Pages

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Tiên Lãng và báo chí ‘không lề’


Nguyễn Hùng

Hơn một tháng sau vụ cưỡng chế đất đai gây nhiều tranh cãi ở Tiên Lãng, một điều có thể thấy rõ là truyền thông trong nước và nước ngoài cũng như trong thế giới thực và thế giới ảo có nhiều điểm chung nhất trong cách đưa tin về một vụ việc xảy ra ở Việt Nam từ vài năm nay.
Điều này càng nổi bật hơn nếu so với các thông tin của các báo tạm gọi là ‘lề trái’ và ‘lề phải’ trong vụ án xử ông Cù Huy Hà Vũ hay về hơn 10 cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong mùa hè nóng bỏng của năm 2011.
Các cuộc biểu tình cách đây vài tháng cũng để lại những hình ảnh gây sốc, chẳng hạn cảnh người biểu tình Nguyễn Trí Đức bị đạp vào mặt sau khi bị bốn công an “khiêng như một con vật” giữa trung tâm thủ đô.
Tuy nhiên người ta không thấy các hình ảnh như vậy trên truyền thông trong nước.
Nhưng vào cuối năm Tân Mão và đầu năm Nhâm Thìn, vụ Tiên Lãng đã xóa đi các khác biệt và cách đưa tin của báo chí nói chung khiến người ta có cảm giác đang sống trong một thế giới truyền thông ‘không lề’.

Ít nhất đó là cảm giá của người đọc theo dõi vụ việc có thể coi là nóng bỏng nhất hiện nay khi họ bỏ qua báo của ngành công an, hay của các blogger thân ngành này và truyền thông Hải Phòng.
Đồng thuận
Vậy đâu là lý do?
Thứ nhất, vụ việc xảy ra ở cấp địa phương và báo chí ‘trung ương’ có thể mạnh dạn vào cuộc mà không phải tự kiểm duyệt ngay từ những ngày đầu.
Nhiều phóng viên trong nước đã rất xông xáo theo đuổi vụ việc bất chấp không khí căng thẳng tại xã Vinh Quang, nơi vụ cưỡng chế xảy ra.
“Sự đồng thuận của các tướng quân đội trong vụ Tiên Lãng trái ngược với tiếng nói có thể coi là lẻ loi của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh khi nổ ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi mùa hè 2011.”
Thậm chí một số phóng viên đối mặt với đe dọa bị hành hung bởi những ‘dân quân’ được sự bảo trợ của chính quyền xã, huyện.
Và thay vì đưa tin theo kiểu bất chợt rọi đèn pha trong đêm rồi vụt tắt, truyền thông trong nước đã không để vụ việc chìm vào quên lãng.
Thứ hai, sự ‘sai trái’ của cấp huyện, và ở mức độ nào đó cả cấp thành phố theo nhiều quan chức và tướng lĩnh Việt Nam, đã quá mức có thể chấp nhận được và có sự đồng thuận lớn trong giới quyền lực và trí thức ở Hà Nội về điều có thể coi là lạm quyền và bất công tại Tiên Lãng.
Báo chí và các blogs đề cập tới các khía cạnh như thu hồi đất trái luật, thu đất giao cho cá nhân khác để trục lợi, lừa dối dân khi hứa sẽ giao đất để dân rút đơn kháng án, nhân danh nhà nước để đàn áp người dân, sử dụng lực lượng công an và quân đội sai mục đích và quá mức cần thiết cũng như đổ lỗi cho người dân trong vụ phá nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Sự đồng thuận của các tướng quân đội trong vụ Tiên Lãng trái ngược với tiếng nói có thể coi là lẻ loi của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh khi nổ ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi mùa hè 2011.
Những phát biểu nhiều lần về Tiên Lãng của Tướng Lê Đức Anh, người từng là Chủ tịch nước, đã mở đường cho báo giới trong nước tiếp tục soi rọi vào vụ cưỡng chế đất gây thương vong và các diễn biến sau đó.
Hai lý do trên cũng giúp báo chí cân bằng hơn khi đưa tin.
Nếu Đài Truyền hình Việt Nam từng bị ‘ném đá’ khi có phóng sự dài về ông Cù Huy Hà Vũ mà không thấy bóng dáng người thân trong gia đình ông, trong vụ Đoàn Văn Vươn, gia đình ông đã tìm được không gian chính thống để nói lên suy nghĩ của họ.
‘Gậy ông đập lưng ông’
Nhưng nhìn kỹ lại, vụ Tiên Lãng cũng có tất cả những điều khiến nhận xét của Marx “[t]hời chúng ta bụng mang dạ chửa đầy mâu thuẫn” vẫn đúng .
Mặc dù Truyền hình Việt Nam không bị ‘ném đá’ nhưng người ta lại không thể nói như vậy về Truyền hình Hải Phòng.
Đài này có phóng sự khiến người ta nghĩ họ là phát ngôn viên của chính quyền Tiên Lãng và Hải Phòng, khẳng định chính quyền không sai và dĩ nhiên không có thời giờ cho những người thân của “đối tượng” Đoàn Văn Vươn như cách gọi của họ.

Hải Phòng bị cáo buộc điều cả trăm quân vào ‘cưỡng chế’ một nhà dân
Điều trớ trêu là chính những người mà Truyền hình Hải Phòng lên tiếng bảo vệ giờ lại chỉ trích cơ quan truyền thông địa phương đầy quyền lực này.
Trang tin Bấm Petrotimes nói họ có các đoạn băng ghi hình của Truyền hình Hải Phòng mà trong đó Đại tá Đỗ Hữu Ca, người đứng đầu công an Hải Phòng, dường như cũng đổ lỗi cho người dân trong vụ phá nhà ông Vươn và viết:
“Trao đổi với Petrotimes về thông tin trên, Đại tá Đỗ Hữu Ca cho rằng: Ông rất không hài lòng vì đoạn băng của Đài Truyền hình Hải Phòng phỏng vấn sau khi xảy ra vụ việc.
“Ông cho rằng nó bị cắt gọt không đúng với ý tưởng của ông muốn diễn đạt và ông không đổ lỗi cho ai cả.”
Nhưng chính ông Ca, trong phóng sự của truyền hình Hải Phòng mà BBC đã xem, đã coi việc phá hay không phá ngôi nhà hai tầng không phải là điều gì quan trọng.
Nay những cố gắng bảo vệ ông và các quan chức Hải Phòng của truyền hình thành phố lại có tác dụng theo kiểu “gậy ông lại đập lưng ông” khi mà Bí thư thành ủy Hải Phòng nói ông yêu cầu công an thành phố “điều tra, khởi tố” vụ án liên quan tới việc phá ngôi nhà mà ông Ca từng kiên quyết chỉ coi là “chòi” trông cá.
Chắc chắn sẽ có thêm những câu hỏi về chuyện liệu công an Hải Phòng có điều tra khách quan không khi chính vị giám đốc công an từng coi việc phá nhà là điều không có gì đáng nói và thậm chí tìm cách biện minh cho việc phá nhà của gia đình ông Vươn cho dù những câu hỏi này hiếm có khả năng sẽ xuất hiện trên truyền thông thành phố mà giờ có tên lóng là “thành phố hoa cải đỏ”.

Người đứng đầu công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca từng nói chuyện phá nhà của gia đình ông Vươn không phải là chuyện đáng quan tâm
Vụ Tiên Lãng cho thấy người dân sẽ ở thế bất lợi như thế nào nếu toàn bộ bộ máy chính quyền từ xã, huyện tới thành phố, cả hành pháp và tư pháp, cả công an và quân đội đều đứng về một phía đối lập với người dân.
Và truyền thông thành phố Hải Phòng cũng không nằm ngoài vành đai quyền lực này.
Nó cũng khiến người ta suy nghĩ nếu vụ việc xảy ra không phải ở một xã thuộc Hải Phòng mà ở giữa thủ đô Hà Nội thì thế giới truyền thông liệu có còn là ‘không lề’.

Không có nhận xét nào: