Pages

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Giá vàng và cơn bão vật giá ở Sài Gòn

Phùng Thức/Người Việt


Những ngày đầu tháng 11 năm 2010, ở một tiệm vàng thuộc chợ An Ðông, Sài Gòn, một người đàn ông, tay cầm một xấp tiền loại 500 ngàn đồng VN để mua vàng. Ông này nói: “Vàng lên còn lẹ hơn bắn pháo bông.” Một bà đang chờ bán sợi dây chuyền vàng 18 thì nói: “ Trong cái xui có cái hên, vàng lên có thêm ít tiền chạy thuốc cho con bị đụng xe.”

Ðến ngày 5 tháng 11, giá vàng hiện lên tới đỉnh 34.99 triệu đồng một lượng và hứa hẹn còn tiếp tục vượt mọi kỷ lục Việt Nam trong những ngày tới.


Khách mua vàng tại một tiệm vàng ở Hà Nội. Thời gian vừa qua vàng tại Việt Nam lên giá chóng mặt kéo theo các loại ngoại tệ khác tăng giá khiến tiền đồng của VN mất giá. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)



Một bà nội trợ cho biết: “Dạo này tôi có tiền là gom lại mua vàng, gom mua từng năm phân, một chỉ, nằm ngủ thẳng cẳng cũng lời khẳm, tính chuyện làm ăn chi cho mệt mỏi.” Tâm lý trữ vàng đã thật sự quay trở lại với dân Việt Nam. Trong bối cảnh lạm phát bắt đầu vô mùa những “kỷ lục” như hiện nay thì mua vàng và giữ vàng giúp cho giới thu nhập trung bình một vị thế bảo đảm tốt hơn gởi tiền tiết kiệm ở ngân hàng.

Một ông giáo về hưu, cuối tuần thường đi tiệm quen ăn phở. Ông than rằng, chỗ ăn quen “tự ý” nâng giá phở lên thêm năm ngàn một tô. Ông nói: “Ông nhớ giùm tôi, từ hôm nay, phở cũng bám theo giá vàng để đua nhau lập kỷ lục nhé. Mình thử cược với nhau xem chừng nào một tô phở có mùi vị ăn được đạt kỷ lục ngang bằng một phân vàng.”

Theo các dự báo mới nhất của các tổ chức kinh tế thế giới như IFM, WB, ADB cho rằng lạm phát ở Việt Nam khoảng 8.5-9.5% và với mức lạm phát trên 7% thì nền kinh tế trục trặc bất thường. Nền tài chính Việt Nam có dấu hiệu trở lại những “cơn điên” trượt theo giá vàng như thời chế độ cộng sản hô hào kinh tế bao cấp.

Ở một góc khác, một bà Việt kiều về từ nước Úc thì lại tươi rói. Bà nói: “Tiền Úc, tiền Canada đổi sang tiền Việt lên giá xài sướng tay luôn. Tội nghiệp tiền Mỹ hết sức. Tôi không hiểu tại sao tiền Mỹ ở Việt Nam lại như vậy.”

Cơ sở để Việt kiều Úc và Việt kiều Canada hả hê là giá của hai ngoại tệ này hiện nay chỉ kém tiền Mỹ chút chút, một điều trước đây không hề có. Thực ra tiền Mỹ cũng có nhích lên nhưng liền bị nhà nước Việt Nam nắm đầu kéo lại để gọi là “ổn định tài chính vĩ mô.” Nhưng ngày nào giá đô la Mỹ qui đổi sang tiền Việt không đúng qui luật kinh tế thị trường thì xem ra khó có thể giữ lâu “kinh tế vĩ mô.”

Trở lại với chuyện tiền Úc, tiền Canada, hai đồng tiền chỉ sau tiền Mỹ nhưng hoàn toàn không bị mất “tự do” như tiền Mỹ. Hiện nay, nhiều người cho rằng trước sau gì hai loại ngoại tệ trên cũng qua mặt tiền Mỹ ở thị trường Việt Nam và đó cũng là một dạng kỷ lục. Dạng kỷ lục này khiến cho ai thích “sưu tầm” ngoại tệ mạnh không phải là tiền Mỹ thì có cơ trúng mánh.

Chuyện đồng đôla Mỹ không được phép đã tự động tăng giá lên gần 22 ngàn đồng một đô la đã lập tức bị nhà nước giám sát, thắt chặt. Một người sành sỏi ở các chợ ngoại tệ đưa ra lời khuyên là: “Mua bán ngoại tệ chỉ là chuyện trao tay kiếm lời như con tôm con cá bó rau, muốn làm giàu an toàn thì trữ vàng, nhà nước thắt chặt giá đô la, kéo giảm giá vàng thì mua vàng vô sướng tay, chờ vài hôm vàng lại ùn ùn lên giá.”

Hiện nay, cứ đi ra phố, từ siêu thị cho tới cửa hàng nhỏ, đâu đâu cũng bảng “giảm giá” từ 30-50 %. Chuyện hàng hóa đua nhau giảm giá làm người dân phấn khởi tinh thần nhưng rờ lại túi thì rỗng. Một ông chủ kinh doanh phòng trọ nói: “Trừ việc ăn sáng cà phê, chiều chiều đi nhậu tối chẳng muốn tốn tiền cho gì khác. Ðể dành tiền mua vàng cất chơi cho sướng!”

Hiện nay ai cũng thuộc bài ca lên giá, tăng giá, vượt giá, đội giá... và tất nhiên ai cũng biết đời sống và số phận người lao động nghèo sẽ rơi vào cảnh mất giá. Và đáng lo hơn cả bão lũ ở các tỉnh miền Trung là chuyện sắp vào mùa bão giá cuối năm Tết đến.

Nhưng ở Việt Nam ai cũng đồng tình là có một thứ tiền ở ngoài mọi biến động tăng giá hay giảm giá đó là việc chính quyền chi xài tiền thuế dân. Ðơn cử là đến lúc này, sau khi “hoành tráng” xài tiền thuế dân cho đại lễ ngàn năm Thăng Long, được báo chí hỏi là nhà nước đã chi bao nhiêu tiền thì cả hệ thống cầm quyền đều không đưa ra được con số nào hết. Hóa ra tiền thuế dân là thứ chỉ có giá trị khi biến thành tiền tham nhũng.

Phải kể tới một kỷ lục mới về vàng, đô la đút túi tầng lớp cán bộ tham nhũng. Thế nên thế giới đã xếp hạng tham nhũng Việt Nam nằm trong tốp dẫn đầu.

Không có nhận xét nào: