Pages

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Bàn thêm về “Thư Ngỏ” của 36 trí thức hải ngoại

Lê Xuân Khoa
Mấy ngày trước đây tôi được một người bạn chuyển cho bài viết của ôngTrần Phong Vũ, nhan đề : “Vài suy nghĩ rời về Thư Ngỏ của Nhóm Trí thức hải ngoại gửi Nhà nước CSVN”. Vì có quen biết tác giả, tôi chú ý đọc hết bài này và tôi thấy cần phải hồi âm vì hai lý do: (1) đây là một bài phản biện của một trí thức có tư cách, đặt vấn đề thảo luận “trong tinh thần tương kính và xây dựng” và (2) ở phần cuối bài, tác giả lưu ý tôi đến một nhận xét “cay đắng” của nhà văn Nguyên Ngọc về lời “đoan hứa” của tướng Nguyễn Chí Vịnh với tướng Mã Hiểu Thiên của Trung Quốc, cho thấy rằng những phản đối, kiến nghị của trí thức là vô ích.

Về nội dung của Thư Ngỏ, ông Trần Phong Vũ cho biết là ông đồng thuận một số quan điểm được trình bày trong Thư Ngỏ, từ việc ủng hộ hai bản Tuyên cáo (25-6-11) và Kiến nghị (10-7-11) của nhân sĩ, trí thức trong nước, đến nhận định về hiểm họa Trung Quốc đang từng bước thôn tính Việt Nam,
những phân tích về sức mạnh dân tộc và những lời phê phán nhà cầm quyền về các chính sách đối nội và đối ngoại. Như vậy thì có thể nói là ông đồng ý với toàn thể nội dung của Thư Ngỏ, mà chỉ bất đồng ý, đúng ra là bất bình, về sự lựa chọn đối tượng của Thư Ngỏ. Đây là điểm then chốt mà theo ông là một sai lầm lớn của những người ký Thư Ngỏ. Ông nêu rõ hai căn do của sự bất bình này, dưới hình thức hai câu hỏi:
1. Phải chăng 34 (đúng ra là 36) nhân sĩ trí thức, nếu tất cả đều là người tị nạn chính trị, đã “sớm quên căn cước tị nạn chính trị của mình để công khai nhìn nhận tính chính đáng của một thứ nhà nước đang bị toàn dân coi là bè lũ cướp ngày?”
2. Chẳng lẽ những người viết Thư Ngỏ không biết đến “số phận của những loại Kiến nghị, Thỉnh Nguyện Thư, Thư Ngỏ, kể cả những Góp Ý Xây Dựng trong những kỳ bầu cử Quốc hội, Đại hội Đảng như thế nào?”

Về tính chính đáng của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), trước hết chúng ta cần phân biệt “chính danh” (legality, légalité) với “chính nghĩa” (legitimacy, légitimité) của một chính quyền. CHXHCNVN là một thực thể được quốc tế nhìn nhận là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, được ASEAN nhận làm hội viên, được Hoa Kỳ và tất cả những quốc gia dân chủ khác thiết lập quan hệ hợp tác trên nhiều lãnh vực. Như vậy, về mặt bang giao quốc tế, CHXHCNVN là một thực thể pháp lý có tính chính danh. Tuy nhiên, một chính quyền có chính danh không đương nhiên là một chính quyền có chính nghĩa , vì vậy trong khi hợp tác với Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và các nước dân chủ khác vẫn không ngừng đòi hỏi chính quyền độc tài ở Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân.
Đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, chính quyền độc tài cộng sản Việt Nam không có chính nghĩa và cũng không có chính dạnh. Nhưng vì chính quyền này đang nắm giữ vận mệnh của dân tộc nên người Việt hải ngoại không thể không đặt vấn đề trách nhiệm lịch sử với thực thể pháp lý này. Họ, và chỉ có họ, mới có quyền tham gia và triệu tập các hội nghị thượng đỉnh. Chỉ có họ mới có quyền thảo luận và ký kết thỏa ước với các chính phủ. Vậy ta phải đặt vấn đề với họ và phải dùng danh xưng chính thức của họ dù mình có nhìn nhận danh xưng ấy hay không. Chẳng hạn, khi viết cho Nguyễn Tấn Dũng thì phải gọi ông ta là Thủ tướng Chính phủ CHXHCNVN, chứ không thể gửi cho “bè lũ cướp ngày”. Văn thư của những người trong hàng ngũ trí thức cần phải phù hợp với ngôn từ và thủ tục quốc tế, nhất là khi những văn thư này được dịch ra ngoại ngữ để thông báo và vận động các chính phủ và dư luận quốc tế.
Viết đến đây, tôi liên tưởng đến kinh nghiệm bản thân trong thời gian vận động cho người tị nạn vài ba chục năm về trước. Ai cũng biết là chương trình định cư H.O. và R.O.V.R. là kết quả của nhiều năm vận động, đối thoại và điều đình giữa Hoa Kỳ và CHXHCNVN, trước khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Và trong tiến trình đối thoại lâu dài đó, một số đại diện tị nạn không chỉ làm việc với chính phủ Mỹ mà đã có đôi ba lần trực tiếp đặt vấn đề với đại diện cao cấp của CHXHCNVN qua trung gian của Bộ Ngoại Giao và một số Nghị sĩ và Dân biểu Hoa Kỳ. Vấn đề này đã được tôi trình bày với dẫn chứng cụ thể trong tài liệu tham khảo “The Voice of Refugees” viết cho Văn khố Thuyền nhân (Boat People Archive) của Thư Viện Quốc Hội trong ngày hội thảo về tị nạn Việt Nam tại Washington, DC ngày 2 tháng Năm, 2009 (độc giả muốn có tài liệu này, xin email về địa chỉ ThuNgo2108@gmail.com).

Về sự vô ích của việc gửi thư hay kiến nghị cho lãnh đạo Việt Nam, chúng ta cũng cần phân biệt “Thư Ngỏ” không phải là “Kiến nghị”. Đúng như tên của nó, Thư ngỏ không gửi riêng cho đối tượng mà được mở cho toàn thể mọi người, trong và ngoài nước. Vẫn biết rằng nhà cầm quyền cộng sản không quan tâm gì đến tiếng nói của trí thức chân chính, dù ở trong hay ngoài nước, nhưng người trí thức có trách nhiệm không thể giữ thái độ im lặng trước những vấn đề hệ trọng của đất nước. Nhà cầm quyền nghe hay không nghe là quyết định của họ, nhưng họ cần được nhắc nhở rằng chính quyền phải dựa vào sức mạnh của dân tộc thì mới bảo vệ được chủ quyền và phát triển đất nước. Muốn dựa vào dân thì phải đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, nếu đi ngược với lòng dân và còn đàn áp dân thì sớm muộn gì cũng sẽ bị dân lật đổ. Cổ nhân đã ví quan hệ giữa nhân dân và nhà nước như nước với thuyền: nước chở thuyền nhưng nước cũng lật thuyền tùy theo thuyền đi xuôi hay đi ngược dòng nước. Đó là cái thông điệp của Thư Ngỏ gửi đến giới lãnh đạo và đến mọi thành phần dân tộc, dù cho cơ quan nhà nước có ngăn chặn thông tin. Qua các trang blogs và những phương tiện thông tin điện tử khác, Thư Ngỏ đã được phổ biến rộng rãi cả trong và ngoài nước.
Về lời phát biểu “cay đắng” của nhà văn Nguyên Ngọc được ông Trần Phong Vũ trích dẫn, tôi không thể trả lời thay cho ông Nguyên Ngọc về ý nghĩa thật sự trong lởi phát biểu của ông đối với việc Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh hứa với tướng Trung Quốc Mã Hiểu Thiên là sẽ “kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.” Ông Nguyên Ngọc viết:
“Có vậy mà các vị nhân sĩ trí thức ta cứ phản đối, kiến nghị này nọ um sùm. Thật là chẳng hiểu biết gì cả!
Thôi nhé, nay thì đã hiểu quá rồi!”
Nếu tôi hiểu đúng thì khi lưu ý tôi rằng “nhà văn Nguyên Ngọc đã phát hiện điều gì khác lạ đánh động ông khi cay đắng kết thúc” như thế, ông Trần Phong Vũ cho rằng ông Nguyên Ngọc đã phát hiện được rằng nhà cầm quyền không thèm đếm xỉa đến những phản đối hay kiến nghị của trí thức.
Vì đã có dịp gặp gỡ trao đổi thân tình với nhà văn Nguyên Ngọc, ở Hoa Kỳ cũng như ở trong nước, đặc biệt về vấn đề giáo dục đào tạo, tôi thấy không nên hiểu lời phát biểu trên đây của ông Nguyên Ngọc một cách đơn giản như một “phát hiện” về thái độ khinh thường trí thức của giới lãnh đạo. Ông Nguyên Ngọc cũng như các thân hữu của ông đã thừa biết thái độ này của nhà cầm quyền nhưng vẫn phải tiếp tục lên tiếng với họ và với nhân dân như một vấn đề trách nhiệm. Bởi thế, ông đã ký tên trên cả hai bản Tuyên cáo (25.6) và Kiến nghị (10.7). Cho đến khi tướng Vịnh “trịnh trọng hứa với ông tướng Tàu” là sẽ “kiên quyết” không cho tái diễn những cuộc biểu tình yêu nước ở Việt Nam, thì ông Nguyên Ngọc hết chịu nổi thái độ khinh thường trí thức quá mức của chính quyền và ông đã cất tiếng tự trách mình và bạn bè về sự bày tỏ thiện chí với chính quyền. Tôi hiểu đây chính là một biểu lộ tức giận, vạch rõ thái độ phục tùng Bấc kinh của một nhân vật lãnh đạo Việt Nam. Như vậy, không có nghĩa là trí thức phải cam chịu mà sẽ tiếp tục tranh đấu bằng mọi phương cách, có thể ở mức độ cao hơn. Mới đây, sau khi viết Thư Ngỏ cho Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, nhà văn Nguyên Ngọc đã cùng chin nhà trí thức khác đứng đơn khởi kiện Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội về việc vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, vi phạm luật báo chí và bộ luật hình sự.
Nhà văn Nguyên Ngọc đã sớm nổi tiếng về tác phẩm mang tên “Đất nước đứng lên”. Ngày nay, ở tuổi 80, hình như ông đang hô hào “Trí thức đứng lên!”.
Một vần đề khác liên quan đến việc nhìn nhận “bè lũ cướp ngày” như một đối tượng “hợp tác”, “đối thoại”. Ông Trần Phong Vũ dẫn ra những kinh nghiệm đối thoại và “hợp tác một chiều”, bất cân xứng của một vài vị trong hàng Giáo phẩm ở trong nước. Với tư cách một tín hữu làm công tác truyền thông Công giáo Việt nam hải ngoại, ông cũng chia sẻ rằng “chúng tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm đau đớn xuyên qua những thuện chí và nỗ lực để “đối thoại” với đảng và nhà nước CSVN.”
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của ông Trần Phong Vũ về sự “hợp tác một chiều“ và kinh nghiệm “đối thoại với những người điếc” của Giáo hội Công giáo với nhà nước CSVN. Nhưng Thư Ngỏ của 36 trí thức hải ngoại không đề cập đến vấn đề hợp tác và đối thoại với lãnh đạo Việt Nam mà chỉ đưa ra những khuyến cáo và đòi hỏi thay đổi về các chính sách đối nội và đối ngọai. Nếu trong Thư Ngỏ có sáu dòng chữ nói về vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, một vấn đề được lãnh đạo Việt Nam nêu ra, thì tất cả đều là những điều kiện cụ thể: tái thiết Nghĩa trang Biên hòa, tìm kiếm hài cốt những người đã bỏ mình trong các trại tù cải tạo, và không ngăn cản việc xây dựng bia tưởng niệm thuyền nhân ở Đông Nam Á, như những bước đầu tiên cần thiết để có thể thực hiện những bước hòa giải tiếp theo.
Trở lại vấn đề Thư Ngỏ, tôi đã cố gắng làm sáng tỏ mấy vấn đề mà ông Trần Phong Vũ đã nêu ra, cũng trong tinh thần tương kính và dân chủ. Trước tình hình cấp bách về hiểm họa Trung Quốc, sau khi trí thức trong nước lên tiếng được gần hai tháng, một số chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông và Đồng bằng Cửu Long thấy cần có sự hưởng ứng của trí thức ở ngoài nước. Chúng tôi trao đổi ý kiến với nhau về nội dung của bản lên tiếng, từ đó lá Thư Ngỏ ra đời. Chúng tôi quyết định những người ký tên sẽ là những trí thức độc lập, không thuộc một tổ chức chính trị nào, để tránh cho trí thức trong nước bị chính quyền chụp mũ “cấu kết với thế lực thù địch.” Chúng tôi cũng không chủ trương kêu gọi lấy chữ ký của mọi người để tránh bị hiểu lầm là có ý đồ lãnh đao cộng đồng. Nhóm ký tên, dự liệu khoảng 25 người, không đại diện cho cộng đồng nhưng điển hình cho những lứa tuổi, giới tính, ngành nghề và khuynh hướng khác nhau. Vì tính chất điển hình này, chúng tôi rất tiếc đã bỏ sót một số thân hữu có thể muốn tham gia. Rốt cuộc con số ký tên lên đến 36 người. Chúng tôi nghĩ rằng quý vị tán thành Thư Ngỏ có thể lên tiếng với tư cách cá nhân hay tổ chức của quý vị, và thông báo cho chúng tôi ở địa chỉ ThuNgo2108@gmail.com, chúng tôi sẽ cám ơn và ghi nhận ý kiến của quý vị.
Ở phần cuối bài viết “Vài suy nghĩ rời . . .” ông Trần Phong Vũ cũng nêu ý kiến là, trước nhu cầu cấp bách của tình thế, cần có một Bản Lên Tiếng của mọi người, mọi giới, với đối tượng và nội dung khác. Tôi nghĩ rằng nếu các đại diện của mọi giới trong cộng đồng có thể đồng thuận về một bản lên tiếng chung thì tốt nhất. Nếu không thì tiếng nói của những nhóm khác nhau cũng có thể có hiệu quả tích cực, miễn là cùng có chung một mục đích là hỗ trợ cho trí thức và đánh động ý thức của đồng bào trong nước. Riêng cá nhân tôi, nếu có điều gì liên quan đến Thư Ngỏ cần được thảo luận hay làm sáng tỏ thêm, tôi rất sẵn sàng thảo luận và giải đáp trong một buổi họp công khai. Những buổi trao đổi ý kiến công khai như vậy sẽ giúp mọi người hiểu rõ vấn đề hơn, xây dựng tình đoàn kết và gia tăng sức mạnh của cộng đồng. Những hành động chia rẽ, phá hoại cộng đồng của những phần tử xấu sẽ bị đẩy lui và chấm dứt.
10 tháng Chín, 2011

Không có nhận xét nào: