Cũng như hầu hết lãnh tụ các nước nước Cộng nói chung và xứ Thiên đường nói riêng, với đồng chí Rak, chính trị không phải là nghề vì quốc kế dân sinh mà chẳng qua đó là một con đường làm ăn, kiếm chác. Thăng quan, tiến chức để nắm thêm một số quyền lực rồi từ đó can thiệp vào các thương vụ, buôn cơ chế, kiếm một số triệu đô gửi nhà băng dưỡng già…
Năm 1981, đồng chí Mubarak lên cầm quyền sau khi Sadat bị ám sát, trong bài diễn văn đầu tiên trước cả nước, vị tổng thống mới của Ai Cập hứa sẽ nỗ lực hết sức mình vì sự thật, không khoan nhượng với tham nhũng và hoạt động gây rối… Để minh hoạ cho lời nói đó, Chính phủ của Mubarak trong cuộc trấn áp nạn đầu cơ trục lợi của các doanh nhân giàu có với nhiều mối quan hệ chính trị, người anh cùng cha khác mẹ và con trai của Sadat đã bị bắt và trừng phạt thẳng tay.
Hơn chục thành viên quan trọng khác trong giới thân tín của Sadat bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì lạm dụng quyền lực và các hoạt động tham nhũng khác. Đồng chí Rak nhờ đó nổi tiếng vì sự liêm khiết.
Nhưng rồi, khi đã ngồi yên vị trên ngai vàng quyền lực, Rak, gia đình và các cố vấn thân cận của đồng chí dần quen với việc làm giàu cho bản thông qua quan hệ gần gũi với các công ty nhiều quyền lực của Ai Cập vốn là kẻ bậc thầy về việc mua bán cơ chế. Không chỉ Rak mà cả hai con trai của ông cũng nhận được đòn bẩy từ chính phủ, cả giới quân sự và đảng chính trị đa số của nước này, để ban phát cho bằng hữu kiếm lợi và dọn dẹp các đối thủ cạnh tranh.
Thực ra thì cách kiếm tiền của đồng chí Rak và các con ông cũng không khác là mấy so với các đồng chí lãnh đạo và con em họ ở xứ Thiên đường ta. Sau đây là một trong số những cách đó, Chủ tịch xin được kể ra để các bạn suy ngẫm. Đồng chí nào đang định theo đuổi sự nghiệp chính trị cũng có thể tham khảo thêm.
Đầu tiên là việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài mà xứ ta quen gọi là FDI (Foreign Direct Investment). Theo luật Ai Cập, công ty nước ngoài phải giành cho đối tác liên doanh trong nước 51% cổ phần công ty liên doanh hoạt động tại Ai Cập. Theo luật này, bất cứ công ty đa quốc gia nào cũng cần phải thông qua một đối tác trong nước và đối tác này thường chỉ đâu đó quanh các thành viên gia đình Rak hay các nhân vật quyền lực của đảng cầm quyền.
Một số khách sạn cổ, vốn là sở hữu nhà nước cũng bị chính phủ tư nhân hoá mà thực chất là bán với giá bèo mà người mua không ai khác là những đệ thân tín của đồng chí Rak.
Những năm 1980, khi mới lên cầm quyền, đồng chí Rak có vẻ rất thật thà trong tham vọng chặn đứng tham nhũng. Nhưng theo thời gian, các thân hữu quanh ông bắt đầu đục khoét hệ thống. Tiếp nữa, các con ông cũng tham gia làm ăn kinh doanh, nhận lại quả từ các công ty đến Ai Cập. Chuyện chi chác phần trăm khi tham gia các dự án đã thành lệ bất thành văn. Đặc biệt là trong việc nhận quyền khai thác tài nguyên, quền sử dụng đất…
Nhờ cách này, trong 30 năm cầm quyền, đồng chí Rak và gia đình đã kịp “tích” được khối tài sản với giá trị ròng ít nhất 5 tỷ USD. Thông tin từ một số cơ quan truyền thông khác thì cho rằng, tài sản của gia đình này lên tới khoảng 50 tỷ USD. Con số này có vẻ hơi bị cường điệu.
Phần lớn tài sản của đồng chí Rak được gửi ở tài khoản NH nước ngoài ở châu Âu và đầu tư vào bất động sản sang trọng. Theo một số nguồn tin, đồng chí Rak và gia đình đang nắm giữ tài sản ở nhiều nơi trên thế giới, từ London và Paris tới New York và Beverly Hills. Bên cạnh mấy ngôi nhà ở khu nghỉ dưỡng Sharm al-Sheikh gần Biển Hồng Hải và ở quận Heliopolis phồn hoa của Cairo, họ còn có một biệt thự sáu tầng ở khu Knightsbridge, London, một ngôi nhà gần Bois de Bologne ở Paris và hai chiếc thuyền buồm.
Thông qua hai con trai của Mubarak, Gamal và Alaa, gia đình này còn kiểm soát một mạng lưới các công ty kiếm tiền nhờ những nhượng bộ từ các công ty nước ngoài làm ăn tại Ai Cập, theo một doanh nhân và một báo cáo điều tra tổng hợp năm 2006 của liên minh gồm các nhóm đối lập. Báo cáo nêu rõ tên các công ty do anh em nhà Mubarak sở hữu và chi tiết một số trường hợp tham nhũng của quan chức chính phủ.
Gamal, con trai thứ của Rak, người được lựa chọn kế vị cha, từng theo học tại trường Đại học Cairo, Mỹ và có sáu năm làm phân tích đầu tư tại Bank of America. Đồng chí này sau đó đã thành lập công ty tư vấn đầu tư Med Invest Partners, chuyên “giúp” các nhà đầu tư phương Tây mua cổ phiếu và công ty tại Ai Cập.
Anh trai của Gamal, là doanh nhân sở hữu công ty cung cấp dịch vụ cho hầu hết các hãng hàng không tại Ai Cập. Năm 2001, chính phủ đã ban hành một đạo luật quy định bắt buộc thắt dây an toàn khi ngồi trên các phương tiện giao thông, trước đó, Alaa vừa nhận được đặc quyền nhập khẩu dây lưng an toàn.
Bạn bè thân hữu của chính phủ Mubarak cũng đều sống hết sức sung túc. Taher Helmy, cố vấn cho Gamal và Hosni và chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, mới đây đã mua một căn hộ 6,1 triệu USD nhìn ra Công viên Central Park của New York City. Ahmed Ezz, ông trùm ngành thép và người thân cận của Gamal, bị cáo buộc sử dụng quan hệ để độc quyền thị trường thép.
Một số quan chức chính phủ trước đây đã bắt đầu lộ mặt với những cáo buộc tham nhũng. Tuần trước, cựu thứ trưởng Ngoại giao Ibrahim Yosri cùng 20 luật sư đã kiến nghị Trưởng công tố Ai Cập Abdel Meguid Mahmoud đưa Mubarak và gia đình ra tòa vì tội biển thủ tài sản nhà nước.
Theo Mohammad Ghanam, nguyên chủ tịch cơ quan nghiên cứu pháp luật tại Bộ Nội vụ Egypt, “Kỷ nguyên Mubarak sẽ được biết đến trong lịch sử của Ai Cập là kỷ nguyên trộm cướp”. Ông lên án tại Mubarak cùng con trai tại hội thảo nhân quyền tại Luân Đôn, với lời lẽ mạnh mẽ nhất: “Công việc chính của ông ta là bòn rút tiền công, và chúng tôi thấy những kẻ siêu tham nhũng và siêu vô trách nhiệm đang nắm giữ nhiều vị trí trong nhà nước; tham nhũng và dối trá trên khắp mọi miền đã gây ra tình trạng hiện nay của đất nước chúng tôi…”.
Một vài đồng chí của ta biết những thông tin này bảo với Chủ tịch: Chuyện này thường thôi! Cách thức kiếm chác của các đồng chí ta phong phú hơn nhiều! Chủ tịch bảo: dưng mà để làm gì nhỉ, nhiều tiền như đồng chí Rak rồi cũng sang thế giới bên kia. Không cẩn thận con cái đồng chí phải tỵ nạn ở nước ngoài, sống bất hợp pháp, kiếm chác nhiều rồi cũng phí đi một đời!
(Theo các nguồn tin nước ngoài)
Phan Thế Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét