Pages

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

12 kiến nghị gửi đến Quốc hội


Hà Thành


Cần chấm dứt thái độ hy sinh nông nghiệp, nông thôn để phục vụ công nghiệp hóa và đô thị hóa; giám sát có hiệu lực các doanh nghiệp độc quyền

12 kiến nghị đúc rút ra từ các bài viết, ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2012 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức vừa được gửi tới các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.


Huy động hiệu quả nguồn lực đất đai

Trong những kiến nghị chung, có kiến nghị đổi mới phương thức phân bổ nguồn lực đất đai, một trong các nhân tố sản xuất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với thành công của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Thời gian qua, nguồn lực đất đai chưa được huy động hiệu quả nhất để trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kiến nghị cho rằng đất là tài sản đặc biệt, chỉ có thể sử dụng hiệu quả nhờ vào sự quản lý và đầu tư ổn định, lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Phải được bảo đảm an toàn dài hạn bằng việc xác định rõ chủ sở hữu, quyền của chủ sở hữu; quyền, nghĩa vụ của người sử dụng; xác lập quy hoạch, ước tính giá trị thì mới có thể tạo ra động lực để các chủ thể quản lý và sử dụng khai thác một cách hiệu quả nhất” - kiến nghị nêu nõ. Kiến nghị cũng cho rằng cần cương quyết chấm dứt thái độ hy sinh nông nghiệp, nông thôn để phục vụ công nghiệp hóa và đô thị hóa; dãn phát triển công nghiệp, đô thị về nông thôn; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cho các địa phương...

Tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước

Có tới 6/12 kiến nghị đưa ra tại diễn đàn về tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Theo đó, tái cơ cấu nguồn vốn cho đầu tư công theo hướng huy động vốn đầu tư của xã hội, giảm dần đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước và xây dựng cơ quan quản lý vốn đầu tư công hiệu quả.

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và các nguồn vốn khác của Nhà nước ngày càng chiếm tỉ trọng nhỏ hơn trong tổng đầu tư toàn xã hội nhưng có vai trò kích thích, tạo “cú hích” để thúc đẩy và thu hút các nguồn vốn thuộc các thành phần kinh tế khác. Đổi mới phân cấp quản lý kinh tế, đặc biệt là phân cấp quản lý và giám sát đầu tư, là yêu cầu cấp bách nhằm giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong đầu tư công…

Về tái cơ cấu DNNN, kiến nghị cho rằng cần xác định rõ, chặt chẽ các căn cứ, tiêu chí về thành lập, duy trì và hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế Nhà nước; không cho phép đầu tư ra ngoài những lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ cho phép; thực hiện quản trị doanh nghiệp hiện đại, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Trong quá trình tái cơ cấu DNNN, cần tổng kết việc thí điểm các tập đoàn, qua đó hoàn thiện khung pháp luật và tiêu chí cho việc hình thành, tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế. Tiếp tục mở cửa các thị trường độc quyền, đồng thời thực hiện giám sát độc lập và có hiệu lực với các doanh nghiệp độc quyền...

Lập Ngân hàng Trung ương độc lập
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH) thương mại, kiến nghị nêu rõ: Kiện toàn tổ chức hoạt động của NH Nhà nước, sớm hình thành những tiền đề cơ bản của một NH Trung ương độc lập là một nhiệm vụ ưu tiên của quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính nói chung, hệ thống NH thương mại nói riêng. Cần bảo đảm cho NH Trung ương một vị thế pháp lý có sự độc lập, không bị áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ, dẫn tới bị động trong điều hành chính sách tiền tệ.
Kiến nghị cho rằng cần giải quyết dứt điểm những rủi ro mà hệ thống NH đang phải đối mặt như nợ xấu và vấn đề sở hữu chéo. NH Nhà nước cần khoanh vùng các NH đã mất khả năng chi trả, hiện đã âm vốn chủ sở hữu để đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt, kiên quyết không cấp thêm thanh khoản; tăng cường xử lý nợ xấu của các NH thương mại thông qua thực hiện hoạt động mua bán nợ...

Theo: NLĐ.

Không có nhận xét nào: