Tống văn Công
Đó là nhận định của Giáo sư nông học Đào Thế Tuấn khi trả lời nhà báo Hàm Châu trên báo Nông nghiệp Việt Nam xuân Tân Mão 2011. Giáo sư nói: “Nghịch cảnh thay, nông dân từng là “chủ lực quân của cách mạng giải phóng dân tộc”, cũng là người lặng lẽ âm thầm khởi xướng công cuộc đổi mới, nhưng lại ít được hưởng lợị nhất từ đổi mới… Đáng lo thay, nông dân là bộ phận yếu thế nhất trong nhân dân… Quyền lợi của nông dân không được bảo vệ. Nông dân thiếu chủ quyền về đất đai, mất đất mà không có ai bênh vực”!
Càng đáng lo thay, khi nhìn lại lịch sử, nông dân từng hăm hở đi theo Đảng bởi khẩu hiệu “Người cày có ruộng!”; và hai nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng là Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp cùng viết chung quyển sách lớn đầu tiên là Vấn đế dân cày!
Hằng chục năm nay, nông dân rỉ tai nhau về những “nỗi kinh hoàng”. Trước Đổi mới, NỖI KINH HOÀNG có tên là “VÀO HỢP TÁC XÔ! Sau Đổi mới, NỖI KINH HOÀNG được đổi tên là “GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG”!
Tài liệu mới nhất tôi được đọc là bài Nỗi lo hậu giải tỏa ở Đà Nẵng của nhà báo Hoàng Dũng đăng trên Người Lao Động ngày 12-9-2011, kể:
“Ông Lê Đức H. (50 tuổi, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết năm 1998, gia đình ông thuộc diện giải tỏa đền bù đi hẳn. Toàn bộ diện tích đất ở của gia đình ông là 198 m2 được đền bù 155 triệu đồng. Ngoài ra gần 1500 m2 đất nông nghiệp của gia đình ông được đền bù gần 30 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông được bố trí mua một lô đất tái định cư 100 m2 ở phường Mỹ An với giá 180 triệu đồng. Không đủ tiền mua đất và xây nhà, gia đình ông phải nợ 50% tiền đất và tiền nợ được quy theo giá vàng. Giá vàng lúc đó 850.000 đồng chỉ, nhưng bây giờ giá vàng lên cao quá nên khoản nợ cao dần, khó có khả năng thanh toán. Khi không còn đất canh tác ông H. chuyển sang nghề xe thồ, nhưng không đủ sống. Không còn cách nào khác, ông H. vác cuốc đến những khu dân cư mới để trồng rau kiếm sống, nuôi 4 đứa con ăn học”. (Vừa qua, TP Đà Nẵng giảm mức giá quy ra vàng xuống 1,6 triệu/chỉ, vẫn còn cao gấp đôi lúc mua đất!). Theo bài báo, có ông Ph. 56 tuổi và hằng trăm người khác cùng cảnh ngộ như ông H.!
Theo ông giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng thì nhà nước có chính sách và định hướng thị trường việc làm, giúp tham gia học nghề, tìm việc làm, chứ không thể bốc người dân đặt vào việc làm đó. “Mình giúp người thuộc diện giải tỏa hướng đi, nhưng quyết định là ở họ”. Nói như ông, tức là những người nông dân đang bị khốn khổ là tại họ quyết định chọn cái khốn khổ đó! Ông không thấy rằng, những người như ông H. 50 tuổi, ông Ph. 56 tuổi làm sao có thể vào trường đào tạo nghề đây? Và dù các ông muốn đi học thì làm sao có cơm gạo cho gia đình và các con sống đây?
Bài báo không cho biết nhiều điều: Đây là có phải dự án thuộc diện thu hồi đất hay không? Người nông dân ở đây có quyền đòi đền bù theo giá thị trường hay không? Tại sao lấy của người nông dân 198 m2 đất ở, 1500 m2 đất ruộng mà lại bán cho họ loại đất ở có diện tích chỉ bằng nửa số đất ở cũ mà giá cao gấp đôi số tiền họ được đền bù cho 1655 m2 đất? Tại sao người nông dân thiếu tiền đồng Việt Nam lại bị quy ra nợ bằng giá vàng? Như vậy tức là nhà nước đẩy sự rủi ro do mình gây ra vì quản lý kém, cho người nông dân phải gánh chịu?
Những người nông dân trong bài báo nói trên không hề thắc mắc, đặt ra những câu hỏi nào cho chính quyền Đà Nẵng. Như vậy có thể biết rằng bao nhiêu người ở rất nhiều cuộc khiếu kiện vượt cấp, nhiều vụ từ miền Nam ra tận Thủ đô ăn chực nằm chờ, thì phải là oan khuất nặng nề lắm! Chỉ điểm lại vài vụ (chưa hẳn là tiêu biểu).
1- Vụ dự án Lấn biển ở Kiên Giang năm 2010. Lúc đầu, người dân rất hoan nghênh dự án, nhưng khi thực hiện thì hằng trăm hộ bị giải tỏa 420 ha, trong đó đất của nhiều hộ đã có sổ đỏ. Giá đền bù 1 m2 đất không bằng giá 1 kg cá linh. Người dân không chấp nhận giá đền bù. Chính quyền ra quyết định cưỡng chế! Người dân hô hào:”Bỏ mạng chứ không bỏ đất”, và kéo đi biểu tình với những khẩu hiệu bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước, chỉ đả đảo ông Chủ tịch UBND Rạch Giá BNS áp chế dân!
2- Vụ hơn 30 hộ dân ở Bình Dương ra Hà Nội khiếu kiện chính quyền tỉnh thu hồi và đền bù tiền đất trái pháp luật. Vụ này kéo dài 7 năm. Những người khiếu kiện bị cưỡng chế thô bạo. Bắt đầu ra các quyết định thu hồi đất năm 2005, nhưng tỉnh đã phê duyệt các phương án đền bù giải tỏa từ năm 2003; Thành lập ban chỉ đạo giải tỏa bồi thường mà không thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại có đại diện các hộ dân theo quy định; không có biên bản khảo sát thực địa, làm cơ sở lập phương án đền bù… Sau khi Thanh tra kết luận sai trái, tỉnh vẫn giấu nhẹm và ra văn bản công bố với dân là Tỉnh làm đúng!
3- Vụ thu hồi đất ở Cồn Dầu – Đà Nẵng, không được người dân đồng tình vì: Chính quyền thành phố Đà Nẵng thu hồi đất, đền bù với giá rất rẻ, rồi bán lại cho Công ty cổ phần Mặt Trời, đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, không phù hợp với quy định thu hồi đất của Luật đất đai 2003. Thành phố Đà Nẵng thực hiện cưỡng chế gây hậu quả nghiêm trọng: một người chết, nhiều người bị bắt, hằng chục người bỏ trốn sang nước khác và xin tỵ nạn gây nhiều dư luận không tốt.
Còn có thể nhiều vụ khác ở Long An, Bến Tre, khu tứ giác Eden ở TP Hồ Chí Minh… và mới nhất là vụ thu hồi đất ở Bắc Giang tháng 4 năm 2011, nhiều chủ đất vốn là cựu chiến binh như Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Sửu bị bắt và bị đánh đập. Cuối cùng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Khoa phải đứng ra giải quyết.
Mỗi năm cả nước mất trung bình 100.000 ha đất nông nghiệp cho các loại dự án, tai tiếng nhất là các dự án sân golf (phần lớn là trá hình để kinh doanh bất động sản). Nông nghiệp được quản lý bởi 5 Bộ và chính quyền địa phương, có lúc dẫm chân nhau, có lúc không rõ trách nhiệm. Hội Nông dân không có chức năng bảo vệ lợi ích, can thiệp những vụ thu hồi đất và đền bù giải tỏa không đúng pháp luật. Việc thực hiện Nghị quyết Đảng về những vấn đề quan trọng còn quá chậm chạp như: “Sửa đổi Luật đất đai”; “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại”; “Phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp”…
Để giai cấp nông dân khôi phục được vai trò “chủ lực quân” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khắc phục tình trạng yếu thế nhất, chấm dứt tình trạng khiếu kiện dai dẳng, cần thực hiện những việc cấp bách nhất:
1- Sửa đổi Luật đất đai theo hướng trả lại quyền sở hữu cho nông dân, thực chất là khẩu hiệu “Người cày có ruộng” mà Đảng nêu ra ngày xưa. Người nông dân đối thoại với tư cách chủ sở hữu đất đai, chống lại có hiệu quả mọi sự lạm quyền nhân danh ông chủ “sở hữu toàn dân”.
2- Đổi mới Hội Nông dân, thực chất là tạo điều kiện cho nông dân thực hiện dân chủ, bầu chọn đúng người họ tín nhiệm, có khả năng bảo vệ lợi ích khi nảy sinh tranh chấp, như mua bán đất cho các dự án, định giá lúa gạo với các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực.
Sau khi, hình thành được các hình thức kinh tế tập thể, như công ty cổ phần sản xuất và chế biến nông sản, lúc ấy sẽ chín mùi cho việc thành lập tổ chức công đoàn trong nông dân như ý giáo sư Đào Thế Tuấn.
3- Tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa 10) về “phát triển các hình thức kinh tế tập thể”. Nhà nước cần khắc phục tình trạng đầu tư cho nông nghiệp quá sút giảm trong hằng chục năm qua. Năm 1986, đầu tư cho nông nghiệp từ ODA là 20%, đến năm 2006 chỉ còn chưa tới 3%. Mấy năm gần đây cũng chỉ nhích lên 5% – 6%. Đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, tạo điều kiện hình thành những công ty cổ phần trong sản xuất và chế biến nông sản, sẽ đạt được một lúc ít nhất là hai mục tiêu: Một là làm cho hạt gạo Việt Nam thoát khỏi tình trạng “5 cha, 3 mẹ”, do mỗi hộ cá thể trồng một giống lúa, làm giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu. Hai là nông dân có thu nhập cao, tự mình xây dựng nông thôn mới, có tiếng nói mạnh mẽ của Công ty cổ phần khi đối thoại với đối tác như Hiệp hội Lương thực, và có tổ chức công đoàn bảo vệ lợi ích, bàn bạc với chính quyền địa phương, không còn phải chạy đi khiếu kiện vượt cấp, gây bất ổn.
Ngày 13-9- 2011
T.V.C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét