Pages

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Bộ trưởng Thăng lý giải việc cầu Thăng Long lồi lõm

Nguyên nhân là do công nghệ về bám dính của Anh, công nghệ thi công, vật liệu của Singapore và nay chưa có giải pháp khắc phục… đây là vấn đề kỹ thuật hết sức khó và công nghệ hiện nay trên thế giới, người ta không làm cầu bản mặt thép như cầu Thăng Long nên đây cũng là vấn đề hết sức nan giải. Vấn đề này là có thật… Đinh La Thăng
Lý giải về tình trạng bề mặt cầu Thăng Long mau xuống cấp chỉ sau một thời gian được sửa chữa, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Cầu Thăng Long là một trong 5 công trình lớn. Bộ đã cho kiểm tra, mời các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về ngành giao thông kiểm tra cầu Thăng Long.

Và hiện nay cũng xác định được sơ bộ nguyên nhân là do công nghệ về bám dính của Anh, công nghệ thi công, vật liệu của Singapore. Để giảm chi phí đầu tư, chúng ta ký hai hợp đồng này riêng nên khi xảy ra vấn đề về mặt kỹ thuật, chất lượng thì nay chưa có giải pháp khắc phục”.

Giữa mặt cầu là một cái “ao” lớn. Ảnh: Kienthuc.net.vn
Nói về phương án giải quyết vấn đề, Bộ trưởng Thăng nói: “Hiện nay, chúng tôi đã làm việc với các nhà thầu của Đức, họ đặt vấn đề và tìm ra nguyên nhân là do cầu Thăng Long chúng ta làm từ năm 1980, cầu bản mặt thép và cũng là cầu bản mặt thép duy nhất của nước ta hiện nay.
Trong quá trình sử dụng 30 năm thì nó bị võng xuống và khi đưa vật liệu mới, quy trình mới lên và thi công trong điều kiện dự án nhanh, thời gian thi công vào mùa rét, nhiệt độ của vật liệu cũng như các điều kiện kỹ thuật không đảm bảo dẫn đến tình trạng chất lượng kém. Hiện nay, Bộ cũng đang tìm các giải pháp để khắc phục việc này.
Tuy nhiên, đây là vấn đề kỹ thuật hết sức khó và công nghệ hiện nay trên thế giới, người ta không làm cầu bản mặt thép như cầu Thăng Long nên đây cũng là vấn đề hết sức nan giải. Vấn đề này là có thật, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xử lý sớm việc này”.
Cầu Thăng Long được khánh thành vào ngày 9/5/1985, nối trung tâm thành phố Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, mặt cầu hư hỏng nặng ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông.
Cuối năm 2009, cầu Thăng Long được đầu tư hơn 90 tỷ đồng để bóc toàn bộ lớp phủ mặt cầu cũ, làm mới lớp phủ mặt cầu rộng 16,5 mét, dài gần 1,7 km.
Sau 3 tháng hoàn thành đưa vào sử dụng đã xuất hiện những vết nứt mới và tiếp tục được sửa chữa vào tháng 4 và 7/2010. Đến nay, dù được sửa chữa, vá nhiều lần nhưng mặt cầu vẫn hư hỏng nặng.
Theo GDVN

Không có nhận xét nào: