Pages

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Việt Nam - không cải tổ 'sẽ sụp đổ'?

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionĐảng Cộng sản cần cải tổ theo hướng dân chủ hóa và trao quyền lại cho dân, chứ không nên chỉ 'cải tổ' để 'củng cố tiếp tục' vị thế quyền lực của mình, theo tác giả.
Cố Chủ tịch Việt Nam, ông Hồ Chí Minh từng nói rằng 'sức mạnh vô địch' của Đảng Cộng sản là ở tinh thần kỷ luật tự giác', ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên.

Thật ra, các quy trình, nội quy, kỉ luật được xây dựng trong đảng cộng sản Việt Nam ở đây theo tôi là nhằm trước tiên đảm bảo sự tồn tại của chính đảng cộng sản và chế độ chứ không phải là điều gì khác.
Tinh thần kỷ luật tự giác được mong đợi “trên nói dưới nghe” đó chính là yếu tố giúp đảng cộng sản, dù chỉ là thiểu số trong xã hội, thậm chí có thể quy về chỉ là mười mấy ủy viên bộ chính trị, hoặc rộng ra một chút là hai trăm ủy viên trung ương, nhưng lại có thể cai trị một đất nước với 90 triệu dân.
Nhưng giờ đây, đảng cộng sản đang đánh mất đi cái sức mạnh “kỷ luật” đó.
Thực vậy, chuyện “thượng bất chính” thì “hạ tắc loạn”, chuyện cấp dưới thản nhiên sai phạm, cấp trên kiểm tra cũng không dám làm gì, mà chỉ công nhận “đúng quy trình” xảy ra tràn lan.
Ví dụ như việc xây tòa nhà 8B Lê Trực cao vượt 16 mét ở ngay Hà Nội, việc giám đốc sở 30 tuổi chưa đủ điều kiện cũng được bổ nhiệm "đúng quy trình".
Rồi luật pháp ban hành chưa ráo mực đã thản nhiên vi phạm ngay cả ở cấp cao nhất trong đảng cộng sản, nhà nước.
Chẳng hạn như hiện đang có tới mười Thứ trưởng Quốc phòng, vượt quá trần là sáu thứ trưởng như trong luật quy định.

Mâu thuẫn sâu sắc

Khi đi 'nghĩa vụ quân sự' và ở tù vì bị khép tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều sỹ quan quân đội, công an. Họ rất bức xúc vì những bất công trong lực lượng vũ trang.
Bất công thứ nhất là giữa các sỹ quan là “con ông cháu cha” và các sỹ quan là con cái dân thường. Thành phần đầu tiên được thăng tiến rất nhanh mà việc nhàn.
Bất công thứ hai là giữa lực lượng vũ trang làm kinh tế và lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu. Thành phần đầu tiên có rất nhiều tiền, thăng tiến nhanh mà công việc không hề cực nhọc.
Lực lượng vũ trang bị chia rẽ bởi những bất công sâu sắc như vậy nên làm sao có sức mạnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước hiểm họa từ Trung Cộng trên biển Đông?
Và riêng với các lãnh đạo của đảng cộng sản, liệu các sỹ quan, quân nhân là con em thường dân chiếm đa số trong lực lượng vũ trang sẽ đứng ra bảo vệ chế độ đảng trị?
Suy rộng ra cả một hệ thống hành chính, làm sao các công chức có thể cống hiến, phục vụ người dân khi chính một đại biểu quốc hội công nhận tình trạng hiện tại là “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”?
Image copyrightbbc
Image captionTác giả cho rằng hiểm họa lớn nhất của Đảng và chế độ không đến từ phong trào dân chủ mà từ chính những mâu thuẫn, xung đột sâu sắc giữa chế độ và dân.
Tôi tin rằng người dân bất mãn một thì những công chức, sỹ quan, quân nhân là con em dân thường đang làm việc trong hệ thống chính quyền bất mãn mười.
Đảng cộng sản, chính quyền Việt Nam đang đứng trước một sự sụp đổ hoàn toàn do những mâu thuẫn, xung đột, những bất công, bất mãn sâu sắc, khó bề khỏa lấp, hóa giải từ ngay trong nội bộ và do chế độ cai trị gây ra với xã hội.
Đó là hiểm họa lớn nhất với chế độ chứ không phải là từ phong trào dân chủ.

Giá trị đảo lộn

Mới đây, ngày 5/10/2015, giáo dân giáo xứ Đông Yên thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã giữ bốn công an để trao đổi với một giáo dân đang bị chính quyền bắt giam.
Không có điều luật nào quy định dân và chính quyền trao đổi “tù binh” kiểu này. Sự việc này giống như hai phe nhóm điều đình với nhau chứ không phải trong một quốc gia có nhà nước và luật pháp.
Hay như ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa được đặc xá nhân dịp 2/9 vừa qua đã được nhân dân trong vùng đón tiếp như người hùng, dù trong mắt chính quyền ông là một tội phạm nguy hiểm dám “giết người”, “chống người thi hành công vụ”.
Rồi hàng loạt các vụ nghi phạm, bị can bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ 'bất thường' ở trong các trại giam, đồn cảnh sát v.v... mà mới nhất, nóng nhất đang là vụ bị can Đỗ Đăng Dư, mới 17 tuổi, bị 'hành hung' tới chết trong trại giam... tiếp tục gây bức xúc trong xã hội và đặt dấu hỏi công lý ở đâu, chính quyền thực sự bảo vệ ai, ai phải chịu trách nhiệm về những cái chết ấy, từ Bộ trưởng công an, giám đốc các sở, các cục vụ trở xuống.
Không thể kể hết các trường hợp, khía cạnh, nhưng rõ ràng tất cả những điều đó đã nói lên sự bất an trong nhân dân, quần chúng, các tầng lớp xã hội, trước những gì là hỗn loạn về các giá trị, các quan điểm đạo đức, công lý, pháp luật trong xã hội.
Nhất là sự khác biệt quá lớn giữa người dân và nhà cầm quyền, kẻ bị trị và tầng lớp, chế độ thống trị.
Và trong nhiều trường hợp, rất tiếc, trong sự tuyệt vọng, nhiều người dân đã buộc phải tìm đến và sử dụng đến bạo lực để buộc nhà cầm quyền phải thực thi công lý.

Đối đầu hay đối thoại?

Image copyrightOther
Image captionMẹ của bị can Đỗ Đăng Dư, người mới bị hành hung và thiệt mạng trong trại giam của công an, trước cái chết của con trai mới 17 tuổi đời. (Ảnh: facebook của Đoàn Bảo Châu).
Trong phiên tòa sơ thẩm vụ án nhục hình ở Sóc Trăng ngày thứ ba 6/10/2015, bị cáo Phạm Văn Núi, nguyên kiểm sát viên, đã công nhận:
“Đến khi làm bị cáo, tôi mới thực sự hiểu rõ vai trò quan trọng của luật sư trong xã hội. Các ông đã chia sẻ, động viên, giúp tôi rất lớn về pháp lý. Hồi trước, khi vẫn thường ngồi ở vị trí công tố, tôi đối đầu và không thực sự nhận ra hết vai trò của các vị”.
Vậy thì, hỡi các lãnh đạo của đảng cộng sản, hãy học ông Núi, đừng chọn thế “đối đầu” với dân, đừng để đến khi các mâu thuẫn trong xã hội bị dồn nén tới giới hạn và bùng nổ bạo lực thì mới nhận ra vai trò “làm chủ” của nhân dân.
Đừng đợi đến khi các ông đang ở vị trí chỉ đạo thẩm phán “muốn bắt ai thì bắt” như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phải ra đứng trước vành móng ngựa, “chịu sự phán xét của nhân dân và lịch sử” như cảnh báo của chính một cựu thành viên Hội đồng lý luận Trung ương trên truyền thông gần đây.
Đừng giả vờ như không có mâu thuẫn xã hội bằng cách bịt miệng báo chí, ngăn cấm báo chí tư nhân, giống như con đà điểu vùi đầu vào cát.
Một chế độ trong đó nhân dân được làm chủ, pháp luật chuẩn mực sẽ bảo vệ chính các lãnh đạo cộng sản, cũng giống như các luật sư dù trước đây bị kiểm sát viên coi là thành phần “đối đầu” vẫn bảo vệ, bào chữa cho ông kiểm sát viên Phạm Văn Núi trước tòa.
Do đó, các lãnh đạo đảng cộng sản cần chủ động đối thoại, phối hợp với đại diện nhiều thành phần trong xã hội để tiến hành cải tổ.
Chủ động trong công cuộc phối hợp cải tổ triệt để chuyển giao quyền lực lại cho nhân dân, các tổ chức thực sự do dân cử qua các biện pháp dân chủ hóa, ôn hòa... chính là cách tốt nhất để hóa giải mâu thuẫn xã hội, đưa mọi người cùng nhau đi tới, đưa Việt Nam thành một quốc gia dân chủ, giàu mạnh, đủ sức bảo vệ chủ quyền.
Đó phải chăng cũng chính là hiện thực hóa việc đảng cộng sản “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” như Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng, một người được cho là một ứng viên nặng ký có thể sắp lưu lại ở một trong bốn vị trí tứ trụ sau Đại hội Đảng 12 tới đây, đã từng viết ra trong thông điệp đầu năm 2014, mà không chắc giờ này ông và các trợ lý giúp soạn thảo văn bản 'rất kêu' này còn nhớ nữa hay không.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà vận động cho nhân quyền và dân chủ hóa ở Việt Nam, cựu tù nhân chính trị, đang sống ở Sài Gòn.

Không có nhận xét nào: