Pages

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Bất ổn vĩ mô và…“thành tích” tăng trưởng

(Tamnhin.net) - Giá phải trả cho “thành tích” tăng trưởng 5 năm qua là quá lớn và những bất ổn vĩ mô đã trở nên cực kỳ nguy hiểm.



Nhận định này đã được đưa ra tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội chiều 24/9 tại Tp.HCM thảo luận những giải pháp dài hạn cho nền kinh tế đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Với những phân tích có hệ thống, nhiều ý kiến tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng đã đến lúc phải nhìn rõ và nói rõ sự thật là tình hình đã vô cùng khó khăn và sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, muốn ổn định vĩ mô thì không còn cách nào khác là cần phải nhìn thẳng vào sự thật

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với nhiều đại biểu về nhận định tình hình hiện tại đang hết sức khó khăn và cho rằng báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại cuộc họp bị nhiều chuyên gia cả trong nước và nước ngoài đánh giá là "hồng" hơn tình hình thực tế.

Tổng giám đốc Sài gòn Co-op Nguyễn Ngọc Hòa nhận xét “chưa bao giờ tình hình kinh tế khó khăn như lúc này”. Người dân mất lòng tin còn doanh nghiệp thì có tâm lý co cụm, e dè trong sản xuất vì không tin ổn định kinh tế vĩ mô có thể được lập lại trong thời gian ngắn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đặt câu hỏi, bây giờ nguyên nhân lạm phát cao không thể đổ cho “lý do bên ngoài là chính” mà được xác định là do “bên trong” là chính nhưng là chỗ nào, khâu nào ở bên trong?

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Báo cáo do Thủ tướng Chính phủ thì bên cạnh kết quả có “hạn chế yếu kém”, còn báo cáo của Bộ chỉ là “tồn tại hạn chế”. Gốc rễ vấn đề, thực ra vẫn nằm ở điều hành.

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM chỉ ra điểm mới báo cáo của năm nay, năm sau và cả kế hoạch 5 năm tới là đã thấm thía sự cần thiết phải ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế, thay vì ưu tiên tăng trưởng.

Năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến hai kịch bản với tốc độ tăng trưởng 6 và 6,5%, song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều ở mức dưới 10%.

Theo TS Trần Du Lịch, kịch bản nào cũng được, nhưng “sống chết” năm 2012 lạm phát phải về 1 con số vì mặt bằng lạm phát cuối năm nay cộng với 10% đã là ghê gớm lắm, vấn đề ở đây không chỉ là phải là kinh tế mà tác động vào xã hội rất lớn, vì lạm phát là thuế vô hình đánh vào toàn dân.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, 2012 phải là năm cơ bản để tái cấu trúc nền kinh tế trên cơ sở mô hình tăng trưởng hợp lý. Quan trọng nhất trong kế hoạch 5 năm không phải là GDP tăng bao nhiêu mà phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để tái cấu trúc kinh tế theo đúng lộ trình

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế VN), nền kinh tế đang rơi vào tình thế hết sức cấp bách nhưng cách thức điều hành vĩ mô và chống lạm phát vẫn nặng về hành chính, mang tính chữa cháy quá nhiều. Chúng ta đang chạy theo mục tiêu lạm phát động. Biểu hiện rõ nhất, từ đầu năm đến nay đã nhiều lần Quốc hội và Chính phủ phải điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát!

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, lạm phát có thể vượt tầm kiểm soát kéo theo những rủi ro vĩ mô khá lớn nếu như tính kiên định trong việc thực thi chính sách vì một lý do nào đó bị giảm sút. Trước mắt, cần tập trung thực hiện kỷ luật tài khóa, thực thi giảm thâm hụt ngân sách một cách cứng rắn theo lộ trình rõ ràng, trong đó ưu tiên kiểm soát chi, tạo điều kiện để giảm thu nhằm khoan sức dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

TS Võ Đại Lược cũng cho rằng, nếu muốn “cứu” lạm phát thì phải “hy sinh” tăng trưởng ở mức 4%, chứ không phải là 6% như hiện nay. Phải giảm các biện pháp hành chính và gia tăng các biện pháp về thị trường. Cách điều hành phải theo thông lệ quốc tế, lãi suất dương, tăng dự trữ bắt buộc. Giảm mức thu vào ngân sách, chỉ vào khoảng 20% GDP mới thực sự giảm chi công được. Bỏ lãi suất trần huy động 14% và trần cho vay 18% - 19%, thực hiện lãi suất thỏa thuận. Bỏ cho vay bằng đồng USD... Hệ quả là một số DN sẽ phá sản, nhưng đây là cơ hội để tái cơ cấu các DN. Chúng ta đang ưu tiên cho mục tiêu chống lạm phát nên không thể hạ lãi suất trong thời điểm này để “chiều lòng” DN!

Về lâu dài, hầu hết các ý kiến đều cho rằng không thể chống được lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô, khôi phục và xác lập cơ sở tăng trưởng hiện đại nếu không thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực, cũng không thể giảm nhập siêu chủ yếu bằng công cụ tỷ giá. Nên loại bỏ hình thức tăng trưởng dựa trên “tư duy nhiệm kỳ cộng với chủ nghĩa hình thức” thì nền kinh tế mới có thể phát triển nhanh và bền vững được.

Theo TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nền kinh tế cần có 3 trụ cột chính, đó là thể chế kinh tế, nguồn nhân lực chất lượng cao và kết cấu hạ tầng đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng và cải thiện dân sinh. Cần phân bổ nguồn lực dựa trên hiệu quả, vì nguồn lực là hữu hạn nhưng với cơ chế hiện nay còn dẫn đến tình trạng người có khả năng tạo ra hiệu quả cao thì không có nguồn lực và ngược lại.

Với thực trạng nền kinh tế hiện nay, nhiệm vụ tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có lộ trình và bước đi cần thiết, trước mắt cần tập trung làm nhanh 4 nhóm vấn đề, đó là cấu trúc lại đầu tư công; tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó ưu tiên hệ thống ngân hàng thương mại và phát triển các định chế tài chính, tín dụng phi ngân hàng; cần sửa đổi các đạo luật có liên quan để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DN, trong đó ưu tiên tái cấu trúc DN nhà nước và tái cấu trúc thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa. Đã tới lúc không phải cái gì xuất khẩu được là xuất, không chạy theo kim ngạch mà phải tính toán giá trị nội địa hóa trong cơ cấu giá trị xuất khẩu và sử dụng nguồn lực.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tập trung cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng chỉ làm chức năng chính được nhà nước giao, không kinh doanh đa ngành. Cải cách DN nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa DN, những lĩnh vực không cần thiết, nhà nước nên chuyển hẳn cho tư nhân rút vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhà nước không kinh doanh kiếm lợi, chỉ nắm một số lĩnh vực làm công cụ điều tiết kinh tế như cầu, đường, điện….

Không có nhận xét nào: