Pages

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Vinashin: nóng và lạnh

Nguyên Hải




Một sản phẩm nội địa hoá của Vinashin được giới thiệu trong một cuộc triển lãm. Ảnh: TL SGTT


SGTT.VN - Vinashin đang làm kỳ họp Quốc hội này nóng lên. Vấn đề bây giờ là cần giữ cái đầu thật lạnh để tìm ra sai lầm nào dẫn đến sự đổ bể này để khắc phục nó.
Nóng

Các vấn đề tồn tại của Vinashin đã được dư luận bàn thảo từ lâu trước khi Nhà nước công bố tập đoàn này đổ bể nhưng không được quan tâm đúng mức.

Cho đến 17.3 năm nay, khi triển lãm công nghiệp đóng tàu Việt Nam “VietShip 2010” khai mạc, ai cũng nghĩ Vinashin đang ăn nên làm ra ghê lắm, nên mới làm triển lãm sang trọng chưa từng thấy như vậy (20.000m2 trưng bày tại trung tâm Hội nghị quốc gia, 600 gian hàng của 300 công ty, 2/3 là công ty nước ngoài).

Hôm ấy Vinashin cho biết, nhiều hợp đồng đóng tàu xuất khẩu và hợp tác đầu tư với thế giới được ký kết sẽ giúp ngành công nghiệp tàu thuỷ nước ta có thể hoàn thành mục tiêu nội địa hoá 60% vật tư thiết bị trên tàu vào năm 2015. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng nói ngành công nghiệp đóng tàu và hàng hải Việt Nam “vẫn còn rất lạc quan”.

Đùng một cái, mọi chuyện đảo ngược. Một loạt vụ bắt bớ lãnh đạo Vinashin khiến dư luận ngạc nhiên.


Chuyên gia ngành đóng tàu Đỗ Thái Bình cho rằng, Vinashin “là nỗi đau đớn tủi buồn cho một ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao giờ đây là đầu đề đàm tiếu, là gánh nặng cực kỳ lớn cho xã hội”, ông “tự giận mình, dù đã phát biểu, có ý kiến phản biện, đã can ngăn, nhưng còn quá yếu ớt, trong khi ngành đóng tàu ngày càng trượt dài khỏi lộ trình đúng đắn” (tạp chí Tia Sáng 20.7.2010).

Lạnh

Vấn đề bây giờ là phải giữ cái đầu thật lạnh để tìm ra sai lầm nào dẫn đến sự đổ bể này. Sai lầm là điều khó tránh, nhưng sai lầm về chiến lược thì dứt khoát phải tránh bằng được. Có thể có nhiều cái sai, nhưng cái nào là cơ bản, là gốc của mọi sai lầm thì nhất thiết phải tìm ra. Có thế mới tránh bị vấp ngã lần nữa.

Trước hết, Quốc hội nên dẫn đầu tiến hành nghiêm chỉnh việc bàn thảo nguyên nhân và tìm giải pháp giảm thiểu hậu quả cho Vinashin, sao cho được lòng dân và để dư luận quốc tế không nói vào đâu được.

Vụ Vinashin nói lên một tồn tại lớn về cung cách hoạch định chính sách. Lấy đóng tàu làm quốc sách xuất khẩu hàng công nghiệp Việt Nam là một chủ trương cực lớn, Vinashin không thể đưa ra một quyết sách lớn như vậy, tuy họ có thể kiến nghị với trên. Phải là một cơ quan cấp bộ tự đề ra hoặc xét duyệt đề xuất dưới đưa lên thì Chính phủ mới duyệt. Lẽ ra chủ trương này phải được hệ thống các cơ quan nghiên cứu (viện nghiên cứu, trường đại học khối kinh tế, công nghiệp...) nghiên cứu, lập thành phương án trình Chính phủ, đưa ra công luận bàn thảo góp ý rồi mới thực thi.

Dường như chúng ta vẫn quen hoạch định chính sách một cách thiếu thận trọng, không theo quy trình khoa học mà các nước hiện dùng. Giáo sư Kenichi Ohno ở viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản từng nhận xét trên VietNamNet: sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không dựa trên nền tảng của hệ thống chính sách tốt mà nhờ vào việc trước đây nền kinh tế này hoàn toàn đóng cửa với thế giới, nay mở cửa, nguồn đầu tư nước ngoài tràn vào... tạo ra tăng trưởng. Hầu hết chính sách được xây dựng với sự tham dự hạn chế của doanh nghiệp, họ chỉ được phép có ý kiến sau hoặc khi có vấn đề phát sinh... Việt Nam nên bắt đầu một quy trình hoạch định chính sách mới, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm: Chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng, người nước ngoài, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, chuyên gia.

Nhà nước cần lắng nghe ý kiến của dư luận, nhất là của giới trí thức, chuyên gia và doanh nghiệp và có hồi âm công khai chứ không phải nghe rồi để đấy. Càng sớm càng tốt!

Có người lo nếu không tiếp tục bỏ vốn cho Vinashin thì nó sẽ chóng “thành đống sắt vụn”. Nhưng nếu Nhà nước tiếp tục đầu tư thì có lẽ càng nguy hiểm, mất cả chì lẫn chài. Khó mà tin được mấy vị lãnh đạo mới bổ nhiệm có thể cứu nổi con tàu khổng lồ đang chìm này.

Chúng tôi cho rằng biện pháp giải cứu tốt nhất là tư doanh hoá tập đoàn Vinashin từng phần. Vinashin có khối lượng tài sản không nhỏ, gần 200 công ty con, đất đai, nhà xưởng trải khắp nước; một doanh nghiệp dù ba đầu sáu tay cũng khó quản lý nổi. Nhưng nếu bán cho nhiều doanh nghiệp tư nhân thì nguồn lực này sẽ có thể phát huy hiệu quả, có thể kinh doanh có lãi. Khối doanh nghiệp tư doanh Việt Nam hiện nay đã khá lớn mạnh, nhiều doanh nhân làm ăn rất giỏi, lại có quan hệ tốt với nước ngoài. Tự họ có thể tìm ra lối thoát, Nhà nước đỡ phải lo và trước mắt có thể thu hồi một phần vốn.

Tất nhiên, khi thực hiện phải hết sức thận trọng, tránh để thất thoát tài sản nhà nước.

N. H.

Không có nhận xét nào: