Pages

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Kê khai tài sản, trung thực đến mức nào?



AFP PHOTO
Một công trường xây dựng nhà ở sang trọng
tại Hà Nội.

Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-09-01
Theo Nghị định 37 việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức đã được triển khai từ mấy năm nay. Nhưng việc kê khai trung thực đến mức nào?

Việc thực hiện Nghị định 37 chủ yếu dựa vào sự tự giác và trung thực của từng cá nhân nên qua đánh giá, hiệu quả và tác dụng chưa đạt được bao nhiêu. Do vậy, mới đây chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 68 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 37 về vấn đề minh bạch tài sản, và thu nhập cá nhân.


Nhân dịp này Quỳnh Như có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông, nguyên Đại biểu Quốc hội, về vấn đề kê khai tài sản cán bộ theo quy định của nhà nước.

Chưa minh bạch


Việc kê khai tài sản, thu nhập đã được ban hành từ bốn năm trước, theo Nghị định 37 ký ngày 09 tháng 3 năm 2007, nhưng qua đánh giá trên thực tế thì hầu như vấn đề này chưa được thực hiện một cách minh bạch rõ ràng, thậm chí có những người không thi hành.

Do bản thân cán bộ công chức tự giác kê khai thôi, chứ cũng không đưa ra để xác minh hoặc là công khai ở ngoài công chúng nên cũng không biết là như thế nào.

Ô. Lê Văn Cuông

Theo Phó Tổng thanh tra Chính phủ, ông Trần Đức Lượng, trước đây có thể có một số cán bộ rất ngại kê khai tài sản, thu nhập và rất sợ công khai, nhưng người quản lý lại không có chế tài để xử lý.

Đề cập đến vấn đề kê khai tài sản đối với tất cả cán bộ công chức, ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu tỉnh Thanh Hóa kiêm Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Thanh Hóa, một trong số những người từng thẳng thắn phát biểu những ý kiến mà cử tri muốn gởi gắm đến Quốc hội cho biết như sau:

“Sau luật phòng chống tham nhũng, chính phủ có hướng dẫn cho các cấp chính quyền yêu cầu cán bộ tổ chức kê khai tài sản thu nhập, và những hồ sơ đều được các tổ chức có trách nhiệm đưa vào quản lý, chứ không công khai về kết quả kê khai tài sản, mà chỉ hướng dẫn cho cán bộ công chức kê khai rồi đưa vào hồ sơ hàng năm thôi. Bản thân tôi hàng năm cũng được hướng dẫn và kê khai rồi gửi cho cấp có thẩm quyền để đưa vào hồ sơ.”
Nguyên Đại biểu Quốc hội của tỉnh Thanh Hóa giải thích cụ thể chủ trương kê khai tài sản, thu nhập như sau:


lvc200.jpg
Ông Lê Văn Cuông. Courtesy vtc.
“Theo luật, người thực hiện thì phải kê khai, để thứ nhất là cho tổ chức cũng nắm được tài sản của cán bộ công chức. Thứ hai là khi cần thí dụ như có những vấn đề liên quan đến trách nhiệm cá nhân thì các tổ chức có thẩm quyền họ sẽ kiểm tra và đánh giá sự trung thực của những người kê khai và từ đó để xem xét trách nhiệm. Và đến khi cần thì cũng là cơ sở để cho các tổ chức có thẩm quyền xem xét và kiểm tra lại tài sản đó, xác định là tài sản đó có xứng đáng hay là bất minh thì để xử lý.”

Đánh giá công tác thực hiện chủ trương cán bộ tự kê khai tài sản với đơn vị, ông Cuông nhận định:

“Do bản thân cán bộ công chức tự giác kê khai thôi, chứ cũng không đưa ra để xác minh hoặc là công khai ở ngoài công chúng nên cũng không biết là như thế nào. Tự bản thân từng người kê khai rồi nộp cho tổ chức thôi, cho nên chúng tôi cũng không nắm được các thành phần cán bộ công chức họ kê khai như thế nào và tài sản của họ thì cũng không nắm được. Chỉ có các cơ quan chức năng họ quan tâm thì họ mới nắm được thôi chứ công dân hay đại biểu chúng tôi thì cũng chỉ thực hiện cái trách nhiệm của mình thôi chứ còn cũng không nắm được các thành phần khác.”

Phụ thuộc sự tự giác?


Vấn đề này thì cũng có thực hiện nhưng mà tác dụng và độ chính xác nhưthế nào thì nó cũng phụ thuộc vào sự tự giác của cán bộ công chức.

Ô. Lê Văn Cuông

Chính vì cách làm mang tính hình thức, ít có tác dụng này không giúp ích gì nhiều cho việc phòng chống tham nhũng nên chính phủ vừa ban hành Nghị định 68 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/09 tới đây. Văn bản mới này được cho là có một bước cải tiến trong việc xác định rõ nguyên tắc kê khai tài sản, cụ thể là cá nhân tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Cũng theo quy định mới bản kê khai này sẽ được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị làm việc dưới hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan. Đồng thời nâng hình thức xử phạt cán bộ, công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực lên mức nặng nhất là cách chức – cao hơn so với trước đây chỉ là hình thức hạ ngạch.

Khi được hỏi vai trò của quốc hội đối với việc giám sát công tác kê khai tài sản ra sao, đại biểu Lê Văn Cuông cho biết:

“Trước đây thì đại biểu quốc hội chúng tôi thì cũng được quốc hội gửi bản photo kê khai của các cán bộ mà quốc hội phê chuẩn hoặc bầu thì cũng có biết là như thế. Nhưng thực tế có chính xác hay không thì cũng hoàn toàn không nắm được. Cho nên vấn đề này thì cũng có thực hiện nhưng mà tác dụng và độ chính xác như thế nào thì nó cũng phụ thuộc vào sự tự giác của cán bộ công chức. Chỉ có cái tác dụng là tạo nên tính tự giác của cán bộ công chức, thì vấn đề đó theo tôi nhận thức nó cũng có một số tác dụng cơ bản như vậy thôi.”
Tuy có những tiến bộ so với quy định trước đây trong vấn đề kê khai tài sản, nhưng Nghị định 68 cũng còn nhiều điểm cần được bổ sung, báo chí trong nước cũng nêu câu hỏi với người đại diện cơ quan thanh tra chính phủ, làm thế nào để tránh được những kẻ hở trong vấn đề kê khai tài sản, thu nhập, ví như tài sản ở nước ngoài hay trường hợp tài sản đã được phân tán cho những người trong gia đình đứng tên…

Luật pháp không ban hành với nội dung cho phép người thực hiện trong tinh thần tự giác, vì vậy Nghị định 68 tuy đã có tiến triển nhưng vẫn chưa thật sự đóng kín cánh cửa luồn lách của người kê khai.

Tính tự giác khi kê khai tài sản nghe sao quá dễ dãi! Bởi có ai muốn khai thật để bị tịch thu hay bị làm khó đối với thu nhập ít nhưng tài sản lại nhiều?

Không có nhận xét nào: