Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

TPP sẽ giúp thay đổi giới tinh hoa ở VN?

Image copyrightAFP
Image captionQuan chức các nước thành viên TPP họp tại Singapore tháng 2/2014
Gia nhập Hiệp định Hợp tác Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng không chỉ giúp thay đổi các 'chuẩn mực' trong xã hội ở Việt Nam mà trước hết ở tầng lớp tinh hoa ở quốc gia Đông Nam Á với hơn 90 triệu dân này, theo nhà nghiên cứu từ Hà Nội.
TPP là sự kiện lần đầu tiên Việt Nam tham gia cùng 'xây dựng luật chơi' ngay từ đầu của một Hiệp định quốc tế có 'chuẩn mực rất cao', chứ không phải là chỉ hội nhập sau khi mọi chuẩn mực đã 'định hình sẵn', ý kiến này nhấn mạnh.

Trao đổi với Tọa đàm Bàn tròn của BBC hôm 08/10/2015, tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao, Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói:
"TPP là lần đầu tiên trong 20 năm qua Việt Nam trực tiếp tham gia vào xây dựng các chuẩn mực chung ở trên phạm vị toàn cầu, mà là những chuẩn mực rất cao. Nó khác biệt với các cuộc hội nhập trước là chúng ta tham gia vào các cuộc chơi mà luật đã được định hình sẵn.
"Còn riêng TPP, thì Việt Nam trực tiếp tham gia và có đóng góp vào trong đó để xây dựng. Điều chúng tôi kỳ vọng là với việc trực tiếp tham gia như thế này, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và những cơ hội được mở ra, chúng tôi rất hy vọng tới đây Việt Nam sẽ thành công.
"Sẽ mở ra một giai đoạn mới mà xây dựng chuẩn rồi, sẽ được thực hành theo chuẩn, làm cho các chuẩn mực này sẽ trở nên ngày càng phổ biến không chỉ trong các giới elite (tinh hoa), mà còn cả xã hội, đưa đất nước Việt Nam hội nhập sâu rộng và mang lại lợi ích cho người dân cũng như là cho đất nước," ông Trần Việt Thái nói.

Sẽ đồng thuận cao?

Image copyrightReuters
Image captionCác doanh nghiệp VN, trong đó có khối doanh nghiệp nhà nước, có thể phải cải tổ và tái cấu trúc mạnh để thích ứng, một khi TPP đi vào đời sống.
Một chuyên gia về chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư (MPI) của Việt Nam bày tỏ kỳ vọng Việt Nam sẽ có 'đồng thuận cao' để thông qua bản Hiệp định mới được 12 quốc gia liên quan hoàn tất đàm phán chính thức hôm 05/10 tại Atlanta, Hoa Kỳ.
"Cá nhân tôi cũng rất chào đón Hiệp định này," Phó giáo sư tiến sỹ Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách & Phát triển thuộc MPI nói với Bàn tròn của BBC.
"Bởi vì Hiệp định này mang lại không chỉ những kỳ vọng lớn thay đổi về kinh tế, mà còn những thay đổi lớn về mặt thể chế đặc biệt là trong cải cách sâu rộng hơn nữa không chỉ kinh tế, mà còn có các mặt chính trị, xã hội nữa.
"Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau là có thể có những sự ngăn cản nhỏ về nhóm lợi ích, nhưng mà sẽ có đồng thuận cao trong Quốc hội Việt Nam, tôi hy vọng là như thế, để thông qua Hiệp định này," ông Thọ nói.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà phân tích chính trị từ Sài Gòn cho rằng khả năng Quốc hội Việt Nam bác bỏ TPP 'rất là thấp'.
"Theo tôi hiểu, Bộ Chính trị (Đảng CS) Việt Nam đã có nghị quyết về việc gia nhập TPP, chính vì vậy có thể có những lực lượng họ có thể vì lý do này, vì lý do khác, có thể cản trở, nhưng mà với quyết tâm chính trị ấy, cùng với không khí lạc quan mà chúng ta quan sát truyền thông của Việt Nam trong thời gian mấy ngày vừa qua.
"Thì chúng ta sẽ thấy rằng cái khả năng để mà Quốc hội Việt Nam bác bỏ TPP kỳ này rất là thấp," Tiến sỹ Hiệp nêu quan điểm.

Cơ hội cuối cùng?

Image copyrightGetty
Từ Ottawa, Canada, luật sư Vũ Đức Khanh, nhà quan sát, cho rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là cơ hội lớn cho Việt Nam cải tổ về mặt chính trị, xã hội.
Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia với tư cách là 'sáng lập viên' của một tổ chức quốc tế rất lớn. Việt Nam tham gia TPP là cơ hội lịch sử rất là lớn cho Việt Nam. Việt Nam cần phải có ba yếu tố. Thứ nhất là phải có một tầm nhìn, viễn kiến về tương lai.
"Điểm thứ hai Việt Nam cần phải tự tạo cho mình một cái mà tôi gọi là 'năng lực thể chế'. Việt Nam thiếu năng lực về thể chế rất là nhiều. Cái đó, nếu chúng ta không ngay từ giờ phút này làm được vấn đề đó, thì chúng ta có vào TPP chăng nữa, cũng vậy mà thôi.
"Điều thứ ba nữa là phải đầu tư vào nguồn nhân lực, chỉ có nguồn nhân lực của Việt Nam mới có thể quyết định được vận mệnh của đất nước trong tương lai," Luật sư Khanh nói.
Từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định nêu quan điểm: "Tôi cũng lạc quan đối với TPP lần này, cũng đồng ý đây là một cơ hội lịch sử, nhưng tôi e rằng đây là một cơ hội lịch sử cuối cùng.
"Vì đây là cơ hội trở thành một cú hích (để) chúng ta (Việt Nam) có những cải cách sâu rộng hơn về mặt kinh tế, về mặt luật pháp, thậm chí về mặt thể chế. Cho nên như nhiều người đặt tầm quan trọng ở cái chuyện là có công đoàn độc lập, thì nó có thể đưa ra những cải cách lớn hơn nữa.
"Nhưng tôi thấy cơ hội này là một cơ hội 'Thoát Trung' rất rõ ràng và nếu chúng ta không tận dụng cơ hội này thì chúng ta không còn cơ hội nào khác," Luật sư Định nêu quan điểm.

Chưa có gì chắc'

Nhà báo Vincent Ni từ BBC Tiếng Trung nhân dịp này chia sẻ với bàn tròn quan sát của ông về Hiệp định được 12 quốc gia trong đó có Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada, New Zealand, Singapore, Malaysia, Mexico... vừa đàm phán xong về kỹ thuật và tác động của nó với Trung Quốc.
Image copyrightVTV1hd
Image captionTrưởng đoàn đàm phán của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói với truyền thông VN rằng TPP không phải là 'viện trợ không hoàn lại".
Ông nói: "Trong khi Chính quyền (Tổng thống Hoa Kỳ) Obama nhấn mạnh rằng TPP là về kinh tế nhiều hơn, tôi nghĩ đây cũng là về chính trị. Hoa Kỳ trong suốt thời gian dài cho rằng thương mại nhiều hơn sẽ chuyển dịch thành ảnh hưởng chính trị.
"TPP sẽ không tránh khỏi việc sẽ đưa các nền kinh tế châu Á xích lại gần nhau hơn, bao gồm trong đó nhiều đồng đồng minh của Mỹ và hệ quả là những quan hệ gần gũi hơn này với Hoa Kỳ sẽ có một ý nghĩa về địa chính trị," ông Vincent Ni nói với Bàn tròn.
Trở lại với TPP và tác động tới Việt Nam, từ Đại học Thành thị Hong Kong, nhà phân tích chính trị người Mỹ, PGS. TS. Jonathan London, nói với Bàn tròn:
"Nếu chỉ bơm tiền vào một bộ máy mà vẫn còn nhiều vấn đề thì không giải quyết vấn đề gì. Nhưng nếu TPP được đón là một cơ hội để dân chủ hóa, minh bạch hóa và thực sự đề cập những vấn đề làm cho Việt Nam (trở thành) một xã hội văn minh, minh bạch và hội nhập thì thực sự sẽ thay đổi xu hướng phát triển của đất nước và điều đó tôi thấy là một lý do để cho chúng ta lạc quan.
"Nhưng điều phải nhấn mạnh là chưa có gì chắc chắn về kết quả của (Hiệp định) TPP này," nhà nghiên cứu nói với BBC hôm 08/10/2015.
Hôm thứ Năm, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong một thông điệp đưa ra trên Truyền hình Việt Nam (VTV), cũng nhấn mạnh:
"TPP không phải là viện trợ không hoàn lại. TPP sẽ tạo ra các cơ hội, nhưng có nắm bắt được cơ hội đó hay không là phụ thuộc vào chính chúng ta (Việt Nam), chúng ta cũng phải hết sức cố gắng.
"Và có lẽ trên phương diện nào đó, nên coi việc nắm bắt được các cơ hội cũng là một thách thức," ông Trần Quốc Khánh nói với VTV.
Quý vị có thể theo dõi toàn bộ cuộc Tọa đàm Bàn tròn của BBC về TPP và những khả năng tác động tới Việt Nam trên kênh YouTube của BBC Việt ngữ tại đây:http://bit.ly/1Nti8gu

Không có nhận xét nào: