Pages

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Tôn giáo thời quá độ (lên CNXH)

Ngày tôi còn nhỏ lắm, khoảng 4 hay 5 tuổi gì đó, tụi tôi hay chơi ở nhà thờ tổ của dòng họ bên cạnh nhà. Một ngày nọ như thường lệ, người lớn theo tiếng kẻng của hợp tác xã ra cánh đồng phá hoại ( ngày đó làm vì CNXH nên ai cũng phá chứ không làm). Tụi nhóc chúng tôi chạy sang nhà thờ vắng vẻ để chơi. Bất ngờ tôi nhìn thấy một người nằm ở trên nền nhà thiêm thiếp ngủ. Thấy tiếng động người đó mở mắt nhìn , có vẻ yếu lắm. Chúng tôi sợ quá, định chạy đi.
- Cho ông ít nước. Các cháu!

Chúng tôi không chạy nữa, tôi nhìn kỹ. Một người già lão đầu chọc lóc, mặc áo lếch thếch ( sau này tôi biết đó là áo lam của người tu hành Phật giáo). Chúng tôi vẫn chố mắt đứng nhìn, vì biết đó không phải là ma, mà là một con người sức yếu .

- Cho ông nước đi. Các cháu! Ông cầu nguyện , phù hộ độ trì cho các cháu. Nam mô a di đà Phật!

Người đó chắp tay trước ngực, miệng lẩm nhẩm. Tôi không hiểu gì hết, nhưng cũng chạy về nhà lấy nước ở bể( hồ cement) nước mưa.Tôi dót vào cái bát to màu xám sịt của ông ấy.Ông ấy uống một hơi gần hết, rồi đợi tôi dót thêm.Rồi ông ấy nằm xuống, nhắm mắt lại.Chúng tôi dần dần đi ra khỏi nhà thờ tổ, phần vì sợ, và cũng muốn để ông ấy ngủ.Buổi chiều khi mợ ( mẹ)tôi và các anh lớn về.Chúng tôi kể lại chuyện sảy ra.Khi trở lại nhà thờ thì không còn ai còn ở đó nữa.

Sau này lớn lên tôi mới biết đó là một sư ông.Thời đó người ta muốn tiến lên CNCS nên các đình chùa phá hết. Các sư sãi phải phiêu bạt lang thang. Làng tôi còn đình còn chùa, nhưng không có sư có vãi.Các làng khác họ phá hết lấy gạnh ngói ra làm trại chăn nuôi lợn.Tượng Phật rơi vỡ ngổn ngang, hoành phi câu đối họ làm củi nấu cám cho lợn ăn.Mới đầu vì cướp lợn của dân nên lợn nhiều lợn béo. Để trại hợp tác xã chăm sóc, lợn ít dần vì đói và vì các cán bộ liên hoan. Hai, ba năm sau cả trại không còn con lợn nào, và đình chùa cũng không còn trên dấu tích.

Khi tôi lớn lên 15 – 17 biết đến chùa làng khi đón giao thừa, cũng chỉ mong thắp hương bẻ lộc.Khi 18 tuổi vào trong miền nam tôi mới thấy nhiều chùa to và đẹp, tâp nập người vãn cảnh chùa. Đôi khi theo các bạn đến nghe thầy giảng kinh Phật.

Sau 20 năm trở về quê, đi dọc các con đường 10 nhem nhuốc. Tôi thấy cứ vài km thấy một băng rôn – KHU DI TÍCH VĂN HÓA- với cờ ngũ sắc, và cờ sọc vàng của Phật giáo. Tiếng gõ mõ, tụng kinh- NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT vang vọng khắp nơi của các bà các cô, không ít các cậu thanh niên mặc áo lam dài.

Được biết các ngôi chùa được xây lại, có khi xây mới hết hàng tỷ đô.Người người đông đúc đến chùa cúng vái, y như Phật giáo là quốc giáo vậy.

Theo anh chị đi chùa Hương ( đất linh thiêng nơi Phật bà dừng chân), bước đến cửa đền tôi nhận 1 tập tiền lẻ của chị dâu đưa. Ai cũng có như vậy với 1 nắm hương lớn đi dọc khu di tích. Bát hương trải dọc khắp con đường gập gềnh đá sỏi, cứ một bát hương là một hòm công đức bên cạnh. Bên cạnh là một tượng Phật hoặc thánh thần to, nhỏ mới làm gần đây. Ai cũng thắp hương khấn vái cầu xin ( 99 % không biết khấn kinh Phật), cũng để lại ít tiền gọi là công đức. Thường thì để trong hòm công đức, nhưng lắm kẻ cho chắc để Phật nhớ lâu, nhét đồng tiền nhàu nát vào tượng.Nơi cửa Phật mà người ta đội mâm lễ vật có cả gà cả thủ lợn to đùng. Đến chùa cúng Phật bằng đồ sát sinh , đốt vàng mã, hối lộ Phật , đến cửa thiền mà trong đầu nhiều mưu toan tính toán thì không hiểu gì về Phật cả.

Lễ hội nhiều lắm, khắp nơi cả năm nghe toàn là lễ với hội hè.Hội nào cũng đông, cũng đốt nhiều hương, nhiều vàng mã. Chen lấn nhau để khấn xin mọi thứ trên đời. Có khi vì chen lấn mà xảy ra ẩu đả. Vậy đó lễ hội dân tộc chở thành nơi xin, vay, mua bán, hay trả ơn các thánh các thần. Dân tình không còn biết đâu là nguần gốc của lễ hội, giáo lý của niềm tin, và đó chỉ là ngày hành hương cho khuây khỏa con người.

Ở quê tôi hay các quê khác cũng vậy. Giàu nhất là chú bí thư, thứ nhì thầy phán, thứ ba thầy đồ. Sao ở Việt nam bây giờ nhiều thầy bói đến vậy, họ là bác sĩ tâm lí cho mọi thành phần trong xã hội. Nhưng họ không chỉ ra cho dân đen từ đâu là nguyên căn của các vấn đề trong xã hội,mà họ đổ hết trách nhiệm cho các linh hồn đã lên cõi vĩnh hằng từ hàng mấy trăm năm trước( thí dụ, nghèo thì họ phán vì mộ cụ cố bị động, bệnh tật họ phán linh hồn bà chết trẻ còn lang thang…). Hay làm các lễ trả ơn tốn kém cho các vị chức sắc trong vùng. Quan nhiều bổng lộc thì bàn thờ cố định, còn đám dân đen bàn thờ , mộ tổ, hay nhà cửa xoay loạn tùng ngầu để tìm cách thay đổi số phận. Xã hội tạo chỗ đứng cho các thầy phán, bói toán có quyền lực để làm giầu, người dân không biết tin ai, nên phải tìm niềm tin với các vong linh hư hư thực thực.

Hơn 60 năm đảng ta có tình phá bỏ tôn giáo, tín ngưỡng và phá bỏ sự bình đẳng trong pháp luật. Nên tôn giáo sau này bị lệch lạc tạp nham ( mất sự hiểu biết căn bản), tĩn ngưỡng bị buôn bán và niềm tin bị lợi dụng.

Có ai về bắc Việt Nam mới hiểu, niềm tin đã bị đánh mất như thế nào.

Vũ Văn

Không có nhận xét nào: