Theo ông Khánh, TPP đưa thuế của nhiều hàng hóa về 0%, về lý sẽ khiến cho giá hàng hóa rẻ hơn. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa như sức mua, chi phí nên không thể nói Việt Nam gia nhập TPP thì giá của nhiều hàng hóa sẽ rẻ đi.
Về cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam khi gia nhập TPP, ông Khánh cho biết, thuế giảm sẽ khiến cho thị trường Việt Nam tiếp cận hàng hóa của các nước TPP tốt hơn.
Việt Nam giảm thuế cho các nước và ngược lại các nước cũng giảm thuế cho Việt Nam.
Việt Nam và các nước TPP có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh. Do vậy, cá nhân ông Khánh cho rằng, khi TPP chính thức có hiệu lực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng lên và không có chuyện quan hệ thương mại “trở nên tồi tệ đi” giữa các nước tham gia TPP.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, TPP sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng “tự nó không thể biến thành lợi ích, sức mạnh trên chiến trường”. Thách thức hay cơ hội đều tùy thuộc khả năng thích ứng của chúng ta. Chủ thể của TPP tới đây chính là doanh nghiệp, Nhà nước, người dân. Tuy nhiên, điều mà ông Tuyển “lo lắng” nhất khi Việt Nam ở sát cánh cửa TPP chính là thể chế chính sách trong nước hiện đang chậm thay đổi. “Phản ứng chính sách của ta mà vẫn chậm, xấu và thấp hơn như hiện nay sẽ gây ra khó khăn khi Việt Nam gia nhập TPP tới đây”- ông Tuyển nói.
Về thị trường trong nước và hàng hóa sẽ bị tác động thế nào, ông Tuyển thẳng thắn: “Cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa là có nhưng nhập siêu có thể còn tăng cao hơn. Bởi TPP sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư vào Việt Nam khi đó kéo theo nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng lên. Nhiều nước tham gia TPP cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa như Việt Nam. Do vậy nếu chúng ta chậm thay đổi thì xuất khẩu sẽ khó tăng mạnh và áp lực nhập khẩu sẽ tăng lên”.
Trước hàng loạt câu hỏi của báo chí về cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Về mặt kinh tế, theo tính toán của những chuyên gia độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Riêng xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026. Theo đó, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Về xuất khẩu dệt may, theo báo cáo của thứ trưởng Khánh: 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng thêm sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm. Nếu quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Báo cáo cho rằng, ngoài dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản đều có cơ hội tăng xuất khẩu rất lớn.
Về thể chế, Thứ trưởng Khánh cũng khẳng định: TPP với các tiêu chuẩn cao về minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí...
Doanh nghiệp Nhà nước không thể có hành vi phản cạnh tranh. Nhà nước cũng không thể trợ cấp quá mức cho doanh nghiệp Nhà nước để gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích các nước trong TPP. Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam được dành nhiều điều khoản có lợi và linh hoạt nhất khi tham gia TPP. "Đến giờ này, tôi khẳng định kết quả đàm phán là công bằng", ông Khánh nói./(XL)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét