Pages

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Thay đổi điều lệ đảng: Điều kiện tiên quyết để sửa Hiến pháp

Bùi Tín
hienphap 1992

Việc dự thảo Hiến pháp mới đã được ghi vào chương trình làm việc quốc gia ở trong nước, coi như việc hệ trọng nhất của đất nước trong suốt hơn 2 năm tới.
Một Ủy ban dự thảo Hiến Pháp đồ sộ đã được cử ra, với chủ tịch là Chủ tịch Quốc hội, nhiều phó chủ tịch, ở dưới ủy ban này còn có một Ban biên tập và nhiều bộ phận liên quan, lại còn cử ra Thường trực Ban biên tập và một số Tổ biên tập.

Theo trình tự thời gian, tháng 4-2012, Ủy ban dự thảo hiến pháp sẽ hoàn thành bản báo cáo về nội dung sửa đổi và bổ sung hiến pháp năm 1992; tháng 10-2012 sẽ công bố bản dự thảo 1; tháng 1-2013 sẽ lấy ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp; tháng 10 hoặc tháng 11-2013, Quốc hội sẽ thông qua bản Hiến pháp mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – một người nổi tiếng về ăn nói thiếu suy nghĩ, nói lấy được – trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban dự thảo hiến pháp mới đã chỉ ra rằng khối lượng công việc của ủy ban trong hơn 2 năm tới là rất lớn, tiêu chí công việc dự thảo rất cao, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm tập thể và áp dụng phương thức làm việc khoa học.
Ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Ủy ban dự thảo và Ban biên tập cùng các Tổ biên tập cần nắm vững và đưa vào bản hiến pháp mới nội dung Cương lĩnh quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Nghị quyết vừa được Đại hội XI của đảng CS thông qua.
Trên đây là định hướng quan trọng nhất, và cũng là định hướng nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến thất bại cay đắng của bản dự thảo, sẽ làm cho bản dự thảo chắc chắn vấp phải sự phủ quyết của tuyệt đại đa số nhân dân nếu được đưa ra trưng cầu dân ý một cách nghiêm chỉnh.
Có lẽ chính vì vậy mà nhóm lãnh đạo cao nhất không dám cam kết, hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới.
Vì sao vậy? Vì không gì sai lầm, mù quáng bằng lấy những văn kiện được thông qua ở Đại hội XI của đảng CS làm cơ sở lý luận và tư tưởng của bản hiến pháp mới.
Không cần nhắc lại gì nhiều. Chỉ xin nhắc lại một sự kiện xảy ra ngày 7-10-2010 tại trụ sở Trung tâm thông tin dự báo kinh tế – xã hội quốc gia ở Hà Nội, khi các trí thức yêu nước họp nhau lại để góp ý vào các văn kiện đại hội XI; chỉ cần điểm vài tên các trí thức có tâm và có tầm, có dũng khí nói lên sự thật. Đó là Giáo sư Trần Phương, cựu phó thủ tướng; Vũ Khoan, cựu phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao; Giáo sư Phan Văn Tiệm, nguyên thứ trưởng tài chánh; Giáo sư Việt Phương, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế; Giáo sư Đào Xuân Sâm, Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương; Tiến sỹ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế; Giáo sư Võ Đại Lược, viện trưởng Viện Kinh tế thế giới; nhà kinh tế Lê Đăng Doanh; bà Dương Thu Hương, nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước; nguyên đại sứ Nguyễn Trung; bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn của thủ tướng; cùng một loạt giáo sư kỳ cựu Đào Công Tiến, Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Đình Hương, bên các giáo sư trẻ hơn như Lưu Bích Hồ, Vũ Huy Từ…
Họ nói những gì? Tất cả đều nhất trí bác bỏ tất cả những lý luận và tư tưởng của các văn kiện đại hội XI, coi đó là những điều sai lầm, phi lý, hoang tưởng, phản khoa học, những giáo điều đã phá sản, đã bị các nước khác vứt bỏ. Tất cả đều nhất trí cho rằng phải viết lại hoàn toàn nghị quyết mới, cương lĩnh mới, trở vế với gốc gác dân tộc và những giá trị thời đại, đưa ra trưng cầu dân ý, thực hiện dân chủ đa nguyên trong pháp luật.
Bộ Chính trị khóa X và khóa XI bị trận tiến công về lý luận và tư tưởng dồn dập, thẳng thắn, triệt để và thất bại tơi bời, chưa bao giờ nặng nề và trực diện đến thế. Thất bại càng đậm và đau vì cuộc tiến công không phải xuất phát từ nước ngoài, từ «bọn đế quốc và phản động» mà từ ngay những người vốn là công thần của đảng, từ những đảng viên lâu năm, ủy viên trung ương, những phó thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, viện trưởng, giáo sư, tiến sỹ của đảng, cũng là những tinh hoa dân tộc mà uy lực không khuất phục được, danh vọng tiền tài không mua chuộc nổi.
Tất cả đều cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị phá sản triệt để, chủ nghĩa xã hội mác-xít là ảo tưởng viển vông, chuyên chính một đảng là sai lầm gốc gác, lấy quốc doanh làm chủ đạo nền kinh tế là tàn phá đất nước, sở hữu toàn dân về ruộng đất là khái niệm viển vông phá hoại nông thôn, nông nghiệp và phản bội nông dân. Các trí thức hàng đầu của đảng cho rằng nếu không thay đổi hản cả hệ thống những cơ sở lý luận và tư tưởng của đảng, nếu không dứt bỏ những giáo điều nguy hiểm thì không thể khôi phục uy tín của đảng và nhà nước, không thể khắc phục nạn nội xâm tham nhũng đang gắn chặt với nguy cơ bành trướng, không thể ngăn chặn đà tha hóa của đảng gắn chặt với sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Các trí thức thức tỉnh cho rằng nếu không chấn chỉnh đảng CS trước hết, không lột xác đảng CS khỏi tệ giáo điều, không thay đổi điều lệ đảng, không từ bỏ tất cả những lý luận và tư tưởng đã bị cuộc sống khắc nghiệt bác bỏ triệt để, thì việc dự thảo hiến pháp mới sẽ chỉ là uổng công vô ích, thậm chí là sai lầm có hại.
Không thể xây tòa nhà lớn trên nền giấy bản. Đã có khá nhiều đảng viên yêu cầu đổi tên của đảng, vì trong đảng không một ai giải thích được thế nào là chủ nghĩa cộng sản, nó mang nội dung gì, bao giờ sẽ thực hiện. Thật là mơ hồ, viển vông, trong khi các đảng cộng sản trên thế giới hầu hết đã đổi tên hoặc giải thể từ lâu. Sẽ lại là lãng phí thời gian, công sức, tiền của của xã hội trong hơn 2 năm nữa, thất bại tơi bời của công việc hệ trọng này đã nhìn thấy hiển nhiên từ trước. Cứ nhắm mắt làm những điều phi lý sẽ chỉ làm cho tình hình căng thẳng thêm, giới trí thức dân tộc thêm phẫn nộ, nội bộ đảng phân hóa trầm trọng, nông dân, lao đông, nhà công thương tư nhân thêm bất mãn, đảng sẽ tự dẫn mình vào ngõ cụt.
Đây là một sự cảnh báo nghiêm khắc, hoàn toàn có cơ sở.
Tất cả mọi cán bộ nhân viên được giao cho trách nhiệm trong Uỷ ban và ban biên tập, các tổ biên tập dự thảo hiến pháp mới hãy suy nghĩ cho kỹ, kẻo sẽ uổng công, phí thời gian, mất khối tiền, mà chỉ đẻ ra một đống… giấy phế thải. Sự thật sẽ là thế, không thể khác.
Từ bỏ những giáo điều dai dẳng của đảng CS phải là tiền đề tiên quyết cho việc dự thảo bản hiến pháp mới. Không có một con đường nào khác. Đây là đòi hỏi của toàn dân, của những trí thức hàng đầu của đảng, một tập thể tỏ ra ưu việt, có tâm, có tầm vượt trội vượt hơn hẳn những người trong Bộ Chính trị và trong Trung ương đảng CS hiện nay.
Bùi Tín

Không có nhận xét nào: