Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, vì thời lượng phát biểu hạn chế mà tôi không có ý kiến về những vấn đề được nêu trong báo cáo mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này mà nhiều vị đại biểu đã phát biểu trước tôi, ghi nhận những nỗ lực to lớn của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện trọng trách của mình vượt qua những khó khăn của thời kỳ khủng hoảng cũng như phân tích những yếu kém sai sót của Chính phủ.
Tại đây tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề mà bản Báo cáo của Chính phủ không đề cập tới, nói đúng hơn là lẽ ra phải đề cập tới. Thêm một lần nữa tôi muốn bày tỏ sự cần thiết phải cải tiến hình thức và nội dung các bản báo cáo Chính phủ trình vào mỗi kỳ họp Quốc hội. Với thời lượng nửa năm nhưng báo cáo chỉ đề cập đến những vấn đề vĩ mô thì nó sẽ mãi mãi chỉ nhắc đi, nhắc lại những điệp khúc của các đánh giá, các bài học hay giải pháp chẳng mấy khác nhau với những con số được điều chỉnh nhưng rất khó kiểm chứng.
Báo cáo của Chính phủ vẫn được trình Quốc hội chỉ 1 ngày trước lúc khai mạc, 19/10. Tại kỳ họp trước tôi đã đặt câu hỏi vậy thì lấy đâu thời gian để Quốc hội thẩm tra theo luật định. Còn lần này tôi muốn đặt câu hỏi tính đến ngày hoàn tất báo cáo sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hunggari đã diễn ra được nửa tháng, sự cố đã xới lại một vấn đề mà toàn xã hội quan tâm về sự an toàn môi trường và hiệu quả kinh tế của Dự án khai thác boxit ở Tây Nguyên. Không lẽ Chính phủ, tôi dùng chữ "vô cảm" đến mức không hề đả động trong nội dung báo cáo trước Quốc hội và Quốc hội cũng không yêu cầu Chính phủ giải trình trước hết để làm an lòng dân, sau nữa thể hiện tính nhạy bén và trách nhiệm giám sát thường xuyên của mình. Người dân quan sát thấy dường như cả Quốc hội và Chính phủ đều coi câu chuyện bôxít đã là chuyện "ván đã đóng thuyền".
Tôi trân trọng cảm ơn Chủ tọa đã mời Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phát biểu trước tôi nhưng tất cả những điều Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phát biểu trước tôi cũng chưa thực sự làm an lòng tôi. Bởi lẽ như Bộ trưởng nói tất cả việc triển khai xây dựng báo cáo về môi trường diễn ra cách đây đã 1 năm, không biết sau sự cố Hunggari Đoàn giám sát của Bộ đã đi chưa, như thế vẫn là những thông tin cũ. Hơn thế nữa chúng ta thấy đã một lần trên phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói rằng đó là về lý thuyết còn trên thực tiễn là chưa rõ. Người ta đặt dấu hỏi về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn như thế nào, chúng ta thấy thấp thoáng câu chuyện Vinashin, câu chuyện Thủ tướng không cho phép mà người đứng đầu vẫn thực hiện, vì thế cho nên không thể làm an lòng người dân được.
Mối lo của các tầng lớp nhân dân là chính đáng, các biểu thị của mối lo ấy đã được thể hiện một cách có trách nhiệm, hợp pháp, công khai trên các phương tiện truyền thông, đã thu hút được mối quan tâm rất rộng rãi, mạnh mẽ của toàn xã hội. Nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó các vị lão thành cách mạng có uy tín, các cựu quan chức, các nhân sỹ trí thức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà chuyên môn am hiểu lĩnh vực này lên tiếng một cách có trách nhiệm, nêu ra những giải pháp tích cực có tình, có lý và sẵn sàng hỗ trợ cùng Chính phủ thực hiện tốt hơn chức năng của mình.
Nếu theo dõi diễn biến ngay trong thời gian 10 ngày tiếp khi kỳ họp thứ 8 đang diễn ra cho đến hôm nay, chỉ cần qua những phương tiện truyền thông của nhà nước người dân cũng có thể cảm nhận được rằng mối quan ngại của mình về dự án này càng ngày càng có cơ sở. Những ý kiến mang tính chất phản biện khoa học và đầy tinh thần trách nhiệm của những người yêu cầu phải dừng hay xem xét lại dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên ngày càng nhiều về số lượng, càng có sức nặng thuyết phục về chất lượng. Trong khi đó trả lời các quan chức có trách nhiệm của Chính phủ lại càng bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại hơn về hiệu quả kinh tế trong khai thác và tiêu thụ, về sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và điều kiện hạ tầng để vận chuyển, về sự lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu, về những rủi ro về sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng ở một không gian chiến lược như Tây Nguyên vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an toàn môi trường khi chúng ta không chỉ chứng kiến vụ báo động ở Hunggari hay những biến đổi thất thường khí hậu toàn cầu qua những thiên tai ở Indonesia mới đây hay cơn bão Mezi có cấp độ lớn chưa từng thấy và những vụ lũ lụt diễn ra với mức độ, tần số vô cùng lớn ở miền Trung nước ta cũng là những điều đáng được xem xét lại dự án Bôxit.
Trong khi đó dư luận chứng kiến những phát biểu ngày càng ít thuyết phục, thậm chí thiếu tự tin hơn của các quan chức có trách nhiệm hay những người ủng hộ dự án này. Theo tôi báo cáo của Chính phủ lẽ ra phải chủ động thể hiện quan điểm của mình để vừa thể hiện sự nhạy bén với thời cuộc, sự tôn trọng với dư luận, sự tự tin đối với chính kiến của mình, sự sẵn sàng đối thoại với những bức xúc của nhân dân trước hết là để an dân, sau nữa là cùng nhân dân tìm ra giải pháp tốt nhất vì lợi ích quốc gia.
Kính thưa Quốc hội, tại cuộc thảo luận này, chúng ta đã phân tích và phê phán mạnh mẽ về sự cố Tập đoàn Vinashin chúng ta đã thẳng thắn phê bình Thủ tướng và Chính phủ nhưng nếu như chúng ta tuân thủ quyền càng cao thì trách nhiệm càng cao, sự tự phê phán của Quốc hội mà một số vị đại biểu đã nêu lên vẫn chưa tương xứng với trách nhiệm của Quốc hội, trong đó có mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta trong việc này. Bởi lẽ Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì trách nhiệm cũng phải cao nhất, như tôi đã phát biểu khi đóng góp ý kiến cho Văn kiện tại Đại hội lần thứ XI của Đảng đã là người lãnh đạo toàn diện thì vinh quang và trách nhiệm cũng phải toàn diện. Bài học về sự đổ vỡ của Vinashin hoàn toàn có thể soi vào dự án bôxít nếu chúng ta ứng xử với Vinashin bằng sự buông lỏng quyền giám sát Quốc hội, bỏ ngoài tai những ý kiến đóng góp của nhân dân không loại trừ sự lặp lại. Vinashin làm thất thoát tiền bạc và cán bộ, hậu quả của dự án bôxít nếu xảy ra liên quan đến vận mệnh của quốc gia. Đó cũng là lý do vì sao tôi đề nghị Quốc hội phải công khai danh tính khi bấm nút biểu quyết để nhân dân hôm nay và lịch sử ngày mai có thể phán xét hành động của mỗi người. Không chỉ riêng vấn đề bôxít, nhiều vấn đề khác mà nhân dân đang quan tâm cũng được phản ánh trong Báo cáo của Thủ tướng tại mỗi kỳ họp ở nửa năm của Quốc hội. Dĩ nhiên vào thời điểm này vấn đề biển Đông đang nổi lên như một nỗi lo toan của toàn dân và thực sự nhân dân cũng biết đến nỗ lực to lớn trên trường ngoại giao và Chính phủ đang làm một cách đáng biểu dương, nhưng vấn đề biển Đông trong báo cáo dường như chỉ đề cập như một nội dung không đáng kể. Tình hình thiên tai bão lụt ngày càng nhiều, càng lớn, nhưng ở Quốc hội chúng ta mới thấy việc kêu gọi cứu trợ, phân ưu với những nạn nhân mà không thấy sự bàn bạc để tìm giải pháp ứng phó hiệu quả và lâu dài. Trong hai nhiệm kỳ mà tôi tham gia, tôi chưa thấy lần nào Chính phủ đưa ra Quốc hội bàn việc ứng phó với sự thay đổi khí hậu ngay cả đến khi tình hình đã trở nên cấp bách như lời nhắc nhở mới đây nhất của ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc khi sang thăm nước ta. Phát biểu góp ý cho Báo cáo của Thủ tướng tại Quốc hội, tôi đề nghị ngay tại kỳ họp này không chỉ Thủ tướng cần bày tỏ thái độ đối với những ý kiến của dân trong những giải trình của mình mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nên chủ động điều hành để kỳ họp áp chót của Quốc hội Khóa XII thể hiện được những chuyển biến chủ động hướng tới mục tiêu thúc đẩy những nhân tố dân chủ để làm tăng thêm hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng như Chính phủ.
Cuối cùng, nếu đặt lợi ích của dân tộc lên cao trên hết thì mọi khó khăn khắc nghiệt đều có thể vượt qua cho dù mọi sự so sánh có thể là khập khiễng, từ bài học kéo pháo của Điện Biên Phủ năm xưa vẫn có thể tìm thấy sự đồng thuận, đi đến những quyết định dũng cảm và sáng suốt. Ví như sau khi cân nhắc kỹ lại một lần nữa có thể dừng lại Dự án bôxít để bàn bạc cho thấu đáo. Dự án Dung Quất đã kéo dài nhiều năm vì sự lựa chọn phương án tối ưu và cái tối ưu phải thuộc về lợi ích dân tộc của mình, vì thế việc dừng lại để bàn thêm dự án bôxít là điều không trái với lòng dân.
Xin cám ơn Quốc hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét