Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011
Ai Cập và Việt Nam
Nguyễn Hưng Quốc – Làn sóng dân chủ tại Tunisia và Ai Cập đã bắt đầu tràn sang nhiều quốc gia khác. Các cuộc biểu tình của dân chúng đã bùng nổ tại Algeria (dân số khoảng 34 triệu), Yemen (24 triệu), Bahrain (trên 1 triệu) và Iran (72 triệu).
Tất cả các nước này đều có một số đặc điểm giống nhau: một, theo Hồi giáo (tỉ lệ dân Hồi giáo ở Algeria và Yemen là 99%; ở Iran là khoảng 95%; ở Bahrain trên 80%); hai, nạn độc tài kéo dài (tại Iran, chế độ độc tài dựa trên thần quyền được chính thức khai sinh từ năm 1979; tại Yemen, Tổng thống Ali Abdullah Saleh cầm quyền từ năm 1978; ở Algeria, Abdelaziz Bouteflika cầm quyền từ năm 1999; ở Bahrain từ trước đến nay là chế độ quân chủ); và ba, các cuộc xuống đường gần đây đều được gợi hứng từ hai cuộc cách mạng hòa bình và chóng vánh ở Tunisia và Ai Cập.
Ở đây xuất hiện ít nhất hai vấn đề khiến mọi người băn khoăn: thứ nhất, các cuộc xuống đường ấy cuối cùng có thành công như ở Tunisia và Ai Cập không? Và hai, làn sóng dân chủ ấy sẽ còn lan rộng đến đâu nữa?
Có lẽ không ai có thể trả lời được hai câu hỏi ấy. Ngay cả chính phủ Mỹ, tình báo nhiều và giỏi đến thế, vẫn thấy ngỡ ngàng trước các diễn biến tại Ai Cập, nhất là trong hai ngày cuối cùng, hai ngày quyết định số phận của cuộc cách mạng mà hiện nay dân chúng nước ấy đang hân hoan chào đón. Huống gì chúng ta. May lắm, chỉ đoán mò.
Có điều, với câu hỏi thứ hai, qua báo chí tiếng Anh, tôi thấy nhiều người đã bắt đầu nhìn sang Trung Quốc. Theo họ, giữa Ai Cập và Trung Quốc có thật nhiều điểm tương đồng:
Thứ nhất, cả hai đều có tốc độ phát triển kinh tế cao, đặc biệt tại Trung Quốc. Điều đó, một mặt, là một ưu điểm. Nhưng mặt khác, lại gây ra ba vấn đề lớn: một, khoảng cách giữa giàu và nghèo gia tăng, tình trạng bất bình đẳng trong xã hội càng ngày càng rõ rệt, một mặt, khiến nhiều người toại nguyện, nhưng mặt khác, cũng làm rất nhiều người bất mãn; hai, tình trạng tham nhũng tràn lan và có tính hệ thống, nghĩa là gắn liền với cơ chế hơn là từng cá nhân hay hoàn cảnh cụ thể; và ba, như là hậu quả của hai điều vừa kể, tình trạng bất công càng ngày càng trầm trọng: điều kiện sống và cơ hội thăng tiến của từng cá nhân không tùy thuộc vào tài năng hay nỗ lực mà vào thân thế và thần thế.
Thứ hai, cả hai đều sống dưới chế độ độc tài, dù, so với Ai Cập, ở Trung Quốc, một, mức độc tài còn ghê gớm hơn; hai, số nạn nhân phải gánh chịu nạn độc tài độc đảng nhiều hơn gấp bội. Theo Freedom House, hiện nay trên thế giới có 2.434 tỉ người sống dưới các chế độ độc tài; 60% số người ấy hiện đang sống ở Trung Quốc. Như vậy, cứ 10 người chịu đựng sự độc tài thì có 6 người đang sống ở Trung Quốc.
Thứ ba, lực lượng dân chủ ở cả hai nước đều lớn mạnh và càng ngày càng lớn mạnh. Thành phần đó, ở cả hai nơi đều khá giống nhau: một, trẻ; hai, có học, phần lớn là sinh viên, một số khá đông học ở nước ngoài; và ba, đã từng tham gia các phong trào đòi hỏi tự do dân chủ trong nhiều năm qua. Riêng tại Trung Quốc, dấu mốc lịch sử có thể truy nguyên đến cuộc biểu tình đẫm máu ở Thiên An Môn cách đây 22 năm. Chính những thành phần trẻ, có học và nung nấu lý tưởng tự do, dân chủ này ở Trung Quốc đã nhận ra sự tương đồng giữa Trung Quốc và Ai Cập. Trên một số diễn đàn chui, chủ yếu trên mạng, họ gọi Tổng thống mới bị lật đổ ở Ai Cập, Hosni Mubarak là Mu Xiaoping, phỏng theo tên của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping).
Các nhà báo ghi nhận một sự khác biệt là: bộ máy đàn áp của Trung Quốc, cho đến nay, có vẻ hiệu quả hơn Ai Cập. Cách đây 5 năm, Trung Quốc thành lập một đội quân tình báo nội địa nhằm theo dõi và phân tích các hoạt động tranh đấu cho dân chủ với nhân số khoảng 10.000 người. Hiện nay, số người làm việc trong lãnh vực đó đã tăng lên gấp ba lần, tức trên 30.000 người. Tháng 11 năm ngoái, Bộ Tuyên truyền Trung Quốc khoe là họ đã xỏa bỏ 350 triệu bài viết có nội dung xấu trên internet.
Tuy vậy, rõ ràng là chính quyền Trung Quốc rất sợ hãi trước những gì họ chứng kiến tại Tunisia và Ai Cập. Các cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước loan tin về các diễn biến tại Tunisia và Ai Cập một cách chậm chạp, ít ỏi và dè dặt. Bộ trưởng Ngoại giao từ chối bình luận về các sự kiện ấy. Trên dịch vụ mạng xã hội Twitter (hiện nay có trên 50 triệu người sử dụng), chữ “Egypt” (Ai Cập) hoàn toàn bị ngăn chận, không thể gửi hay nhận được.
Những hành động kiểm duyệt ấy cho thấy rõ sự lo sợ của chính quyền Trung Quốc. Giáo sư David Goodman tại Đại Học Sydney nhận định: “Giới lãnh đạo đảng và nhà nước [Trung Quốc] rất lo lắng trước những cuộc cách mạng từ dưới lên trên.” Ai Weiwei, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng gửi tin nhắn qua Twitter: “[Ở Ai Cập], người ta cần 18 ngày để đánh đổ một chế độ quân phiệt đã cầm quyền suốt 30 năm… ; [ở Trung Quốc], chính quyền đã kéo dài được 60 năm, [để làm] điều này có thể cần đến vài tháng!”
Đó là chuyện ở Trung Quốc, châu Phi và Trung Đông. Còn Việt Nam thì sao?
Làn sóng dân chủ khởi phát ở Tunisia và Ai Cập trong tháng qua liệu có tràn qua Việt Nam được không?
Nhìn một cách tổng quát, tất cả những sự tương đồng giữa Ai Cập và Trung Quốc vừa trình bày ở trên đều có thể tìm thấy ở Việt Nam. Cũng phát triển nhanh. Cũng chênh lệch giàu nghèo. Cũng tham nhũng. Cũng độc tài. Cũng bất công. Và cũng có những mầm mống phản kháng ngày càng phát triển mạnh.
Nhưng còn có những câu hỏi khác: Nếu làn sóng dân chủ tràn qua Việt Nam thì nó sẽ tới lúc nào? Quân đội Việt Nam sẽ hành xử ra sao? Sẽ bắt chước quân đội Trung Quốc cách đây 22 năm hay bắt chước quân đội Ai Cập cách đây mấy ngày?
Thực tình, tôi không biết. Và tôi cũng không muốn đoán mò.
Xin nhường câu trả lời lại cho quý bạn đọc.
Nguyễn Hưng Quốc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét