Pages

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Phạm Nhật Bình - Thành tựu này do ai làm ra?

Càng tới gần ngày diễn ra đại hội đảng XII, các lãnh tụ thuộc hàng tứ trụ của CSVN thay phiên nhau đến tham dự đại hội các đảng bộ địa phương trên cả nước. Đây là dịp để cho họ nghe các tỉnh, thành huênh hoang thành tích trong nhiệm kỳ 5 năm, sau đó ứng khẩu đôi điều về thế thái nhân tình lồng trong các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.


Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 18 (nhiệm kỳ 2015-2020) vào ngày 17/10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Thành tựu này do ai làm ra? Đảng làm lãnh đạo, hệ thống chính trị nỗ lực tham gia vào; nhưng làm ra là nông dân, công nhân, trí thức; chứ không phải Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư, hay Chủ tịch tỉnh làm ra đâu”.



Phát biểu của Nguyễn Sinh Hùng làm cho nhiều người giật mình. Nó không phải là lời tâm huyết của một cấp lãnh đạo mà thực chất là một phát biểu kiểu “chém gió” mang đầy tính mỵ dân. Nguyễn Sinh Hùng cũng biết né tránh, chỉ nói “hệ thống chính trị” mà không đề cập thẳng chính phủ hay đảng.

Bản thân ông Nguyễn Sinh Hùng, từ lâu đã lãnh đạo một cơ quan được tôn vinh là “quyền lực cao nhất nước”, nhưng chỉ là một trong những vòng cây kiểng tô điểm cho bộ mặt dân chủ giả hiệu của chế độ độc tài. Quốc hội ấy cứ 5 năm lại được bầu bán một lần, diễn ra trong sự chế diễu của mọi người với câu nói “quốc hội đảng cử dân bầu.”

Những người cộng sản hay lập luận rẳng: đảng là tác nhân của mọi thứ, cho nên đảng “được” lịch sử giao phó sứ mạng giữ quyền lãnh đạo đất nước (sic). Qua nhiều lần giả vờ thay đổi, tu chính, Điều 4 hiến pháp vẫn lưu lại như một vật gia bảo, luôn luôn ghi rõ "Đảng độc quyền lãnh đạo đất nước và xã hội".

Trong chính quyền, đảng lãnh đạo qua tổ chức đảng gồm bí thư đảng ủy và ban chấp hành đảng bộ các cấp. Người dân trong trường hợp này chỉ là những kẻ thừa sai, hay nói khác đi là những nô lệ kiểu mới trong hệ thống đảng viên dầy đặc. Tương tự trong quân đội, hệ thống quân ủy lãnh đạo trực tiếp các đơn vị từ trung ương đến các đơn vị, như một “sợi chỉ đỏ xuyên suốt.”

Nay trước khi về nhận sổ hưu, Nguyễn Sinh Hùng lại nói ngược lại những gì đảng khẳng định: Kẻ làm ra thành quả là nông dân, công nhân, trí thức, chứ không phải đảng. Đúng là phát biểu cần phải được “cải tạo” vì không có đảng chỉ đạo làm sao nông dân tạo ra thành quả.

Nói như thế chưa hẳn ông Hùng thực sự muốn đề cao những thành phần này, mà ông chỉ muốn vớt vát lại những ngày tháng cuối cùng khi đứng đầu một quốc hội ngậm miệng ăn tiền. Ông cảm thấy cần lưu lại những phát ngôn gây tiếng vang trong dư luận, để chứng tỏ mình cũng là một thứ … lãnh đạo biết điều.

Dĩ nhiên dù đảng có cố tình sang đoạt thành quả của nhân dân làm của mình, từ lâu nay đảng không còn bịt mắt được ai về thành tích bán nước và thần phục Trung Cộng. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân Việt đã biết làm chủ vận mệnh đất nước và của chính mình ngay trong thời gian chưa có đảng Cộng sản. Không cần chủ tịch quốc hội nói, ai cũng thừa biết đảng của ông chỉ như loài chùm gởi, là kẻ ăn theo lịch sử.

Suy ra, lời nói của ông Nguyễn Sinh Hùng có thể nằm trong 2 ẩn dụ:

Thứ nhất, ông ta chỉ còn một thời gian ngắn ngủi tại chức, nên cố gắng nói thật ra những điều chướng tai gai mắt mà chính bản thân gặp phải nhưng không dám nói ra. Trong hệ thống toàn trị, tất cả những người trong bộ máy cầm quyền đều phải tuân thủ tuyệt đối con đường vạch sẵn như con ngựa bị che mắt. Thông thường, cán bộ cao cấp chỉ mạnh miệng nói năng phê phán khi sắp về vườn hoặc đã cầm sổ hưu trong tay.

Thứ hai, hầu như đã trở thành một thông lệ, trong những hội nghị trung ương hay trước các kỳ đại hội đảng gần đây, là dịp cho các cuộc đấu đá trong nội bộ đảng bùng nổ. Sự tranh giành ngôi vị, loại trừ nhau mỗi lúc một quyết liệt giữa các phe phái diễn ra công khai trên các trang mạng mà điển hình là trang Chân Dung Quyền Lực trước đây. Cái chết của Nguyễn Bá Thanh hay chuyến đi chữa bệnh mờ ám của Phùng Quang Thanh minh chứng cho tính cách không dung thứ giữa những người cộng sản với nhau. Gần đây, sau hội nghị trung ương 11 mà quyết định vấn đề nhân sự còn trong vòng bí mật, vẫn có những lời đồn đoán đưa ra trao chức vụ tổng bí thư cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong bối cảnh phân hóa thường xuyên ấy, có thể lần này Nguyễn Sinh Hùng muốn chuẩn bị hạ cánh an toàn cho chính mình nên bắt đầu có những phát biểu mang tính sám hối… theo gương của Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Nông Đức Mạnh. Nhưng dù cho khỏa lấp kiểu nào, nói theo ngôn ngữ của Nguyễn Phú Trọng là tay đã nhúng chàm lấy gì mà rửa.

Nhưng ít ra trong phát biểu nói trên của Nguyễn Sinh Hùng, đã cho thấy bệnh thành tích đã trở thành một mẫu mực mà mọi đảng bộ đều phải sử dụng để tăng bốc nhau không phải kiểu “mèo khen mèo dài đuôi” mà là con đường tiến thân cho các lãnh đạo.

Cả đám lãnh tụ đều mang bệnh thành tích như vậy, nên nước ta đã 40 năm rổi vẫn loay hoay là 4 nước nghèo trong khối ASEAN không có gì đáng ngạc nhiên.

Phạm Nhật Bình

(Phạm Nhật Bình FB)

Không có nhận xét nào: