Về kiểm soát Internet, tự do ngôn luận, phát biểu
chính kiến, thực thi pháp quyền tại Việt Nam
Quốc hội Mỹ
Washington DC 20515
Ngày 20 tháng 9 năm 2011
Ngài David Shear,Đại sứ Hoa Kỳ tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Bộ Ngoại giao Mỹ
2201 C Street, NW
Washington DC 20520
Ngài Đại sứ Shear thân kính,
Chúng tôi xin chúc mừng ngài nhân việc gần đây ngài được xác nhận là Đại sứ Hoa Kỳ thứ năm ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Ngài được bổ nhiệm đúng vào một thời điểm then chốt, khi Việt Nam đang theo đuổi những lợi ích kinh tế có được thông qua mối quan hệ song phương của họ với Hoa Kỳ, nhưng vẫn tiếp tục không thực hiện những gì Hoa Kỳ coi là ưu tiên của mình: tôn trọng các quyền con người căn bản của công dân.
Trước khi ngài đến Hà Nội, chúng tôi hy vọng cung cấp được cho ngài một sự hiểu biết nhanh chóng, tức thời về Việt Nam thông qua góc nhìn của Quốc hội, và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi về các nỗ lực của Việt Nam trong việc thắt chặt kiểm soát Internet, báo chí, quyền tự do ngôn luận, cũng như việc họ đàn áp bất đồng chính kiến, tự do tôn giáo, tự do hội họp. Chúng tôi cũng có những mối lo ngại rất lớn về việc Chính phủ Việt Nam tỏ ra thiếu quan tâm đến pháp quyền và không thể hiện ý chí chính trị trong cuộc đấu tranh chống nạn buôn người, đặc biệt buôn bán sức lao động. Trong quá trình ngài hoạt động để đẩy mạnh những lợi ích do quan hệ ngoại giao đem lại, chúng tôi hy vọng ngài cũng sẽ là người cổ vũ cho tài sản quý giá nhất của đất nước Việt Nam: nhân dân của họ.
Quyền tự do kết nối để tăng cường quan hệ về giáo dục
Sự cống hiến của ngài nhằm thúc đẩy những cam kết của người tiền nhiệm trong việc xúc tiến hợp tác về giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam phải gắn liền với sự cổ súy cho Internet tự do. Khi chính quyền Việt Nam phong tỏa tự do Internet cũng là khi họ đang áp đặt những hạn chế lên tương lai kinh tế của đất nước, cũng như lên giáo dục và quan hệ xã hội (1) của nhân dân họ.
Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Internet ở Việt Nam kể từ năm 2000 là một bước tiến đầy hứa hẹn. Với việc ngày càng có nhiều người sử dụng Internet vào mạng và dành nhiều thời gian hơn cho mạng, Internet đã trở thành một môi trường để xã hội dân sự phát triển, nhưng nó cũng càng ngày càng là mục tiêu trấn áp.
Bất chấp việc Facebook bị chặn theo kiểu gián đoạn từ năm 2009 tới nay, tầm lan tỏa theo ước tính của Facebook vẫn tiếp tục mở rộng, cho thấy một niềm khao khát ngày càng lớn hơn – khao khát tự do kết nối. Tuy nhiên, và có lẽ do số công dân vào mạng tìm kiếm thông tin hoặc kết nối với người khác gia tăng cho nên Hà Nội đã trấn áp báo chí trên mạng, sử dụng đúng những kỹ thuật họ vẫn áp dụng đối với báo chí truyền thống; gần đây họ ra một nghị định hẳn sẽ bóp nghẹt đáng kể tự do ngôn luận trên mạng. Có rất nhiều nguồn báo cáo cho rằng các cuộc tấn công trực tuyến có xuất xứ từ Việt Nam đã phá hoại các website bất đồng chính kiến. Và, thậm chí còn đáng báo động hơn thế nữa, là một thực tế rằng hành vi hạn chế tự do Internet đã diễn ra cả ở ngoài mạng: hàng chục blogger và nhà hoạt động trên mạng đã bị quấy nhiễu, bị bắt giam trong vài năm gần đây.
Ý thức được ảnh hưởng của Internet, năm ngoái, các thành viên của Ban Công tác về Việt Nam (nguyên văn: Congressional Caucus on Vietnam) đã tiến hành các bước tiên phong ủng hộ cho việc bảo vệ tự do Internet ở Việt Nam, và đã kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) như Google và Yahoo bảo vệ quyền riêng tư của người dùng Internet tại Việt Nam; trong khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục những hành động phi luật pháp nhằm thắt chặt kiểm soát Internet.
Như Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã lưu ý trong một bài diễn văn năm nay về tự do Internet, “không có khái niệm Internet kinh tế, Internet xã hội, Internet chính trị. Chỉ có một khái niệm Internet thôi”. Chúng tôi trân trọng đề nghị ngài kêu gọi chính quyền Việt Nam trao cho công dân của họ quyền truy nhập Internet mà không phải chịu sự can thiệp và đe dọa của công an mạng.
Trấn áp người bất đồng chính kiến
Đồng thời với việc tường lửa ở Việt Nam được dựng lên mạnh mẽ hơn, chính quyền Hà Nội đã tiến hành những bước có tính toán để dập tắt những tiếng nói lương tâm ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo, những người mà “tội” của họ là cổ vũ một cách ôn hòa cho công bằng xã hội và tự do tôn giáo.
Đặc biệt, chúng tôi lo ngại về vụ xử bảy nhà hoạt động tôn giáo và dân chủ ở tỉnh Bến Tre vào ngày 30 tháng 5 năm 2011. Theo các tổ chức nhân quyền, đây là một trong những phiên tòa chính trị lớn nhất ở Việt Nam tính đến nay, và các bị cáo đều đã bị tước quyền được xét xử công khai, công bằng theo Hiến pháp Việt Nam và theo chuẩn mực quốc tế. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc trong đó người cổ súy cho dân chủ đã được đáp lời bằng án tù chính trị. Những người khác, ở đây chỉ nêu tên một số, gồm: Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, và Cha Nguyễn Văn Lý, người được tha để chữa bệnh do sức khỏe yếu, nhưng vẫn phải thi hành án. Đây chỉ là một số ít trong rất nhiều vụ việc trong đó người ủng hộ cho dân chủ được đáp lời bằng án tù chính trị.
Mục sư, linh mục, và các thành viên trong cộng đồng tôn giáo đa dạng của Việt Nam đều đang đối mặt với sự kiểm soát ngày càng gia tăng, với việc bị cưỡng ép phải từ bỏ đức tin của mình, với nạn quấy nhiễu, bắt bớ và bỏ tù vì họ đã theo đuổi niềm tin tôn giáo. Các tín đồ Công giáo, Tin Lành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV), Cao Đài, Hòa Hảo, người Thượng, người H’mong theo Tin Lành, người Khmer theo Phật giáo, và nhiều tín đồ của các đạo giáo khác đều đã thông báo về nạn lạm dụng nghiêm trọng, tịch thu xung công và phá hoại tài sản nhà thờ, và sự giám sát chặt chẽ của chính phủ đối với các hoạt động tôn giáo, các cuộc họp và hoạt động của giáo đoàn. Thay vì khuyến khích biểu đạt tôn giáo, Chính phủ Việt Nam lại tiếp tục trấn áp đức tin của nhân dân.
Chúng tôi đề nghị ngài kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân đang bị giam giữ vì đã cổ súy một cách ôn hòa cho đức tin; và chấm dứt đàn áp tự do tôn giáo. Chúng tôi khuyến khích ngài, trên cương vị Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, thường xuyên gặp gỡ các tù nhân chính trị và thân nhân của họ, bởi đây sẽ là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ coi nhân quyền là vấn đề ưu tiên trong quan hệ Mỹ-Việt. Thêm vào đó, những chuyến thăm như vậy sẽ cho ngài một dịp để lắng nghe trực tiếp những thách thức nhân quyền mà công dân Việt Nam phải đối mặt.
Pháp quyền
Chúng tôi khuyến khích ngài tập trung mạnh mẽ vào cải cách tư pháp thông qua việc đòi hỏi Chính phủ Việt Nam bãi bỏ hoặc xem xét lại những quy định hoặc nghị định có chứa các điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia như Điều 79, Điều 88 và Điều 258 – những điều khoản vẫn thường xuyên được lợi dụng để bắt giam các công dân vốn ôn hòa ủng hộ tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do lập hội. Chúng tôi cũng đề nghị ngài làm việc với chính quyền Việt Nam để đảm bảo rằng những đạo luật như Nghị định năm 2004 về Tín ngưỡng, Tôn giáo và Các Tổ chức Tôn giáo không làm hạn chế việc thực thi quyền tự do tôn giáo; và các đạo luật về xuất khẩu lao động, cũng như đạo luật vừa được thông qua về buôn người, sẽ được thi hành nghiêm ngặt nhằm trừng phạt bọn buôn người và bảo vệ các nạn nhân.
Chúng tôi mong tới ngày Việt Nam làm được như cam kết thiêng liêng của họ trong hiến pháp và trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam cũng là một bên tham gia ký; và trao cho toàn thể nhân dân của họ quyền tự do biểu đạt ý kiến, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp.
Chúng tôi hy vọng có thể hợp tác cùng ngài và cùng Chính phủ (Mỹ), sao cho nhân quyền được coi là phần không thể tách rời trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, và nhằm mang lại tiếng nói cho rất nhiều nhà hoạt động Việt Nam – những người đang cố gắng đấu tranh một cách ôn hòa cho các quyền con người trên mảnh đất quê hương họ, các quyền ấy đã được quốc tế thừa nhận.
Người dịch: Đan Thanh_ Ba Sàm blog
Người dịch chú thích: Nguyên văn tiếng Anh của từ “quan hệ xã hội” là “social mobility”. Đây là một thuật ngữ xã hội học, có nghĩa là sự vận động của cá nhân hay một nhóm người từ vị thế xã hội này sang vị thế xã hội khác, từ giai tầng này sang giai tầng khác. Thuật ngữ này thường được dịch sang tiếng Việt là “cơ động xã hội”, “dịch chuyển xã hội”, “lưu động xã hội”.
Nguồn: US Congressional Letter to Ambassador David Shear
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét