Pages

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Tình Yêu: Tình nhà tình nước

Picture 263.JPGPhạm Văn Bản
 
 
Không tình yêu con người không thể sống. Trong tình yêu con người vẫn sống. Tình yêu quyết định sự sống con người. Có tình yêu đời sống con người mới thật là sống, biết sống, quý trọng sự sống.
Vào thập niên 80 khi vừa ra tù cải tạo và vượt biển tới Thái Lan, người viết có duyên may được đọc tập thơ của tù nhân chính trị Nguyễn Chí Thiện gởi ra.
Từ sau bức màn sắt kia, lướt nhìn qua tập thơ nhàu nát của người tù hao gầy khốn khổ, mình bùi ngùi thương cảm và thầm lòng cám ơn tác giả, vì trong những bài thơ ấy đã chứa đựng cuộc tình đẹp nhất của những ai biết yêu, đang yêu, và chết cho tình yêu: Tình nhà tình nước chết chưa hết tình:
Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất đảng
Đội lại khăn tang
Đêm tàn ngay rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường mồ mả gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan tan về cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa
Kẻ bạo lực xô chân
Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trên mất mát quây quần
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng
Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng tiến quân ca
Và quốc tế ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la.
Bài thơ Nguyễn Chí Thiện quả là “ca khúc khải hoàn” của các chiến sĩ và đồng bào song phương “về với miếu đường mồ mả gia tiên.” Toàn quân từ bỏ phương tiện chiến tranh, và tạ tội trước Bàn Thờ Tổ của Làng Nước Việt – một biểu tượng tâm linh sâu vững nhất trong đại cuộc kết hợp toàn dân, xóa tan hận thù, xóa tan ngăn cách, xóa tan chiến tuyến phân chia giả tạo – để cùng nhau dựng lại Kỳ Đài Bách Việt trong xã hội Một Bọc Trăm Con. Và phải có được Tình Yêu như thế, chúng ta mới xứng đáng là con cháu dân tộc, là con cháu Việt, là con cháu của Tổ Tiên dòng giống Tiên Rồng siêu việt, trường tồn và bất diệt.
Bài thơ trên cũng là tuyên ngôn độc lập của Việt Nam sau cuộc chiến “huynh đệ tương tàn – nồi da xáo thịt” đang tiến đến những giai đoạn kết thúc, để chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, thời đại mới nhằm mang lại ơn ích, mang lại ấm no hạnh phúc, mang lại an bình thịnh vượng cho Việt Nam nhằm theo kịp tiến trình phát triển nhân loại.
Chiến tranh đã qua, chẳng những toàn dân đánh đuổi giặc nước, mà mỗi người lại còn phải tự dẹp tan mọi thứ giặc trong chính bản thân mình. Các chướng ngại được đánh tan, và với những kinh nghiệm tuyệt hảo, với niềm tin sâu sắc, với sức sống tràn đầy, giờ đây trước Bàn Thờ Tổ, khối người hiệp nhất toàn hảo và trọn tâm trọn sức cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Với cuộc sống phát xuất từ tâm khảm của những người thấm nhuần tinh hoa văn hóa Việt, từng trải qua kinh nghiệm đau thương chiến tranh. Toàn Dân Việt Nam hiên ngang bước vào kỷ nguyên mới với xã hội mới tràn đầy tình yêu, hạnh phúc làm người.
Và bài thơ trên là một thông điệp Tình Yêu và là dấu chỉ của Con Cháu Tiên Rồng, trưởng thành trong nhận thức chính trị, và khi ta biết yêu, biết sống, biết cư xử trong mối tương quan song phương đa chiều trong một Xã Hội Đồng Bào. Xã Hội Anh Em Cùng Bọc Mẹ, sẵn sàng chết cho nhau và mãi mãi có nhau.
I. Tình Yêu và Con Người
Không tình yêu con người không thể sống. Trong tình yêu con người vẫn sống. Tình yêu quyết định sự sống con người. Có tình yêu đời sống con người mới thật là sống, biết sống, quý trọng sự sống.
Tình yêu chỉ đến với những ai biết yêu trọn vẹn, yêu với trọn chính mình, yêu với người mình yêu, yêu với nơi mình sống yêu.
Người Tây phương thường lặp đi lặp lại “Chân Thiện Mỹ” như là ba tuyệt đối. Họ bỏ quên một tuyệt đối quan trọng khác là “Tình.”
Mỹ chú trọng tới thể chất, Chân thuộc phần trí khôn, và Thiện nối kết con người với phần siêu linh. Nhưng vì thiếu Tình, không chú trọng đúng mức đến Tình, cho nên không thể có nếp sống đạt được Thiện. Đây là nguyên nhân làm cho xã hội phương Tây phải lặn ngụp trong những bế tắc của vật chất hạn hẹp và của suy luận hàm hồ. Bởi thế khi thiếu Tình con người không được sống trọn vẹn là người.
Thế giới phương Tây ngày nay đang hồi tỉnh sau cơn cuồng say với những tiến bộ của nền kỹ thuật, vật lý hóa học.
Khi chỉ căn cứ trên vật lý, hóa học, y khoa, khảo cổ là các ngành khảo cứu hoàn toàn dựa trên vật chất vô thức, vô tình, thì xin hỏi khoa học làm sao có thể vượt lên khỏi thế giới vật chất?
Vậy mà ảo giác đỉnh cao trí tuệ của giới học thức Tây phương đã say mê thành quả, họ cho rằng những khám phá là những sáng tạo. Sự cuồng si đến độ họ quyết đoán rằng chỉ có vật chất mới là nền tảng, là cương vực của con người và của cả vũ trụ. Nếu kết luận như thế, có khác chi người nghiện rượu quả quyết rằng trên cõi đời này, không có gì giải khát cho con người hơn rượu! Hoặc họ như con ốc sên quen sống dưới đáy biển, chúng luôn khẳng định rằng, không còn có sự sống ngoài vùng biển nước bao la này… Quả là tai hại!
Ngày nay, văn minh vật chất đang nhận chìm tâm hồn con người trong máy móc cơ xưởng; trong rộn ràng của phương tiện truyền thông; trong chật vật mưu tìm sinh kế… Và bởi thế xã hội muốn biến con người thành những bộ máy, hay những con vật phản xạ có điều kiện.
Các chủ thuyết, chủ nghĩa, thể chế… đã chối bỏ tình yêu, đã khinh thường tình yêu, đã nhận chìm tình yêu… giết tâm hồn của mỗi người. Họ lấy những phản ứng, những cách sống khảo sát từ súc vật để biện minh cho đời sống con người, và dùng làm khuôn mẫu cho xã hội con người.
Khi quan niệm con người là con thú tiến bộ, sinh vật kinh tế hoặc động vật tiêu thụ. Khi nhìn nhận con người với một số đặc tính mà chối bỏ những đặc tính khác. Khi chủ trương con người đối xử bằng đấu tranh, hận thù, mạnh thắng yếu thua… thì sao con người có được hạnh phúc an vui?
Xã hội con người, từ đó cũng phải noi theo những thử nghiệm loài thú mà sống, mà cư xử, mà giao tiếp nam nữ… đấu tranh sinh tồn… áp bức bất công… xin hỏi có khác chi con người đang đối xử như “ác thú đấu tranh” của Cộng Sản/ Tư Bản, của Duy Vật/ Duy Lợi, chớ nào phải kiếp người?
Không tâm hồn, không tình yêu con người trở thành ác thú tàn bạo nhất.
II. Yêu người – yêu nước
Nhiều ca dao tục ngữ tình tứ đã tràn ngập trong xã hội Việt và phản ảnh quan niệm sống yêu của dân tộc Việt.
Trong suốt dòng lịch sử, Tổ Tiên chưa bao giờ coi thường tình yêu, hay ép buộc tình yêu nam nữ. Ngay trong sử sách của người Hoa cũng ghi nhận cách sống đặc biệt của dân tộc Việt, nhưng dù sao họ cũng đã thêm bớt nhằm mục đích tuyên truyền trong mưu đồ xâm lăng của họ.
Khiếm khuyết tình yêu, giới trí thức Tống Nho cố tình ngụy tạo ra một xã hội Việt đồng hóa với văn hóa Hán. Tiếp đến giới phục vụ Tây Học, các phong trào văn học của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 truyền bá tư tưởng “vị kỷ cá nhân,” chớ nào phải “tự do.” Đang khi các nhà văn học phải biết rằng điều kiện của Tự Do là Tự Chủ. Điều kiện của Tự Chủ là Tự Quyết, tức quyền tự mình quyết định. Điều kiện của Tự Quyết là Khả Năng Nhận Định và Ý Thức Trách Nhiệm… Mặt khác, họ lại tuyên truyền xuyên tạc bóp méo tư tưởng dân tộc, nếp sống thuần phong mỹ tục Làng Nước bằng những hủ tục ở thời suy thoái. Âm mưu này muốn người Việt tin rằng mình thuộc gốc Hoa, nhưng chính người Hoa thì không bao giờ coi người Việt là Hoa.
1. Văn hóa Việt khác biệt với Tống Nho
Cần phân biệt giữa lớp người theo Khổng Học với đại đa số dân chúng Việt. Đã bao thời người ta chỉ căn cứ vào sách vở, sáo ngữ của thiểu số người theo Khổng học mà gán ghép những tục lệ hủ lậu vào cho toàn thể dân tộc Việt. Và cũng bởi đó, lịch sử gây nhiều hiểu lầm, tranh chấp và tạo ra một hình ảnh của xã hội Việt khiếm khuyết tình yêu.
Lịch sử minh xác rằng đại đa số dân Việt có một nếp sống riêng, khác biệt với nhiều điều thường thấy trong tài liệu sách vở. Sở dĩ có tình trạng này, vì xã hội Việt thời ấy gồm hai hạng người: hạng biết chữ và hạng không biết chữ.
Hạng biết chữ là những người học chữ Nho, đọc tài liệu sách vở người Hoa và theo Khổng Học. Đang khi hạng không biết chữ, không biết đọc biết viết… nhưng lại biết sống theo truyền thống và đạo sống của Tổ Tiên mình.
Với sự phức tạp đó, hạng không biết chữ chiếm hơn 95% dân số. Và 95% dân chúng sống theo tình yêu, phong tục, và niềm tin dân tộc… thì lại không được biết đến bằng hạng 5% biết đọc biết viết, và biết ghi chép thành sách vở.
Giờ đây chúng ta chỉ căn cứ vào tài liệu sách vở thì chỉ được biết nếp sống dân Việt 5% và bởi thế đã có nhận định sai lầm về văn hóa Việt.
Rồi vào đầu thế kỷ hai mươi, phong trào lưu cổ tận tình cổ võ cho văn hóa phương Tây. Chủ trương là phải triệt hạ uy tín của các tầng lớp sĩ phu Việt đang lãnh đạo toàn dân thời đó. Nhiều người, có thể nói rằng nhóm văn học điêu ngoa đã đả phá những tệ đoan của giới học thức khuôn rập Tống Nho, rồi gán ghép và lầm tưởng là tệ nạn của toàn thể dân tộc Việt. Cái quái ác của thời cận đại kia, vẫn còn di hại trong nhiều thế hệ người Việt cho tới hôm nay, và nhiều kẻ nhắm mắt nói hùa theo cộng sản rằng “vua quan ta phong kiến!”
Dĩ nhiên ở thời suy thoái, xã hội lại càng có nhiều tệ đoan cần phải sửa chữa. Nhưng bởi đã không phân biệt rõ ràng giữa hai vấn đề xã hội: đâu là thiểu số và đâu là văn hóa dân tộc; cho nên, các trào lưu văn học tiếp tay với thực dân Pháp, Cộng Sản và Tư Bản tiêu diệt, hủy hoại tinh thần nhiều thế hệ người Việt Nam. Chủ trương này lại được đảng Cộng Sản Việt Nam khai thác triệt để nhằm bảo vệ chế độ cầm quyền thêm danh nghĩa trường tồn.
2. Đặc Điểm Văn Hóa Việt
Văn hóa Việt khởi nguồn từ truyền thuyết Tiên Rồng (1*) Một Bọc Trăm Con, năm mươi con theo mẹ lên núi, năm mươi con theo cha xuống biển. Bởi đó, nguyên tắc Song Hiệp luôn thể hiện trong cơ cấu tổ chức và nếp sống của dân Việt.
Ứng dụng nguyên tắc này xã hội Tiên Rồng tức Mẹ Cha bình đẳng, theo câu “Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn. Văn hóa Tiên Rồng được quốc sư Nguyễn Trãi phản ảnh trong Quốc Triều Hình Luật về sự bình quyền giữa nam và nữ, cũng như dung hòa được chủ nghĩa “Đức Trị” và “Pháp Trị.”
3. Sáo ngữ và tác hại
Lố bịch khi họ dùng sáo ngữ: gái phải tam tòng, môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nam nữ thọ thọ bất thân… gán ghép cho xã hội Việt đã cưỡng chế, gò bó tình yêu. Trong Đoạn Tuyệt, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khi phê phán bà mẹ chồng của Loan với những sáo ngữ. Sáo ngữ đó có thể đúng với 5% dân số khuôn rập Tống nho, nhưng Thần Báo xin hỏi đã lấy gì làm bằng chứng mà gán ghép một cách vô lý cho toàn thể dân Việt.
- Gái phải tam tòng. Theo Khổng học, hễ sinh ra làm kiếp phụ nữ thì phải tam tòng, tức là phải sống dưới quyền quyết định của cha, của chồng và của cả thằng con trai mà bà sinh ra. Nhưng trong xã hội Việt không có những quái đản đó. Nhiều người Việt, cả đàn ông lẫn đàn bà, thích có con trai. Nhưng không phải vì vậy mà khinh chê con gái. Trái lại cha mẹ Việt thương yêu và chiều chuộng con gái hơn con trai. Ca dao Việt Nam: “Trai mà chi, gái mà chi? Con nào có nghĩa, có nghì thì hơn.”
- Môn đăng hộ đối. Hễ làm cha mẹ, thì cha mẹ nào mà chẳng muốn con cái mình được xứng đôi vừa lứa? Nhưng xin hỏi rằng môn đăng hộ đối là gì đối với hạng 95% dân số không biết chữ, lại vừa đang phải lo cơm ngày ba bữa trong cảnh cày sâu cuốc bẫm.
- Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Với 95% dân số sống ở thôn xóm làng mạc, có cùng một chế độ bình sản, mức sống như nhau thì còn được bao chỗ nữa mà đặt.
- Nam nữ thọ thọ bất thân. 95% trai gái hằng ngày gặp gỡ nhau trong cùng thôn làng, đầu đường cuối ngõ, trên sông ngoài ruộng… cấy cày gặt hái có nhau, đạp lúa giã gạo, đi chùa đi lễ, hội hè đình đám… sao lại cứ nói chưa hề gặp mặt? Chưa hề biết nhau? Chưa hề yêu nhau?
4. Vấn đề tình dục
Trước đây nhiều xã hội và trào lưu phương Đông và Tây đều chủ trương tình dục là điều cấm kỵ, và cấm đoán trong việc gọi đích danh những cơ quan của con người. Nhưng đại chúng Việt đã không e ngại mà còn dùng những từ ngữ chỉ cơ quan sinh dục đặt tên cho con cho cháu; hơn thế nữa lại gọi tên chúng một cách tự nhiên, không mặc cảm.
Ngoài ra những câu đố, những chuyện vui cười, những ca dao tục ngữ cũng đề cập tới khía cạnh tình dục một cách thi vị mà không có hậu ý. Tuy nhiên người Việt cũng không chấp nhận sự lố lăng và lối sống thú vật của những trào lưu phương Tây. Bởi vì chính nó đã hạ thấp nếp sống và phẩm giá của con người.
Từ đó, che dấu hoặc lộ liễu quá đáng đều là những khiếm khuyết đối với người Việt.
5. Tục ở Rể
Để chuẩn bị cho hôn nhân, người Việt có tục ở rể trước khi cưới; chưa cưới nhưng chàng đã tới ở chung trong nhà. Thói tục này khác biệt với quan niệm nam nữ cách biệt (thọ thọ bất thân) và tới ngày cưới cũng chưa thấy mặt của người Hoa.
Với nếp sống làng xã, tục ở rể không cần thiết cho đôi tình nhân gặp gỡ nhau. Nhưng đây là một phương thức tuyệt hảo giúp cho gia đình nhà gái tìm hiểu cá tính của chàng rể tương lai. Sau thời gian sinh hoạt cận kề, dầu chàng trai có mưu đồ thì gia đình nhà gái cũng phát hiện tính nết và phẩm hạnh nơi chàng. Nhờ đó mà những vị làm cha làm mẹ sẵn có kinh nghiệm có thể thẩm định tầm hạnh phúc nhân duyên suốt đời của con cháu mình.
Tục ở rể cũng là dịp ngàn vàng để giúp chàng và nàng tìm hiểu nhau, chấp nhận cho nhau, yêu nhau trước khi quyết định để tiến tới hôn nhân mà sống chung với nhau.
- Chấp Nhận và Cảm Thông. Dầu bất cứ hoàn cảnh hay vì lý do gì mà đôi nam nữ gặp nhau, ngay cả những cảnh ngộ ngỡ ngàng hay có cuộc sống khác biệt… nếu hai người biết chấp nhận cho nhau, biết thực tâm tìm hiểu lẫn nhau, và biết cảm thông… thì cuộc tình đó mới hạnh phúc, và mỗi ngày tăng trưởng thêm hạnh phúc.
Nhưng ngược lại, cuộc tình dầu có được khởi sự tốt đẹp mà mỗi người cứ tự đóng khung trong ốc đảo, càng ngày lại càng xây thêm tường ngăn cách… thì chỉ đổ vỡ, đắng cay.
- Trọn Vẹn Cho Nhau. Khi yêu nhau vợ chồng phải ứng dụng nguyên tắc nhận thực chính mình vào cuộc sống hằng ngày; chỉ thấy con người và là con người trọn vẹn; chớ không vì tài sắc; gái tham tài trai tham sắc như bao xã hội đương đại. Hơn thế nữa vợ chồng phải biết dùng tài năng và của cải để giúp cho nhau thăng tiến trong cuộc sống lứa đôi, nhằm chung hưởng cuộc sống và kết hai cuộc sống thành một cho dù bất cứ hoàn cảnh nào.
Chấp nhận cho nhau, không vì bất cứ lý do gì mà lìa nhau. Sẵn sàng chết cho nhau, và mãi mãi có nhau. Khi vợ chồng đối xử với nhau như vậy thì Tình Yêu mới thực sự trọn vẹn, cuộc sống mới mỗi ngày một thêm hạnh phúc, và bền vững bên nhau.
Bài thơ Nguyễn Chí Thiện có thể nói là một Kết Hợp Tâm Hồn Dân Tộc. Đây chính là bản ca tụng tuyệt vời cho Tình Yêu. Hễ là con người, dù là bạn hay địch, chỉ toại nguyện khi được yêu thương. Con người sẵn sàng đợi chờ, khắc khoải, chịu gọt dũa miệt mài, chịu khổ nhục đắng cay, cũng chỉ để được giây phút kết hợp tâm tình trước Bàn Thờ Tổ. Và khi gặp nhau, giọt lệ cho nhau hơn vạn lời xin lỗi… những quá khứ khổ đau, những năm tháng đợi chờ ngày đoàn viên với ca khúc khải hoàn này cũng vụt tan biến.
Hãy vùng lên đi làm lịch sử tình yêu: Tình Yêu Dân Nước, và điểm tối hậu của Tình Yêu là Kết Hợp Toàn Dân.

Không có nhận xét nào: