Pages

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Trường học, mặt trận mới trong cuộc đọ sức Bắc Kinh và phe dân chủ Hồng Kông

mediaTuần hành vì dân chủ tại Hồng Kông, 01/02/2015.Reuters/Tyrone Siu
Kiểm duyệt chương trình giảng dậy ở các trường học Hồng Kông, theo dõi hay sách nhiễu giáo sư, gài người của chính quyền vào các viện đại học. Phải chăng đó là những biện pháp mới để Trung Quốc gia tăng áp lực lên các nhà dân chủ tại đặc khu hành chính này ?





Áp lực của đường phố Hồng Kông cách nay một năm đòi được tự do chọn người lãnh đạo đã không làm chính quyền Bắc Kinh lùi bước. Phong trào phản kháng chiếm đóng đường phố Hồng Kông do giới sinh viên, học sinh khởi xướng đã bị dập tắt từ nhiều tháng qua. Trên thực tế những những người yêu chuộng dân chủ Hồng Kông vẫn tiếp tục đọ sức với giới lãnh đạo Trung Quốc.
Năm 2014, giới thanh niên, sinh viên Hồng Kông đã bước lên tuyến đầu để bảo vệ quyền bầu cử tự do từng được ghi rõ trong bản Hiến pháp của Hồng Kông và đã được Bắc Kinh công nhận. Rút tỉa kinh nghiệm từ bài học đó, chính quyền Hồng Kông trong tay lãnh đạo Lương Chấn Anh, người được coi là con rối của Trung Quốc đã gia tăng các biện pháp kiểm duyệt và hù dọa các giáo viên. Ông Lương biết rằng, các thầy cô giáo là những người được sinh viên, học sinh nể trọng và cũng là những gạch nối giữa giới trẻ với phần còn lại của xã hội.
Phải chăng vì lẽ đó mà ngày càng có nhiều thầy cô giáo ở Hồng Kông bị theo dõi ? Như lời một cô giáo trẻ nói với phóng viên của AFP : giáo viên trên lãnh thổ này lúc nào cũng trong «tình trạng báo động », đắn đo suy nghĩ trước khi đề cập đến những đề tài tế nhị trong lớp học. Khi mà phong trào Dù vàng lên đến cao điểm hồi mùa thu 2014, Sở Giáo dục ở Hồng Kông đã răn đe những giáo viên nào có ý nhập cuộc, hưởng ứng lời kêu gọi của giới sinh viên hay muốn đứng về phía các em.
Sở giáo dục cũng đã lập hẳn một đường dây điện thoại, để các giáo chức có thể trực tiếp cung cấp thông tin khi đồng nghiệp hay học sinh của họ tham gia biểu tình. Nhân chứng mà hãng thông tấn Pháp AFP gặp được không loại trừ khả năng, một số các thầy cô giáo đã bị chính quyền Hồng Kông đưa vào danh sách đen, những đối tượng cần theo dõi.
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên ngành giáo dục ở Hồng Kông bị đe dọa. Năm 2012 dự án điều chỉnh nội dung sách giáo khoa, đòi đưa vào chương trình nội dung « giáo dục lòng yêu nước » do chính quyền đặc khu Hồng Kông đề xuất đã đẩy hàng chục ngàn người xuống đường phản đối. Hậu quả là tiếng nói của các nhà giáo đã được lắng nghe. Nhưng trước các áp lực ngày càng lớn, một số các thầy cô giáo Hồng Kông hiện nay lo ngại đến một lúc nào đó, họ không còn đủ sức kháng cự.
Các hành vi hù dọa giáo viên ngày càng lộ rõ. Con đường thăng tiến của một giáo sư ở Hồng Kông đã bị chựng lại, chỉ vì bà bị chụp mũ là đã đứng về phía phong đòi dân chủ Dù vàng và tham gia đợt chiếm đóng đường phố hồi mùa thu năm ngoái. Cho dù đương sự phủ nhận cáo buộc trên, nhưng rốt cuộc hợp đồng của bà với trường đại học Hồng Kông đã không được triển hạn. Một vị giáo sư khác của Đại học Hồng Kông vốn nổi tiếng ủng hộ các giá trị dân chủ vừa bị bác đơn xin được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo của trường. Vẫn theo AFP một phần trong ban lãnh đạo của Đại học Hồng Kông do chính quyền của ông Lương Chấn Anh bổ nhiệm.
Một nhà quan sát ghi nhận : ở Hồng Kông chỉ cần đòi hỏi dân chủ hay được sống trong một Nhà nước pháp luật là cũng đủ để chịu búa rìu của nhà cầm quyền. Những động thái hù dọa hay sách nhiễu nhắm vào tầng lớp thầy cô giáo ở Hồng Kông phải chăng mới chỉ là khúc dạo đầu, là một « lời nhắc nhở thân thiện » để họ ngăn cản học sinh, sinh viên chống đối chính quyền ?

Không có nhận xét nào: