gồm các tàu của Trung Quốc dùng vòi rồng để đuổi đối phương và húc các tàu từ cả hai phía. Rút cục, đối diện với lực lượng áp đảo, Việt Nam chỉ còn cách điên tiết phản đối ngoại giao. (Vào giữa tháng Bảy, Trung Quốc tuyên bố rằng là giàn khoan đã hoàn thành nhiệm vụ của nó và sẽ di chuyển đến Đải Hải Nam của Trung Quốc.)
Qua năm tháng, Trung Quốc đã sử dụng những chiến thuật ít gây hấn nhưng không kém phần trâng tráo để khẳng định kiểm soát ở Thái Bình Dương–nổi bật nhất là việc xây dựng những đảo nhân tạo ở vùng biển đang trong tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Ở những đảo mới này và các thực thể địa lý xa xôi khác, Trung Quốc đã xây dựng những căn cứ và nhà ở cho binh sĩ Trung Quốc. Họ có vẻ hy vọng là sẽ dùng sự hiện diện của họ trên những hòn đảo để yểm trợ và khẳng định những tuyên bố chủ quyền ở vùng biển chung quanh.
Cho dù những hành động khiêu khích này có vẻ ra sao đi nữa, sự giành giật mà Trung Quốc đã khởi động để làm bá chủ phía tây Thái Bình Dương không phải là không có dự tính. Thay vì thế cách hay nhất nó nên được hiểu là một sự phối hợp nhuần nhuyễn từ hậu trường. Chừng nào Trung Quốc còn làm theo ý mình, những nước đi đầu tiên sẽ diễn ra ở biển Đông. Nơi này là nơi mà Trung Quốc hưởng lợi từ sự chênh lệch và ngày càng gia tăng về lực lượng so với những quốc gia nhỏ hơn như Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei, Indonesia. Nếu việc tính toán sai lầm ấy mà sẽ không làm cuộc xung đột bùng nổ sớm hơn thì cuộc tranh chấp rốt cuộc sẽ lôi cuốn luôn cả Nhật Bản và cả vành đai của họ. Trong năm vừa rồi, tôi đã chu du khắp khu vực, nói chuyện với những nhà ngoại giao quan trọng và chiến lược gia quân sự của các quốc gia láng giềng của Trung Quốc–những quốc gia mà bây giờ đang hối hả để đối phó những vụ xâm nhập của Trung Quốc–để biết tình hình sẽ ra sao và Hoa Kỳ sẽ can dự ra sao, dù có chủ ý hay không đi nữa. Những gì sau đây là cái nhìn của họ về bàn cờ chiến lược và nước đi có thể được chơi ở Thái Bình Dương–và khi nào mà mọi thứ sẽ đi vào những nước cờ nguy hiểm.
Giết gà dọa khỉ
Đối thủ chính của Trung Quốc ở biển Đông là Việt Nam và Philippines. Các nhà phân tích ở cả hai quốc gia lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ lấy một trong số họ ra làm gương theo câu châm ngôn của Trung Quốc là giết gà dọa khỉ. Câu hỏi đặt ra là nước nào sẽ là gà; nước nào sẽ bị Trung Quốc hiếp đáp và làm nhục để dạy một bài học cho những láng giềng khác rằng chống cự là vô ích và sẽ chẳng có yểm trợ quyết liệt từ Hoa Kỳ.
Hiện nay chỉ có Việt Nam là quốc gia duy nhất trong vùng cố gắng đặt ra giới hạn đáng kể lên tham vọng hàng hải của Trung Quốc nhưng lại không có một thỏa thuận quốc phòng với Hoa Kỳ. Điều này đưa đến việc họ là một mục tiêu hấp dẫn. Mặt khác, ngay cả khi họ dường như chỉ nhỉnh hơn một phần ba mươi của Trung Quốc, Việt Nam có một truyền thống đấu tranh đáng gờm như Hoa Kỳ đã từng nếm trải vào thập niên 60. Trung Quốc cũng vậy, họ chắc phải quen với khuynh hướng chống ngoại xâm: Việt Nam đã đẩy lui cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào biên giới phía Bắc vào năm 1979 làm Trung Quốc thiệt hại hơn 20000 binh sĩ. Dẫu vậy sự kiện này đã bị kiểm duyệt khỏi ý thức của quốc gia từ lâu. Và cũng như họ đã làm vào lúc bắt đầu cuộc chiến bị lãng quên đó, truyền thông của Trung Quốc gần đây đã nói đến nhu cầu cần “dạy cho Việt Nam một bài học” hoặc bắt nó phải “trả một giá đắt.”
Cho dù cả hai quốc gia là đồng minh về ý thức hệ, mối quan hệ của họ qua nhiều thế kỷ vượt qua những đợt sóng xâm lăng và đô hộ làm ảnh hưởng sâu đậm thái độ họ nghĩ về nhau. “Xâm lược nằm trong máu của họ, và chống ngoại xâm nằm trong máu của chúng tôi” là cách một nhà phân tích chính trị Việt Nam đúc kết lịch sử đau thương hai ngàn năm giữa hai nước trong một bài báo trên The New York Times vào tháng Năm.
Không một ai trong hàng tá các nhà ngoại giao và quan chức mà tôi gặp ở Việt Nam có bất cứ ảo tưởng nào về một chiến thắng trong một cuộc đối đầu trực diện với Trung Quốc trên biển hay trên mặt trận khác. Thế nhưng Việt Nam đã nhiều lần tìm ra những phương cách độc đáo để đương đầu với kẻ thù được vũ trang tốt hơn và lớn hơn. Lịch sử của việc vượt qua những thời khắc ngặt nghèo này đã đem lại cho Hà Nội một thái độ tự tin mà đôi khi phảng phất vẻ ngạo mạn.
“Chúng tôi là một nước nhỏ nhưng mỗi khi Trung Quốc muốn dùng vũ lực nhằm vào Việt Nam, chúng tôi đã chặn đứng họ,” một nhà phân tích quân sự nổi tiếng của Việt Nam cho tôi hay ở Kuala Lumpur vào đầu năm nay. Chúng tôi gặp gỡ tại một phòng tiếp tân ở tòa đại sứ của nước ông. Phòng được trang hoàng với ghế nệm, máy điều hòa không khí ồn ào, và tranh cổ động phai màu. Cao trên tường, một nơi trang nghiêm, treo một chân dung của Hồ Chí Minh đang cười. “Trong cuộc xung đột Malvinas, Argentina bắn chỉ có ba hỏa tiễn Exocet; một trong số đó đánh chìm một tàu của Anh,” ông nói. “Nếu người Trung Quốc đến với Liêu Ninh, chúng tôi sẽ đánh bại họ.”
Hà Nội vừa mới tiếp nhận hai tàu ngầm do Nga chế tạo, lớp Kilo–bốn chiếc nữa sẽ được giao trong nay mai–và nhà phân tích quân sự giải thích rõ ràng việc tậu hàng đắt đỏ đối với một đất nước với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1900 USD: nước của ông cần có thể đánh chìm tàu của Trung Quốc nhằm đẩy cái giá phải trả cho sự gây hấn của Trung Quốc đến mức không chấp nhận được cho Trung Quốc. “Từng tý một, chúng tôi đang gỡ bỏ dây thòng lọng”mà Trung Quốc đã tròng vào cổ của nước của ông, ông nói với tôi.
Việt Nam phải cân nhắc việc họ đáp trả khiêu khích của Trung Quốc vì hai nước có sự mối quan hệ kinh tế ngày càng gắn bó. Vào năm 2012, vào lúc thời điểm căng thẳng với Manila, Trung Quốc đã dừng việc nhập khẩu chuối từ Philippines làm hàng đống hàng bị thối rữa ở cảng. Vào lúc những căng thẳng dâng cao khi dàn khoan dầu được kéo vào vùng biển của Việt Nam, giao dịch thương mại giữa hai nước giảm rõ rệt với truyền thông Trung Quốc cảnh cáo khả năng về những hậu quả kinh tế lâu dài.
Đối với Việt Nam, sự kiện dàn khoan dầu đã không đến nỗi xảy ra chiến tranh. Nhiều quan chức Việt Nam đã nói với tôi rằng một nỗ lực chiếm lấy những đảo đang trong tranh chấp của Việt Nam (như họ làm vào năm 1974 và 1988) sẽ dẫn đến chiến tranh. Việc triển khai dàn khoan dầu đã dấy lên những cuộc biểu tình dữ dội ở Việt Nam nơi mà những cuộc biểu tình là hiếm có. Vào ngày đầu tiên, 11 tháng Năm, hàng trăm người có mặt một cách ôn hòa ở Hà Nội, mang theo biểu ngữ với khẩu hiệu “Bảo vệ chủ quyền đất nước.” Vào những ngày tiếp theo, những đám đông đổ đến những khu công nghiệp, tấn công doanh nghiệp Trung Quốc. Các nhà phân tích Việt Nam nói rằng sự kiện bất ổn, mà nhiều ngưòi biểu tình thiệt mạng, đã cho thấy một cảnh báo rõ rệt là tính chính danh của chính quyền sẽ sụp đổ nếu nó không đáp trả bất cứ một cuộc chiếm đảo mới nào của Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích phương Tây xem cách tiếp cận của Trung Quốc ở Thái Bình Dương là một kiểu leo thang được cân nhắc từng nấc một, nhắm vào việc thiết lập từng bước sự có mặt của Trung Quốc cũng như thực quyền của họ qua hàng loạt hành vi khiêu khích, mỗi cái chỉ nho nhỏ để tránh dẫn đến tình trạng kháng cự chính trị mãnh liệt, nhưng gộp chung lại chúng sẽ thiết lập ra các tiền lệ, và rồi thì trở thành chuyện được chấp nhận. Người Trung Quốc tất nhiên là có tên cho phương pháp này: chiến lược bắp cải. Một vùng bị bao vây từ từ bởi những “lá cải” riêng rẽ–một chiếc tàu đánh cá chỗ này, một chiếc tàu hải giám chỗ kia–cho đến khi nó bị bao phủ bởi nhiều lớp như một cây bắp cải.(“Salami slicing”–cắt lát salami–là tên gọi khác cho chiến lược này.)
Dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ thỏa mãn nếu Việt Nam đơn giản chấp nhận những mở rộng từ từ về đòi hỏi lãnh hải và lãnh thổ của họ. Thế nhưng qua nhịp độ và cường độ mà Trung Quốc đã hành động gần đây, ta thấy là Bắc Kinh sẽ vui thú mà đọ sức với Hà Nội, đặc biệt nếu Việt Nam được xem là nước ra tay trước. Nắm được điểm này là nòng cốt để giúp ta hiểu được việc Trung Quốc triển khai dàn khoan dầu, được hậu thuẫn bởi một đội tàu: nó sẽ hỗ trợ cho việc hợp pháp hóa những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nếu Việt Nam chẳng làm gì, và nó sẽ cho một cơ hội đập ruồi với một trận chiến giới hạn–và có lẽ sẽ ban hành những cấm vận làm tê liệt kinh tế–nếu Hà Nội quật lại.
Tất nhiên, đương đầu với lực lượng áp đảo của Bắc Kinh, một số quan chức Việt Nam gần đây đã cảnh báo rằng cho dù hành động quân sự từ phía họ là cám dỗ về cảm xúc, và có lẽ không tránh khỏi, nó có thể không làm gì hơn là sụp bẫy của Trung Quốc. Nếu câu hỏi của việc đương đầu với Trung Quốc trở nên gắn chặt với sự tồn tại của chế độ thì tất cả những gì đạt được từ chiến tranh là làm dư luận thất vọng, mỉa mai thay, và việc thay đổi chế độ ở Việt Nam.
Nếu Trung Quốc đang tìm kiếm một đối thủ nhỏ hơn để làm gương ở biển Đông–để cho thấy là kẻ bắt nạt sẽ chắc chắn muốn gì được đó, rằng nhân nhượng thì tốt hơn là chống cự–Philippines là một mục tiêu khả dĩ khác. Cho đến gần đây, Philippines nổi bật vì sự yếu kém của nó. Lấy ví dụ phi đội vận tải C-130 đã có thời là hùng mạnh của quốc gia nay chỉ còn hai hay ba chiếc còn hoạt động. Trong vòng 20 năm, Philippines đã bỏ lơ quân đội của họ mà vốn dĩ nó chẳng mạnh từ đầu.
Bắc Kinh đã bắt đầu bận rộn thay đổi nguyên trạng ở vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Ở những hòn đảo trong tranh chấp, họ đang xây dựng các cầu tàu hải quân, đường băng, và thậm chí trường học cho trẻ em của binh sĩ Trung Quốc đồn trú. Song song, họ đã dùng các tàu hải giám hay những tàu cá về hình thức để chiếm lĩnh những bãi cạn hay bãi ngầm đang trong tranh chấp. Các tàu cá được trang bị GPS và điện đài,và các thuyền trưởng nhận trợ cấp vì họ đóng vai trò của một hệ thống cảnh báo sớm cho Bắc Kinh về động thái của những tàu nước khác. Trung Quốc phản ứng với hầu hết những vụ xâm nhập vào vùng biển tranh chấp bằng việc sử dụng ngày càng tinh vi và mạnh mẽ lực lượng cảnh sát biển để tránh vẻ quân sự hóa về bề ngoài. Philippines, cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực, không thể đọ sức với những tàu như vậy ngoài việc dùng tàu hải quân, điều mà trông có vẻ như làm xung đột leo thang đối với người ngoài cuộc. Để chắc ăn, những tàu hải quân Trung Quốc thường lãng vãng ở phía sau để khuyếch trương thanh thế và sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp.
Những nỗ lực đối phó của Manila để khẳng định chủ quyền của họ ở những đảo nhỏ và bãi cạn ngoài khơi của họ cũng tài tình không kém thế nhưng rốt cuộc lại phản ánh sự tuyệt vọng. Nổi tiếng nhất là vụ năm 1999, quốc gia này ủi bãi một con tàu rỉ sét thừa hưởng từ Hoa Kỳ, còn được biết đến với tên Sierra Madre, ngay ở Second Thomas Shoal (Bãi Cỏ Mây–ND) ở Trường Sa, 105 hải lý về phía Tây của Palawan. Các thủy thủ vẫn đồn trú trên tàu đang tan vỡ là hiện thân rõ rệt quyết tâm của Manila về chủ quyền ở bãi cạn. Dẫu vậy sự tồn tại của họ ngày càng phụ thuộc vào trò mèo vờn chuột với Hải quân Trung Quốc vì nó tìm cách cắt đứt tiếp tế của các thủy thủ này.
Vào tháng Giêng, Gilberto G.B. Asuque, lúc đó là trợ lý thư ký về các vấn đề hải dương, gặp tôi ở một phòng hội nghị với đầy bản đồ hàng hải ở bộ ngoại giao của Philippines. “Người Trung Quốc liên tục bảo chúng tôi kéo bỏ tàu đi,” ông nói, ngụ ý con tàu Sierra Madre. Khi tôi hỏi ông ta là liệu nước ông không được trang bị tốt cho một cuộc so găng có thể có, ông ta trả lời,“Chẳng phải điều đó hơi quá rõ ràng?” Asuque nói thêm rằng vì tình thế mà Philippines đã phải chọn việc đưa xung đột với Bắc Kinh ra trước thế giới bất cứ khi nào có thể. Nếu Trung Quốc chọn dùng vũ lực, ông giải thích, cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ kẻ yếu thế.
Nước này đã dùng phương pháp tương tự trong việc theo đuổi một vụ kiện chống lại Trung Quốc theo Công ước LHQ về Luật Biển. LHQ không có quyền lực buộc Trung Quốc thi hành bất cứ phán quyết nào. Thế nhưng ở vị trí nước yếu hơn, Philippines đang dựa vào việc làm Trung Quốc xấu hổ trên trường quốc tế để buộc Trung Quốc tuân thủ hiệp ước mà họ đã thông qua vào năm 1996. “Chúng tôi được lợi mọi đằng và chẳng có gì để mất,” Harry Roque, giáo sư luật của Đại Học Philippines nói với tôi. Ông là ngưòi góp phần thuyết phục chính quyền theo đuổi vụ kiện chống Trung Quốc.
Tại Vịnh Oyster ở bờ biển trung tây của Palawan, chính quyền Philippines mới đây đã động thổ xây dựng một căn cứ hải quân mới với những hy vọng muộn màng nhằm đẩy lui anh chàng hàng xóm khổng lồ và quả quyết. Chỉ trong năm ngoái đây thôi, Manila đã nhanh chóng tậu hai tàu khu trục qua sử dụng từ Ý, hàng loạt máy bay trực thăng tiêm kích và các loại khác,và một hạm đội tàu tuần duyên. Tổng thống Benigno Aquino đệ Tam thường xuyên nhắc đến việc mua sắm này là một nỗ lực nhằm bảo đảm cho nước ông ít ra là có khả năng ngăn chặn vừa đủ. Chẳng có gì nghi ngờ là ông ta nhắm đến Trung Quốc.
Quan trọng nhất, hồi tháng Tư, Philippines đã ký một thỏa thuận phòng thủ chung với Hoa Kỳ. Một tháng sau khi thỏa thuận,trong một bài diễn văn ở West Point, Tổng thống Hoa Kỳ Obama nhấn mạnh thông điệp của thỏa thuận. “Hãy để tôi nhắc lại một nguyên tắc mà tôi đưa ra từ đầu nhiệm kỳ của tôi: Hoa Kỳ sẽ sử dụng quân lực, đơn phương nếu cần, khi những lợi ích cốt lõi cần đến–khi công dân chúng ta bị đe dọa, khi đời sống chúng ta bị lâm nguy, khi an ninh của các đồng minh của chúng ta bị nguy hiểm.”
Sẽ có ý cho rằng thỏa thuận và những lời bình luận của Obama sẽ làm nản lòng Trung Quốc, và đó là nhận định chung không thắc mắc ở Hoa Kỳ–thế nhưng ở Thái Bình Dương, giá trị ngăn chặn của thỏa thuận có vẻ ít chắc chắn hơn. Tất nhiên, một cựu cố vấn an ninh quốc gia người Philippine nói với tôi vì kế sách mưu mô–mục tiêu là hất cẳng Hoa Kỳ vì Trung Quốc coi biển Đông là ao nhà của họ–là một động lực chính đằng sau cái thế công khai ra mặt mới đây của Trung Quốc. Bây giờ họ có thể coi Philippines là một mục tiêu hấp dẫn hơn. Một khi mà Manila có sự hậu thuẫn công khai của Hoa Kỳ, tìm một cách nào đó để hạ nhục Philippines sẽ cho phép Bắc Kinh chứng tỏ điều quan trọng hơn. Suy nghĩ này được tỏ tường sinh động trong những lời bình luận gần đây của Thiếu Tướng Chu Thành Hổ, giáo sư của Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Nói chuyện với đài truyền hình ở Hương Cảng vào tháng Sáu, ông ta cảnh báo các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Á là Hoa Kỳ đã trở thành một con hổ giấy. Ông ta liên hệ phản ứng của Washington đến khủng hoảng Ukraine với “rối loạn cường dương.”
Từ quan điểm của Trung Quốc, kịch bản hoàn hảo có thể là lực lượng vũ trang còn thiếu kinh nghiệm của Philippines liều lĩnh sử dụng các vũ khí mới có, dẫn tới một cuộc chạm trán quân sự giới hạn. Điều đó sẽ giúp Trung Quốc phô trương ưu thế và có thể đưa ra yêu sách chủ quyền mới và mạnh hơn với các rạn san hô trong vùng–có lẽ trong vùng biển giàu dầu mỏ. Hoa Kỳ có thể khó mà đáp trả trong trường hợp nguy cấp như vậy. Đối với một số người trong giới hoạch định chính sách ở Trung Quốc, cơ hội lột trần Hoa Kỳ chỉ là một đồng minh không đáng tin cậy ở Thái Bình Dương quả thật có sức cám dỗ.
Nếu những nguy cơ về việc hạ nhục Hoa Kỳ trong việc hậu thuẫn (hay thất bại hậu thuẫn) một nước yếu hơn như Philippines là cao thì nguy cơ đối với Trung Quốc cũng là đáng kể. Lịch sử hải quân của Trung Quốc kể từ thế kỷ 19 có đầy những thất bại, thoạt tiên là chống lại những cường quốc Châu Âu và kế tiếp là chống lại một Nhật Bản đang lên. Nhật Bản đánh bại anh hàng xóm của họ trong một trận quyết định vào năm 1895. Bất cứ sự thất bại nào trong việc thắng thế với Philippines sẽ là một sự bẽ mặt có tiềm năng gây mất ổn định Đảng Cộng sản. Và Washington có thể lật tẩy Bắc Kinh, bảo vệ Philippines, nếu giả sử Trung Quốc cố đuổi binh lính Philippines ra khỏi tiền đồn rỉ sét Sierra Madre. Điều này có thể cho thấy Trung Quốc hóa ra là một con hổ giấy.
Còn tiếp…
Howard W. French, The Atlantic, Số tháng 11, 2014neofob cập nhật các phần bị bỏ sót và chỉnh sửa từ bản của vietnamnet [0]
________[0]
: Bài viết trên vietnamnet.vn của Minh Tâm, Đình Ngân viết “Theo The Atlantic”http://bit.ly/1vVJnXr
[1]
: Thông thường tàu chiến chỉ dùng radar với tín hiệu radio không mã hóa để theo dõi, xác định khoảng cách và hướng đi của các tàu chung quanh. Khi radar điều khiển bắn chốt (lock) mục tiêu, nó chuyển sang dùng tín hiệu radio mã hóa và chuyển băng tần liên tục–FHSS, Frequency Hopping Spread Spectrum.(Tạp chí Phía trước)
Ván cờ Sống Còn
Cách Philippines vài trăm dặm anh về phía bắc, Trung Quốc đang so găng với Nhật về một nhóm đảo nhỏ, cằn cỗi và ít người biết đến cho đến gần đây, được biết đến trong tiếng Nhật là Senkaku. Nó nằm dưới quyền kiểm soát không tranh chấp của Nhật kể từ khi họ sát nhập vào năm 1895 cho đến khi Nhật bị đánh bại vào Đệ Nhị Thế Chiến. Cho dù có vẻ như là một lãnh thổ cỏn con–chẳng ai sống ở đó–vụ tranh chấp này chứa đựng nguy hiểm còn hơn cả những vụ chạm trán lẻ tẻ ở phía nam. Đây là nơi mà tương lai của Đông Á có thể được định đoạt. Khu vực chưa bao giờ có sự chung sống hòa bình giữa hai cường quốc Á Châu, và khi mà Trung Quốc theo đuổi vị thế cường quốc toàn cầu còn Nhật Bản đã cho thấy rõ ý định là sẽ kiềm chế Trung Quốc. Quần đảo Nhật Bản dài khiến Trung Quốc bị hạn chế hoạt động ở vùng biển duyên hải. Việc kiểm soát quần đảo Senkaku (và có thể kể cả quần đảo Ryukyu ở phía đông nam của Senkaku) được Bắc Kinh xem là chìa khóa cho việc tiếp cận trực tiếp không hạn chế ra đại dương–và quan trọng là một bước ngoặt để tiến đến chiếm lấy Đài Loan, một mục tiêu chủ yếu của Trung Quốc trong hàng chục năm.
Trung Quốc đã không tranh cãi chủ quyền của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku, mà họ gọi là quần đảo Điếu Ngư, cho đến tận năm 1971 khi Hoa Kỳ từ bỏ vết tích cuối cùng của việc chiếm đóng quần đảo Nhật Bản bằng việc giao lại quyền tài phán cho Tokyo. Trông có vẻ tình cờ nhưng không ngẫu nhiên chút nào, chỉ hai năm trước khi Trung Quốc bắt đầu tuyên bố chủ quyền vùng này, LHQ công bố kết quả của một cuộc khảo sát địa chất khu vực kết luận rằng“thềm lục địa giữa Đài Loan và Nhật Bản có thể là một trong những mỏ dầu có trữ lượng phong phú nhất thế giới.”
Vào năm 1978, sau nhiều năm lác đác lời qua tiếng lại, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với lãnh đạo Nhật Bản là hai nước nên hoãn lại vấn đề chủ quyền của quần đảo cho “thế hệ sau”. Căng thẳng lại nổi lên rõ rệt vào năm 2010, 13 năm sau khi Đặng mất, khi một tàu đánh cá của Trung Quốc húc một tàu tuần duyên của Nhật Bản ở vùng biển gần đó. Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng đã làm dấy động làn sóng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc.
Kể từ đó, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu cảnh sát biển vào vùng biển 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku để thẳng thừng thách thức nhà cầm quyền Nhật Bản. Hết lúc này đến lúc khác, quân đội hai nước trực tiếp đối đầu. Vào tháng 12 năm 2012, ba tháng sau khi chính quyền Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo Senkaku (lãnh thổ được sở hữu bởi một công dân Nhật), một máy bay trinh sát của Trung Quốc xâm nhập không phận phía trên quần đảo buộc Nhật Bản cất cánh chiến đấu cơ từ Okinawa gần đó. Một tháng sau đó, trong một động thái mà các chuyên gia hải quân nói rằng có thể dễ dàng dẫn đến nổ súng, một tàu khu trục của Trung Quốc đã chốt radar điều khiển bắn lên diệt lôi hạm Yudachi của Nhật Bản
[1]
. Vào tháng Sáu này, máy bay quân sự của hai quốc gia được tường thuật là đã bay sát nhau đến 30 mét trên vùng trời của vùng biển tranh chấp với những pha bay nguy hiểm mà cả hai bên buộc tội lẫn nhau. Khi được hỏi trong một cuộc thăm dò được tiến hành mùa hè năm nay, rằng tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết ra sao, 64 phần trăm người Trung Quốc trả lời rằng Trung Quốc nên “củng cố kiểm soát có hiệu quả” lãnh thổ. Quá nửa nói rằng họ dự đoán một cuộc xung đột quân sự với Nhật Bản sẽ xảy ra trong tương lai, dẫu vậy chỉ có 11 phần trăm dự đoán nó sẽ xảy ra trong vài năm tới.Vào tháng 12 năm 2012, Nhật Bản đã trao quyền cho một thủ tướng dân tộc chủ nghĩa nhất trong thế hệ vừa qua. Shinzo Abe đã gia tăng chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên trong nhiều năm và hứa hẹn sửa đổi hiến pháp, mà nó nghiêm cấm sử dụng vũ lực trong tranh chấp, để thành lập một quân đội quốc gia một cách hợp pháp. Abe và những người đồng sự đã cho thấy một thiên hướng thổi bùng những bức xúc của Trung Quốc bằng cách tỏ vẻ ra coi nhẹ những tội ác của Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế Chiến như vụ cưỡng bức nô lệ tình dục phụ nữ người Hoa bởi quân đội Nhật Bản. Abe có một mối liên hệ cá nhân mạnh mẽ đến lịch sử đen tối này, điều mà ông ta chưa từng bao giờ giữ thái độ xa cách với nó: ông ngoại Nobusuke Kishi của ông là quan chức cao cấp của vùng Mãn Châu Lý dưới sự chiếm đóng của Nhật. Tháng 12 vừa qua, ông ta là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên viếng thăm Đền Yasukuni ở Tokyo nơi mà những tội đồ chiến tranh được thờ. Mối liên hệ không ăn năn của Abe với thời kỳ này làm cho ngoại giao ở mức cao nhất với Trung Quốc là bất khả.
Abe đã công khai nói đến đương đầu với Trung Quốc. Trong một những biện pháp quốc phòng quan trọng đầu tiên của ông là phê chuẩn việc thành lập một lực lượng mô phỏng theo Thủy quân Lục chiến của Hoa Kỳ. Tokyo cũng đã tham dự vào cuộc chạy đua đóng hàng không mẫu hạm bằng việc đóng và vừa mới cho vào biên chế hàng không mẫu hạm hạng nhẹ, chiếcIzumo, mà chỉ mang máy bay trực thăng vào lúc này. Nhật Bản cũng đã tuyên bố các kế hoạch để tăng cường hạm đội tàu ngầm cực kỳ cao cấp từ 16 chiếc lên 22 chiếc. Năm ngoái Washington tỏ vẻ không bằng lòng khi Nhật Bản tuyên bố rằng họ sẽ bắn hạ bất cứ máy bay không người lái nào vi phạm không phận Nhật Bản.
Trong một chuyến thăm Nhật Bản gần đây, tôi đã đến một trong những nơi mà quốc gia này đang mở rộng hiện diện quân đội của họ, Yonaguni. Đó là hòn ngọc bình yên của một hòn đảo chỉ có hai con đường chính nằm ở phía cực nam của chuỗi quần đảo Ryukyu. Nơi đó là một trong những điểm ngoài vùng quần đảo Senkaku, trên cao điểm, dưới một hải đăng cũ kỹ mà giống ngựa lùn địa phương gặm cỏ. “Hầu hết người dân ở đây không muốn có một căn cứ trên đảo,” một cư dân cho tôi hay. “Thế nhưng để triển khai nhanh chóng, chẳng có chỗ nào tốt hơn.”
Lý do căn bản của Nhật Bản trong việc thiết lập tiền đồn, cũng như những nỗ lực củng cố lực lượng gần đây, là sớm muộn Trung Quốc sẽ chiếm lấy Senkaku bằng vũ lực. Những lợi ích khác là việc kiểm soát những hòn đảo sẽ đem lại cho Trung Quốc một căn cứ hậu phương để tấn công những tàu chiến của Hoa Kỳ ra khơi từ những căn cứ ở Okinawa ngăn chúng không đến được Trung Quốc hoặc can thiệp vào xung đột về quyền kiểm soát Đài Loan gần đó.
Đầu năm nay, phát biểu tại một hội nghị ở San Diego, chỉ huy trưởng của ban tình báo và hành quân của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, hạm trưởng James Fanell, cho rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị lực lượng của họ “để có thể tiến hành một cuộc chiến nhanh gọn nhằm tiêu diệt các lực lượng Nhật Bản tại biển Hoa Đông, tiếp theo là chiếm quần đảo Senkaku hoặc thậm chí quần đảo Ryukyu ở phía nam.” Ngũ giác Đài sau đó không thừa nhận những bình luận của Fanell mà một số chuyên gia cho là chỉ gieo hoang mang. Cho dù ý định thật của Trung Quốc là gì đi nữa, những lời bình luận của Fanell chuyển tải một linh tính báo trước của Hoa Kỳ về những căng thẳng dâng cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Nếu chiến tranh nổ ra vào lúc này, nhiều nhà phân tích tin rằng Nhật Bản sẽ thắng thế. Bên cạnh hệ thống vũ khí hàng đỉnh của của Hoa Kỳ, các lực lượng Nhật Bản còn hưởng lợi từ nhiều năm huấn luyện hỗn hợp cùng với các đối tác Hoa Kỳ, và có lẽ thiện chiến hơn so với Hải quân Quân Giải phóng quân Trung Quốc.
Vì thế, cũng như các chuyên gia khác, các chuyên gia phân tích nổi tiếng của Nhật Bản nhận thấy ít có khả năng Trung Quốc sẽ muốn có một cuộc chạm súng trực diện lớn trong nay mai.“Họ biết rằng chúng tôi sẽ đánh bại họ,” một chuyên gia hàng đầu về an ninh nói với tôi một cách thẳng thừng. Thế nhưng ông ta và những chuyên gia khác nói chung tin là Trung Quốc sẽ tiếp tục khiêu khích những vụ nằm trong gang tấc và có lẽ kể cả những vụ chạm trán nhỏ với quân đội Nhật Bản–ví dụ như quấy rối máy bay của Nhật, húc tàu tuần duyên của Nhật. Mục đích, theo họ nói, là khó thấy và chủ yếu là mục tiêu lâu dài. Nó bao gồm dư luận quần chúng ở Nhật Bản và ở Hoa Kỳ.
Một khi Nhật Bản và Trung Quốc tiến hành những phi vụ và cơ động nguy hiểm trên và trong vùng biển động giữa họ, xác xuất nổ súng tăng lên và đi kèm là nguy cơ thương vong. Bất cứ bên nào trông có vẻ chịu trách nhiệm gây ra đụng độ sẽ chịu hình ảnh quốc tế của mình bị hoen ố thảm hại và sẽ đối diện với áp lực to lớn để nhượng bộ. Nếu Tokyo bị xem là kẻ gây hấn, hoặc chỉ là bất cẩn, các chuyên gia Nhật Bản sợ rằng sẽ có một phản ứng dữ dội từ cả trong lẫn ngoài nước. Dư luận ở Nhật Bản, với chủ nghĩa yêu chuộng hòa bình phổ biến sâu đậm, có thể quay ra chống lại Abe hoặc chính phủ tương lai một khi dân chúng hoảng loạn khi cho rằng những nhà lãnh đạo của họ đang đưa họ đến chiến tranh với gã láng giềng khổng lồ.
Thậm chí nguy hại hơn cả, trong con mắt của các chuyên gia phân tích Nhật Bản, sẽ là phản ứng của công chúng Hoa Kỳ. Kể từ năm 1996, Bộ ngoại giao của Nhật Bản đã thăm dò trực tiếp về sự ủng hộ của người Hoa Kỳ về ủng hộ của họ dành cho những cam kết phòng thủ của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản. Năm ngoái, hai phần ba người được hỏi ủng hộ thế nhưng đó là mức độ ủng hộ thấp nhất kể từ khi cuộc thăm dò khởi đầu. Khi được hỏi quốc gia nào ở Châu Á là “đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ,” nhiều người Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc hơn là Nhật Bản. Đặc biệt khi mà vào thời điểm Hoa Kỳ mệt mỏi với chiến tranh, một cuộc chạm trán bất ngờ giữa Nhật Bản và Trung Quốc vì cái mà nó trông từ xa như một đống những mỏm đá vô nghĩa sẽ gợi một câu hỏi đáng lo: Liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng để đánh Trung Quốc, bảo vệ Nhật Bản vì một vấn đề lãnh thổ mập mờ.
“Tai nạn sẽ xảy ra,” Narushige Michishita, giám đốc của chương trình an ninh và nghiên cứu quốc tế tại Viện Bồi dưỡng Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách của Nhật Bản thẳng thừng nói với tôi ở Tokyo. “Chúng tôi phải hoạch định chính sách của chúng tôi dựa trên giả định” rằng là có những lúc trò đánh bài tháu cáy rút cục sẽ cho kết quả xấu, dẫn đến binh sĩ thiệt mạng.“Trọng tâm phải là chuyện giảm thiểu thiệt hại.” Nhiều phân tích viên tin rằng Trung Quốc đang cố gắng trêu tức Nhật Bản– bằng những khiêu khích bền bỉ và có cân nhắc cẩn thận–để nó phản ứng quá đà và sẽ tiếp tục làm như vậy.
Nếu Hoa Kỳ dao động trong cam kết của họ đối với Tokyo, hoặc lẫn tránh hoàn toàn, Bắc Kinh chắc hẳn đã tìm được một phương pháp đáng kể để đạt được mục tiêu lớn nhất từ lâu: làm suy yếu liên minh Mỹ-Nhật. Washington sẽ mất uy tín khắp vùng, và hết nước này sang nước khác, có lẽ kể cả Nhật Bản, sẽ bắt đầu có những toan tính mới nhằm để dàn xếp với Trung Quốc.
Một lần nữa, phải công nhận là có đầy những cơ hội cho tính toán sai lầm, và có thể tăng nhanh trong những năm sắp đến. Giả như Trung Quốc thành công trong việc băt nạt một trong đối thủ ở Biển Đông, lấy ví dụ–Philippines chẳng hạn–thì giới lãnh đạo quân sự và chính trị có thể cảm thấy bạo gan. Và cho dù cùng là một kịch bản ấy, trách nhiệm của Washington phải ủng hộ Nhật Bản sẽ là dữ dội khác thường, nếu không thì toàn bộ cấu trúc đồng minh ở Á Châu đổ vỡ. Washington sẽ có nhiều lựa chọn trong bất cứ sự chạm trán nào giữa Trung Quốc và Nhật Bản, kể từ giao chiến trực tiếp cho đến yểm trợ hết mình bằng thông tin tình báo trực tiếp vệ tinh và radar, yểm trợ hậu cần, và kể cả đánh chặn tên lửa của Trung Quốc. Một danh sách đa dạng như vậy có thể cho phép Hoa Kỳ xác định phản ứng quân sự của họ đối với bất kỳ chiến sự nào, phối hợp với ngoại giao nhần nhuyễn, và để làm êm thấm xung đột trong khi vẫn giữ vững vị thế của mình. Lịch sử cho thấy nghiêm túc mà nói thì những động thái đòi hỏi khắt khe cũng có thể đi theo chiều hướng xấu.
Trói buộc người khổng lồ
Tính huênh hoang của Trung Quốc khiến tất cả các quốc gia xung quanh đều phải để ý. Nhiều nước đã bắt đầu thiết lập những mối quan hệ đối tác ít ai nghĩ đến với một mục đích chung: kiềm chế Bắc Kinh.
Đề cập đến một trong những mối quan hệ mới này, một nhà ngoại giao Việt Nam ở Đông Nam Á nói với tôi một cách khôi hài là Ấn Độ “sẵn sàng đánh Trung Quốc đến người Việt Nam cuối cùng,” nghĩa là Ấn Độ sẽ dùng Việt Nam để chiến đấu thay họ trong bất cứ cuộc xung đột nào với Trung Quốc. Dehli đã đồng ý sẽ huấn luyện thủy thủ Việt Nam về chiến tranh tàu ngầm và đã hứa hẹn một khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD cho Hà Nội để mua thiết bị quân sự bao gồm các tàu tuần tra hàng hải. Đó chẳng là gì so với tiêu chuẩn về chi tiêu của khu vực nhưng nó có lẽ chỉ là bước đầu.
Đây có lẽ là mục tiêu nổi bật nhất của sự xoay trục của Hoa Kỳ: làm dày đặc mạng lưới giữa các láng giềng lo âu của Trung Quốc. Họ có một lợi ích chung nhằm giữ Trung Quốc khỏi việc dùng vũ lực để lật úp trật tự hiện thời. Cho lúc này Nhật Bản thừa nhận là không có nước nào có triển vọng thắng thế trong chuyện đối đầu giữa Trung Quốc và một số là người tí hon Lilliputian thẳng thắn mà nói. Phối hợp nhịp nhàng, dẫu vậy, ngay cả không phải là đồng minh công khai, họ có thể trói buộc người khổng lồ và chế ngự hắn vào các quy tắc quốc tế mà đôi bên chấp nhận.
Dầu thế nào đi nữa, như ví dụ Ấn-Việt cho thấy một cách sống động, các láng giềng của Trung Quốc không hẳn đợi Hoa Kỳ vẽ đường chỉ lối. Nhật Bản đang đóng góp nhiệt tình cho việc tăng cường phòng thủ hàng hải ở cả Việt Nam lẫn Philippines. Ngay cả Nam Triều Tiên, thường là một trong những quốc gia say mê Trung Quốc nhất, giờ đây đang bán quân cụ cho Philippines.
Cuối cùng, hoạt động cân bằng trong khu vực như thế này có thể mang đến một triển vọng tốt nhất để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở tây Thái Bình Dương–và có lẽ là một triển vọng tốt nhất hơn cả. Trong quyển sách vào năm 2012, Sự Trỗi Dậy của Trung Quốc đối với Chiến Lược Luận, Edward N. Luttwak viết về cách tiếp cận giống như mạng lưới này để quân bình là một trong những chuyện phản ánh căn bản nhất trong lĩnh vực chiến lược. Sử dụng sự tương đồng của thời Đệ Nhất Thế Chiến để mô tả những gì đang diễn ra ở Thái Bình Dương, ông ta nói rằng “Hành động của Đức về việc đóng tàu chiến đại dương đã đem lại, không chỉ là việc chạy đua vũ trang của những cường quốc đại dương của một thế giới nếu không thì y nguyên, mà còn là một sự chuyển biến chiến lược toàn cầu để bảo đảm cuối cùng thì sức mạnh hải quân của Đức vô hiệu và sau đó là thua trận.”
Trung Quốc càng nhận thấy một phản ứng phối hợp của nhiều nước đối với sự tăng cường lực lượng và đột nhập hải quân thì càng có khả năng Bắc Kinh sẽ chuyển hướng sang ngoại giao, và ngừng tìm kiếm ưu thế áp đảo trong khu vực. Và dẫu vậy, tất nhiên, đó chẳng phải là điều có thể duy nhất theo cách suy diễn giải thích rõ ràng của Luttwak. Câu hỏi lớn đặt ra ngày nay là liệu giới lập chính sách của Trung Quốc dưới trướng của Tập Cận Bình, một lãnh đạo quyết đoán hiếm thấy, đã vượt giới hạn tương tự như giới lập chính sách Đức đã làm cách đây một thế kỷ, hoặc có thể làm điều đó trong một ngày sắp đến.
Nguồn gốc những sự hung hăng của Trung Quốc
Trong suốt nhiều thập niên, bắt đầu với Đặng Tiểu Bình, khẩu hiệu địa chiến lược của Trung Quốc là ẩn mình chờ thời. Tôn chỉ của Đặng Tiểu Bình đã không bao giờ bị từ bỏ trắng trợn, thế nhưng hành động của Trung Quốc kể từ giữa năm 2013 cho thấy rõ ràng rằng cách tiếp cận của ông đã bị bỏ qua một bên. Giới diều hâu trong quân đội Trung Quốc không ngừng kêu gọi phải quyết đoán hơn nữa, thậm chí đến mức hiếu chiến. Một trong những ví dụ gần đây, Lưu Á Châu, một chính trị viên của Đại Học Quốc Phòng Giải Phóng Quân, nghe như thể một chiến lược gia Trung Quốc thời cổ đại khi ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí: “Một quân đội mà không đạt được chiến thắng quân sự thì chẳng có nghĩa lý gì. Những biên ải mà quân đội chúng ta giành được chiến thắng thì hòa bình và ổn định hơn, thế nhưng những nơi mà chúng ta quá nhút nhát thì có nhiều tranh chấp hơn.”
Dẫu cho Lưu đã bị nhiều người cho là không đại diện cho tiếng nói chung, bản thân Tập Cận Bình đã công khai cổ vũ phát triển vũ khí và khuyến khích quân đội sẵn sàng. Trong một chuyến đi đầu tiên của ông ngoài Bắc Kinh sau khi nhậm chức vào tháng 11 năm 2012, ông ghé thăm binh sĩ ở Quân Khu Quảng Châu, được tường thuật là đã phát biểu, “Tất chiến tất thắng là linh hồn của một quân đội mạnh.” Vào tháng Tám năm 2013, ông kinh lý hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trước khi nó bắt đầu hành quân và đã cổ vũ hạm trưởng để nâng cao sẵn sàng chiến đấu. Trong một bài diễn văn vào mùa thu năm ngoái ở Moscow, Thời Ân Hoằng, một sử gia về ngoại giao nổi tiếng của Trung Quốc, tóm tắt sự thay đổi về chính sách dưới thời của Tập, lưu ý việc sử dụng thường xuyên khẩu hiệu của nhà lãnh đạo mới “sự hồi sinh vĩ đại của quốc gia Trung Quốc”; một sự giảm sút đáng kể của câu nói một thời phát triển hòa bình; và hoàn toàn bỏ đi ý của Đặng về chuyện ẩn mình.
Mục tiêu bá chủ khu vực của Trung Quốc không khó hiểu một khi những khả năng kinh tế và quân sự bắt kịp với tham vọng của họ, chúng ta có thể chỉ bước vào những giai đoạn đầu của một thời kỳ dài và nguy hiểm mà Trung Quốc tìm cách tự khẳng định chính họ ngày càng mạnh mẽ hơn. John J. Mearsheimer, một người duy thực và là nhà khoa học về chính trị, đã từng tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ không trỗi dậy hòa bình ít ra từ quyển sách của ông kể từ năm 2001,Bi Kịch của Chính trị giữa các Cường quốc. Trong một cuộc tranh luận vào mùa thu năm ngoái với Diêm Học Thông, một học giả về quan hệ quốc tế, Mearsheimer đã nói: “Liệu chúng ta có nên hy vọng Trung Quốc sẽ có Học thuyết Monroe của chính họ? Dĩ nhiên rồi.” Thế nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ thích nghi với nó. Mearsheimer chỉ ra rằng Trung Quốc đang phạm phải sai lầm lớn trong việc chọn thời điểm của những cú huých gần đây, đụng vào Hoa Kỳ một cách hấp tấp thay vì đợi một hay hai thế kỷ nữa khi mà sức mạnh tương đối của họ có thể mạnh hơn nhiều và khả năng của một chuyện đã rồi cao hơn.
Nhiều nhà phân tích ráp nối thay đổi gần đây về quan điểm của nước này với dâng trào về sự tự tin, thậm chí là hân hoan chiến thắng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008. Điều mà đã giáng cho những nền kinh tế tây phương một cú chí tử nhưng Trung Quốc thì tương đối không sút mẻ gì. Những chuyện tiếp theo sau, ví như giới hạn giả tạo mà Tòa Bạch Ốc vạch ra về việc dùng vũ khí hóa học ở Syria và sự bất lực của Washington nhằm ngăn cản Nga khỏi sát nhập Crimea, có thể đã góp phần khiến Bắc Kinh cảm nhận rằng sinh lực của Hoa Kỳ ở hải ngoại đang giảm sút.
Và dẫu vậy, thật nghịch lý thay, hành xử mới đây của Trung Quốc trông như là một phản ảnh của không chỉ là sự trỗi dậy về năng lực hay tự tin mà còn là sự trỗi dậy của bất an trong giới lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Sự chính danh của họ ở quốc gia thời hậu lý tưởng đã luôn dựa trên trụ cột song sinh của phát triển kinh tế và chủ nghĩa dân tộc. Sự bùng nổ của truyền thông xã hội ở Trung Quốc đã khuếch đại tiếng nói của những người dân túy cực đoan mà luôn yêu cầu quốc gia của họ thẳng thắn đương đầu và không ngại sử dụng bạo lực. Điều này dường như đã gieo rắng nỗi sợ hãi trông nhu nhược vào giới lãnh đạo. Khi được hỏi rằng liệu một nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tuyên bố công khai thỏa hiệp với những láng giềng của họ, Ngô Kiến Dân, một cựu phát ngôn viên ngoại giao và là cựu hiệu trưởng của Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với Asahi Shimbun, một nhật báo Nhật Bản, “Anh sẽ là một ‘kẻ phản bội.'”
Trong khi đó, lãnh vực sản xuất của Trung Quốc, đã từ lâu là đầu tàu của phát triển, đã sa thải nhân công trong nhiều năm qua khi mà tiền lương dần tăng và công nghệ rút ngắn công việc có mặt khắp nơi. Nền kinh tế và công việc làm tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng nhưng sự phát triển đó là do bởi chi tiêu chưa từng thấy của các tập đoàn và nợ công. Theo một số phép đo gần đây, năng suất phát triển đang giảm. Có thể nói rằng các láng giềng của Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại về khả năng của một sụt giảm kinh tế đột ngột ở Trung Quốc, điều mà nhiều chuyên gia đã dự báo từ lâu, cũng như họ tiếp tục chú trọng về tăng trưởng nhanh: nếu một trụ cột của chính danh mà yếu đi thì cái còn lại phải chịu gánh nặng nhiều hơn.
Giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tiếp tục, cho một mức độ nào đó, là một bí ẩn, và chẳng ai có thể quả quyết rằng tại sao quốc gia đột nhiên khẳng định quyền lợi của họ quyết liệt ở Đông Á. Tuy vậy có thể bào chữa cho việc này, rằng đây là khoảnh khắc của Hoa Kỳ cho cơ hội chín muồi đối diện với Trung Quốc, một cơ hội để lèo lái nó vào lề lối cùng tồn tại ít gây hấn hơn mà trong đó những quy tắc quốc tế sẽ được chấp thuận, thay vì được tái tạo dưới trướng của Bắc Kinh.
Dẫu cho Trung Quốc sẽ chắc là nền kinh tế lớn nhất thế giới, một số chỉ dấu cho thấy là quốc gia có thể đã bước vào thời kỳ của tiềm lực tối đa tương đối so với phần còn lại của thế giới–rằng là những báo động đỏ đã xuất hiện có thể báo trước một sự thay đổi về quỹ đạo kinh tế hơn chỉ là một cú mắc nghẹn. Bức tranh dân số Trung Quốc cho thấy một sự thiếu hứa hẹn về một lực lượng lao động bắt đầu suy giảm rõ rệt, và một xã hội mà nó có thể già trước khi nó giàu thật sự, tính theo đầu người mà nói. Ngay cả ở Trung Quốc, chỉ có vài kinh tế gia tin rằng quốc gia có thể duy trì mọi thứ với tỷ lệ phát triển như trong vài thập niên vừa qua, và một số tin rằng nó đã bước vào bẫy thu nhập trung bình. Những quốc gia đang phát triển từng có kinh tế vượt bậc khó mà tiếp tục phát triển để đi vào hàng ngũ các quốc gia công nghiệp với sáng kiến và dịch vụ cao cấp thay thế sản xuất đơn giản. Như nhà khoa học chính trị David Shambaugh đã chỉ ra gần đây “Không có lấy một công ty Trung Quốc đứng trong 100 thương hiệu hàng đầu thế giới theo xếp hạng của tạp chí BusinessWeek.”
Nếu Washington có thể tiếp tục tìm ra những phương cách để yểm trợ đồng minh của mình, đặc biệt là những nền dân chủ ở Đông Á, và nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tránh những tính toán sai lầm trọng đại trong những năm sắp đến thì sự quả quyết của Trung Quốc vào lúc này có thể dọn đường cho một sự tự tin sáng sủa và thực tế hơn ở Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc có thể dần xoay chuyển một cách thành công, và nếu chính phủ có thể từ từ tìm ra những nguồn lực cho chính danh–giả dụ bằng một sự minh bạch hơn, những phương pháp chống tham nhũng nghiêm ngặt hơn, kiểm soát ô nhiễm, và những cải thiện mức sống bền vững cho dân chúng–giới hoạch định chính sách có thể nhận ra rằng chẳng có lợi gì trong việc đối đầu các láng giềng của họ.
Một chiều tháng Giêng, tôi ghé thăm căn cứ hải quân của Philippines ở ngoại ô của Manila để được thuyết trình bởi một cựu đô đốc và là cố vấn an ninh quốc gia. Ông ta cho tôi hay rằng chi tiêu quân sự của nước ông có lẽ sẽ tăng gấp đôi trong nay mai với một phần lớn của sự gia tăng cho hải quân và không quân. Một vài phút sau, ông đặt một câu hỏi cho tôi với vẻ kinh ngạc: “Anh có nghĩ rằng đó là điều tự nhiên cho một siêu cường hành xử như Trung Quốc?”
Khi cuộc họp dài hơi đến hồi tan, một số sĩ quan tham mưu được khuyến khích phát biểu lần đầu tiên, và một hạm trưởng quay sang tôi và hỏi tôi nghĩ gì về một lịch trình có thể cho một cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc. Một chốc sau, anh ta ngắt lời tôi trong lúc tôi tuôn tràng một câu trả lời đầy rào đón và nói “Tôi hy vọng là nó không xảy ra trong đời tôi.”
**Căng thẳng dâng cao: Nhật Bản và Trung Quốc **
Howard W. French, The Atlantic, Số tháng 11, 2014neofob cập nhật các phần bị bỏ sót và chỉnh sửa từ bản của vietnamnet [0]
-----------------------
Một danh sách không đầy đủ của những khiêu khích gần đây
(1) Tháng 12 năm 2012: Một máy bay trinh sát Trung Quốc xâm nhập vào không phận trên quần đảo Senkaku; Nhật Bản xuất kích máy bay phản lực chiến đấu để nghênh cản.
(1) Tháng 12 năm 2012: Một máy bay trinh sát Trung Quốc xâm nhập vào không phận trên quần đảo Senkaku; Nhật Bản xuất kích máy bay phản lực chiến đấu để nghênh cản.
(2) Tháng Giêng năm 2013: Một khu trục hạm Trung Quốc chốt radar điều khiển bắn lên diệt lôi hạm Yudachi.
(3) Tháng Hai năm 2013: Ba tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh Senkaku.
(4) Tháng Hai năm 2013: máy bay Trung Quốc bị nghênh cản bởi máy bay phản lực của Nhật Bản trong không phận của vùng tranh chấp.
(5) Tháng Bảy năm 2013: chiến hạm Trung Quốc hải hành vòng quanh Nhật Bản.
(6) Tháng Bảy năm 2013: Trung Quốc và Nga tiến hành một cuộc tập trận hải quân hỗn hợp ở Biển Nhật Bản.
(7) Tháng 11 năm 2013: Bắc Kinh tuyên bố một “vùng nhận dạng phòng không” trên hầu hết khắp vùng biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
(8) Tháng Sáu năm 2014: máy bay quân sự Trung Quốc bay trong vòng 30 mét của máy bay quân sự Nhật Bản trong không phận vùng tranh chấp.
________
Cước chú:
[0]
: Bài viết trên vietnamnet.vn của Minh Tâm, Đình Ngân viết “Theo The Atlantic”[1]
: Thông thường tàu chiến chỉ dùng radar với tín hiệu radio không mã hóa để theo dõi, xác định khoảng cách và hướng đi của các tàu chung quanh. Khi radar điều khiển bắn chốt (lock) mục tiêu, nó chuyển sang dùng tín hiệu radio mã hóa và chuyển băng tần liên tục–FHSS, Frequency Hopping Spread Spectrum.
(Tạp chí Phía trước)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét