Thế giới trong suốt hơn một tháng qua sôi sục với những diễn biến xảy ra tại Tunisia và Ai Cập. Trên các phương tiện báo chí, truyền thông và thế giới mạng toàn cầu, thông tin về những cuộc cách mạng và chiến thắng của nhân dân Tusinia, Ai Cập trong việc lật đổ các chế độ độc tài được tất cả mọi người quan tâm theo dõi từng ngày từng giờ. Không khí những ngày này gợi nhớ đến thời điểm những năm 80 của thế kỷ XX, trước sự sụp đổ của khối các nước cộng sản cũ tại Đông Âu và Liên Xô. Cũng đầy bất ngờ như thế.
Trong khi đó, ở Việt Nam thì sao?
Thời gian trước Tết, khi cuộc cách mạng hoa nhài diễn ra tại Tusinia thì người Việt trong nước đang bận… chuẩn bị ăn Tết Nguyên đán. Còn Tết ra, sau những ngày ăn chơi nghỉ ngơi là lúc hầu hết người Việt Nam tiếp tục đối mặt với bao nhiêu vấn đề phải lo toan của cuộc sống thường ngày, trong một môi trường có quá nhiều bất ổn về kinh tế và xã hội.
Trước hết là vấn đề vật giá. Một vài năm gần đây giá cả sinh hoạt ở Việt Nam thường xuyên tăng theo tốc độ phi mã trong lúc đồng tiền bị trượt giá và đồng lương thì chẳng nhích lên được bao nhiêu. Trước và sau Tết, giá cả lại càng tăng gấp mấy lần, trước Tết thì do nhu cầu mua sắm tăng lên và một phần do tâm lý “chặt chém” của người bán nhân dịp Tết, còn sau Tết, nhu cầu của người dân vẫn cao mà rau, thịt, một số mặt hàng thực phẩm… thời điểm này lại khan hiếm nên thông thường trong vòng một vài tuần lễ vật giá vẫn chưa thể trở lại ổn định.
Cũng ngay đầu năm, người dân đã nhận được hàng loạt thông tin không lấy gì làm vui về đời sống và kinh tế. Nào “lượng điện thiếu trong năm nay sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2010” và ngành điện sẽ “cắt điện nhiều từ cuối tháng 2” (Theo bài “Lượng điện thiếu hụt nặng so với năm 2010”, báo Thanh Niên số ra ngày 9 tháng 2, 2011). Vẫn là cái điệp khúc thiếu điện, cắt điện thường xuyên diễn ra từ bao năm nay, đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của mọi người cho đến công việc kinh doanh sản xuất, công-nông nghiệp… từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước là một thực tế mà ai cũng thấy. Không chỉ thiếu điện, ngành điện lực thông báo giá điện sẽ tăng lên. Và “có thể tăng đến 32%” (báo Dân Việt ngày 11 tháng 2, 2011). Giá xăng dầu cũng tăng. Báo Người Lao Ðộng ngày 12 tháng 2, 2011 đưa tin “Ðiều chỉnh giá điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường”.
Mỗi khi giá xăng dầu, điện nước tăng, người dân chỉ còn biết thở dài, than trời. Xăng dầu hay điện ở Việt Nam là những ngành độc quyền của các công ty nhà nước, muốn tăng lúc nào, tăng bao nhiêu thì tăng. Người dân tự hỏi vì sao các tập đoàn kinh tế quốc doanh được hưởng bao nhiêu chính sách ưu ái từ nhà nước mà chỉ thấy kêu lỗ? Như ngành điện chẳng hạn, lúc nào cũng than lỗ rồi nâng giá, bắt dân phải gánh chịu, trong khi năm 2008, báo chí đã từng đưa tin Tập Ðoàn Ðiện Lực VN xin trích 1,002 tỷ đồng để khen thưởng cho cán bộ viên chức của ngành!
Bên cạnh đó là hàng loạt những biện pháp, chính sách về kinh tế của nhà nước cũng “gây choáng” cho người dân. Từ lãi suất ngân hàng. Theo báo Tuổi Trẻ ngày 11 tháng 2 năm 2011 “Trái với kỳ vọng lãi suất sẽ giảm, ngay những ngày đầu năm 2011 nhiều doanh nghiệp, người vay tiền lại nhận được thông tin tăng lãi suất. Mặt bằng lãi suất cho vay mới lên đến 19-20%, ngang mức “đỉnh” của năm 2008.”! Với mức lãi suất như vậy thì người kinh doanh chỉ có cách thu hẹp sản xuất lại chờ thời mà thôi.
Ðể thu hẹp sự chênh lệch với tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam và các ngoại tệ chính như đồng đô la Mỹ trên thị trường tự do, các ngân hàng nhà nước Việt Nam đã cho điều chỉnh tỷ giá chính thức 9.3%, mức cao nhất kể từ giữa thập niên 1990 đến nay. “Với động thái này, tỷ giá chính thức đang giao dịch tối đa là 19,500 VND/USD được nâng lên 20,900 VND/USD. Và mỗi USD đắt hơn so với trước đó một ngày là 1,400 VND, tăng tương ứng 7.17%. Còn nếu so với một năm trước, lúc tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 18,544 VND/USD và biên độ tỷ giá là +/-3%, tỷ giá chính thức được phép mua bán tối đa là 19,100 VND/USD thì đồng USD hiện nay đã tăng giá tới 9.42%! Hay nói cách khác, VND đã bị giảm giá trị chừng đó phần trăm sau một năm so với đồng USD.” (Báo VNEconomy ngày 11 tháng 2, 2011).
Theo nhiều chuyên viên về kinh tế, việc điều chỉnh tỷ giá đồng tiền là cần thiết, giúp cho việc bình ổn thị trường ngoại hối, tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, hạn chế nhập siêu, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo về các vấn đề lạm phát từ việc điều chỉnh này. Ðiều đó cho thấy kinh tế Việt Nam, bất chấp con số tăng trưởng, vẫn chứa đầy bất ổn, tỷ lệ lạm phát cao, đồng tiền liên tục mất giá, nợ nước ngoài tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ chỉ còn 10 tỷ đô la Mỹ cuối năm 2010 từ con số 16 tỷ một năm trước đó (theo BBC ngày 9 tháng 2, 2011).
Thực tế ở Việt Nam nhiều năm qua cho thấy, từ kinh tế, chính trị cho đến giáo dục, các biện pháp của nhà nước luôn luôn chỉ là thay đổi vừa đủ, không triệt để, không tận “gốc” nên những vấn đề tồn tại từ lâu trong từng lĩnh vực vẫn còn đó. Còn với người dân, họ chỉ lờ mờ hiểu được sự bất ổn của nền kinh tế qua những ảnh hưởng cụ thể, sát sườn trong cuộc sống hàng ngày từ giá, lương, tiền, và thực sự là sức chịu đựng của họ đã bị thử thách quá lâu.
Cơm áo gạo tiền đã trở thành những nỗi ám ảnh hàng ngày với số đông người Việt, bên cạnh đó là muôn vàn nỗi lo lắng, sợ hãi khác: nếu là người dân thành thị, đó là nỗi lo tai nạn giao thông, sụp hố tử thần, cây đổ, điện giật khi trời mưa, môi trường ô nhiễm…; nếu là dân nông thôn thì lo năm nay có bị mất mùa không, gạo bán ra có bị Tổng Công ty lương thực tìm cách kìm giá mua rẻ không; miền Trung thì chuẩn bị đối phó với một mùa bão lũ mới, sẽ lại tang thương chết chóc mất sạch tài sản…Rồi lo thực phẩm không an toàn đụng thứ gì cũng thấy hàng giả, bị nhiễm độc, cho đến trứng gà, gạo cũng giả…Rồi lo kiếm tiền để khi đau yếu, thất nghiệp, già cả…không thể trông cậy vào bất cứ đâu trừ chính mình. Nếu có con thì lo môi trường đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, nó sẽ bị nhiễm phải đủ thứ thói hư tật xấu bên ngoài; nếu khấm khá thì lo cho con đi học nước ngoài để “tị nạn giáo dục”, tiếp theo lại lo chạy chỗ làm cho con, chạy bằng chạy chức cho bản thân để kiếm một “chỗ ngồi” khá hơn…Bao nhiêu là nỗi lo! Có thể nói không ngoa, người Việt từ lúc mở mắt thức dậy cho đến trong tận giấc ngủ, hàng ngày và cả cuộc đời cho đến tận lúc chết, là hàng ngàn nỗi lo, sợ, toan tính bám theo tâm trí. Trong hoàn cảnh đó dễ hiểu vì sao số đông trở nên “phi chính trị”, không có thì giờ bận tâm ngay với số phận của đất nước thì lấy đâu ra thì giờ mà bận tâm chuyện thế giới?
Người Việt lại giỏi chịu đựng, và hay tự so sánh với cuộc sống của ba mẹ, ông bà mình thời miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước năm 1975 và thời bao cấp để tự bằng lòng với cuộc sống của thế hệ mình, con cái mình bây giờ. Cái thời cả nước sống bằng tem phiếu, nhà nước cho mua cái gì, cho ăn cái gì thì biết cái đó, bữa cơm nào may mắn lắm mới được ăn cơm còn thì phải độn khoai, sắn, bo bo, cao lương, bột mì…; cả nước ăn giống nhau, mặc giống nhau, xài giống nhau từ cục xà bông Việt Nam cho tới cái quần đùi, thèm khát từ miếng thịt cho đến điếu thuốc lá thơm, cái thời mà có ai đó ăn khác đi, mặc khác đi là bị dòm ngó, lên án… Nếu so sánh với thời đó thì rõ ràng cuộc sống bây giờ là…thiên đường rồi chứ còn gì nữa.
Chưa nói đến những khái niệm tự do, dân chủ…sẽ xa vời lắm với dân tộc tôi, khi mà nỗi bận tâm lớn nhất của số đông hiện nay vẫn là làm sao để có thể tồn tại, và số khác, nếu vượt qua được cái mức kiếm gạo từng ngày thì vẫn còn biết bao nhiêu điều khác phải lo toan. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu có lúc nào đó, trước khi bênh vực cái thể chế này, chế độ này, nếu chúng ta có thể tự trả lời được cho mình những câu hỏi sau, thì có nghĩa là cuộc sống hiện nay ở VN đã tốt rồi, và cái chế độ này là đúng, không cần phải thay đổi nữa.
Đó là, môi trường sống hiện nay ở VN đã thực sự tạo cho tôi/gia đình tôi cái cảm giác được sống trong một xã hội công bằng chưa? Nếu tôi sinh ra trong một gia đình khá giả, hoặc chỉ cần trung lưu thôi, ở hai thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, và ngược lại, trong một gia đình nghèo ở tỉnh lẻ hoặc vùng sâu vùng xa, tôi có được thụ hưởng một môi trường giáo dục và điều kiện học tập, giải trí như nhau không? Nếu tôi là con em gia đình cán bộ có chức có quyền hoặc có tiền và tôi là con em của một gia đình công nhân, công nhân viên bình thường, sau khi học xong đại học, cơ hội công việc của tôi có như nhau không? Và sau đó, cơ hội thăng tiến của tôi có như nhau không? Nếu xảy ra một vụ vi phạm pháp luật, giữa hai trường hợp, là cán bộ/hoặc con em gia đình cán bộ có chức quyền và một người dân thường hoặc con em họ, thì bản án của tòa dành cho tôi có giống nhau hay nói khác đi, cơ hội bình đẳng trước pháp luật của tôi có như nhau? Chênh lệch thu nhập và sự thụ hưởng cuộc sống của tôi, một công nhân/nông dân/công nhân viên bình thường với một người có chức có quyền gấp bao nhiêu lần?
Cuộc sống hiện nay trong xã hội VN đã thực sự tạo cho tôi/gia đình tôi cảm giác an toàn, không phải lo âu, sợ hãi trước quá nhiều vấn đề chưa? Chẳng hạn, khi thất nghiệp tôi có thể trông cậy vào chính phủ giúp đỡ hoặc trợ cấp? Khi tai nạn xảy ra mà lỗi thuộc người khác hoặc lỗi do cơ quan/công ty nơi tôi làm việc, tôi có được đền bù thỏa đáng hoặc trợ cấp suốt đời nếu hoàn toàn mất sức lao động? Nếu bị bệnh do một nguyên nhân khách quan, tôi có thể kiện và được bồi thường hay phải chết oan uổng như những người dân trong phóng sự “Nỗi đau làng ung thư” ở Thạch Sơn, Phú Thọ đăng trên báo Người lao động ngày 13.2.2011 và rất nhiều những trường hợp khác? Nếu không giàu có, chỉ đi làm công nhân, công nhân viên bình thường, liệu khi đau ốm, nhất là những căn bệnh hiểm nghèo, tôi có thể có đủ tiền chạy chữa hoặc được nhà nước trợ giúp một phần? Nếu chỉ có tiền đóng bảo hiểm y tế nhà nước, liệu các bệnh viện nhà nước có chữa trị cho tôi đàng hoàng, đầy đủ? Khi tuổi già đến sau bao nhiêu năm làm việc cống hiến sức lực cho nhà nước, đồng lương hưu có giúp cho tôi đủ sống? Chưa kể muôn vàn nỗi lo khác đã kể ở trên…
Bây giờ mới nói đến tự do dân chủ là những thứ xa xỉ đối với số đông người Việt. Tôi có được tự do đi bầu chọn lựa ra những người có tài có đức lãnh đạo đất nước từ trên xuống dưới? Từ khi còn bé cắp sách đến trường cho đến lúc là một công dân trưởng thành trong xã hội, tôi có được quyền phát biểu những điều mình nghĩ, nói lên những thực trạng sai trái của đất nước hay nếu nói/viết ra thì hoặc là bị ghép tội phản động, bị cho vào tù hoặc những lời góp ý, phản biện ấy chỉ như rơi vào khoảng không-điều đã từng xảy ra nhiều lần với giới trí thức, các nhà khoa học, những người cách mạng lão thành khi góp ý phản biện với đảng, với nhà nước trong bao nhiêu dự án, chính sách sai lầm? Tôi có được quyền biểu tình phản đối một chính sách nào đó của nhà nước hay đơn giản, biểu tình chống lại Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa chứ chưa nói gì đến biểu tình chống nhà nước VN? Và vì sao VN lại nằm trong số ít các quốc gia mà việc viết blog có thể dẫn đến bị tù và facebook bị chặn?
Đất nước này có thật là của chung 86 triệu người VN hay chỉ của riêng một đảng, thậm chí của một nhóm người khi ai cho phép một nhóm người ấy có quyền ra những quyết định ảnh hưởng đến toàn bộ vận mệnh quốc gia, sự sống còn và tương lai của 86 triệu dân như những quyết định có liên quan đến lãnh thổ lãnh hải (như Hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ năm 2000 ký kết với Trung Quốc), có liên quan đến môi trường sống chung (như dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay cho các công ty nước ngoài thuê rừng đầu nguồn dọc biên giới)…mà không trưng cấu ý dân cũng không công khai, minh bạch hậu quả? Ai cho phép họ tham nhũng, ăn trên đầu trên cổ nhân dân, làm ăn thua lỗ thất thoát hàng ngàn tỷ đồng như vụ Vinashin và bắt dân phải gánh nợ hay những dự án điên rồ như đường cao tốc chỉ để dành cho một thiểu số có tiền?
v.v…và v.v…
Nếu một khi tôi đã có thể trả lời được tất cả những câu hỏi này, có nghĩa là chế độ này đã tốt đẹp và chúng ta không cần thay đổi nữa.
Còn nếu không, xin hãy nhìn các dân tộc Đông Âu trước đây, Tunisia và Ai Cập bây giờ, vì sao họ phải xuống đường, vì sao họ chọn lựa sự thay đổi. Dù biết rằng có khi phải trả giá bằng sinh mạng.
Người Việt Nam còn ngủ đến bao giờ?
http://www.rfavietnam.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét