Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Nhìn lại Việt Nam năm 2014



Người Việt khắp nơi trong đó có London đã biểu tình phản đối Trung Quốc trong vụ giàn khoan

Năm 2014 chứng kiến nhiều sự kiện kịch tính ở Việt Nam trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại, nhân quyền và người Việt ở nước ngoài.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong hơn hai tháng tại nơi mà Việt Nam coi là vùng đặc quyền kinh tế của riêng mình đã khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng.

Việt Nam cáo buộc các tàu Trung Quốc đâm vào tàu hải quân Việt Nam tại vùng biển mà Bắc Kinh đưa giàn khoan nổi của họ vào từ đầu tháng Năm.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố “nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này [độc lập, chủ quyền] để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Nguyễn Hùng của BBC nói ngoài tuyên bố về hữu nghị viển vông, lệ thuộc vào Trung Quốc, ông Dũng cũng còn có những phát biểu cứng rắn khác về Trung Quốc.
Khi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng trong tháng 12, ông nói “Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được”.
Trong số các lãnh đạo ở Việt Nam thì ông Dũng có những phát biểu mạnh mẽ nhất khi đề cập tới những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Các phát biểu này được sự tán đồng của số đông người dân nhưng không nhất thiết được các chính trị gia bảo thủ và thân Trung Quốc chia sẻ.

Bạo loạn

Diễn biến trên Biển Đông cũng dẫn tới những vụ bạo loạn ở một số nơi trong đó có Hà Tĩnh khiến hai công nhân Trung Quốc chết và nhiều người bị thương.
Trung Quốc sau đó đã đưa tàu tới đón hàng ngàn công nhân về nước.
Nhiều nhà máy của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Đài Loan, đã bị đập phá trong các vụ bạo loạn.
Một số nhà máy của các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng trong đợt bạo loạn và chính các nước này ở góc độ nào đó cũng có những tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Nguyễn Giang của BBC dẫn lời trang The Diplomat nói sự kiện Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương vào vùng biển Việt Nam cho là có tranh chấp gần Hoàng Sa không thể không nhìn trong bối cảnh chung được các trang chuyên đề về châu Á.
Đó là chính sách ‘nắn gân’ các quốc gia trong khu vực của Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi lên cầm quyền.
Điều này có nghĩa là bối cảnh Trung Quốc đưa dàn khoan vào Biển Đông nằm cùng trong chính sách của họ ở biển Hoa Đông khi Trung Quốc cho lập vùng nhận dạng phòng không gần Điếu ngư/Senkaku để thách thức Nhật Bản mà cụ thể là thủ tướng Shinzo Abe.


Nhiều cơ sở của các công ty Đài Loan đã bị đốt phá hồi tháng Năm

Ngoài ra đây cũng là cách Trung Quốc thử thách Hoa Kỳ để định lượng cách ứng phó trước chính sách xoay trục của Mỹ tại vùng Tây Thái Bình Dương.
Giới bình luận cũng cho rằng dù trong năm 2014, Trung Quốc tạm ngưng thách thức các quốc gia khác về biển đảo trong vùng nhưng điều này chỉ có tính tạm thời, và trong 2015 các diễn biến mới quanh an ninh biển đảo sẽ có thể lại bùng phát.
Mọi thứ phụ thuộc vào chuyện nội bộ Trung Quốc và cách đánh giá các vấn đề khu vực của ông Tập Cận Bình.

35 chiến tranh biên giới

Vẫn liên quan tới quan hệ Việt – Trung, năm 2014 đánh dấu 35 năm cuộc chiến biên giới đẫm máu hồi năm 1979.
Cuộc tấn công quy mô vào sáu tỉnh biên giới của Việt Nam đã khiến hàng vạn người ở hai bên thiệt mạng trong đó có rất nhiều thường dân Việt Nam.
Khác với các đợt kỷ niệm 30/4 mỗi năm, chính quyền không bật đèn xanh cho các hoạt động tưởng niệm.
BBC Tiếng Việt và Tiếng Trung đã cử các cộng tác viên tới Vân Nam.



Ông Dean Peng, người đứng bên trái trong ảnh trên và ông Ngô Nhật Đăng, đứng thứ hai từ phải sang đã tìm gặp được hai cựu binh Trung Quốc của cuộc chiến năm xưa và đã uống tới say. Bản thân ông Đăng cũng nhập ngũ trong năm 79.
Hai cộng tác viên của BBC nói phía Trung Quốc cũng không kỷ niệm cuộc chiến này và các nghĩa trang ở Vân Nam cho thấy nhiều lính Trung Quốc đã chết trong cuộc xung đột.
Cựu binh Trung Quốc nói khi nghe tiếng còi xung trận ‘họ bỗng trở thành những người khác’.
Trong khi quan hệ Việt – Trung sứt mẻ đáng kể, mối quan hệ truyền thống giữa Nga và Việt Nam đã ấm nóng trở lại qua những hợp đồng mua bán vũ khí, tàu ngầm và những chuyến thăm qua lại.
Các quan chức Việt Nam tỏ ra vồn vã khi đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin, khác hẳn với cách họ đón tiếp những chính trị gia Trung Quốc.
Một số phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam cũng có vẻ ủng hộ quan điểm của Moscow trong những vấn đề liên quan tới Ukraine.

Quan hệ Việt - Mỹ

Cuối tháng 12 năm 2014, Tân Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius đã tới Việt Nam chính thức bắt đầu một nhiệm kỳ mới.
Quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ không có đột phá trong năm 2014.
Nguyễn Giang của BBC nói ông Osius sang nhậm chức ở Việt Nam trong bối cảnh hai quốc gia đối thoại, giao lưu và hợp tác ngày càng nhiều trong ba nhóm chủ đề.
Đầu tiên là quan hệ địa chính trị mang tính chiến lược của Washington ở Việt Nam trong quan hệ tay ba với Trung Quốc.
Thứ nhì là quan hệ kinh tế ngày càng tăng và thứ ba là mảng xã hội dân sự gồm cả nhân quyền, tự do tôn giáo và sự phát triển các mạng lưới cộng đồng.
Theo Nguyễn Giang, trong cả ba nhóm chủ đề, quan hệ Mỹ – Việt vừa có đối thoại thuận lợi, vừa có các khác biệt khá cơ bản, mà sâu nặng nhất là khác biệt nhân quyền và mô hình thể chế.
Hoa Kỳ vẫn tiếp tục lên tiếng ủng hộ các nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, và khuyến khích chính quyền mở rộng tự do ngôn luận trước sự dùng dằng, lúc lắng nghe lúc bác bỏ của Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam.
Ngoài ra, ngay cả về đường hướng phát triển hợp tác quân sự, Việt Nam cũng muốn có cách đi riêng, vừa dựa vào thế của Mỹ về pháp lý quốc tế về biển đảo, vừa cho Nga dễ dàng ra vào khu vực cảng nước sâu Cam Ranh.
Về kinh tế, dù Việt Nam hưởng nhiều lợi từ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và nguồn đầu tư, kiều hối bằng đô la từ Mỹ về là rất quan trọng, các nhóm lợi ích tại Việt Nam vẫn không muốn cải tổ hệ thống quản trị theo cách thức Hoa Kỳ coi là tốt hơn.
Hoa Kỳ có thái độ nhìn xa, cũng muốn nhấn mạnh đến thiện chí và dùng quyền lực mềm như khuyến khích tự do tôn giáo hơn nữa, thúc đẩy đàm phán TPP, mở Đại học Fulbright, tăng số sinh viên Việt Nam sang Mỹ học hơn là gây sức ép mạnh mẽ với chính quyền Việt Nam trong cả ba lĩnh vực: chiến lược địa chính trị, kinh tế và xã hội dân sự hay nhân quyền.

'Mạnh mẽ lên!'

Trong lĩnh vực nhân quyền, tin tốt lành là hai người được coi là tù nhân lương tâm của Việt Nam, ông Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, đã được trả tự do và tới Hoa Kỳ.
Khi đặt chân tới California, ông Hải đã có lời nhắn gửi các tù nhân khác còn ở Việt Nam "hãy mạnh mẽ lên!".
Sau khi hai ông Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải được trả tự do, Tổ chức Bảo vệ K‎y giả vẫn xếp Việt Nam đứng hàng thứ năm trên thế giới về việc cầm giữ các cây viết.
Tổng số 16 người mà tổ chức này đưa ra chưa bao gồm hai cây viết bị bắt vào dịp cuối năm là Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa.
Hoa Kỳ nói hai vụ bắt giữ “làm tổn hại tới các nghĩa vụ cũng như cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền.”
Trên thực tế Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và trong phiên kiểm định nhân quyền ở Geneva hồi tháng Hai Hà Nội đã lên tiếng bảo vệ thành tích nhân quyền của mình.
Một số tổ chức dân sự và cá nhân từ Việt Nam đã lần đầu tiên tới tham gia phiên kiểm định định kỳ.
Cây viết độc lập Phạm Chí Dũng vẫn bị ngăn cản khi muốn tham gia các hoạt động liên quan và chỉ có thể gửi video đã thu sẵn tới.
Cũng trong năm qua ông Phạm Chí Dũng cùng một số người khác đã lập ra Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

'Đèn Cù'

Vẫn liên quan tới các cây viết không theo định hướng của chính quyền, tác giả Trần Đĩnh trong năm đã xuất bản ở hải ngoại hai tập sách Đèn Cù gây nhiều tiếng vang và tranh cãi.
Cuốn sách đụng chạm tới nhiều nhân vật lãnh đạo cao cấp trong đó có ông Hồ Chí Minh.
Cuốn Đèn Cù cũng đề cập tới biến cố Cải cách Ruộng đất xảy ra hơn 60 năm về trước.
Một triển lãm về Cải cách Ruộng đất ở Hà Nội cũng bị đóng cửa sớm.


Hình ảnh từ triển lãm Cải cách Ruộng đất

Cuộc Triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Hà Nội là một cố gắng muộn màng của hệ thống khoa giáo ở Việt Nam muốn nhìn lại một vấn đề rất nghiêm trọng nhưng lại không đủ tự tin để mở lại nghiêm túc mà chỉ 'nửa đóng nửa mở, nửa kín nửa hở.'
Trong lịch sử cuộc cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản lãnh đạo, Cải cách Ruộng đất theo mô hình Mao là chiến dịch bạo lực sâu rộng nhằm vào chính nông dân Việt Nam, với niềm tin khi đó là để ‘cải tạo’ cả một xã hội, và đã lại những vết thương đạo đức khủng khiếp.





Vì không cho nói ra hết về những đau thương và sự tàn phá với xã hội của Cải cách Ruộng đất nên cuộc triển lãm đã lại cảm giác cụt hứng, thậm chí giận dữ trong một phần công chúng Việt Nam.
Nhưng ngược lại, sự quan tâm của dư luận cho thấy còn khá nhiều chủ đề chưa mở hết trong lịch sử Việt Nam, mà Cải cách Ruộng đất chỉ là một, và tác giả nào viết được về những giai đoạn đó sẽ nhanh chóng đi vào lòng người.

Kỷ luật vì 'án oan'

Cuối năm 2014 ở Việt Nam rộ lên làn sóng đòi công lý cho hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng.
Cả hai người đều bị kết tử hình từ vài năm nay và gia đình họ nói hệ thống tư pháp Việt Nam đã kết án oan.
Trong vụ tử tù Hồ Duy Hải, án tử hình đã được hoãn thực hiện chỉ một ngày trước khi bản án được thi hành để xem xét lại.
Và báo chí Việt Nam nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các chi tiết của vụ anh Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình trong quá trình xét xử mà gia đình tố cáo công an Hải Phòng đã 'tra tấn' và ép cung bản thân anh Chưởng và các nhân chứng chủ chốt.
Liên quan tới một vụ kết án chung thân đã được minh oan, vào cuối tháng 12, Giám đốc và Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang bị kỷ luật 'nghỉ việc sớm' do để xảy ra vụ án oan đối với tử tù Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Nguyễn Thanh Chấn ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã bị kết án và đi tù 10 năm do bị các cơ quan công an điều tra và tố tụng của tỉnh này buộc tội và kết án là hung thủ giết người, cướp của, hiếp dâm, gây ra cái chết của bà Nguyễn Thị Hoan, người ở cùng thôn.

Toàn quyền tiểu bang

Liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài, ông Lê Văn Hiếu, người gốc Việt từng là thuyền nhân tị nạn, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Toàn quyền tiểu bang Nam Úc hồi đầu tháng Chín.
Cũng liên quan tới các cựu thuyền nhân, Thượng viện Canada hôm đầu tháng 12 đã thông qua Dự Luật "Hành trình đến Tự do" vốn được Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải và Thượng nghị sỹ Enverga đồng bảo trợ.
Theo dự luật, ngày 30/4 hàng năm được coi là ngày kỷ niệm làn sóng người tỵ nạn từ Việt Nam sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975. Tuy nhiên, dự luật còn phải qua Hạ Viện Canada.
Còn tại Hoa Kỳ, Janet Nguyễn, một giám sát viên Quận Cam, đã ghi tên vào lịch sử khi trở thành người Việt đầu tiên được bầu chọn vào Thượng viện tiểu bang California, nơi có đông người gốc Việt nhất Hoa Kỳ.
Hiện bà Janet là dân biểu cao cấp nhất của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Ngoài bà, ở California hiện cũng có khoảng 20 đại biểu dân cử gốc Việt các cấp, đa số là ủy viên giáo dục và nghị viên hội đồng thành phố.

'Flappy Bird'

Năm 2014 cũng đánh dấu hai lần trở về của ca sỹ Khánh Ly.
Giọng hát nhạc Trịnh Công Sơn độc đáo của bà đã thu hút sự chú ‎y của đông đảo khan giả nhưng cũng có những tranh cãi liên quan tới bản quyền nhạc Trịnh Công Sơn giữa đơn vị tổ chức biểu diễn và trung tâm bản quyền.


Flappy Bird khiến Nguyễn Hà Đông nổi tiếng khắp thế giới

Tại nước Anh, một người Việt đã được vinh danh là nhà tạo mẫu tóc số một.
Anh Giáp Lê tốt nghiệp đại học ngành kinh doanh nhưng đã theo đuổi đam mê về tạo mẫu tóc. Anh nói người Việt muốn thành công ở London phải cố gắng gấp nhiều lần người bản xứ.
Và dù bạn là người Việt ở ngoài hay ở trong nước, có lẽ bạn khó mà không nghe tới trò chơi Flappy Bird.
Trò chơi này đã mang lại hàng triệu đô la cho chủ nhân Nguyễn Hà Đông nhưng anh đã sớm kết liễu trò chơi vì sợ nó gây nghiện cho người dùng.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Dù bị bạo lực, áp bức , sống rất chật vật khó nghèo nhưng tinh thần cần cù siêng cầu tiến của người Việt chân chính vẫn làm thế giới ngạc nhiên cảm phục còn ở trog nước ngoài NgbảoChâu ra còn ai ? Chỉ toàn là một lũ ăn hại (hại dân và hại nước ) do cách giáo dục của Đảg cướp CS.