Mỹ và đồng minh đồng thanh phê phán hành động bất hợp pháp của Trung Quốc, tập trận đổ bộ răn đe, không thừa nhận yêu sách và chuẩn bị hành động cụ thể.
Quân đội Mỹ-Australia đồng thanh phê phán Trung Quốc
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 9 tháng 10 dẫn tờ "The Sunday Age" Australia ngày 8 tháng 10 đưa tin, tại một hội nghị hải quân tổ chức ở Sydney vào ngày 7 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne đã lên tiếng lên án, cảnh cáo đối với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne
Marise Payne phát biểu: "Mặc dù chúng tôi không tiến hành chạy đua, nhưng vẫn phản đối mạnh mẽ việc sử dụng đe dọa, xâm lược hoặc uy hiếp của bất cứ nước nào để tuyên bố chủ quyền, đơn phương làm thay đổi hiện trạng. Đối với những nhân tố bất ổn gây ra từ hành động bồi đắp xây đảo ở Biển Đông, Chính phủ Australia cũng bày tỏ quan ngại".
Marise Payne đã đưa ra phát biểu trên đây trước các quan chức hải quân đến từ khoảng 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Điền Trung, tại hội nghị "Sức mạnh trên biển 2015" do Hải quân hoàng gia Australia tổ chức.
Theo báo chí Australia, Marise Payne đưa ra phát biểu trên chính là phê phán đối với Trung Quốc.
Tại hội nghị, Hải quân Mỹ cũng "phát đi cảnh cáo thẳng thừng đối với hành động bành trướng trên biển của Trung Quốc".
Tờ "Thời đại" Australia dẫn lời Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift cho biết, Mỹ sẽ thách thức tất cả các cách làm gây trở ngại cho tự do đi lại, nếu không, "cường quyền là công lý" sẽ trở thành quy tắc mới ở trên biển và trên đất liền.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ, Đô đốc Scott Swift
Theo quan chức Trung Quốc, Trung Quốc rất coi trọng hội thảo chủ đề do hội nghị lần này đưa ra. Tướng lĩnh hải quân các nước tham dự hội nghị đều đã quan tâm tới tầm quan trọng của hợp tác trên biển, rất nhiều nước rất trông đợi việc Trung Quốc sẽ "phát huy vai trò bảo vệ an toàn hàng hải" trong tương lai.
Quan chức này cho rằng, bất cứ nước nào cũng không có khả năng độc lập ứng phó với mối đe dọa an toàn hàng hải, điều này chủ yếu nói đến lĩnh vực an ninh phi truyền thống, chẳng hạn chủ nghĩa khủng bố, thiên tai, tội phạm trên biển, nhập cư trái phép, buôn lậu súng ống.
Quan chức này tỏ ra "hài lòng" khi tướng lĩnh hải quân các nước như Mỹ, Australia đề cập đến Biển Đông, nhưng "không điểm danh" Trung Quốc.
Đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc quân đội hai nước Trung-Mỹ gần đây đã đạt được thỏa thuận về cách ứng xử khi gặp nhau trên biển, trên không.
Giới cầm quyền Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ, tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Mỹ sẽ tuần tra khu vực đảo nhân tạo ở Biển Đông
Theo tờ "Thời báo hải quân" Mỹ ngày 7 tháng 10, từ tháng 5 năm nay luôn có tin cho biết, Mỹ có kế hoạch điều tàu chiến đến khu vực đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
3 quan chức Lầu Năm Góc gần đây tiết lộ, Hải quân Mỹ đã làm tốt công tác chuẩn bị, đang chờ đợi sự phê chuẩn cuối cùng của chính quyền Barack Obama.
Tờ "Thời báo tài chính" Anh ngày 8 tháng 10 dẫn một quan chức Mỹ cho biết, tàu chiến sẽ đi lại ở vùng biển 12 hải lý xung quanh một số đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), hành động dự tính sẽ triển khai trong 2 tuần tới.
Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này, cho biết, những hành động này thuộc "bí mật".
Tuy nhiên, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris vừa đưa ra tuyên bố rõ ràng việc chuẩn bị điều tàu chiến đến khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry B Harris
Ngày 10 tháng 10, trả lời đài truyền hình NHK Nhật Bản, Đô đốc Harry Harris tuyên bố: Hải quân Mỹ chuẩn bị chứng minh cho Bắc Kinh, không thừa nhận yêu sách thiết lập lãnh hải 12 hải lý ở xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc mới xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông, đồng thời "gần đây" sẽ điều tàu chiến tới đó.
Trước đó, tướng Harry Harris cho biết: "Đối với Mỹ, điều quan trọng là dựa vào luật pháp quốc tế để bảo đảm tự do bay và đi lại ở khu vực". Đô đốc nhấn mạnh, vì vậy, tàu chiến Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Đô đốc Harry Harris cho biết: "Công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Chúng tôi đã đệ trình vài phương án lên Tổng thống, sẽ căn cứ vào quyết định để triển khai hành động tương ứng".
Trước đó, báo chí Mỹ cho biết, hiện nay, Văn phòng Nhà Trắng đang bàn bạc khả năng điều tàu chiến vào vùng biển 12 hải lý của đảo đá ở Biển Đông.
Ngày 9 tháng 10 năm 2015, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ hoàn thành, đưa vào sử dụng 2 ngọn hải đăng do nước này xây dựng bất hợp pháp ở đá Châu Viên (trong hình) và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh nguồn Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc)
Bắc Kinh luôn đưa ra yêu sách tham lam, ngông cuồng, ngạo mạn mang tên "đường lưỡi bò" (đường chín đoạn), đòi chủ quyền gần 90% diện tích Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước ven Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế - PV.
Để ngăn chặn (các hành động bành trướng, bá quyền) của Trung Quốc, gần đây, Mỹ can thiệp ngày càng nhiều vào vấn đề Biển Đông.
Theo nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình, Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương, Viện khoa học xã hội Trung Quốc, Mỹ nếu làm như vậy chắc chắn sẽ "gây thêm phiền phức" cho tình hình Biển Đông.
Ông Bình nghĩ rằng, điều này sẽ phát đi tín hiệu "sai lầm" cho Philippines, Việt Nam, làm cho họ "phán đoán nhầm" tình hình, rồi tiến hành một số hành động "mạo hiểm", "đe dọa ổn định Biển Đông".
Thực ra, nếu Mỹ làm như vậy thì rõ ràng đã bác bỏ tuyên bố và hành động bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, ngăn chặn yêu sách "đường lưỡi bò" tham làm, lố bịch, ngăn chặn các hành động quân sự hóa Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh khu vực của Trung Quốc - PV.
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ, tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Nhà nghiên cứu Úc Chí Vinh, Hội nghiên cứu phát triển hải dương Trung Quốc thì cho rằng, nếu Quân đội Mỹ tiến vào "lãnh hải" Trung Quốc và có hành động "xâm phạm rõ ràng", Trung Quốc sẽ tiến hành "ngăn chặn". Nếu chỉ đi lại, sẽ tiến hành "cảnh cáo" và "theo dõi".
Tuy nhiên, Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá ở Biển Đông, bởi vì, đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc. Yêu sách “đường lưỡi bò” chỉ dựa trên bản đồ vẽ bậy của Đài Loan và dựa trên các cuộc xâm lược bằng vũ lực của Trung Quốc trong thế kỷ 20 - PV.
Mỹ-Philippines tiến hành diễn tập ở Biển Đông
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 9 tháng 10 dẫn tờ "Sankei shimbun" Nhật Bản ngày 8 tháng 10 đưa tin, Philippines - nước đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông - đã công khai tình hình "diễn tập đổ bộ" (Phiblex) thường niên tổ chức với Quân đội Mỹ.
Địa điểm diễn tập ở bờ biển tỉnh Cavite, đảo Luzon, Philippines. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng tham gia với tư cách quan sát viên. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng có kế hoạch thành lập "trung đoàn cơ động đổ bộ" (khoảng 3.000 quân) phụ trách nhiệm vụ tác chiến đoạt đảo.
Quân đội Mỹ và Philippines tiến hành diễn tập đổ bộ Phiblex 2015
Theo người phụ trách huấn luyện của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản: "Philippines là đảo quốc, cũng là đồng minh của Mỹ, có rất nhiều chỗ tương tự với Nhật Bản". "Nhật Bản cũng đang tăng cường năng lực tác chiến đổ bộ, môi trường huấn luyện của Philippines rất tốt". Ông thể hiện thái độ tích cực đối với việc tiến hành huấn luyện liên hợp trong tương lai.
Cuộc diễn tập Phiblex 2015 giữa Mỹ-Philippines diễn ra từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 10, lực lượng tham gia diễn tập của Quân đội Mỹ chủ yếu là lực lượng thủy quân lục chiến đóng ở Okinawa, tổng cộng điều động khoảng 800 binh sĩ. Quân đội Philippines cử khoảng 700 binh sĩ tham gia diễn tập.
Ngày 7 tháng 10, quan chức Lực lượng Phòng vệ đã khảo sát việc huấn luyện sử dụng xe đổ bộ bọc thép AAV-7 của Quân đội Mỹ. Lực lượng Phòng vệ có kế hoạch nhập khẩu 52 xe AAV-7.
Gần đây, quân đội các nước Mỹ, Nhật Bản, Philippines đã tăng cường tương tác, nhất là tăng cường các hoạt động diễn tập quân sự liên hợp ở Biển Đông, tập trung đối phó với các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực - PV.
Quân đội Mỹ và Philippines tiến hành diễn tập đổ bộ Phiblex 2015
Đông Bình
(Giáo Dục)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét