Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011
Tunisia, rồi… sao nữa?
Quân đội và người biểu tình tại Ai Cập
Nhiều chuyên gia thời cuộc nhìn nhận rằng cuộc cách mạng hoa nhài ở Tunisia hoàn toàn nằm ngoài khả năng tiên đoán của họ. Lý do khiến các chuyên gia phải bó tay vì ở Tunisia đã không có những chỉ dấu quen thuộc giúp họ dự đoán những gì sẽ xẩy ra — không có sự xuất hiện của một lực lượng đối lập đáng kể để điều hướng một phong trào quần chúng đông đảo lớn mạnh mà người ta thường cho là yếu tố cần thiết để lật đổ một chế độ độc tài. Cuộc cách mạng cũng đã không đi qua những giai đoạn quen thuộc, từ từ cho thấy sự sụp đổ tất yếu của chế độ. Ngược lại, tất cả đã diễn ra rất nhanh chóng, đột ngột, với một sức mạnh khổng lồ, bất chợt cuốn đi cả một chế độ mà trước đó chỉ vài ngày tưởng như không gì có thể làm suy suyển.
Sau cơn bàng hoàng, người ta đang tự hỏi là cái gì sẽ xẩy ra tiếp theo.
Chỉ trong vài ngày, kể từ khi nhà độc tài Ben Ali của Tunisia bỏ chạy sang Saudi Arabia vào ngày 14/1/2011, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ độc tài 23 năm tại Tunisia, ảnh hưởng của cuộc cách mạng hoa nhài đã lan ngay tới một số nước xung quanh như Ai Cập, Libya, Algeria và ngay cả ở những nước ở cách xa hơn như Syria và Yemen và chắc chắn đang làm rúng động tất cả những chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới.
Người ta tin là vào lúc này không có một nhà độc tài nào trên thế giới có thể ăn ngon ngủ yên.
Nhưng phải có tật thì mới giật mình. Điểm chung giữa các quốc gia Ả Rập là gì khiến các nước này nghĩ rằng cuộc cách mạng tại Tunisia có thể lập lại tại quốc gia của họ?
Đó chính là chính sách cai trị độc tài tại tất cả những quốc gia này cho dù hình thức và mức độ có khác nhau.
Trong 24 quốc gia Ả Rập trên thế giới thì khoảng một nửa nằm ở phía bắc châu Phi, và một nửa thuộc vùng Trung Đông. Và cũng một nửa theo chế độ quân chủ và một nửa, “trên nguyên tắc”, theo thể chế cộng hoà. Nhưng dù quân chủ hay cộng hòa thì thực chất của cấu trúc chính trị tại tất cả các quốc gia này đều là nhất nguyên — độc quyền, độc tài, với quyền lực tuyệt đối tập trung trong tay một người hay một thiểu số lãnh đạo. Các chế độ này nắm chắc trong tay các trụ cột cốt yếu là quân đội, công an, và truyền thông. Họ luôn đưa ra đủ loại lý cớ để không thực thi dân chủ, như vì trình độ dân trí còn quá thấp; vì kinh tế còn chưa đủ phát triển; vì ngoại bang, đặc biệt là Do Thái, còn đe dọa an ninh quốc gia; vì đặc thù của tôn giáo và văn hoá v.v… Tất cả những lý cớ gian trá và ngụy biện đó được lập lại thường xuyên qua hệ thống thông tin độc quyền. Và hệ quả hiển nhiên của mấy chục năm tuyên truyền ngu dân đi kèm với bạo lực trấn áp là đại khối dân chúng Ả Rập tại 24 nước này không còn biết đâu là quyền của mình, chỉ yên phận chịu đựng cuộc sống lạc hậu, bên cạnh thiểu số thống trị giàu có tột cùng nhờ độc quyền khai thác tài nguyên quốc gia.
Tình trạng hôn mê đó đã kéo dài nhiều chục năm qua, trở thành thói quen tới độ người ta không nghĩ là một ngày sẽ có thể thay đổi. Nhưng giới trí thức Tunisia, một nước có tỷ lệ tốt nghiệp đại học cao nhất trong thế giới Ả Rập, đã thành công trong việc đánh thức đồng bào của họ ra khỏi cơn mê đó, giúp đồng bào của họ nhận thức được đâu là quyền hạn của mình, và biết được những điều dối trá mà lâu nay họ bị bịt mắt che tai. Giới trí thức Tunisia cũng đủ khiêm tốn để biết họ không thể thay đổi thời cuộc một mình. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa đầu tàu trí thức và số đông quần chúng để vô hiệu hóa bàn tay bạo hành của công an là bài học đấu tranh bất bạo động tuyệt vời cho cả thế giới.
Bài học này đã được dân chúng Ai Cập đón lấy áp dụng đầu tiên.
Ai Cập và Tunisia có nhiều điểm tương đồng: cũng tự thiêu, biểu tình, cũng đòi cơm áo, công bằng, dân chủ và cũng đòi lãnh đạo độc tài phải ra đi. Nhưng có lẽ đặc điểm chung quan trọng nhất vẫn là không cần phải có một tổ chức đối lập công khai đứng ra khởi xướng các cuộc biểu tình. Sức mạnh của phong trào đối lập hoàn toàn đến từ sự nổi dậy bộc phát của quần chúng bất mãn, chịu đựng đã từ lâu. Rồi chính khối quần chúng đó dần dần đưa lên hoặc chấp nhận những lãnh đạo đối lập mà họ tin tưởng. Và đó là khởi điểm đáng hy vọng cho nền dân chủ mới. Riêng tại Ai Cập, Tiến sĩ Mohamed ElBaradei, người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình và là cựu Giám Đốc Cơ Quan Năng Lượng Hạt Nhân Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc, đã lập tức về nước để có mặt cùng với đồng bào ông trên đường phố. Với vốn liếng kiến thức và quá trình đấu tranh ôn hòa, ông được hầu hết các thành phần dân chúng, kể cả thành phần đạo Hồi cực đoan tin tưởng và ủng hộ.
Một điểm tương đồng quan trọng khác giữa Ai Cập và Tunisia là thái độ đứng ngoài các tranh chấp của quân đội. Họ không trấn áp dân chúng theo lệnh các thủ lãnh độc tài nhưng cũng không đứng lên làm đảo chính. Một trong những nhiệm vụ chính của quân đội Ai Cập hiện nay là canh giữ các kho tàng lịch sử của quốc gia, không cho những thành phần lợi dụng hỗn loạn để cướp phá. Trong khi đó, quần chúng Ai Cập chủ động giải bày lý do và tỏ tình thân thiện với từng người lính mà họ gặp. Chính thái độ đó của quân đội và dân chúng đã khiến các công an chìm, nổi biến mất trên đường phố và từng khu dân cư.
Hình ảnh quân và dân Ai Cập đã dẫn đến những nhượng bộ vớt vát trong tuyệt vọng của Tổng Thống Mubarak, như thay thế Phó Tổng Thống và Thủ Tướng. Hơn thế nữa, cũng chính hình ảnh quân dân Ai Cập đang dẫn đến sự thay đổi thái độ của các quốc gia đồng minh lâu năm của ông Mubarak. Có nhà phân tích thời cuộc đã bắt đầu đếm ngày tàn của chế độ, từ từ nhưng chắc chắn.
Song song với việc theo dõi những biến chuyển tại Ai Cập, cả thế giới cũng đang hồi hộp theo dõi tình hình tại những quốc gia độc tài còn lại trên thế giới.
Hai thập niên qua đã mang lại cho người dân trên thế giới nhiều hạnh phúc (tại những nước đã đạt được dân chủ) và hy vọng (tại những nước còn sống dưới độc tài) với 2 đợt thay đổi chính trị lớn. Đợt một vào cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990 với sự sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu và Liên Sô. Và đợt hai vào những năm đầu thế kỷ thứ 21 với các cuộc cách mạng dân chủ tại Serbia, Lebanon, Georgia, Ukraine và Kyrzistan. Nay ở đầu năm 2011, cách mạng hoa nhài Tunisia xẩy ra khiến người ta tự hỏi phải chăng đây là đợt cách mạng thứ ba xẩy ra sau một chu kỳ. Nếu Ai Cập là quân cờ domino thứ nhì đổ xuống trong những ngày tới thì chắc chắn sẽ còn những chế độ độc tài khác nữa, đặc biệt là trong thế giới Ả Rập đổ theo.
Mỗi người Việt Nam chúng ta không thể không tự hỏi về mức độ ảnh hưởng của biến cố Tunisia đối với đất nước mình. Báo chí lề phải trong nước không nói nhiều về cách mạng hoa nhài mà chỉ cảnh báo về cái mà nhà nước gọi là bạo loạn. Bên nước láng giềng Cao Miên thì Thủ Tướng Hunsen đã lập tức lên tiếng răn đe, dọa sẽ thẳng tay trừng trị mọi bất đồng phản kháng. Thiết tưởng đây cũng là phản ứng giật mình tự nhiên của những kẻ có tật.
Dầu gì đi nữa thì những bài học về đấu tranh bất bạo động đang diễn ra tại Tunisia, Ai Cập và các quốc gia Ả Rập cũng một lần nữa giải thích nhiều câu hỏi và giải tỏa những ngờ vực trong tâm tư nhiều người dân Việt về phương thức đấu tranh này. Với những chứng minh trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, người ta càng thấy rõ tiềm năng của toàn dân Việt mạnh hơn gấp nhiều lần so với sức lực của chế độ độc tài hiện nay, vốn đã mục từ xương tủy vì tham nhũng tuy vẫn còn bề ngoài hung tợn qua hình ảnh công an.
Những kinh nghiệm “tay không lật đổ độc tài” của dân chúng Ả Rập chắc chắn sẽ được người Việt rút tỉa để sớm đưa cuộc đấu tranh cho công lý, công bằng và dân chủ trên đất nước đến thành công.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét