Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010
Lạm phát ở Việt Nam nhìn qua tờ vé số
Theo đánh giá của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, chỉ số lạm phát của Việt Nam trong năm 2010 đã tăng lên tới 2 con số. Ðiều khá lạ là giá cả thực phẩm thiết yếu ở Việt Nam luôn luôn tương ứng với mệnh giá của tờ vé số.
Trong khoảng 12 năm liền, từ 1995 tới 2007, Việt Nam kìm chế được lạm phát trong khoảng 1 chữ số (dưới 9%). Thời kỳ này sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam khá đều và ổn định, đây cũng là thời kỳ Việt Nam bỏ được căn bệnh trầm kha lâu nay là dùng vàng hoặc ngoại tệ, chủ yếu là đô la để định giá mua nhà hoặc mua xe.
Sự giao dịch mua bán dù lớn, dù nhỏ đều chính thức chuyển sang dùng đồng nội tệ là đồng tiền Việt Nam. Sự thay đổi này do thị trường Việt Nam quyết định, chứ hoàn toàn không do mệnh lệnh từ phía chính quyền Cộng Sản Việt Nam.
Giai đoạn đầu 1995, mệnh giá của tờ vé số phát hành tại Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam có giá là 2 ngàn đồng Việt Nam. Lúc đó một ổ bánh mì thịt ở Sài Gòn cũng có giá tương ứng là 2 ngàn đồng. Sau khoảng 2007, mệnh giá của tờ vé số lên tới 5 ngàn đồng thì lập tức ổ bánh mì thịt cũng lên theo với giá y xì là 5 ngàn đồng. Từ 2009 tới nay mệnh giá tờ vé số tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đã lên tới 10 ngàn đồng, và ổ bánh mì thịt ăn được ở Sài Gòn cũng phải là 10 ngàn đồng, còn mấy chỗ dở tệ cũng phải có giá là 7-8 ngàn đồng một ổ. Chỗ ngon và sang như Như Lan có giá từ 15 tới 20 ngàn đồng một ổ.
Vật giá leo thang chóng mặt, trong khi thu nhập của người lao động thì hầu như không mấy tăng, do vậy ngoài chuyện cuộc sống khó khăn là lẽ đương nhiên, còn chuyện tích lũy của dân lao động hầu như bằng không, thậm chí còn âm dù cho đã hết sức hà tiện.
Chuyện một bà bán vé số có tiền sắm 1 chỉ vàng thời trước 2007 là có thực, vì vàng lúc đó còn rẻ, khoảng 400-500 ngàn đồng một chỉ, nên dân nhập cư bán vé số ở Sài Gòn, bán ngày lời được vài chục ngàn đồng, chi tiêu hà tiện dành dụm vài ba tháng sắm chỉ vàng đeo ở tay cho chắc ăn, phòng khi ốm đau, bệnh tật hay về quê thì có tiền tàu xe, ở nhà trọ chung, để tiền thì sợ mất.
Nhưng nay vàng đã lên trên 3 triệu 500 ngàn đồng một chỉ, hơn 35 triệu đồng một cây vàng, do vậy dân nghèo chỉ có bán vàng ra xoay xở đắp thêm để xài, chứ chuyện mua vàng để dành là bất khả rồi.
Hồi trước, khi dân nghèo hỏi thăm nhau: “Mới mua xe hả, nhiêu vậy?” nhiều khi nhận được câu trả lời khinh bạc: “Có bao nhiêu, mấy chỉ thôi mà!” Hồi trước kia, nói chiếc xe Honda mấy chỉ là biết xe “bèo,” xe “cà tàng” cỡ nào, nhiều người còn nói vui để tự an ủi: “Ði xe loại mấy chỉ khỏi lo mất.” Nhưng nay thì đã khác, chẳng còn giọng khinh bạc vụ mấy chỉ nữa.
Hồi 2002-2003, chiếc Honda hiệu Wave Anpha của Nhật sản xuất tại Việt Nam, tính luôn thuế má, giấy tờ ra bảng số là 14 triệu 500 ngàn đồng VN, tương đương hơn 3 cây vàng, là niềm mơ ước của nhiều người nghèo của Việt Nam, trong khi đa số dân nghèo còn phải đi xe cũ hoặc Wave Tàu chạy hư lên hư xuống.
Hiện giờ một chiếc xe wave Anpha Nhật làm tại Việt Nam mẫu mã đẹp hơn trước kia, giấy tờ ra bảng số luôn cũng chỉ có giá là 15 triệu đồng, quy ra vàng tại thời điểm này thì chưa tới 5 chỉ vàng, và loại xe này thành dòng xe bình dân ở Việt Nam, xe của Tàu hiện gần như vắng bóng tại thị trường VN.
Tâm lý của người Việt xưa nay mọi thứ đều gắn với vàng, coi giá vàng như một thước đo chuẩn mực của thị trường, không cần biết tới những khái niệm căn bản của ngành tài chánh như là kim bản vị hay hoán đổi kim bản vị gì ráo. Ngủ một đêm thức dậy thây giá vàng lại tăng vọt là ai nấy lo ngay ngáy. Trong vòng 3 năm trở lại đây, giá vàng tăng gần gấp 9 lần, từ 4 triệu đồng một lượng lên tới trên 35 triệu đồng một lượng.
Thêm một điều nữa, trên thế giới đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh so với đồng tiền của các nước, trong khi tại Việt Nam thì đồng đô la Mỹ lại tăng giá so với tiền Việt, hiện giá trợ đen 1 Mỹ kim ăn trên 21 ngàn đồng VN. Trong vòng 9 tháng qua, Việt Nam đã phải ba lần phá giá đồng tiền Việt, với lời giải thích là “điều chỉnh linh hoạt” cho phù hợp với kinh tế thị trường.
Theo tin từ phía ngân hàng nhà nước, Việt Nam đã bỏ ra vài trăm triệu đô la mỗi tháng từ quỹ dự trữ ngoại hối để chống sự trượt giá quá nhanh, quá sâu của đồng tiền Việt. Nhưng xem ra đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, nếu không thực sự cải tổ căn bản nền kinh tế Việt Nam thì sự lạm phát không kiểm soát được sẽ kéo theo sự sụp đổ của nền “kinh tế bong bóng.” Mà dấu hiệu trước mắt cho thấy là vụ bê bối của tập đoàn tàu biển Việt Nam-Vinashin, nợ hàng trăm ngàn tỉ đồng, với “di sản” để lại là những đống sắt vụn, kho bãi hoang phế, những con tàu không chạy được.
Với giấc mơ gia nhập nền kinh tế của các nước mới trỗi dậy, Việt Nam phát hành trái phiếu chính phủ ra quốc tế, đem đô la về giao cho Vinashin kinh doanh, với mong muốn có được những tập đoàn mạnh như các Cheabol của Hàn Quốc. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Thiếu chuyên môn, duy ý chí, không kiểm soát, hậu quả dẫn tới là Vinashin trở thành gánh nợ của quốc gia. Tiếp tục bơm tiền cho Vinashin hay để cho nó “chết” đều chỉ có tác dụng gia tăng lạm phát ở Việt Nam. Ðơn giản là vì trong cơn khủng hoảng, suy thoái toàn cầu thì các tập đoàn công nghiệp, trong đó có ngành đóng tàu của Hàn Quốc còn chết lên chết xuống, huống hồ là Việt Nam cho tới giờ phút này thậm chí không có nổi một hãng sản xuất xe đạp cho ra hồn, vậy mà mong muốn đóng tàu xuất khẩu ra thế giới, đúng là câu chuyện vừa hoang đường vừa tức cười (cười mà tức).
Người dân Việt xưa nay trong hoàn cảnh khó khăn thì chỉ biết kêu Trời. Lần này, trước khi Trời cứu thì mỗi người dân nghèo nên tự cứu lấy mình, còn bằng cách nào trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì chưa biết!!!
(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=122969&z=1)
Văn Lang/Người Việt
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét