BienDong.Net: Từ hàng mấy trăm năm nay, Hoàng Sa vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Cho đến những năm cuối trong Thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ 21, ngư dân Việt Nam vẫn còn đánh bắt tự do trong vùng biển Hoàng Sa. Từ năm 2009, Trung Quốc cho lưu hành bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” tại Liên Hợp Quốc và triển khai nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”, thực hiện sách lược lấn dần từng bước để khống chế Biển Đông.
Họ bắt đầu củng cố sự kiểm soát trên biển bằng chính sách đàn áp ngư dân Việt Nam, nhằm đẩy lùi những người Việt Nam cuối cùng ra khỏi vùng biển Hoàng Sa. Tiếp theo đó, Trung Quốc triển khai các hoạt động dầu khí.
Năm 2012, Trung Quốc đã mời thầu tại Lô 65/12 ở phía Bắc Biển Đông, gần đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa. Từ phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc từng bước mở rộng hoạt động dầu khí về các phía Đông, Tây và Nam của quần đảo này. Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần đảo Tri Tôn về phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa mới chỉ bước đi đầu tiên trong chiến lược “vết dầu loang” của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ sẽ còn tiếp tục xâm lấn xuống tận phía Nam Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò”.
Song song với các động thái trong hai lĩnh vực nghề cá và dầu khí, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc lấn biển mở rộng các đảo bãi ở Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời đơn phương đưa ra các luật lệ để tăng cường kiểm soát dân sự và quân sự trên biển, nhằm đi từ sự đã rồi trên đảo đến sự đã rồi trên biển, trong một vùng biển rộng lớn hơn mà chưa có điểm dừng.
Tuy nhiên, biến vùng biển Hoàng Sa thành “biển thiên triều” chưa phải là mục đích cuối cùng của Trung Quốc mà họ đang đẩy mạnh các hoạt động “Nam tiến” như lấp biển, mở rộng các bãi ở Trường Sa để xây dựng căn cứ quân sự để kiểm soát cả Biển Đông. Nếu Việt Nam không có đối sách và hành động kiên quyết thì chẳng bao lâu nữa Trung Quốc sẽ đưa tàu vào khảo sát và hạ đặt giàn khoan vùng Tư Chính, ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam, với sự hậu thuẫn của lực lượng hải quân và chấp pháp khổng lồ của họ.
Từ hàng ngàn đời nay, các vương triều phương Bắc luôn tìm mọi cách thôn tính Việt Nam, nhưng họ đã không làm được bởi sự đấu tranh quật cường của các thế hệ người Việt. Những gì Đế quốc Trung Hoa ngày xưa đã không thực hiện được trên bộ, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay đang cố gắng thực hiện trên biển. Có thể nói rằng Việt Nam ngày nay đang đứng trước một quá trình xâm lấn từ phương Bắc với quy mô không kém, và còn có thể nói là tinh vi hơn. Những gì người Việt xưa đã từng phải đối diện thì nay người dân đất Việt ngày nay lại đang phải đối mặt, thậm chí những thách thức khó khăn ngày nay còn lớn hơn nhiều.
Không những thế, cuộc “Nam tiến” của Trung Quốc trên biển ngày nay có nhiều khía cạnh khác với những cuộc xâm lăng thời phong kiến. Thứ nhất, như Trần Hưng Đạo nói, nếu quân ngoại xâm tiến chậm như tằm ăn dâu thì khó chế ngự, trong khi đó lại là chiến lược của Trung Quốc hiện nay. Thứ hai, nếu Trung Quốc chiếm một số đảo nhỏ xa bờ hay giành sự kiểm soát và khai thác trong một vùng biển thì Việt Nam khó có thể theo đuổi một cuộc chiến tranh không giới hạn để giành lại. Thứ ba, chiến tranh hiện đại trên biển là khác với chiến tranh trên bộ ngày xưa. Xưa kia chúng ta đã có những chiến thắng Bạch Đằng trên sông nước nên nếu có đối sách đúng, chúng ta không ngại trước sự xâm lăng trên biển của Trung Quốc ngày nay.
Trước những hành vi ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế, nếu Việt Nam chỉ phản đối bằng ngoại giao một cách thụ động thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới. Việt Nam cần phải chủ động sử dụng những thế mạnh của mình về mặt pháp lý cũng như dư luận bởi Việt Nam có thế mạnh chính nghĩa.
Trong lĩnh vực pháp lý, Việt Nam phải tận dụng những phương tiện pháp lý mình có. Việt Nam phải công khai thách thức Trung Quốc ra tòa về chủ quyền đối với Hoàng Sa. Mặc dù khả năng lớn là Trung Quốc sẽ khước từ, nhưng đó là lỗi của họ chứ không phải của Việt Nam. Việc làm này của Việt Nam sẽ làm cho thế giới cũng như cả người Trung Quốc thấy được nước nào là nước phi nghĩa và trốn tránh công lý.
Vì Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định các quốc gia ven biển có quyền có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý và có thể mở rộng thềm lục địa ra đến 350 hải lý nếu đáp ứng các yêu cầu của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc. Các quốc gia khác phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển. Do vậy, Việt Nam cũng nên đơn phương nộp đơn kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” hoặc chí ít là tham gia vào vụ kiện của Philippines để chống lại Trung Quốc, ngăn chặn việc Trung Quốc “Nam tiến” xâm lấn các vùng biển của Việt Nam ở Nam Biển Đông.
Mặc dù Trung Quốc đã vận dụng Điều 298 của UNCLOS để tránh việc áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho một số loại tranh chấp về chủ quyền và phân định biển, tuy nhiên, theo quy định của Điều 288 của UNCLOS thì Tòa Trọng tài có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS. Theo đó, Tòa Trọng tài có thẩm quyền trong việc giải thích, áp dụng Công ước để xem xét về tính pháp lý của “đường lưỡi bò”.
Việt Nam cũng cần công khai làm rõ quan điểm pháp lý các cấu trúc ở Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng để tránh việc Bắc Kinh biến những khu vực không tranh chấp thuộc thềm lục địa Việt Nam thành những khu vực tranh chấp để đòi “cùng khai thác” hoặc đơn phương tiến hành các hoạt động dầu khí.
Trên thực tế quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc và Trường Sa là có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trung Quốc đã đưa ra quan điểm các cấu trúc thuộc Hoàng Sa, và Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế riêng để tạo ra khu vực biển tranh chấp với thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam cần cùng với Philippines đấu tranh bảo vệ quan điểm các cấu trúc ở Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có 12 hải lý không có vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa riêng theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Báo cáo về ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực Bắc Biển Đông của Việt Nam trình Liên Hợp Quốc tháng 5/2009 đã nêu rõ: “Liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có quan điểm rằng, về mặt tự nhiên, tất cả các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo này đều không thích hợp cho con người đến ở hoặc có một đời sống kinh tế riêng và như vậy, Điều 121 khoản 3 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 phải được áp dụng đối với các cấu trúc này, có nghĩa là các cấu trúc này không thể có quyền có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa riêng”.
Nếu Việt Nam không sử dụng những phương tiện pháp lý mình có thì dễ có câu hỏi về Việt Nam có thật sự quyết liệt về biển đảo hay không, thậm chí có người sẽ hoài nghi về việc lâu nay Việt Nam vẫn khẳng định có chính nghĩa và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Dù từ Trung Quốc, hay từ thế giới, hay từ người dân, thì câu hỏi đó cũng bất lợi cho Việt Nam.
Về mặt chính trị và ngoại giao, Việt Nam phải “thoát Trung”, phải thoát khỏi vòng kim cô ràng buộc mình vào một nước Trung Quốc luôn mang trong mình dòng máu của chủ nghĩa dân tộc đại Hán.
“Thoát Trung” tạo thêm điều kiện cho Việt Nam tự do lựa chọn và ứng xử với các nước khác trên thế giới sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình nhất. “Thoát Trung” giúp Việt Nam không bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc để Trung Quốc không thể sử dụng vấn đề này gây sức ép với Việt Nam mỗi khi tình hình Biển Đông nóng lên. “Thoát Trung” cũng tạo thêm điều kiện để chúng ta hội nhập nhiều hơn với thế giới văn minh và phát triển đất nước. Vấn đề là Việt Nam cần có đủ bản lĩnh chính trị, tư duy và khả năng để “thoát Trung”.
Trong lịch sử, ông cha ta đã nhiều lần đánh thắng quân xâm lược phương Bắc để giữ gìn biên cương của Tổ quốc và bảo vệ nền độc lập dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của phương Bắc. Đây luôn là niềm tự hào lớn của mỗi người dân Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước. Nhìn từ góc độ này, “thoát Trung” là mong muốn, nguyện vọng của mỗi người dân Việt Nam. Mặt khác, “thoát Trung” cũng có thể kích thích cho Việt Nam tự lập hơn, một điều mà bất cứ dân tộc và đất nước nào cũng cần.
Nhưng cuối cùng thì điều không thể thiếu được của một quốc gia độc lập là đối sách trên thực địa. Tòa án quốc tế không có cảnh sát để bảo đảm phán quyết của họ sẽ được các bên thi hành. Khó có nước nào khác sẽ ủng hộ Việt Nam bằng vũ lực ở Hoàng Sa hay trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ đất liền. Do vậy, cần phải chuẩn bị sẵn lực lượng hải quân, không quân và lực lượng dân sự trên biển để đối phó với tình huống xấu nhất trên thực địa.
Mặc dù hải quân, không quân và các lực lượng bán quân sự trên biển của Trung Quốc mạnh hơn của Việt Nam, và mặc dù chiến lược “tằm ăn dâu”, lấn dần của họ làm cho Việt Nam khó quyết định về phản ứng trên thực địa, Việt Nam không thể không có đối sách trên thực địa, dù điều đó có thể bao hàm hy sinh xương máu và khí tài.
Với sách lược “tằm ăn dâu”, xâm lấn từng bước theo hướng “Nam tiến”, Trung Quốc đang đẩy Việt Nam vào chân tường, đòi hỏi Việt Nam phải có một quyết sách đúng đắn để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Với khí thế Diên Hồng của ông cha ta, mặc dù chính quyền Hà Nội luôn nhấn mạnh việc ưu tiên sử dụng biện pháp chính trị ngoại giao trong xử lý tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh, song đã đến lúc Hà Nội cần phải sử dụng đến biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nhằm ngăn chặn xung đột nổ ra. Mặt khác, nếu không chuẩn bị sẵn sàng cho biện pháp quân sự để đối phó với sự bành trướng trên biển của phương Bắc thì sẽ là vô trách nhiệm với chủ quyền lãnh thổ.
Với những hiểu biết ít ỏi của một người sống xa đất nước, xin nêu một số suy nghĩ để đóng góp vào sự nghiệp chung mà đất nước đang phải gồng mình gánh chịu chống lại sự bành trướng của đế quốc đại Hán phương Bắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước./.
BDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét