Pages

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Khuôn Nào Trái Đó

Báo Dân Trí trong nước vừa có một bài viết với nhan đề: “Báo động văn hóa nhận lì xì Tết của teen.” Bài viết mô tả thái độ của giới thanh niên Việt Nam khi nhận tiền mừng tuổi từ người lớn như sau:

“Vừa nhận tiền lì xì của người lớn liền móc ra đếm, rồi nói cạnh nói khoáy, chê ỉ chê ôi nếu ai không “xì” ra thêm thì… liền quay mặt. Thậm chí, nhiều bạn coi việc lì xì Tết là một cơ hội kiếm chác…”, “Ngoài chuyện khéo léo né chẳng thèm nhận “tiền lẻ”, nhiều bạn nhận rồi quay sang nói thẳng luôn là “ít quá” và đề nghị cho thêm.” Và, “Nhà giàu, thế nên đến Tết, nhân viên của bố mẹ đến nhà, Linh rất xem thường. Mỗi khi có ai đến “mừng tuổi” mà cho ít, Linh không ngại nói thẳng: “Cô/ Chú mừng tuổi cho con sếp mà thế này thì coi sao được”.

Câu chuyện mô tả về cách cư xử đầu năm của các thiếu gia, tiểu thư Việt Nam với những bạn bè hay khách khứa đến nhà chúc Tết ba mẹ họ như ở trên, tuy nghe chối tai, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì nó chỉ là một khía cạnh tiêu cực tương tự những câu chuyện thường được loan truyền về người thanh niên dưới chế độ cộng sản Việt Nam từ trước đến nay. Thanh niên sẵn sàng chém giết nhau vì những lý do ganh ghét, chơi trội, ghen tưông. Hay nữ sinh chận đường, đón đánh bạn học một cách tàn nhẫn, hung bạo. Hay dùng internet để lường gạt, hại đời hay cướp tiền những người nhẹ dạ. Hay sống buông thả, nghiện ngập, sống vị kỷ chỉ biết có mình, bất cần quyền lợi, hạnh phúc của những người khác, vân vân. Tất cả các mẫu chuyện này, đều chỉ về cái đặc tính nổi bật của những con người mới Xã hội Chủ nghĩa, kết quả của chính sách trồng người do Hồ chí Minh và đảng Cộng sản thực hiện trên đất nước Việt Nam trong suốt 66 năm qua.

Những thói xấu của giới thanh niên dưới chế độ cộng sản, tuy nhiên không phải tự nhiên mà có. Nó đến từ sự bắt chước những hành động của người lớn hay từ xã hội chung quanh. Từ những hành động như nhượng đất nhượng biển cho Trung Quốc của lãnh đạo đất nước. Đến những hành động mua bán bằng cấp, chạy chức vụ, làm ăn giả dối, rút ruột công trình, ăn cắp, tham nhũng, lường gạt, chiếm hữu tài sản công, của các cán bộ đảng viên. Gian thương thì hút trộm cát trong lòng sông để bán, bất kể điều này làm sụp lở các nhà cửa dân cư dọc theo bờ sông. Các đại gia thì khoe danh, khoe của, mua máy bay, mua du thuyền, mua xe hơi đắt tiền, xây chuồng nuôi khỉ, hổ, báo, chim ưng, cá sấu, sau vườn nhà, để xác định vai trò vị trí và đẳng cấp của mình trong xã hội. Dân thì trong môi trường chụp giựt để tồn tại cho nên khi đi dự hội hoa thì phá nát chợ hoa. Đi xem hội hè thì đạp nát cây cỏ, thẳng tay xả rác giấy cùng các hộp đồ ăn nước uống. Tiểu thương thì chạy theo lợi nhuận bất kể sức khỏe an toàn của người tiêu thụ. Lãnh đạo các cấp to nhỏ tùy theo chức vụ đều có phần tham nhũng riêng cắt xén cho mình. Dân bị lãnh đạo Cộng sản cướp đoạt đất đai, ruộng vườn, thì dân ra đào phá tài nguyên như rừng, sông, núi để buôn bán, mà sinh sống, bất kể ảnh hưởng môi sinh đến ngay trên đời sống của mình.

Nói chung, khuôn nào thì trái đó. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Chỉ thương cho những người tử tế Việt Nam phải cắn răng sống chung với loài súc vật thành tinh đội lốt người.

Tuệ Vân
Ngày 11 tháng 2 năm 2011

Không có nhận xét nào: